Chiều thu hoàng hôn đã dần buông, thỉnh thoảng từng làn gió nhè nhẹ như trải cánh đồng lúa đang thì con gái thành những thảm lụa xanh mướt. Nhà Vân hôm nay tấp nập hơn ngày thường, tiếng dao, tiếng thớt va vào nhau chan chát, thi thoảng lại thấy tiếng cười, nói của mấy bà hàng xóm:
- Thằng Tùng con cô Vân thế mà giỏi, năm nay cả cái làng Phúc Khê này chỉ có nó thi đỗ vào trường sĩ quan ở tận trên Hà Nội.
Mấy ông bác, ông chú dòng họ Nguyễn đằng chồng cô có vẻ mãn nguyện lắm. Ông Luận, ông ngoại của Tùng cũng tiếp lời:
- Thằng cháu ngoại tôi nó thông minh là giống cả cái gien họ Nguyễn và họ Lê chứ các bà tưởng.
- Phải đấy! Phải đấy!
Mấy ông già đằng họ Nguyễn nói hùa vào.
Hôm nay, ngoài việc chúc mừng thằng Tùng, ai cũng thầm khen cô Vân thế mà giỏi; chồng mất sớm, một mình nuôi dạy con ăn học, giờ nó lại thi đỗ vào trường sĩ quan quân đội. Mỗi lúc có lời khen như thế Vân cảm thấy như nở từng khúc ruột.
Tàn cuộc liên hoan mừng cho con trai. Đêm đã về khuya, không gian tĩnh mịch, trong căn phòng chỉ còn lại mình Vân. Kể từ ngày chồng cô vĩnh viễn ra đi do tai biến. Đã bao đêm cô không ngủ được, nhưng chưa bao giờ cô lại thao thức giống như đêm nay, thao thức nhớ về Tiến người bạn trai năm xưa. Vậy mà nhanh thật, thấm thoát đã gần hai mươi năm rồi còn gì.
*
Tối hôm ấy, Vân cứ hết ra cổng lại vào nhà. Chải đi chải lại mái tóc dài đen óng, chốc chốc cô lại hướng về phía cổng, vẻ bồn chồn. Thấy vậy ông Luận bố của Vân nói như quát:
- Vân! Mai lên trường học rồi, từ đây đến Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Ninh những hơn một trăm cây số, vào mà đi ngủ, không mai mệt lắm đấy. Mày còn chờ đợi ai? Hay lại chờ cái thằng chết tiệt ấy?
Thấy thái độ bố khác với mọi hôm Vân như dò xét:
- Sao bố lại nói thế? Anh Tiến là người bạn tốt nhất của con.
- Hừ! Con gái con nứa, cho ăn học tao tưởng mày hiểu cái sự đời, chứ sao lại tối tăm thế hở con? Ở đời này cứ nghèo là khổ, chẳng ai họ thèm để ý, có tiền là có tất con ạ!
Thấy bố quát, Vân như run lên, cô vội vào nhà vừa định ngồi xuống ghế, ông Luận lấy chiếc quạt mo cuộn lại chỉ ra giữa nhà:
- Mày đứng ra đây, đứng nghiêm lại tao xem nào! Từ giờ trở đi mày cắt đứt quan hệ với cái thằng đấy đi nhé! Mày học xong có cái nghề, rồi trở thành người nhà nước. Còn cái thằng Tiến mới chỉ học hết cấp hai, nhà thì như cái chuồng lợn. Mày định sau này sang đó mà ở à?
Bà Dâu, mẹ của Vân vừa đi từ ngoài vào vừa vấn cái khăn mỏ quạ, hai tay vắn hai bên cạp quần lên, ngồi phịch xuống ghế, nhổ toẹt miếng bã trầu đang nhai vào cái ống nhổ, đưa tay quệt hai bên mép, bà tiếp lời:
- Ông nói phải đấy! Nhà nó ăn còn không đủ nói gì lo cho con cái được đàng hoàng, con Vân sau này mà làm dâu nhà đấy thì khổ cả đời.
- Là cái chắc - Ông Luận đế thêm - Nhà nó vẫn còn nợ nhà mình mấy thùng thóc vay lãi, tao còn chưa thèm tính. Nay mai đến vụ, không phơi già, rê sạch mang sang đây là không xong với tao.
