Nhận được lệnh, Trung úy Hoan bàn giao lại nhiệm vụ huấn luyện bổ sung của đơn vị cho trung đội phó, xuống ngay con suối nhỏ cạnh lán của trung đội, hai tay Hoan vục xuống nước cho thỏa cơn khát, gột nhanh mấy vết bẩn trên áo, chỉnh lại chiếc xà cột bên hông và thắt lưng của khẩu K-59 lúc nào cũng kè kè bên sườn; rồi Hoan vội sang lán Tiểu đoàn trưởng Lê Hùng.
Vừa đi, Trung đội trưởng Hoan vừa thấy là lạ. Gần 11 giờ trưa rồi mà tiểu đoàn trưởng triệu tập gấp có việc gì thế nhỉ?
Ồ… Sao hai hôm nay không thấy anh Hùng xuống trung đội mình nhỉ? Mọi ngày cứ giờ huấn luyện võ thuật là có mặt anh Hùng ở trung đội của Hoan, mà anh vẫn thường hay gọi bằng cái tên: “Trung đội lai vô ảnh, khứ vô hình”. Hôm thì anh ấy dạy võ cổ truyền cho cả trung đội, hôm thì ngồi kể chuyện tiếu lâm cho cán bộ, chiến sĩ nghe, có lúc anh Hùng còn như một “quan tòa” của trung đội. Nhưng hình như Hoan được Tiểu đoàn trưởng Hùng ưu ái hơn mọi người thì phải. Có hôm anh Hùng còn kéo Hoan ra vệ suối để dạy thêm những miếng võ tuyệt chiêu của anh ấy cho Hoan. Xong rồi cả hai đều ào xuống suối tắm. Lần nào kỳ lưng cho anh Hùng cũng kể về quê, anh tự hào nhất chính là cả cha và mẹ là du kích hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Anh mồ côi từ nhỏ sống nhờ vào họ hàng, xóm giềng, lớn lên tình nguyện đi bộ đội. Có lẽ lần nào tắm Hoan cũng được anh Hùng kỳ lưng cho, lúc đầu Hoan thấy ngại, vậy anh ấy nói như quát: “Bỏ cái phản của cậu đây tớ mần, để thêm phần công lực”. Thế là cả hai cười ran. Phải thừa nhận cái “món mần lưng” của anh Hùng thật thoải mái, dễ chịu sau mỗi lần tập võ.
Cứ mông lung, Trung úy Hoan đến lán của tiểu đoàn trưởng lúc nào không hay, giọng anh Hùng vọng từ trong lán:
- Cậu Linh, cậu lấy đâu ra thịt hộp mà cho vào tô cháo nhiều như vậy?
Linh mới về tiểu đoàn thì được điều lên làm liên lạc thay cho cậu liên lạc cũ, được cử ra Bắc học. Nhìn Linh hoạt bát, lại rất bản lĩnh trong mọi tình huống khi thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm. Nhất là mấy lần đi trinh sát nắm cứ điểm địch cùng anh Hùng, Linh bao giờ cũng tỏ ra nhanh nhẹn, nhưng gan lì lắm. Thế mà giờ đứng như trời trồng, lắp bắp: “Dạ thưa thủ trưởng... là nhà bếp... ứng trước ạ”.
Như đoán được Linh nói dối, Tiểu đoàn trưởng Hùng nhìn chằm chằm vào Linh, giọng anh như thép:
- Nhà bếp hay ý kiến của cậu?
Linh như toát mồ hôi:
- Dạ… thưa… là em xin lỗi ạ.
- Cậu thật là, cậu phải rút kinh nghiệm ngay, lần sau không được làm như vậy nhé. Làm vậy là có lỗi với đồng đội đấy, cấp nào có tiêu chuẩn của cấp ấy, cậu hiểu không? - Tiểu đoàn trưởng Hùng hạ giọng.
Linh như thấy nhẹ người chút:
- Vâng em xin lỗi và sẽ rút kinh nghiệm. Mời thủ trưởng ăn cháo và uống thuốc quân y gửi đây ạ.
