NGỒI XE RỜI KHỎI SÂN BAY ĐƯỢC MƯỜI phút, tôi lại bất lực trước những thứ tôi không ưa ở Urumqi. Trong khi xe chạy băng băng trong thành phố, tôi vẫn thấy túng quẫn như bị theo dõi, hệt như lần đến tham dự và rời đi sau cuộc đua. Nhưng lần này, ngồi sau xe Lu Xin với phiên dịch viên kè kè bên cạnh, nghe cô ấy giải thích tại sao mỗi đèn đường và cầu đều có lắp camera giám sát. Rốt cục, tôi cũng hiểu. Kì lạ thật. Thành phố này nhắc tôi nhớ về hồi sống trong nhà nghỉ ở Warwick năm 15 tuổi. Hồi ấy, tôi luôn cảm thấy không thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ bạo lực rình rập khắp mọi nơi.
Người phiên dịch nói, Urumqi đại diện cho mô hình giải quyết những bất ổn chính trị và căng thẳng sắc tộc của chính phủ Trung Quốc. Trước đây, từng xảy ra xung đột sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa theo Hồi giáo Sunni, tuyên bố ly khai khỏi Trung Quốc đại lục, và người Hán nhập cư theo chủ trương vận động của chính phủ Trung Quốc bằng biện pháp cắt giảm thuế.
Điển hình là cuộc bạo động giữa hai nhóm sắc tộc năm 2009, người biểu tình đổ xuống đường , đánh đập bằng ống thép và dao phay. Hơn một trăm người thiệt mạng và gần hai ngàn người bị thương.
“Anh thấy bên kia không ?” người phiên dịch hỏi. Tôi gọi cô ấy là Lil. Một cô bé địa phương học tiếng Anh tại một trường đại học ở Thượng Hải. Khi hay tin về Gobi, cô bé đã đăng kí tham gia. Tôi đã liên hệ lại với cô bé ngay khi bắt đầu hành trình.
Đường tắc, xe ì ạch bò trên con đường nằm chơ vơ giữa mảnh đất trống , có hàng rào dây thép gai bao quanh và lực lượng an ninh trang bị súng máy gác cổng. Lính gác cẩn thận theo dõi đoàn người xếp hàng đi qua một máy quét an ninh ở sân bay. Trong mắt tôi, khu này hệt như một căn cứ quân sự vậy.
“Đó là một công viên,” Lil bảo. “Anh ghé qua sân ga ở đây bao giờ chưa?”
“Rồi,” Tôi cười. “Đằng kia thì sao, kiểm tra an ninh hai bước hay gì à?”
“Ba bước đấy,” Lil đáp. “Hai năm trước, người Duy Ngô Nhĩ li khai tấn công khủng bố. Họ tấn công bằng dao và đánh bom khiến ba người thiệt mạng và bảy mươi chín người bị thương. Vài tuần sau, họ giết hại ba mươi mốt người và làm bị thương chín mươi người ở một khu chợ.”
Sau cuộc bạo động năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã lắp đặt hàng nghìn camera giám sát độ phân giải cao. Mấy năm sau, các vụ tấn công bằng dao, đánh bom và bạo loạn lại tiếp diễn, camera lại được lắp đặt thêm, dựng máy quét, hàng rào dây thép gai và cử lính vũ trang bảo vệ các tuyến đường.
Lil chỉ cho tôi xem một đồn cảnh sát mới xây dựng trên một mảnh đất nhỏ, và một đồn cảnh sát giống y hệt đang thi công dưới con đường cách đó không xa. “Ông Bí thư Đảng mới nhậm chức tháng này. Vốn là quan chức cấp cao của Tây Tạng , nên ông ấy biết cách giải quyết những vụ căng thẳng sắc tộc kiểu này. Các đồn cảnh sát và chốt an ninh mới này là ý của ông ấy.”
Tôi không cho là Lil đang châm biếm. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Lil nói tiếp, có vẻ cô bé không bận tâm lắm đến người Duy Ngô Nhĩ.