Cái giọng chanh chua của em gái Vân từ trong buồng vọng ra:
- Chị đẹp thế lo gì, ra thị xã học thiếu gì anh xin chết. Cái nhà anh Tiến vậy mà sĩ lắm, hôm nọ em thấy anh ấy đi qua nhà bà Loan, bà ấy gọi vào cho cái áo cũ của anh Thụ, thế mà anh ta không lấy, cứ cùn cụt đi.
Làng nhỏ bên sông Trà Lý hôm nay im lìm, mấy con dế quanh nhà Vân như cũng đi ngủ sớm, lũ ếch, nhái dưới ao bèo cũng chẳng thèm kêu ồm ộp.
Vân như muốn khụy xuống, cổ cô tắc nghẽn, nước mắt cứ trào ra, thấm vào tay áo lành lạnh. Đúng lúc đấy Tiến đến. Không như mọi ngày con vện cứ thấy anh là khịt khịt mấy cái rồi vẫy đuôi khoanh tròn bên hiên nhà. Hôm nay Tiến mới chỉ đến cổng, nó đã sủa và định lao ra cắn. Như đoán được Tiến đến, ông Luận quát khẽ:
- Vân! Mày vào trong buồng ngay! Ở im trong đó, tao cấm mày không được lên tiếng.
Tiến bước vào nhà với bộ trang phục mới. Hôm nay anh còn sơ vin gọn ghẽ, đôi dép nhựa Tiền Phong chắc mới mua, mái tóc cắt ngắn, trông anh như chững chạc hơn mọi ngày. Trên khuôn mặt rạng rỡ, vẫn có nét hồi hộp:
- Cháu chào hai bác!
- Không dám, chào anh.
Tiếng bà Dâu như đai ra. Ông Luận co cả hai chân lên bộ sa lông bóng loáng. Ông với tay tắt cái rađiô, rồi chỉ vào chiếc ghế đôn màu gỗ đã bạc phếch:
- Anh ngồi xuống đấy!
- Cháu cảm ơn bác - Tiến vừa nói vừa từ từ ngồi xuống. Chiếc ghế cũ ọp ẹp như sắp gãy.
Thấy thái độ của bố mẹ Vân khác mọi ngày, Tiến bối rối:
- Thưa hai bác, Vân có ở nhà không ạ?
Im lặng. Ông Luận rót hai chén nước chè, đưa cho bà Dâu một chén, chén còn lại ông thổi phù phù mấy cái rồi uống cạn. Đặt mạnh cái chén xuống bàn, giọng ông gắt lên:
- Vân viếc gì. Con tôi nó đi ngủ rồi, sáng mai nó còn lên trường học. Nó nói không muốn gặp anh nữa. Mà tôi cũng nói luôn cho anh biết, từ giờ trở đi, anh đừng có qua lại với nó. Tôi là tôi cấm tiệt!
Bà Dâu bóng gió:
- Đũa mốc còn đòi chòi mâm son.
Tiến thấy cổ mình nghẹn đắng, lồng ngực như có vật gì đè lên. Chao ôi! Bao ước mơ, dự định của mình dừng lại ở đây ư? Sao Vân lại không muốn gặp mình? Hay mình đã làm điều gì để cô ấy buồn?
Ông Luận cầm chiếc quạt mo phẩy mạnh làm chiếc đèn Hoa Kỳ chút nữa thì tắt. Ông giục bà Dâu:
- Bà không đi ngủ đi, còn ngồi đây làm gì? Dầu đâu mà thắp suốt.
Thấy vậy Tiến đứng lên.
- Chào hai bác cháu về. Bác cho cháu gửi lời chúc Vân lên đường may mắn. Cháu gửi cái này cho Vân, nhờ bác đưa giúp cháu!
Nói rồi Tiến bước nhanh ra cửa...
- Anh cầm về đi!
Cùng với tiếng của ông Luận là một vật gì rơi đánh bịch ngay dưới chân Tiến. Anh cúi xuống, mấy con trâu làm bằng lá mít đã tung ra. Anh nhặt cái hộp lên bỏ thứ đồ chơi mà anh và Vân hay chơi từ thủa nhỏ. Tiến ôm chặt vào lòng lặng lẽ ra về. Màn đêm như quánh lại, bưng lấy mắt, Tiến loạng choạng suýt ngã. Một làn gió lướt qua làm anh khẽ rùng mình, tiếng côn trùng cứ ri rỉ như than vãn.