Tiểu đoàn trưởng Hùng cố ngồi dậy trên võng, toàn thân anh như đau ê ẩm. Với tay lấy chiếc nắp hăng gô, san ra non nửa bát cháo thịt hộp còn thơm nức, rồi tiến lại gần vỗ nhẹ vào vai Linh:
- Cậu cầm số thuốc sang bên quân y, bảo cấp số thuốc này cho những đồng chí ốm nặng hơn rồi về nấu cho tớ nồi nước xông. Tớ bị cảm chỉ cần nồi nước, đắp cái áo mưa, cái chăn lên một lúc là khỏi thôi mà. Còn bát cháo cậu cầm sang cho đồng chí Biên ở bên Trung đội đồng chí Hoan, cũng đang ốm nằm ở trong lán nhé.
- Dạ… thưa thủ trưởng, không được ạ! - Linh như nài nỉ.
- Cậu đi đi, đây là lệnh đấy! Nhanh lên…
Tiểu đoàn trưởng Hùng vừa nói vừa đưa bát cháo và gói thuốc vào tay Linh, như đẩy Linh ra cửa lán. Miễn cưỡng, Linh cầm bát cháo và gói thuốc ra ngoài.
Trung úy Hoan đứng ngoài lán, mũi như cay cay, đôi mắt chực ứa lệ. Mấy lần trước bị cảm chắc anh ấy cũng không dùng thuốc, cũng tiết kiệm từng viên thuốc khi thấy chưa cần thiết như thế này đây, cháo cá suối Trung đội Hoan mang sang mấy lần trước khi anh Hùng ốm, nghe đâu cũng đem cho chiến sĩ của trung đội khác ốm nặng hơn mình. Trung úy Hoan giật mình khi thấy Tiểu đoàn phó Dương đứng ngay sau mình lúc nào không biết. Tiểu đoàn phó Dương nói nhỏ: “Tôi ở với anh ấy hai năm rồi, tính anh ấy thế đó! Thôi ta vào đi”.
Trung úy Hoan và Tiểu đoàn phó Dương bước vào cũng vừa lúc Hùng ăn xong bát cháo. Tiểu đoàn trưởng Hùng khoát tay chỉ vào cái ghế làm bằng cây rừng, đặt cạnh chiếc võng:
- Các đồng chí ngồi đi.
Trung úy Hoan nhanh nhảu:
- Anh ốm à?
- Tôi cảm qua loa ấy mà! Có việc gấp, nên phải mời các đồng chí đến để triển khai ngay. Tôi vừa nhận được lệnh của trên, đó là phải tiến hành trinh sát nắm tình hình căn cứ khu B của địch, để phục vụ cho sư đoàn lên quyết tâm chuẩn bị cho trận đánh. Đồng chí Hoan sẽ đi cùng tôi và cử thêm mười hai đồng chí của trung đội cậu, nhớ chọn những đồng chí có kinh nghiệm nhé. Đồng chí Dương ở nhà phụ trách thay tôi chỉ huy đơn vị, chú ý chỉ đạo đơn vị tiếp tục huấn luyện bổ sung, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác giữ gìn bí mật, không được tiết lộ nhiệm vụ và ý định của cấp trên. Thời gian xuất phát là mười ba giờ chiều nay, trước lúc trời tối phải triển khai đội hình được ở gần căn cứ địch.
Tiểu đoàn trưởng Hùng vừa ngắt lời, Tiểu đoàn phó Dương đã nói chen luôn:
- Tôi có ý kiến, anh còn đang ốm, để tôi đi lần này.
- Không được! Đây là chuẩn bị cho trận đánh quyết định, do vậy tôi phải đi, để trực tiếp về báo cáo với sư đoàn. Anh Dương à, không phải tôi không tin vào khả năng của anh, nhưng một số việc ở nhà hiện nay chỉ anh mới có kinh nghiệm chỉ đạo tốt. Tôi đề nghị tất cả các đồng chí không được cho cấp trên và các đơn vị của tiểu đoàn biết tôi vừa bị ốm.
