Từ ngày ông Lê Đình Tuyển thương binh thời chống Mỹ, cứu nước chết, ngôi nhà của ông vẫn sạch sẽ, ngày giỗ, ngày tết hương khói vẫn nghi ngút, trong vườn cây trái vẫn xum xuê, những ngày ấy luôn thấp thoáng bóng dáng người đàn ông trung niên. Đó là Tú, là con ruột của ông Tạ Đình Hoàn và bà Đỗ Thị Lan. Tú không to cao vạm vỡ, nhưng nhìn chất phác, dễ gần… cả cái làng Đồng người già và người cùng thời ai chả biết Tú!
Vào những năm đầu của thập niên 80, sáng nào cũng vậy, cứ từ chái nhà tiếng chiếc cối giã gạo vang lên thình thịch, hay tiếng chiếc cối xay rào rào, ù ù, như đã thành thói quen, Tú dậy xuống ngay giúp mẹ. Chả là mẹ Tú làm hàng xáo. Gạo nhiều đó nhưng buổi sáng cả nhà Tú chỉ với nồi cháo vừa vặn mỗi người một bát, bát cháo ấy dùng đũa thì không vớt nổi chút cái nào, chứ chưa nói gì đến ăn cơm, thì chỉ vài bữa là lẹm vào vốn hàng xáo của mẹ Tú. Hàng ngày bố Tú cũng dậy sớm lúc thì dậy chuẩn bị lại bộ dây chão buộc chặt với cái vạy, cái cày, lúc thì dậy tranh thủ ra vườn, xuống ao… nhìn dáng lam lũ của bố Tú không ai đoán được tuổi ông.
Ngày nào cũng vậy cứ xong việc giúp mẹ, húp vội bát cháo, Tú lại cắp chiếc cặp đan bằng cói có hai ngăn, cùng với bộ quần áo, mà chiếc quần đã được mẹ Tú mạng hai mông bằng hai mảnh vải khác màu. Ấy vậy mà Tú giữ gìn lắm, chỉ có đến trường Tú mới mặc, bởi nó là bộ quần áo duy nhất. Tan học Tú cứ như chạy trốn ai đó, về đến nhà hôm thì ăn vội bát cơm độn khoai, hôm thì cơm độn đỗ cô ve, thoáng một cái Tú đã có mặt ngoài đồng cùng với cái thuổng, hay cái giậm to hơn người, hôm thì cái giỏ theo sau máy cày để vớt cá, tôm, bắt con cua đồng nổi do sặc nước đục. Cái gì chứ cái môn bắt cá, bắt tôm, không biết có phải ông trời thương gia cảnh Tú không nhưng không bao giờ Tú chịu về giỏ không, bọn bạn bằng trang lứa gọi Tú là “rái cá”.
Hôm ấy, đi bắt cá về nhìn Tú như vừa lo vừa sợ gì đó, mẹ Tú vừa sàng gạo, vừa hỏi:
- Sao vậy? Ốm à con?
Tú vẫn im lặng không nói không rằng, cởi giỏ ra, để chiếc giậm lên mái bếp, nó tụt xuống hai ba lần mới để được, chả là cái bếp nhà Tú vẫn là tường đất, lợp mái rạ. Nhìn thấy con như thấm mệt bà Lan đi ra giếng, tay bà với sợi dây, kéo lên lấy một chai nước bằng nhựa, nước đó đã đun sôi bà ngâm xuống giếng cho lạnh chút, đưa cho Tú uống, ngày ấy cả làng chưa nhà ai có tủ lạnh, nói gì đến gia đình Tú. Tú đón chai nước từ mẹ làm một hơi gần hết, như trút đi phần nhẹ nhõm lo lắng.
- Con đưa giỏ cá đây, mẹ lọc nó ra, xem con nào bán được, con nào không bán được thì để ăn.
