Theo dõi sự tăng trưởng của bé
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm đầu đời, tốc độ tăng trưởng của trẻ trong độ tuổi mầm non (2 – 5 tuổi) chậm lại.
Trẻ có xu hướng ăn ít hơn. Chẳng có gì lạ khi bé nhà bạn có vẻ rất háu đói trong ngày hôm trước nhưng lại chẳng hứng thú gì với thức ăn vào ngay ngày hôm sau.
Bạn hãy học cách nhận biết khi nào bé đói và cho bé những bữa ăn lành mạnh, ngon lành, một bữa lỡ nhỏ giữa các bữa chính, và một lát trái cây tươi trước giấc ngủ đêm. Luôn nhớ rằng cho bé uống quá nhiều giữa các bữa ăn sẽ làm đầy dạ dày vốn rất nhỏ của bé. Và bé không thể tiêu hóa khẩu phần ăn như người lớn, vì thế hãy cho bé lượng thức ăn ít hơn trong chén đĩa nhỏ làm bằng chất liệu an toàn.
Trẻ ăn uống đầy đủ sẽ có tốc độ tăng trưởng thích hợp. Bạn có thể giữ các biểu đồ tăng trưởng ở nhà để theo dõi chiều cao và cân nặng của bé.
Thật khó để phát hiện tình trạng thiếu chất dinh dưỡng nếu chỉ dựa vào quan sát và cảm nhận, vì thường thì chỉ những tình trạng thiếu dưỡng chất trầm trọng mới có thể nhận thấy bằng mắt thường. Đó là lý do vì sao đưa bé đi khám định kỳ là điều cực kỳ quan trọng. Một trong những dưỡng chất mà chế độ ăn của trẻ thường thiếu nhất là sắt, đặc biệt đối với các bé biếng ăn. Vì vậy, bạn nên cố gắng cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, chẳng hạn như thịt heo/bò, thịt gia cầm, trái cây khô và đậu đỗ.
Ngoài ra, bạn có thể ghi chép lại những gì mà bé ăn và uống mỗi ngày trong một tuần liền.
Viết ra các loại thực phẩm, nhãn hiệu và lượng bé ăn. Trao đổi với chuyên gia y tế hay thăm khám cho bé về tất cả những gì bé đã ăn trong suốt một tuần.
Bé trong độ tuổi mầm non nên ăn gì?
Ăn bao nhiêu là đủ?
Bé càng lớn thì càng cần ăn nhiều ngũ cốc, rau củ và thực phẩm giàu đạm. Bé ở độ tuổi này cần ba bữa ăn chính và ít nhất hai bữa ăn lỡ trong suốt ngày dài, và thỉnh thoảng kèm thêm một bữa lỡ trước giấc ngủ đêm. Để tránh tình trạng trẻ ăn quá nhiều và thừa cân, hãy cố gắng cho bé ăn trái cây tươi trong các bữa lỡ. Bạn cũng nên để ý đến độ ngon miệng của bé khi ăn và dùng chén đĩa nhỏ hơn đối với khẩu phần dành cho trẻ nhỏ.
Đôi khi bé có thể ăn mỗi một món từ bữa này sang bữa khác, trong khi trước đó không lâu, bé từ chối thẳng thừng chính món ăn đó. Sự “trái khoáy” như thế rất phổ biến trong hầu hết gia đình có con nhỏ.
Cách xử lý đó là hãy bày ra những món ăn giàu dinh dưỡng, kiên nhẫn chờ đợi và cho phép bé tự do chọn những gì bé thích – tất nhiên là trong phạm vi các món ăn mà bạn đã “tuyển lựa”. Sau vài tuần lễ, chế độ ăn của bé gần như sẽ đi vào quỹ đạo cân bằng.
→ Bữa tối: Xíu mại sốt cà chua tươi, ăn kèm với bông cải xanh là món ăn phổ biến dành cho trẻ 5 tuổi. Món ăn này giàu protein, vitamin C, vitamin K, sắt và lycopene.