Cả Trung úy Hoan và Tiểu đoàn phó Dương đều không lạ gì tính anh Hùng, họ nhìn nhau, không hẹn trước, nhưng đều đồng thanh: “Rõ!”.
*
Chiều tháng ba dưới tán rừng Khu B, Quảng Trị nóng như đổ lửa, cả đội trinh sát của đơn vị Hùng lẳng lặng vừa hành quân, vừa phải quan sát bảo đảm an toàn, ai cũng thấm mệt, đích thân Tiểu đoàn trưởng Hùng vừa đi vừa dặn mọi người tăng cường quan sát, giữ bí mật để làm sao chập choạng tối phải áp sát được căn cứ, thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã phân công. Vừa ốm dậy nhưng Tiểu đoàn trưởng Hùng vẫn nhanh nhẹn lắm, lúc đi trên đầu đội hình, lúc lại tụt về phía cuối để quan sát, vừa đi vừa nói: “Các cậu cố lên, tan giặc ta sẽ về quê hương, không phải ở rừng rú như này nữa, cố lên các đồng chí”.
Trời chập choạng, ánh đèn pha quét từ trong cứ điểm ra ngoài, tiếng súng cầm canh của địch cũng bắn ra. Cả đội trinh sát của Hùng bắt đầu triển khai nhiệm vụ, bộ phận thì cảnh giới, bộ phận thì gỡ cắt hàng rào, dò mìn, dọn đường vào trong cứ điểm quan sát, nhưng cũng phải ngụy trang kín đáo không để sơ hở mới được, mọi việc như nín thở. Tiểu đoàn trưởng Hùng ở vị trí chỉ huy, khuôn mặt anh cũng căng ra lo lắng, nhưng có vẻ anh tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của trung đội trinh sát do Hoan chỉ huy. Một giờ, hai giờ, ba giờ… Một đêm không ngủ, tờ mờ sáng đội trinh sát do Tiểu đoàn trưởng Hùng chỉ huy đã ngụy trang lại kín đáo và rút ra ngoài an toàn, cách xa cứ điểm địch khoảng hơn ba kilômét, Hùng định cho đội trinh sát dừng chân nghỉ mấy phút để lấy lại sức rồi hành quân về đơn vị. Bỗng nhiên có tiếng máy bay trực thăng to dần. Tiểu đoàn trưởng Hùng ra lệnh:
- Không được bắn! Ẩn nấp giữ bí mật.
Một loạt, hai loạt, ba loạt… đạn trên máy bay địch bắn xuống, tiếp đó chúng thả rốc két, sát ngay đội hình của đội trinh sát… Ầm… Ầm… Những tiếng nổ chát chúa liên tiếp diễn ra, cành cây gãy rập, đất đá bụi mù. Trung úy Hoan đứng ngay bên cạnh Tiểu đoàn trưởng Hùng chỉ kịp nghe: “Tiếp tục ẩn nấp và quan sát, không được bắn, chúng thăm dò xem có lực lượng ta tiếp cận cứ điểm của chúng không thôi”. Bỗng nhiên có ai đó ấn đầu Hoan xuống rồi nằm đè lên người anh. Khi tiếng trực thăng xa dần, Trung úy Hoan bò dậy dù còn choáng váng nhưng anh đã nhận ra người vừa nằm đè lên mình chính là Tiểu đoàn trưởng Hùng.
- Trời… Tiểu đoàn trưởng! Anh bị thương rồi, Đồng chí quân y đâu, băng vết thương cho anh ấy, nhanh lên, nhanh lên…
Trung úy Hoan vừa nói vừa lật người anh Hùng lại, ôm chặt anh trong vòng tay mình, như sợ mất.
Tiểu đoàn trưởng Hùng nói trong hơi thở yếu ớt:
- Có đồng chí nào bị sao không? Hoan, cậu và một số anh em phải ở lại để tiếp tục theo dõi hành động của địch, rồi trực tiếp về báo cáo với đồng chí tiểu đoàn phó thống nhất kết quả trinh sát nắm địch báo cáo sư đoàn. Tôi và hai đồng chí chiến sĩ sẽ về trạm phẫu.