Cầm giỏ cá, bà Lan hiểu phần nào thái độ của Tú, bà cười đôn hậu:
- Không sao đâu con. Hôm được hôm không, có gì mà buồn. Thôi uống hết nước đi rồi đi tắm.
Mắt Tú chực ứa lệ, sống mũi cay cay:
- Mẹ… Mẹ cho con xin lỗi… Lâu nay con vẫn dối bố mẹ, những lần cá ít là do con bớt lại cho bà Năm ở đầu làng và bác Tuyển nhà gần sân kho hợp tác xã.
Bà Lan như trách yêu con:
- Bố anh… Mẹ biết con làm việc đó từ lâu rồi, không sao đâu con! Thật ra mẹ cũng vui khi con biết làm những việc như vậy! Gia cảnh bà Năm cũng khổ, chồng thì hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, đứa con duy nhất thì hy sinh ở biên giới, cũng khổ, đã thế bà ấy còn lòa, sống có một mình, nhưng dẫu sao còn có họ hàng thân thích gần bên. Còn bác Tuyển một cái chân và một mắt để lại Khe Sanh khi đánh nhau với thằng Mỹ, không có đứa con nào, vợ bỏ đi lấy chồng khác, anh em họ hàng thì ở tỉnh khác. Mà Tú này hôm nào con cho bác ấy cá, tôm nhớ làm hộ sạch cho bác ấy nhé.
Mặt Tú như giãn ra. Vậy mà lâu nay mình giấu bố mẹ, mình cứ nghĩ không ai biết. Thật ra mọi người biết mọi chuyện không trách mình mà còn động viên mình nữa chứ, mình thật là có lỗi!
Cuộc sống của Tú cứ vậy trôi qua. Thời gian thấm thoát nhanh thật, Tú đã bước vào học cấp ba với số điểm thi tuyển cao nhất khối. Tú vui lắm, vui vì ước mơ của Tú đã thành hiện thực. Bước vào cấp ba học được hơn hai tháng, cô giáo chủ nhiệm nhắc đóng tiền học phí tới ba lần rồi. Không phải Tú quên mà gần hai tháng qua, mẹ Tú không đủ sức làm hàng xáo, lúc thì nằm trên viện, lúc thì nằm ở nhà, việc đồng áng đổ dồn lên vai bố và Tú. Tiền bố Tú đội cát thuê từ xà lan lên bãi sông và tiền bắt cá còn phải vay thêm mới đủ lo tiền thuốc cho mẹ. Tiền học phí các em đều vay. Giáp hạt vụ rồi Tú theo bố lên nhà ông Luật vay nợ lãi mấy thùng thóc cho đến mùa gặt mới trả. Ấy vậy mà Tú vẫn mang cá qua nhà bà Năm và bác Tuyển.
Cuối tháng chín ta, cả làng Đồng như nhộn nhịp hơn, nhà nào cũng tập trung thu hoạch vụ mùa. Đầu óc cứ suy nghĩ mông lung. Nhìn mẹ bệnh nằm đó, nhìn cái lưng đẫm mồ hôi của bố sau những buổi làm đồng về Tú không cầm lòng được. Tiền đóng học phí cho mấy đứa em tháng này còn chưa có. Mình phải dừng học thôi, nhưng có cơ hội nhất định mình phải học, phải tiếp tục học nữa.
*
Nhanh thật, đã ba năm kể từ ngày Tú nghỉ học, ngần ấy năm mỗi lần nhìn thấy bố tất tưởi, đi đâu cũng vội vàng để về với cái cày, cái cuốc. Mấy năm qua Tú cũng có thêm hai tay lưới, mấy chục cái đó nhỏ để đêm đêm làm bạn với sông nước. Ông trời hình như cũng chạnh lòng, xót thương với gia cảnh của gia đình Tú, cho mẹ khỏe lại, bà Lan lại cần mẫn với cái cối xay thóc, cái cối giã gạo từ sáng tinh mơ.