KHẨU PHẦN ĂN DÀNH CHO TRẺ 3 - 5 TUỔI
Sau đây là những gợi ý về khẩu phần trung bình hàng ngày cho bé:
THỰC ĐƠN MẪU: TRẺ 5 TUỔI(*)
(*) Quý độc giả có thể tham khảo thêm thực đơn dành cho trẻ từ sách Nuôi con mau lớn do First News – Trí Việt phát hành.
Nên cho bé uống gì?
Đối với trẻ nhỏ, thức uống lành mạnh nhất là sữa và nước lọc.
Cho bé uống sữa ít béo và dùng các sản phẩm làm từ sữa ít béo (không nên chuyển sang sữa tách béo hoàn toàn khi bé chưa đủ 5 tuổi).
Những thức uống khác, như nước ngọt có ga, nước ép trái cây đều chứa nhiều đường và có thể gây sâu răng.
Dù rằng nước ép trái cây nguyên chất chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng cũng chứa lượng đường trái cây tự nhiên và lượng calo cao, có thể làm giảm mức độ thèm ăn của bé trong bữa ăn chính sau đó, do vậy bạn nên cho bé uống nước lọc thay vì uống nước trái cây giữa các bữa ăn. Nếu bạn vẫn muốn cho bé uống nước ép trái cây thì hãy tuân thủ những lời khuyên sau:
• Chỉ cho bé uống nước ép trái cây trong bữa ăn chính hoặc bữa lỡ.
• Luôn pha loãng nước ép trái cây với nước lọc để làm giảm lượng đường.
• Hạn chế lượng nước ép trái cây cho bé trong mức 120 – 180 ml mỗi ngày.
• Khuyến khích bé ăn trái cây tươi thay cho uống nước ép để tăng cường chất xơ ăn vào.
• Đặc biệt chú ý tới yếu tố vệ sinh khi ép nước trái cây cho bé.
→ Sữa: Loại thức uống thay thế tốt hơn nước ép trái cây – vốn có hàm lượng đường cao. Sữa giàu canxi, giúp cho xương chắc khỏe.
Giúp bé hình thành những thói quen lành mạnh
Là cha mẹ, bạn phải là tấm gương tốt cho bé noi theo. Ở độ tuổi này, bé thường bắt chước những hành động của bạn và muốn ăn uống giống như bạn vậy. Nếu bạn uống nước ngọt có ga trong bữa ăn hoặc vừa ăn vừa xem ti-vi, bé cũng sẽ có khuynh hướng làm điều tương tự.
Vì vậy, phụ huynh và những thành viên khác trong gia đình hãy xem xét và điều chỉnh thói quen ăn uống để làm gương cho bé.
Ăn uống lành mạnh
Ðể giúp bé xây dựng thói quen ăn uống khoa học ngay từ độ tuổi mầm non, bạn cần làm theo những lời khuyên sau đây. Ðừng lo lắng nếu bạn chưa thể thực thi mọi thứ ngay một lúc. Mỗi lần chỉ cần làm được một điều cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong thói quen ăn uống của bé.
• Cho bé ăn trái cây và rau củ mỗi ngày, cả trong các bữa chính và bữa lỡ.
• Cho bé uống nước lọc hoặc sữa ít béo trong các bữa ăn chính lẫn bữa lỡ.
• Ðừng ngần ngại nói “KHÔNG” với sôcô-la, kẹo, nước ngọt có ga và khoai tây chiên, nhất là khi bé đã ăn các món này trước đó trong ngày.
• Cho bé ăn uống với khẩu phần nhỏ trong chén đĩa hoặc ly nhỏ. Lấy cho bé quá nhiều thức ăn và ép bé phải “thanh toán” hết tất cả sẽ dẫn đến ăn thừa, và không giúp bé biết tự điều chỉnh thói quen ăn uống của mình.
• Không nên dùng món tráng miệng như là một phần thưởng. Khuyến khích bé ăn hết món chính để được ăn món tráng miệng bé thích sẽ vô tình khiến bé cảm thấy món tráng miệng quan trọng hơn các món chính giàu dinh dưỡng.