Trung úy Hoan lúc này rất bình tĩnh:
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, ta hy sinh một đồng chí ạ.
Máu trên đùi trái, cả vai trái Tiểu đoàn trưởng Hùng, thấm sang người Hoan làm cho ai cũng lo lắng, không ai bảo ai, mọi người đồng thanh: “Chúng em đưa anh về trạm phẫu!”.
- Không được! Các cậu phải chấp hành mệnh lệnh này. Đồng chí Hoan, đây là mệnh lệnh, các đồng chí phải hoàn thành bằng mọi giá. Đồng chí cho chôn cất tử sĩ, phải tiếp tục giữ bí mật và nắm chắc địch, không được nổ súng khi chưa cần thiết.
Nói rồi Hùng ngất lịm trên tay đồng đội…
*
Trừ những ngày ông ốm đau, hoặc mưa gió, còn không hôm nào ông Hoan không ra ban công tầng hai chăm sóc mấy dò hoa bất tử, loài hoa mà người tiểu đoàn trưởng năm xưa luôn yêu thích. Mỗi lần ra khu ban công này, đôi mắt ông đại tá già lại ứa lệ. Nhanh thật, mới vậy mà đã hơn bốn chục năm trôi qua, ông Hoan cứ đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, từ một trung đội trưởng, đến khi về hưu ông là một trưởng phòng quân báo của một quân khu. Trong suốt thời gian chiến đấu ở chiến trường, cũng như khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, hễ cứ gặp người cùng đơn vị cũ hoặc người trong Nga Sơn, Thanh Hoá quê thủ trưởng Hùng là ông Hoan hỏi thăm về người tiểu đoàn trưởng năm xưa, nhưng không có tin tức gì.
Đầu xuân năm 2018, qua một người đồng đội cũ, ông Hoan biết tin về thủ trưởng Hùng, ngay lập tức đã cùng con trai khăn gói lên đường vào Quảng Trị. Lòng vòng mãi, hỏi thăm mãi rồi hai bố con ông Hoan cũng đến được ngôi làng nhỏ bên dòng Thạch Hãn. Cũng thật tình cờ khi vào tới làng, người mà bố con ông Hoan hỏi thăm là một cựu chiến binh gần nhà ông Hùng.
- Ông Hùng ơi có khách đến chơi nhà này.
Quen thuộc như mọi khi ông Hùng đon đả:
- Chờ tôi chút anh Ba à.
Một lát thì thấy người ra mở cổng là một ông già chân đi khập khiễng, tay chống ba toong. Ông Hoan sững người hồi lâu:
- Thủ trưởng Hùng… em Hoan đây, Hoan Trung đội trưởng “Trung đội lai vô ảnh, khứ vô hình” đây, thủ trưởng còn nhận ra em không?
- Trời... Hoan, Hoan phải không? Đúng Hoan rồi!
Cái ba toong trong tay ông Hùng rơi lúc nào không biết. Những cánh tay rắn chắc năm xưa giờ chỉ còn lại da với xương ôm chặt lấy nhau, họ mừng mừng tủi tủi. Trời Quảng Trị hôm đó như xanh cao vời vợi hơn ngày thường, những hàng thông bên dòng Thạch Hãn như đang tấu lên bản nhạc hào hùng của một thời bom đạn, máu lửa, như mừng cho hai mái đầu bạc trắng xa cách đã lâu giờ mới gặp lại được nhau.
- Đây… là cháu Tỉnh con trai em, giờ nó là chủ nhiệm chính trị ở một huyện đội biên giới phía Bắc. Anh Hùng à, những gì anh truyền dạy em năm xưa, em đã truyền dạy lại cho cháu Tỉnh trước khi đi bộ đội. Ở đơn vị Tỉnh cũng truyền dạy lại cho một số anh em.
Ông Hoan vừa nhìn con trai vừa nói với ông Hùng, như muốn nói những ân tình, ý chí nghị lực ông Hùng dành cho ông đã được truyền dạy cho thế hệ trẻ nối tiếp.