Vân định ra ngoài với Tiến. Nhưng cô sợ. Bố cô vốn nổi tiếng gia trưởng ở cái làng này. Vân cũng muốn lên tiếng, đứa em gái bịt miệng cô lại:
- Chị muốn bố cho ăn đòn à? Mai lên trường rồi giờ mà ra gặp anh ấy thì khác gì đổ dầu vào lửa.
Vân chẳng biết làm sao, chỉ ôm mặt nuốt nước mắt vào lòng...
Trời vừa hửng, ngồi trên xe ô tô đến trường, làng nhỏ ven sông Trà cứ lùi dần, lùi dần sau lưng Vân. Cô như không muốn rời xa nơi đã cho cô nên vóc, nên hình và cất giấu bao kỷ niệm. Anh Tiến ơi, xa anh mà em không gặp, không nói với anh được một lời! Anh hãy thông cảm cho gia đình em, hãy đợi em về, đợi em anh nhé...
Cuối tháng chín ta, lúa ngoài đồng đã chín rộ. Cả làng Phúc Khê như nhộn nhịp hơn, nhà nào cũng tập trung thu hoạch vụ mùa. Tiến chẳng thiết làm gì cả. Đầu óc cứ suy nghĩ mông lung. Nhìn cái dáng tất tả của mẹ, cái lưng đẫm mồ hôi của cha sau những buổi làm đồng về anh không cầm lòng được. Tiền đóng học phí cho mấy đứa em tháng này còn chưa có. Nghĩ vậy Tiến tự nhủ: “Gì thì gì, mình vẫn phải sống, phải lao động, phải tiếp tục đi học...”.
*
… Đêm thu trời se lạnh. Nhìn phòng con trai còn sáng điện, Vân nhẹ nhàng bước sang. Tùng tay vẫn cầm bút, đầu gục xuống ngủ từ bao giờ. Lấy chiếc áo đắp lên người cho con, lòng Vân như thắt lại. Mặc dù có người bố chẳng ra gì, Tùng vẫn ngoan ngoãn, chịu khó học, các môn cơ bản toàn đạt điểm khá, riêng có môn toán là hơi kém. Vân cảm thấy lo lắng. Không biết con có đạt được nguyện vọng thi đỗ vào trường sĩ quan mà nó yêu thích không? Những ý nghĩ cứ vẩn vơ làm Vân không tài nào chợp mắt được.
Mới hơn sáu giờ sáng, ông ngoại của Tùng đã lóc cóc đạp chiếc Phượng Hoàng đến, vừa vào sân ông đã oang oang:
- Thằng Tùng ôn thi đến đâu rồi?
Vân vừa đẩy cánh cửa, vừa nói:
- Cháu nó đang ôn ông ạ. Con thì con cứ lo lo, môn toán của cháu hơi non.
Ông Luận khẽ nhếch mép:
- Mày chán thật! Trẻ mà chẳng chịu tìm hiểu gì cả. Thời đại nào mà chẳng phải tiền. Học giỏi mà không có tiền thì cũng vứt. Mày xem thằng Nam con ông Đông ở xóm trên ấy, học thì dốt như bò thế mà lại đường đường là sinh viên ở một trường sư phạm trên thành phố. Hay như cái Loan nhà bà Lanh cũng thế, đi buôn chán chê mấy năm vậy mà giờ cũng là cô giáo mầm non. Nghe bảo nó cũng có bằng cao đẳng chính quy đàng hoàng.
Im lặng. Một lát Vân ngập ngừng:
- Nhưng tiền biết bao nhiêu cho đủ. Con thì làm gì có nhiều tiền mà chạy cho cháu. Con có biết đường nào đâu mà chạy?
Ông Luận nhìn con gái như thương hại:
- Mày không có thật à con? Thôi được rồi thiếu bao nhiêu tao cho vay, không tính lãi đâu mà lo. Còn đường nào cứ lên cái trường ấy sẽ biết, tiền nó sẽ dẫn đường cho, con ạ!