• Khi bé ăn xong, bạn nên bảo bé tự đem chén đĩa đến bỏ vào bồn rửa rồi quay trở lại bàn ngồi cùng gia đình. Nếu cần, bạn hãy để bé chơi với tập tô màu hoặc sách dán hình trong lúc các thành viên khác dùng bữa. Bạn cũng có thể áp dụng “chiến thuật” này khi đi ăn ngoài cùng bé.
• Dự trữ các món ăn vặt lành mạnh (như phô mai, sữa chua, trái cây tươi…) để bé dùng khi đói.
• Không cho bé xem ti-vi và chơi điện tử quá hai tiếng mỗi ngày. Thói quen ngồi trước màn hình quá lâu mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
• Khuyến khích bé năng vận động và tập thể dục thường xuyên cùng cả nhà.
• Cố gắng duy trì bữa ăn chung với các thành viên trong gia đình, càng thường xuyên càng tốt.
GIỮ CHO RĂNG ĐƯỢC CHẮC KHỎE
Ðường và thức ăn bột có thể dính vào răng của bé, tạo nguồn nuôi sống vi khuẩn và gây sâu răng. Ðể đảm bảo răng của bé phát triển tốt và khỏe mạnh, bạn có thể:
• Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp cho răng những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
• Giới hạn lượng thức uống v à đồ ăn chứa đường (bánh, kẹo…) bạn cho bé dùng.
• Cho bé các thức ăn vặt có lợi cho sức khỏe và an toàn cho răng như phô mai, sữa chua, trái cây tươi, rau củ xắt khúc dùng với đồ chấm.
• Khi răng bé bắt đầu mọc, bạn phải cho bé đi khám răng thường xuyên, đồng thời chải sạch răng cho bé vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
→ Trái cây và chất xơ: Bổ sung thêm trái cây tươi xắt nhỏ vào món tráng miệng là một cách hay để bé có thể thu nhận nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là với các bé ăn uống kém.
Giúp bé ăn ngoan
Làm gì khi bé biếng ăn?
Bé nhà bạn quá biếng ăn? Vậy thì hãy thử những “tuyệt chiêu” sau:
• Kiên nhẫn ngồi vào bàn cùng bé và trò chuyện về những gì đã diễn ra trong ngày.
• Bày nhiều loại thức ăn với kích cỡ vừa miệng để bé tự bốc ăn những món bé cảm thấy ngon nhất. V iệc này cũng giúp đa dạng hóa thực đơn hàng ngày của bé.
• Cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ có hình dáng thú vị, hấp dẫn.
• Cho bé ăn những món giàu dinh dưỡng trong khẩu phần nhỏ, ví dụ như: bông cải xanh, bí đỏ, khoai lang, quả bơ, phô mai, sữa chua, trứng, cá, đậu hũ, bơ đậu phộng…
• Đừng biến mỗi bữa ăn thành một cuộc chiến. Nếu bé khăng khăng đòi ăn các món giống nhau mỗi ngày, bạn hãy cho bé được chọn lựa loại thực phẩm lành mạnh ở mỗi bữa ăn. Rồi bé sẽ ngán khi phải ăn đi ăn lại chỉ một số món. Bạn càng ít tạo áp lực cho bé thì bé càng dễ dàng vượt qua giai đoạn kén ăn này mà không gặp trở ngại gì.
• Đừng ép bé ăn, hay làm bé băn khoăn về những gì sẽ ăn hoặc không ăn.
• Nếu bé không thích đựng thức ăn trong cùng một đĩa, hãy cho chúng vào các chén đĩa khác nhau.
• Nếu bé từ chối ăn các món có trong bữa ăn của mình, hãy cho qua bữa đó thay vì chế biến món khác cho bé.
• Không cho bé ăn vặt nếu bé không chịu ăn bữa chính.
• Không nên phạt bé vì “cái tội” không chịu ăn một món nào đó. Ngược lại, nên khen ngợi bé về những gì bé đã ăn.