Ông Hùng nhặt chiếc ba toong khó nhọc, Tỉnh cúi người đỡ ông Hùng đứng dậy. Ông Hùng nhìn Tỉnh chăm chú, nhưng như thân thiết từ lâu:
- Cháu giống hệt như bố ngày xưa. Này bố cháu ngày xưa cũng giỏi lắm đấy, lính trinh sát nhưng cũng không kém gì cán bộ chính trị đâu nhé. Thôi ta vào nhà nào.
Ngồi xuống ghế, Tỉnh nhanh nhảu:
- Cả nhà ta đi đâu rồi bác?
Ông Hùng nghèn nghẹn, đôi mắt như nhoà lệ, ông chỉ lên tấm di ảnh trên bàn thờ của một người phụ nữ khoảng trên sáu mươi tuổi, những nét son đẹp của thời con gái như vẫn hiện rõ trên tấm hình:
- Đấy, bà nhà tôi đó, ngày xưa tôi về tuyến sau điều trị khá dài ngày, lúc đó bà nhà tôi là y tá quân y viện nơi tôi điều trị. Rồi quen, lấy bà đó luôn, gia đình vợ tôi có mỗi mình bà là con duy nhất, thế là tôi về đây ở với bà đó từ ngày ấy đến giờ, thi thoảng mới về quê một lần. Bà nhà tôi mất đã hơn chục năm rồi, lúc nhắm mắt xuôi tay bà ấy lo nhất cho cái thằng Sáu.
Ông Hùng nhìn lên tấm ảnh sáu đứa con cả trai và gái:
- Hoan này, cậu có nhớ thằng Dũng, Hoàng, Thịnh, Tô, Lập… chúng nó quê ở Thanh Hoá ngày xưa cùng đơn vị mình không?
- Em nhớ chứ, sao không. Hồi em ra Bắc học, lúc chia tay thằng nào thằng ấy đều nhờ em cầm hộ thư ra binh trạm gửi về quê. Giờ chúng nó sao rồi thủ trưởng?
Ông Hoan như muốn biết ngay tin của những đồng đội ông năm xưa.
Ông Hùng lấy chiếc khăn mùi soa từ trong túi ra, bỏ cặp kính xuống vừa lau những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt phong trần theo năm tháng, giọng ông xa xăm:
- Mấy thằng đó, thằng hy sinh ở chiến trường, thằng phục viên chỉ một, hai năm sau thì chết vì sốt rét và bệnh tật khác, vợ chúng nó đều là thanh niên xung phong khi về lấy nhau có đứa chồng chết năm trước, năm sau thì vợ cũng chết vì bệnh tật... Đấy, con chúng nó đó.
Ông Hùng lần lượt chỉ vào từng đứa con của đồng đội cũ trên tấm hình và thuyết minh cho ông Hoan.
Ông Ba, người cựu chiến binh dẫn đường cho ông Hoan nói chen vào:
- Ông bà ấy không có con đẻ, nên nhận chúng nó về nuôi từ khi còn nhỏ, giờ chúng nó vào đại học và có nghề nghiệp ở trên thành phố. Còn thằng Sáu là đứa con út, nó là con của một người bạn vợ của ông Hùng, biết nó bệnh tật nhưng vợ ông Hùng vẫn nhận về nuôi. Thằng Sáu bị ảnh hưởng chất độc da cam nên suốt ngày chỉ nằm ở trong buồng, bây giờ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh của thằng Sáu chủ yếu do một tay ông Hùng chăm sóc, chỉ có ngày nghỉ thì mấy anh chị nó mới thay nhau về chăm sóc đỡ ông Hùng.
Ông Hoan lẳng lặng, lấy mấy tấm bánh đặt lên bàn thờ, ông thắp mấy nén nhang lặng người như tâm sự điều gì đó trước bàn thờ. Ngoài kia dòng Thạch Hãn đang hiền hòa đưa những hạt phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, cây trái tốt tươi, những quả hồng trong vườn nhà ông Hùng đang mọng đỏ mà sao cổ ông Hoan cứ nghẹn đắng: “Anh Hùng ơi, anh Hùng…”.