“Sáu mươi năm trước, Mao Chủ tịch đã sửa lại múi giờ nơi này. Ông muốn các vùng khác cùng sử dụng một múi giờ thống nhất với Bắc Kinh nhưng người Duy Ngô Nhĩ không áp dụng. Các nhà hàng và nhà thờ Hồi giáo nơi đây vẫn mở cửa muộn hơn hai tiếng. Khi người Hán thức dậy và bắt đầu làm việc, thì người Duy Ngô Nhĩ vẫn say giấc. Như hai gia đình khác nhau sống cùng một nhà vậy.”
Chuyện Lil kể cũng thú vị lắm. Nhưng vì trên máy bay không ngủ được nên giờ tôi chỉ muốn nhanh nhanh đến khách sạn và nằm lì trên giường.
Lil bảo không có thời gian đến khách sạn nữa.
“Lu Xin muốn anh gặp mặt cả đội trước. Chiều nào họ cũng đi tìm khắp các tuyến phố quanh nơi Gobi mất tích và dán áp phích. Chúng tôi sẽ đưa anh đến khách sạn sau.”
Ngay khi nghe họ nhắc đến Gobi, tôi chợt thấy xấu hổ vì mình chưa làm được gì cả, nên tôi không dám phàn nàn gì.
“Không sao,” tôi đáp, đúng lúc xe chúng tôi lăn bánh qua một cột đèn giao thông bên cạnh chiếc xe bọc thép chất đầy hỏa lực đủ để san bằng một ngân hàng. “Chúng ta đi thôi.”
Xe dừng trước một tuyến phố. Trông thấy khu vực Gobi mất tích, lòng tôi trầm xuống. Dọc tuyến phố là những tòa chung cư cao tám đến mười tầng. Xe cộ chạy nối đuôi nhau trên đường cái phía sau chúng tôi. Gần đó, tôi trông thấy vùng cây bụi hướng thẳng lên dãy núi trùng điệp đằng xa. Khu vực này không những đông dân cư mà giao thông còn hung hiểm. Chưa kể, chẳng may Gobi kiên quyết quay về nơi ở quen thuộc với nó, và chạy lên núi, thì cô nhóc có thể đi xa hàng dặm rồi. Giả sử Gobi vẫn ở trong khu vực bán kính ba đến năm dặm mà Chris đã khoanh vùng , chắc chúng tôi phải gõ hàng ngàn cánh cửa mất.
Trong xe, tôi không trò chuyện nhiều với Lu Xin, nhưng khi nhìn sang , tôi thấy cô đang đứng cạnh tôi và mỉm cười. Lu Xin lên tiếng , tôi nhìn Lil ý bảo cô bé ấy dịch giúp.
“Cô ấy đang kể cho anh nghe chuyện hồi chú chó của cô ấy mất tích. Cô ấy cũng cảm thấy như anh bây giờ. Cô ấy nói chắc chắn Gobi ở đâu đó ngoài kia thôi. Cô ấy bảo chúng ta sẽ cùng nhau tìm Gobi.”
Tôi cám ơn Lu Xin. Cô ấy thật tử tế. Mặc dù, tôi không lạc quan được như cô ấy. Thành phố này thậm chí còn lớn hơn tôi tưởng. Chỉ một cái nhìn cũng đủ hiểu nơi Nurali sống nhất định là nơi mà một chú chó có thể đi lạc. Giả như Gobi bị thương , và đã tìm được nơi nào đó an toàn để ẩn nấp; hoặc giả Gobi bị bắt mất, thì chúng tôi vẫn sẽ không bao giờ tìm thấy cô nhóc nữa.
Lu Xin và Lil trò chuyện rôm rả, dẫn đầu đoàn người xuống phố. Còn tôi đi theo sau cùng với những người còn lại của đội tìm kiếm: một nhóm người trạc tuổi tôi, chủ yếu là phụ nữ, họ cầm áp phích và cười giòn nhìn tôi. Tôi gật đầu lại và nói nĭ hăo mấy lần, nhưng cuộc trò chuyện rất ngắn ngủi. Tôi thấy thế cũng không sao. Chẳng hiểu sao viễn cảnh bước trên đường và dán áp phích khiến tôi cảm thấy vui hơn - bởi cuối cùng tôi cũng làm được một việc gì đó có ý nghĩa.