Làm cho bữa ăn của bé trở nên thú vị
Cách tuyệt vời để bé “tự nguyện” ăn các món giàu dinh dưỡng là khiến cho các bữa ăn trở nên vui nhộn, lý thú, và để bé được phụ giúp bạn chuẩn bị bữa. Hãy áp dụng một số lời khuyên sau để bé luôn trông ngóng đến giờ ăn:
• Cắt bánh sandwich, bánh pizza, thịt, trứng… thành những hình khối nhỏ thú vị, bắt mắt.
• Chuẩn bị món nước sốt, nước chấm ngon miệng: bơ mè, phô mai tươi, sữa chua hoặc sữa. Chúng sẽ giúp bé ăn hết những món ăn bốc bạn chuẩn bị như rau củ quả cắt thanh, bánh mì, bánh quy…
• Để bé phụ nhặt rau, rửa rau củ, rắc hành/ngò/ đậu phộng lên món ăn…
• Để cho bé tự chuẩn bị bữa ăn lỡ (tất nhiên là dưới sự giám sát của bạn). Bé có thể học được cách phết bơ đậu phộng hoặc mứt lên bánh mì, cách làm bánh sandwich kẹp chuối…
• Cho bé ăn trái cây trong bữa lỡ. Đa số các bé đều rất thích trái cây. Và nếu cho bé ăn thường xuyên, bé sẽ “kết” món trái cây hơn là bánh quy hay sô-cô-la.
• Chuẩn bị các món tráng miệng lành mạnh và ngon lành cho bé như táo, cam, lê cắt nhỏ, salad trái cây tươi...
→ Hãy biến giờ ăn thành khoảng thời gian vui nhộn đối với bé. “Trò” chấm rau củ với nước sốt, nước chấm có thể giúp bé thích ăn rau hơn.
Tình huống thực tế – BÉ CHỈ ĂN THỨC ĂN CÓ MÀU TRẮNG
Tên nhân vật: Jodie
Tuổi: 3
Vấn đề: Jodie không chịu ăn bất cứ loại thức ăn gì có màu xanh lá cây hay màu đỏ. Ðặc biệt bé rất “khoái khẩu” các món có màu trắng, như phô mai, sữa chua, mì ống. Bé cũng ăn rất ít. Jodie hiếm khi dùng hết thức ăn trong đĩa và thường năn nỉ mẹ cho ăn kem hoặc kẹo ngọt chỉ một giờ sau bữa ăn.
Lời khuyên: Các bé trong độ tuổi này kh ông cảm thấy ngon miệng, không háu ăn là điều rất bình thường. Các bé cũng thường có xu hướng ăn “độc” một món từ ngày này sang ngày khác, rồi lại chuyển sang thích duy nhất một món khác 1 – 2 tuần sau đó.
Mẹ của Jodie nên cho bé ăn những gì bé thích, tránh bắt ép hay hứa hẹn cho bé món tráng miệng bé thích sau khi ăn hết thức ăn trong đĩa. Tốt hơn hết là nên để Jodie tự điều chỉnh lượng ăn của mình. Nếu bé khăng khăng rằng mình không đói khi đã đến bữa, mẹ chỉ cho uống nước trong bữa ăn (không thức uống nào khác và không cho uống nước quả vào giữa các bữa). Ðể giới thiệu món ăn mới, mẹ Jodie có thể cho bé thử nhấm nháp một chút vào đầu bữa ăn, khi bé đang đói nhất (nói rằng món mì của bé còn đang nấu). Dần dần thì Jodie sẽ ăn đa dạng các loại thực phẩm hơn.
Nếu Jodie tăng trưởng bình thường, cân nặng kh ông sụt giảm thì có nghĩa là bé đã ăn đủ. Tuy nhiên, do chế độ ăn uống của Jodie chưa được phong phú, bé cũng không chịu ăn rau củ nên bé có thể phải uống bổ sung vitamin và khoáng chất. Mẹ Jodie nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.