Trong đời, tôi chưa từng cảm thấy mình quá ngốc nghếch.
Vài năm trước, công ty của tôi, Camp Tech, đã phải chuyển sang sử dụng phần mềm kế toán mới. Như nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác, tôi tự nhận phần việc ghi chép sổ sách kế toán hằng ngày và thuê một kế toán viên lo những công việc quan trọng hơn, như chuẩn bị tờ khai thuế doanh nghiệp. Phần mềm kế toán mà tôi đang dùng không đáp ứng được nhu cầu và việc chuyển đổi sang một hệ thống mới tốt hơn đã bị trì hoãn quá lâu rồi.
Lúc đầu, tôi đã thử các giải pháp thay thế và cả những bí kíp “đường tắt”. Tôi tìm kiếm phần mềm của bên thứ ba với hy vọng rằng bằng cách nào đó nó sẽ cập nhật mớ sổ sách kế toán được ghi chép lộn xộn suốt năm năm vào hệ thống kế toán mới như một phép màu. Không có gì đáng ngạc nhiên, tôi không thể tìm thấy bất kỳ phần mềm nào. Tôi đã đề nghị trợ lý hành chính của mình “lo việc đó” nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu vì tôi đã không thể cung cấp cho cô ấy những hướng dẫn cần thiết.
Tôi nhận ra mình phải lo phần việc nhập sổ sách của Camp Tech sang một hệ thống mới. Một khi hiểu rõ, tôi có thể dạy lại cho người khác, nhưng không phải cho đến khi tôi đã nắm chắc quy trình.
Công việc này khó đấy!
Tất nhiên, tôi thấy một tình huống trớ trêu. Tôi đường đường sở hữu một công ty đào tạo công nghệ cho người không chuyên. Chúng tôi giúp các học viên vượt qua những khó khăn và vấp váp do phần mềm mang lại. Trong tình huống này, tôi không phải là giáo viên. Tôi là học viên. Và tôi phải thừa nhận rằng: Tôi ghét việc đó. Nó khiến tôi mệt mỏi, ngồi hàng giờ liên tục, loay hoay với phần mềm.
Vấn đề không phải ở bản thân phần mềm – tôi là người khá am hiểu về công nghệ. Vấn đề nằm ở những khái niệm cốt lõi đằng sau nó. Tôi chưa bao giờ nghiên cứu kế toán căn bản và cũng chưa bao giờ có một bộ khung tư duy về kế toán. Tôi chỉ biết tiền vào và ra khỏi tài khoản ngân hàng của chúng tôi, và chúng cần được hạch toán, nhưng ngoài điều đó, tôi mù tịt.
Ơn trời, nhân viên kế toán của tôi rất tốt bụng và kiên nhẫn. Cô ấy có thể cảm nhận được nỗi chán chường của tôi và cố gắng hết sức để giúp đỡ tôi. Cô đã dành nhiều giờ ngồi hướng dẫn tôi chi tiết về kế toán kép, và nhiều giờ hơn thế để trao đổi qua email khi tôi quên mất một nửa kiến thức đã được dạy.
Cuối cùng, tôi đã hiểu ra vấn đề. Và tôi bây giờ thậm chí còn thích chuyện sổ sách. Nhưng hành trình đến đích cũng lắm gian nan. Để có thành quả này, tôi phải lắng nghe, học hỏi và học lại, đồng thời phải đặt câu hỏi kỹ càng về các giả định của chính mình.
Khi tìm hiểu về thế giới kỹ thuật số, bạn có thể cảm thấy tương tự. Tôi đồng cảm với bạn, và tôi hiểu cảm giác ấy. Bạn có thể thấy bất an, không chắc chắn và ngốc ngếch, và trong đầu bạn luôn vẳng lên một giọng nói lớn rằng bạn còn lâu mới làm được. Nhưng nếu giống tôi, bạn có thể làm được.
Công nghệ giúp mọi thứ dễ dàng hơn, có đúng vậy không?