- Nhưng mà con...
Vân vừa cất lời thì ông Luận đã xen vào:
- Không nhưng nhiếc gì hết. Bằng giá nào mày cũng phải lo cho thằng Tùng vào học trường sĩ quan. Đi càng sớm càng tốt, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn con ạ. Mai sang nhà, tao đưa tiền cho.
Nói rồi ông Luận cúi xuống, xắn cao hai ống quần, dắt xe ra về.
*
Vân ngập ngừng… Cô nhìn kỹ lại địa chỉ trên tờ giấy mà người dẫn mối ghi cho. Đúng số nhà rồi. Sao mình thấy hồi hộp quá… Hay là… Vân đắn đo. Nhưng thôi, chẳng còn cách nào khác, mình cũng thử liều xem sao. Vân quyết định gõ cửa.
- Mời vào!
Cửa vừa mở. Cô như không tin ở mắt mình nữa. Người đàn ông ra mở cửa lại chính là Tiến. Vân quá bất ngờ không thốt lên lời. Tiến cũng đã nhận ra cô. Anh lắp bắp:
- Trời ơi... Vân! Sao em lại tìm được đến đây?
- Anh Tiến. Em... Em không ngờ lại gặp anh ở đây. Em vẫn tưởng anh còn công tác ở Hải Phòng kia mà?
Tiến dường như đã lấy lại bình tĩnh.
- Ừ, thôi vào nhà đi đã.
Rót cốc nước đưa cho Vân, Tiến ân cần:
- Thế có việc gì...
Vân định nói những gì cô và bố cô đã bàn sẵn ở nhà. Nhưng thế này thì khó quá. Mình có nên nói chuyện tiền nong không? Liệu phải nói với Tiến thế nào đây?
Như đoán được tâm trạng của Vân, Tiến nói:
- Vân này. Chúng mình là bạn của nhau từ thủa nhỏ. Ông trời không cho chúng mình đẹp duyên, nhưng những tình cảm bạn bè thì còn mãi mãi.
- Anh Tiến… - Giọng Vân như nghèn nghẹn - Anh có biết hồi đó, mỗi lần gửi thư đi cho anh là một lần em đợi chờ trong vô vọng...
Tiến ân cần nắm lấy tay Vân:
- Hồi đó anh cũng giận em lắm. Anh không thể tin em lại chóng quên như thế. Mãi sau này, mẹ anh thú thật vì giận gia đình em quá, đã đốt hết thư. Em có biết lúc đó anh đau đớn như thế nào không? Vân ơi. Đúng là chúng mình có duyên mà không có phận... Nhưng thôi cái gì đã qua, mình cứ để nó ngủ yên... Trước mắt vẫn còn cả tương lai phải không em?
Vân ngước nhìn Tiến đầy yêu thương, xen lẫn chút ân hận, xót xa.
- Thôi bây giờ có điều gì khúc mắc em cứ nói với anh.
Tiến lên tiếng như muốn xóa tan không khí nặng nề. Đôi mắt Vân nhìn anh tin tưởng:
- Cháu Tùng nhà em đăng ký thi vào trường của anh. Nhưng em lo lắm. Các môn học của cháu cũng tàm tạm, riêng môn toán thì non quá. Vì thế bố em muốn lo trước cho cháu. Qua môi giới em đã đi mấy nơi nhưng không được. Suy nghĩ mãi em quyết định chỉ có đến nhà trưởng khoa. May cho em lại gặp được anh. Em biết, việc này một mình anh không thể quyết định được, còn cả một hội đồng, còn nhiều việc liên quan. Em chẳng quen ai cả, cũng chẳng biết phải làm như thế nào nữa. Thôi trăm sự em nhờ cả vào anh, mong anh cố gắng giúp mẹ con em.
Vừa nói Vân vừa lấy bọc tiền để ra bàn. Tiến nhìn thẳng vào mắt cô:
- Anh rất hiểu lòng em. Anh biết việc này là em chiều theo ý bố. Anh nghĩ cháu Tùng chỉ là hổng kiến thức thôi, phụ đạo thêm một thời gian sẽ ổn. Vậy em cứ đưa cháu lên đây anh và các thầy ở trên này sẽ kèm cặp thêm cho cháu. Thời gian từ nay đến hôm thi còn hơn một tháng nữa. Em cứ yên tâm và tin tưởng ở anh. Còn tiền em hãy mang về.