Rẽ vào một ngõ cụt, tôi trông thấy chú chó hoang đầu tiên trong hôm nay. To hơn Gobi, trông giống chó Labrador(1) hơn là chó sục, núm vú nó là là trên mặt đất, giống như con lợn nái.
(1) Thường gọi là Lab, một giống chó săn phổ biến ở Mỹ, thuộc nhóm chó săn mồi (tha mồi).
“Gobi ?” một người phụ nữ bên cạnh tôi dò hỏi. Chị ta mặc áo khoác màu trắng dùng trong phòng thí nghiệm, cầm một tập áp phích; chị ta cười và gật đầu với tôi khi tôi quay lại nhìn. “Kia là Gobi hả?” chị ta hỏi lại.
“Gì cơ? Không. Không phải Gobi,” tôi đáp. Tôi chỉ vào bức ảnh Gobi trên áp phích cho chị ta xem. “Gobi nhỏ lắm. Không to như con này.”
Người phụ nữ lại cười và gật đầu. Thậm chí, chị ta còn hớn hở hơn trước. Còn tôi thì cảm thấy tia hi vọng cuối cùng đang dần bốc hơi.
Chúng tôi đi bộ cả buổi chiều, dán áp phích, và nỗ lực trấn an người phụ nữ mặc áo khoác trắng mỗi khi chị ta nhìn thấy một chú chó nào đó. Lil bảo tôi chị ta là một thầy thuốc Đông y.
Khi chúng tôi bám theo sau Lu Xin và Lil - những người có vẻ ngoài bình thường và đứng đắn, chắc trông chúng tôi giống một bộ sưu tập những người lập dị lạ lùng lắm. Một là tôi, gã ngoại quốc duy nhất mà tôi trông thấy trên đường từ khi ra khỏi sân bay đến giờ, chân dài loằng ngoằng , vẻ mặt âu sầu. Kế bên tôi là Mae-Lin, một người phụ nữ cực kì quyến rũ (thợ cắt tóc, rõ ràng là thế), ăn mặc như minh tinh màn bạc thập niên 50, tay dắt một chú chó xù nhuộm lông tai màu xanh, mặc váy mùa hè ngang eo. Tiếp đó là người phụ nữ mà tôi đặt biệt danh là “thầy thuốc”, với nụ cười không bao giờ tắt và tiếng kêu háo hức “Gobi? Gobi?” mỗi khi chạy vào một con hẻm bất kì hay khi chạy loăng quăng đằng sau mấy tòa chung cư. Khi có chó hoang lại gần, “thầy thuốc” sẽ cho chúng một ít thức ăn trong túi.
Rõ ràng là họ đều rất yêu chó. Đi bộ và trò chuyện với Lil, tôi mới hiểu tại sao.
“Chó hoang là một vấn nạn ở Trung Quốc,” Lu Xin nói, Lil dịch. “Ở nhiều thành phố, người ta sẽ vây bắt và giết chúng. Sau đó bán lấy thịt. Nhưng ở đây thì không - ít nhất là không công khai. Hầu hết người Duy Ngô Nhĩ đều cho rằng chó là loài không sạch sẽ, nên họ không nuôi chó trong nhà, huống chi là ăn thịt chó.
“Vì vậy, chúng đi lang thang trên đường phố. Chúng thỉnh thoảng sẽ trở thành mối nguy hiểm, bị người ta giết. Đó là những gì chúng tôi đang nỗ lực thay đổi. Chúng tôi không chỉ muốn chăm sóc những chú chó hoang , mà còn muốn cho mọi người thấy, họ không cần phải sợ chúng mà nên chăm sóc chúng.”
Tôi dám chắc Nurali là người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tôi không biết phải tiếp nhận tin tức này của Lu Xin như thế nào.
“Cô có nghĩ Nurali sẽ chăm sóc tốt cho Gobi không ?”
Lu Xin ngượng nghịu không đáp.
“Sao thế?” tôi hỏi lại.
“Chúng tôi đã nói chuyện với một vài người. Chúng tôi nghĩ là có thể Gobi mất tích sớm hơn Nurali tưởng. Có thể Gobi bỏ nhà ra đi từ sớm rồi.”
“Sớm hơn bao lâu?”
Cô ấy nhún vai. “Có lẽ là một tuần. Cũng có thể là mười ngày.”