Năm nay Tú đã mười tám tuổi, cái tuổi mà bạn bè Tú đứa đã đi học đại học, học trung cấp ở mãi tận thị xã, đứa nhận xong bằng cấp ba đi thi tuyển làm công nhân. Không có cái bằng cấp ba đó Tú buồn lắm, có lúc Tú thẫn thờ bên dòng Trà Lý, như vô định một điều gì đó. Điều buồn nữa là mối tình đầu của Tú bị gia đình bạn gái ngăn cấm. Trái tim Tú như bị vật gì chạm tới, nó cứ ri rỉ, âm ỉ quặn thắt ngày qua ngày… Hình như mỗi lần thẫn thờ, dòng Trà Lý như vuốt ve tâm hồn làm cho Tú dịu bớt đi bao khó khăn, đau khổ. Nhưng có lẽ người thân, gia đình bà Năm, bác Tuyển luôn tiếp sức cho ước mơ, hoài bão của Tú ngày càng lớn dần.
Tú không bao giờ quên cái buổi chiều định mệnh ấy! Trời đang nắng bỗng dưng tối sầm, đổ mưa, những hạt mưa quất mạnh vào mặt, chiếc giậm bị từng đợt gió làm méo mó. Tú vội về. Đi qua khu nhà bác Tuyển thấy mọi người đông nghịt, linh tính có chuyện Tú vội vào nhà, vừa đến cửa ông Việt nhà bên cạnh nói vội: “Đây rồi nó đây rồi… ông Tuyển à. Vào nhanh với ông ấy đi cháu…”.
Tú vất cái giậm xuống, chưa kịp cởi chiếc giỏ ra khỏi người, bước nhanh vào nơi ông Tuyển nằm: “Bác ơi con về đây, sáng bác còn ra vườn cơ mà, sao giờ ra nông nỗi này?”.
Ông Tuyển đưa tay nắm lấy vai Tú, đôi mắt ông nhòa lệ:
“Bác không qua khỏi rồi... Bác ra đi mọi việc có cấp ủy, chính quyền người lớn lo hậu sự… chỉ có điều lâu nay bác không nói với con được…”.
Tú ngắt lời ông Tuyển nói trong nước mắt: “Không! Rồi bác sẽ khỏe… Bác không sao đâu, con đi làm cá nấu cháo cho bác ăn nhé”.
Vừa nói Tú vừa đưa chiếc giỏ bên cạnh lên: “Mấy con rô đồng béo này con nấu cháo bác ăn nhanh khỏe mà…”.
Ông Tuyển cố gắng chút sức lực cuối cùng, đôi mắt như không còn lệ, đôi tay run run, với lên đầu giường, ông đưa cho Tú tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, cái thẻ thương binh, một ít giấy tờ gì đó. Giọng ông thều thào: “Con nhớ ngày giỗ, ngày tết thắp cho Bác nén nhang… Cố gắng lên con, có cơ hội thì tìm cách đi học tiếp nhé…”. Nói rồi tay ông Tuyển từ từ buông ra khỏi tay Tú.
Đám tang ông Tuyển đông lắm, nhưng chít khăn tang có đuôi dài ở phía sau và mặc áo sô duy nhất chỉ có một người là Tú. Những ngày tang lễ ông Tuyển trời mưa to lắm nhưng không có tiếng sấm, chớp, hay tiếng gió quất vào hàng cây gì cả. Mọi người có mặt người cũng giống ông trời lúc đó, người thì cố giấu những giọt lệ vào trong, nhưng ai cũng tiếc thương một con người để lại phần thân thể nơi chiến trường năm xưa vì độc lập, vì tự do của Tổ quốc.
Hơn một trăm ngày ông Tuyển chết, mọi người không thấy Tú ở nhà nữa. Có lẽ trong bộn bề lo toan cuộc sống cũng chẳng còn ai để ý đến việc Tú đi đâu, làm gì, việc này chắc chỉ gia đình Tú biết.