Người ta nói rằng không lúc nào khởi nghiệp lại dễ dàng hơn lúc này, bởi tất cả công nghệ đều đang nằm trong tầm tay của chúng ta. Đúng vậy! Các rào cản đối với việc thành lập doanh nghiệp giờ đã thấp hơn nhiều so với 20 năm trước. Internet đã giúp việc khởi nghiệp, tìm kiếm khách hàng và người mua hàng cũng như bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho họ nhanh hơn và rẻ hơn. Công nghệ mang “võ” đến cho một doanh nghiệp nhỏ nhưng có võ.
Dù công nghệ có thể tạo cơ hội và trao quyền cho tất cả chúng ta, nhưng nó cũng gây nhiều rối rắm và bực bội. Tại mỗi buổi hội thảo của Camp Tech, luôn có lúc chúng tôi thấy mình giống như một nhóm hỗ trợ, bất kể chủ đề cụ thể mà chúng tôi đang thuyết trình ngày hôm đó là gì. Một người bày tỏ nỗi thất vọng khi cảm thấy đang phải cố tự học một kỹ năng công nghệ, và tâm trạng đó tràn ngập khắp căn phòng. Xét cho cùng thì đây cũng là một lớp học và mọi người đến đây để được tiếp cận một chuyên gia công nghệ, người sẽ dẫn lối họ một cách tự tin và chắc chắn qua miền kiến thức về một khái niệm kỹ thuật số. Mọi người thường xuất hiện tại Camp Tech vì họ đã cố tự học điều gì đó nhưng bất thành. Tôi yêu thích khoảnh khắc khi mọi người nhận ra rằng, chúng tôi đều gặp phải vấn đề này. Và cùng nhau, chúng tôi sẽ vượt qua nó.
Những khoảnh khắc ấy chính là động lực thôi thúc tôi mở ra Camp Tech lúc ban đầu. Đầu năm 2012, tôi đã nắm bắt được một xu hướng. Lúc ấy tôi đang làm việc với tư cách là một nhà thiết kế web trong tiệm web nhỏ của mình và rất nhiều khách hàng đã hỏi tôi cùng một câu hỏi. Tôi giúp họ thiết kế và đưa trang web vào hoạt động, nhưng họ cũng muốn biết về mọi bước trong quy trình đưa doanh nghiệp của họ lên mạng. Phương tiện truyền thông xã hội? SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)? Google Analytics (công cụ phân tích lưu lượng truy cập trang web miễn phí)? Marketing qua email? Hầu hết khách hàng của tôi là các doanh nghiệp nhỏ và tổ chức phi lợi nhuận nên họ không có đủ tiền để thuê ngoài một đại lý marketing kỹ thuật số để phó thác mọi việc. Họ muốn tự học cách làm và hỏi liệu tôi có thể giới thiệu cho họ nơi nào đó không. Năm 2012, tại thành phố Toronto không có nơi nào như vậy. Không có công ty nào cung cấp khóa đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số thực tế và dễ tiếp cận. Ý tôi là kiểu “học vào thứ Ba, áp dụng vào thứ Tư”. Không phải một khóa học kéo dài cả kỳ với rất nhiều lý thuyết kỹ thuật. Mà chỉ tập trung vào những điều quan trọng mà ai đó cần biết để làm tốt công việc của mình. Tôi nhìn thấy nhu cầu và cơ hội, vì thế đã hành động. Camp Tech ra đời như thế.
Hiện tại, sau nhiều năm, Camp Tech vẫn đang tiếp tục cung cấp khóa đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số thực tế và dễ tiếp cận ở Toronto. Chúng tôi cũng đang đào tạo mọi người ở các địa điểm khác, thông qua các sáng kiến đào tạo nhóm của chúng tôi trong các cộng đồng trên khắp khu vực Bắc Mỹ.
Đo lường không có ý nghĩa gì cả
Một trong những mâu thuẫn của thế giới kỹ thuật số hiện đại là chúng ta có quyền tiếp cận quá nhiều dữ liệu, nhưng lại hiểu rất ít về ý nghĩa của chúng. Chúng ta đang chết chìm trong biển dữ liệu. Có vẻ như mọi thứ – từ số lần nhấp chuột mà trang web của chúng ta nhận được đến số bước chân chúng ta đi mỗi ngày – đều có thể đo lường được. Nhưng đo lường không phải lúc nào cũng có ý nghĩa.