Tôi nghi cũng phải chừng ấy. Nghe mà đau lòng nhỉ? Nếu Gobi thực sự mất tích lâu đến thế, thì khu vực tìm kiếm sẽ rất lớn. Rất có thể Gobi đã ra khỏi thành phố rồi. Và nếu thật thế, thì tôi sẽ không bao giờ tìm thấy cô nhóc.
Những chú chó hoang chúng tôi bắt gặp từ chiều đến giờ đều độc lai độc vãng. Chúng tránh xa đường cái và chạy lon ton bên lề những con đường yên tĩnh hơn đường cái. Như thể chúng không muốn ai chú ý đến mình.
Mấy tiếng sau, rốt cục cũng thấy bầy chó hoang đầu tiên. Chúng đang lò dò đánh hơi trên một khoảng đất trống cách chúng tôi mấy chục mét. Bởi vì mệt mỏi với mấy chuyến đi bộ kiểu này, muốn thả lỏng và chạy một lúc, nên tôi bảo những người cùng đội tìm kiếm là tôi sẽ đi trước và xem Gobi có ở trong bầy chó hoang đằng kia không.
Cảm giác được chạy thật tuyệt.
Khi tôi đến chỗ bầy chó, chúng tản mát, mỗi con một chỗ. Mảnh đất không trống trơn mà có một toà nhà xây dở nằm trong góc. Tôi quyết định đi loanh quanh chứ không quay lại đi chung với mọi người.
Trời tháng Tám nóng hừng hực, nóng hơn hẳn độ cuối tháng Sáu. Càng về chiều, nắng càng gắt hơn. Chắc trời nắng quá nên không có ai lảng vảng quanh đây và tiếng xe cộ cũng lắng xuống. Tôi đứng dưới bóng của tòa nhà xây dở, hưởng thụ sự tĩnh mịch.
Bỗng, có gì đó thu hút sự chú ý của tôi. Một thanh âm quen thuộc, đưa tôi trở về ngày Lucja và tôi đến nhận nuôi Curtly, con St. Bernard của chúng tôi.
Tôi đi ra đằng sau tòa nhà để xem thanh âm đó phát ra từ đâu.
Chốc lát sau, tôi đã thấy chúng.
Lũ chó con. Hai chú chó con, tầm bốn, năm tuần tuổi, rúc trong ổ. Tôi ngắm nhìn chúng một lúc. Không thấy chó mẹ đâu cả, nhưng trông chúng khỏe mạnh lắm. Dù đối với vật nuôi, Urumqi hiển nhiên không phải thiên đường, nhưng nhà ở san sát thế này giúp những chú chó sẽ có nhiều cơ may lượm thức ăn hơn.
Trông lũ chó con thật xinh xắn và dễ thương với đôi mắt to và bàn chân nhỏ xíu vụng về. Với tất cả động vật có vú mà nói, giai đoạn vô hại và đáng yêu này sẽ sớm qua đi. Tôi tự hỏi bao lâu nữa chúng sẽ phải tự lo cho mình. Tôi tự hỏi liệu chúng có sống sót cả không.
Tôi đang định bước lại gần chúng thì nghe có ai đó gọi tên mình. Họ kích động lắm. “Thầy thuốc” chạy ra chộp lấy tay tôi, rồi giục tôi quay lại chỗ Lil.
“Họ trông thấy một con chó. Họ nghĩ đó là Gobi. Chúng ta phải đến đó ngay.”
Đầu óc tôi trống rỗng , chỉ còn tiếng vo vo bên tai.
Ngay cả Lu Xin cũng tràn trề hi vọng. Chúng tôi lái xe đến đó. Quãng đường tám trăm mét rôm rả tiếng nói cười.
Đến nơi, niềm tin cũng bắt đầu chớm nở trong tôi. Cơ mà dù sao kiểu gì tôi cũng đặt niềm tin thôi. Tôi gần như không ngủ nghỉ trong suốt ba mươi sáu giờ qua, và cũng không thể nhớ nổi lần cuối mình ăn cơm là lúc nào.