Vân không dám nói gì thêm, vì cô biết tính Tiến. Thôi đành vậy, đành gửi con cho Tiến và các thầy phụ đạo, may ra…
Vân về đến nhà cũng vừa lúc trời nhá nhem tối. Ông Luận đã đợi từ bao giờ. Thấy Vân ông hỏi dồn dập:
- Thế nào rồi con? Có gặp được người ta không? Họ có nhận tiền không?
Vân mệt mỏi trả lời:
- Bố có biết hôm nay con gặp ai không? - Rồi không để ông kịp ngạc nhiên Vân nói tiếp - Nay con đã gặp anh Tiến, anh ấy chính là trưởng khoa trường thằng Tùng thi bố ạ.
Ông Luận cắt ngang:
- Thằng Tiến người yêu cũ của mày hở? Nó mới chỉ học hết cấp hai, thì trưởng khoa cái nỗi gì? Hay là mày lại nhầm với ai?
Đôi mắt Vân đỏ hoe từ lúc nào, giọng cô như đầy nước mắt:
- Bố thì lúc nào cũng chỉ coi thường người khác. Bao nhiêu năm qua, anh ấy đã học hành, hết trường nọ đến trường kia, không những có bằng đại học, mà còn vừa lấy bằng thạc sĩ!
Ông Luận ngồi ngẩn ra... Ông không ngờ cái thằng con nhà đấy mà cũng làm đến chức to như thế. Rồi như thói quen, ông bật hỏi:
- Thế nó nhận tiền…
Vân chậm rãi lấy bọc tiền đưa cho bố. Thấy vẫn còn nguyên, ông thở dài:
- Khéo là hỏng rồi con ơi… Ở đời, bố chưa thấy ai chê tiền bao giờ! Thôi, thôi hay là chạy cho nó thi vào trường khác?
Vừa nói ông vừa đếm lại bọc tiền. Cô kiên quyết:
- Con đã quyết rồi...
Ông Luận cầm gói tiền đứng dậy:
- Thôi thì tao cũng kệ mẹ con mày.
Ông cầm cái đèn pin, lùi lũi đi ra ngõ.
Vân nằm trên giường, nước mắt cô chan chứa. Bố mình thật quá đáng. Không biết đến bao giờ ông mới chịu hiểu, ở đời còn bao thứ, tiền bạc không thể mua được. Bất giác hình ảnh Tiến lại hiện về trong cô, nghĩ mà thương anh, thương người con trai lam lũ từ khi mái tóc còn xanh giờ đã ngả màu muối tiêu.
… Những tia nắng sớm rọi qua khe cửa, làm Vân tỉnh giấc. Mấy con chích chòe đang đùa nhau ríu rít ở sau vườn. Ông Luận từ ngoài hớt hải đạp xe vào:
- Vân. Vân ơi! Có giấy báo nhập học của thằng Tùng đây này. Thật cứ như là mơ ấy.
Vân chạy ra, ấp tờ giấy báo nhập học vào ngực mình, niềm vui làm cô như nghẹn lại. Vân ngỡ ngàng, điểm thi của Tùng khá cao, nhất là môn toán được những tám điểm.
Thấy cảnh đó, ánh mắt ông Luận chợt như đờ đẫn, xa xăm. Ông không dám nhìn thẳng vào Vân. Ông cũng vui lắm chứ, nhưng trong niềm vui của ông như chất chứa bao ân hận.
Những suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của ông mất rồi. Ông không ngờ trên đời này lại có nhiều người tốt đến vậy. Ông cũng không ngờ Tiến lại đối xử tử tế với gia đình ông như thế. Ở đời, nếu cứ đánh giá con người bằng quá khứ thì thật là hồ đồ. Cái ý chí quyết tâm và cái tình người mới thực là đáng quý, đáng trọng!
Vân ơi. Hãy tha lỗi cho bố! Ông muốn cất lời, nhưng cổ họng cứ nghẹn lại…
Ngoài kia nắng đã chan hòa, cả khu vườn lung linh một màu xanh tươi tắn.