Đã hơn năm năm trôi qua, mọi chuyện về Tú lại được dân làng Đồng xôn xao vào cái buổi chiều Đông ấy, khi thấy Tú về với bộ quân phục mang quân hàm thiếu úy. Mọi người xì xào lắm, nhất là ông Tác, ông Đạo nhà kế bên, ông Luật bố đẻ cô bạn gái năm xưa gặp ai cũng vẫn một lời: “Cái ngữ ấy thì sĩ quan cái gì! Chắc mượn hay ăn cắp ở đâu được bộ quần áo… đồ sĩ diện…”. Những lời xì xào ấy Tú đều biết, anh đau lắm, chỉ biết âm thầm chịu đựng, không một lời thanh minh. Những lần sau về anh không mặc quân phục nữa mọi người lại càng đàm tiếu, đồn thổi, thêu dệt thêm.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi khi mà một số con, cháu của mọi người trong làng khi nhập ngũ đều được Tú đưa về đơn vị mình công tác. Có cháu, có em hết nghĩa vụ đi thi đỗ các trường sĩ quan trong quân đội, hoặc chuyển ngành sang cơ quan đơn vị dân sự đều một tay Tú giúp, không nhận một chút quà. Chuyện năm xưa giờ đây ai cũng biết về Tú và ngày càng yêu mến Tú.
Nhưng có lẽ điều bất ngờ nhất lại đến với làng Đồng về chuyện của Tú. Đó là buổi chiều thu năm ấy Tú dẫn về nhà một cô gái và giới thiệu với mọi người, cô ấy mồ côi mẹ từ nhỏ, bố cũng là liệt sĩ. Nhìn cô gái có dáng người cao ráo, đôi mắt bồ câu đen, làn da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ khiêm tốn, ai cũng trầm trồ khen đẹp, có lẽ con gái làng Đồng chưa có cô nào đẹp như cô ấy. Trong căn nhà của ông Tuyển tỏa mùi hương trầm, cả gia đình Tú cũng có mặt cùng bà con làng xóm. Tú xin phép mọi người đưa Liên, cô gái về cùng đến trước ban thờ ông Tuyển. Tú và Liên thắp hương cho ông Tuyển, anh thưa với với ông:
“Thưa bố Tuyển, lần này về thắp hương cho bố con đưa con gái bác Thắng, người đã nằm lên trên người bố khi bom của địch nổ gần nơi bố và bác Thắng cùng chiến đấu về thắp hương cho bố. Cô ấy đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm, đã có việc làm ổn định, lần này về chúng con xin phép bố và gia đình để chuẩn bị đám cưới ạ”.
Ngoài vườn cây cau già trĩu quả hơn năm trước đu đưa cành lá, giàn trầu cạnh bể nước khi sống ông Tuyển chăm sóc như đang nhú thêm nhiều lá hơn. Chắc ông Tuyển cũng mãn nguyện mỉm cười nơi chín suối.
Không những mọi người có mặt ở nhà ông Tuyển hôm ấy ngỡ ngàng, trầm trồ ngợi khen, từ ấy trong mắt người làng Đồng, Tú là người nhân hậu, có đức tính nhẫn nại, con người sống có trước có sau, có nghĩa có tình.
Hơn hai chục năm qua, ngày tết, ngày giỗ của ông Tuyển năm nào Tú cũng có mặt, ra đi từ thủa thiếu thời, giờ mái tóc Tú đã muối tiêu, khuôn mặt phong trần, nhưng đôi mắt sáng, luôn toát lên sự thông minh, bao năm qua Tú cần mẫn như con ong làm mật, như cây thông vặn mình trước giông bão, như con đê sông Trà Tý mỗi mùa lũ về, giờ trong lòng người làng Đồng, Tú đã hoàn thành chương trình đại học quân sự, là một cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành xây dựng Đảng, chính quyền, một thượng tá trong quân đội, một thành viên trong hội khuyến học của làng Đồng.