Xe dừng bánh, một ông lão tay cầm áp phích của chúng tôi đang tự giới thiệu với Lil. Hai người họ trao đổi qua lại một lúc. Ông lão chỉ vào hình Gobi trên áp phích và bảo rằng ông đã nhìn thấy cô nhóc ở một con đường nào đó đằng sau một toà chung cư.
Chúng tôi đến nơi ông lão chỉ. Tôi cố gắng giải thích với mọi người rằng vừa đi vừa gọi “Gobi! Gobi!” hoàn toàn vô nghĩa bởi Gobi chỉ mới tiếp xúc với cái tên đó có vài ngày. Cô nhóc lanh lợi nhưng không thông minh đến mức ấy.
Ấy vậy mà chẳng ai nghe tôi cả. Bài ca “Go-bi! Gooooo-bi!” vẫn cứ tiếp diễn. Đi bộ được ba mươi phút, tôi bắt đầu thấm mệt. Adrenalin(1) tăng vọt lúc nhận được tin tức đầu tiên đã chẳng còn tí nào. Một ngày như thế là quá đủ rồi. Tôi muốn về khách sạn.
(1) Loại hoóc-môn tiết ra khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, khiến tim đập nhanh hơn.
Cách đó mấy chục mét, một nhúm lông nâu vụt qua ngay trước mắt làm chúng tôi ngớ người. Ai nấy đều nín lặng. Sau đó, mọi thứ loạn hết cả.
Tôi vụt chạy về phía con chó, bỏ lại tiếng kêu la đằng sau. Là Gobi thật sao? Đúng màu lông rồi, kích cỡ cũng tương đương. Cũng có khi không phải Gobi đâu nhỉ? Làm sao suôn sẻ thế được?
Lúc tôi đến nơi, con chó đã biến mất. Tôi tiếp tục tìm kiếm, chạy hết ngách này đến ngách khác, cả những ngõ ngách bẩn thỉu giữa các tòa chung cư tôi cũng không bỏ qua.
“Gobi? Gobi! Dion! Dion!”
Có tiếng gọi đằng sau lưng tôi, đâu đó gần lối đi chính. Tôi chạy ngược lại.
Đội tìm kiếm đang tụ tập lại, vây quanh một chỗ. Họ tự động dạt sang hai bên nhường lối cho tôi. Nó đây rồi. Một con chó sục màu nâu hung đen. Mắt đen. Đuôi xù. Mọi đặc điểm đều khớp. Nhưng nó không phải Gobi. Tôi đã biết từ lúc cách nó ba mét. Chân nó quá dài, còn đuôi thì cụt lủn. Trong nó không có lòng can đảm của Gobi. Nó đánh hơi quanh bàn chân của mọi người như thể chân họ là những gốc cây vậy. Nếu là Gobi, cô nhóc sẽ ngước lên, mắt hấp háy, sâu hun hút nhìn thẳng vào bất cứ ai tình cờ ở gần nó.
Những người khác mới đầu cũng phần nào tin đó là Gobi, nhưng cuối cùng , họ phải chấp nhận hiện thực.
Cuộc tìm kiếm vẫn phải tiếp diễn.
Trở lại khách sạn, nhân lúc cơ thể chưa bủn rủn vì mệt mỏi cả ngày, tôi ngẫm lại những gì đã trải qua vào buổi chiều.
Các thành viên trong đội tìm kiếm đều thật tuyệt vời - họ tận tâm, nhiệt tình và sẵn sàng cống hiến thời gian quý báu của mình mà chẳng cần báo đáp - nhưng họ chẳng hiểu gì về Gobi. Họ đi khắp một thành phố toàn chó hoang chỉ để tìm một chú chó duy nhất. Và tất cả những gì họ có là một tấm áp phích tự in với mấy bức ảnh mờ nhạt.
Họ chưa từng gặp Gobi, chưa bao giờ nghe thấy cô nhóc sủa hay nhìn thấy đuôi cô nhóc ngúng nguẩy khi chạy. Vậy thì làm sao họ nhận ra Gobi giữa một thành phố đông đúc thế này cơ chứ?
Tìm Gobi đúng như mò kim đáy bể vậy - thậm chí còn khó hơn cả mò kim đáy bể. Chỉ có tên ngốc như tôi mới nghĩ rằng mình có thể tìm thấy cô nhóc.