Đối với các doanh nghiệp, lượng dữ liệu tuyệt đối có sẵn do các nỗ lực marketing kỹ thuật số mang lại đang gây cản trở. Chúng ta có quá nhiều thông tin trong tầm tay. Chúng gây ra sự choáng ngợp và dẫn đến hiểu lầm. Bạn có thể định kỳ kiểm tra số liệu phân tích trang web và phương tiện đo lường truyền thông mạng xã hội rồi thấy những con số có vẻ khả quan. Nhưng bạn có chắc chắn không?
Người ta lúc nào cũng hỏi tôi, “Đây có phải là một con số khả quan không?” Câu trả lời của tôi: Tôi không biết! Tôi không có đủ thông tin để trả lời câu hỏi đó. Tôi không chắc tình huống của bạn là gì, vì vậy tôi thậm chí không biết liệu đó có phải là chỉ số bạn nên quan sát hay không, chứ đừng nói đến việc con số bạn đang nắm giữ có phải là một giá trị tốt hay không.
Mắt xích còn thiếu
Tại sao lại khó tìm ra ý nghĩa trong các chỉ số và biện pháp đo lường kỹ thuật số, đó là bởi bạn thường thiếu hai thứ: sự tự tin và bối cảnh. Có quá nhiều con số cần xem xét đến nỗi chúng ta không chắc liệu mình có đang xem xét đúng chỉ số và giá trị cho trường hợp của mình hay không. Điều đó dẫn đến sự nghi ngờ và bất an, mà đây vốn dĩ không phải một cách tuyệt vời để cảm nhận về marketing kỹ thuật số, thứ đáng lẽ phải giúp chúng ta trên cương vị chủ doanh nghiệp, thay vì khiến ta bối rối.
Và khi xem xét kỹ lưỡng các chỉ số và giá trị, bạn thường chú ý đến các con số tách rời khỏi bối cảnh. Đây là một sai lầm lớn! Các chỉ số marketing kỹ thuật số phải gắn liền với điều quan trọng nhất – những mục tiêu kinh doanh của bạn. Nếu bản thân không biết mình muốn đến đâu thì làm sao một chỉ số có thể cho biết liệu bạn có đang tiến tới mục tiêu hay không? Nếu không thể nhận ra mối tương quan giữa đo lường kỹ thuật số và các mục tiêu kinh doanh của mình thì bạn sẽ lạc lối. Những con số là vô nghĩa.
May mắn thay, tôi biết bạn cần gì. Bạn cần một mô hình để lập kế hoạch, thực thi và đo lường marketing kỹ thuật số. Trong cuốn sách này, tôi sẽ hướng dẫn bạn về mô hình mà tôi sử dụng cho doanh nghiệp nhỏ của mình cũng như mô hình được chúng tôi đề xuất cho những doanh nghiệp khác tại Camp Tech. Đây là mắt xích còn thiếu mà rất nhiều chủ doanh nghiệp thèm muốn. Phần hay nhất ư? Bạn không bắt buộc phải tuân thủ mô hình. Nó rất có ý nghĩa và bất kỳ ai cũng có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình bất kể quy mô, bởi nó có khả năng biến đổi phù hợp với quy mô doanh nghiệp.
Tôi sẽ sử dụng một số ví dụ để minh họa mô hình và cách áp dụng nó, đồng thời sẽ chia sẻ một số câu chuyện từ doanh nghiệp của mình. Nếu bạn giống tôi và đã già đủ để nhớ quảng cáo Câu lạc bộ Tóc dành cho nam giới từ những năm 80, khi một người đàn ông trong quảng cáo nói, “Tôi không chỉ là chủ tịch Câu lạc bộ Tóc, tôi còn là khách hàng,” bạn sẽ hiểu ẩn ý này. Tôi không chỉ là một cố vấn kỹ thuật số cho doanh nghiệp nhỏ... bản thân tôi cũng là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Tôi có mặt ở đây để song hành cùng các bạn. Chúng ta hãy bắt đầu nào.