Nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn tăng trưởng và phát triển
Nhu cầu về năng lượng
Trẻ em và thiếu niên đều lớn nhanh nhưng mức năng lượng mà những đối tượng này cần lại không giống nhau. Chẳng hạn, mức năng lượng cần thiết tính trên mỗi kg thể trọng của một thiếu niên 18 tuổi thấp hơn nhiều so với mức năng lượng cần cung cấp cho một em bé 18 tháng đang trong độ tuổi tập đi.
Trọng lượng của trẻ sơ sinh tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng, trong khi trẻ lớn hơn và thiếu niên phải mất 5 – 10 năm mới có thể tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể.
Nhu cầu về năng lượng cũng sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp. Ví dụ, những trẻ tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động thể chất sẽ cần tiếp nạp lượng calo nhiều hơn những trẻ ít vận động. Ngoài ra, trẻ đang ốm hoặc đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương cũng cần lượng calo gần gấp đôi bình thường để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tiếp tục tăng trưởng bình thường.
Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh và tích cực vận động, rèn luyện thân thể ngay từ khi còn bé sẽ giúp con bạn đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, tạo nền tảng cho cuộc sống khỏe mạnh sau này.
NHU CẦU NĂNG LƯỢNG MỖI NGÀY THEO TỪNG ÐỘ TUỔI
(Ðơn vị tính: calo)
→ Trẻ đang trong tuổi lớn thường hiếu động và tò mò về thế giới xung quanh. Do vậy, ngoài 3 bữa ăn chính, cần có thêm những bữa phụ để trẻ nạp thêm “nhiên liệu”.
→ Nhu cầu năng lượng của trẻ nhỏ: Các bé tuổi lên bảy thường vận động nhiều nên cần từ 1.740 đến 1.970 calo mỗi ngày, lý tưởng nhất là từ các thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả.
Trẻ em có cần bổ sung vitamin và khoáng chất không?
Chỉ cần trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm thì không cần phải dùng đến thuốc bổ. Tuy nhiên, trẻ kén ăn có thể không nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu như:
Canxi
• Ða số trẻ em sẽ nhận đủ lượng canxi nếu có uống sữa, ăn sữa chua (ya-ua) hoặc phô mai. Nhưng nếu không uống sữa hoặc dùng các sản phẩm từ sữa, có thể trẻ cần phải uống thêm thuốc bổ sung canxi.
• Trẻ vị thành niên luôn có nhu cầu canxi đặc biệt cao vì trong giai đoạn này, các em có thể tăng thêm hơn 20% chiều cao và khoảng 50% khối lượng khung xương lúc trưởng thành (ví dụ, nếu khi 10 tuổi trẻ cao 1,4 m thì lúc trưởng thành trẻ sẽ cao khoảng 1,75 m, chiều cao đã tăng 25%).
• Dù chiều cao của cha mẹ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành, nhưng chế độ ăn cũng giữ vai trò khá quan trọng.
Vitamin D
• Nếu trẻ không ăn thịt hoặc cá béo, không sinh hoạt ngoài trời nhiều hoặc da không được phơi ra dưới ánh sáng do áo quần che phủ hầu hết khi ra ngoài thì nên cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin D.
• Tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể gây ra còi xương, bệnh này có thể dẫn đến biến dạng xương vĩnh viễn. Những trẻ kh ông nhận đủ vitamin D và canxi sẽ thấp hơn những trẻ cùng độ tuổi, và cũng có nguy cơ bị gãy xương cao hơn.
Vitamin K
Phần lớn các bé đều đã được tiêm một mũi vitamin K ngay khi chào đời để phòng ngừa bệnh rối loạn xuất huyết (haemorrhagic) ở trẻ sơ sinh.
Florua
• Khoáng chất này giúp răng chắc khỏe và giảm nguy cơ sâu răng.
• Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ xem bé nhà bạn có cần bổ sung florua không.
• Nếu cần thiết, có thể bổ sung khoáng chất này cho bé sau 6 tháng tuổi.
Sắt
• Trẻ sơ sinh thường có đủ lượng sắt từ mẹ chuyển sang trong khoảng bốn tháng đầu đời.
• Nếu bé không bú sữa mẹ, bạn nên cho bé uống các loại sữa công thức có tăng cường chất sắt.
• Khi bé đã bắt đầu ăn dặm (ăn bổ sung), nên cho bé ăn các loại thực phẩm đã được tăng cường chất sắt để tránh nguy cơ thiếu hụt khoáng chất này.
Theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ
Trẻ nên được cân trọng lượng và đo chiều cao thường xuyên để biết chắc rằng trẻ nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đảm bảo cho quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường, đồng thời cũng giúp phát hiện những rối loạn có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.
Với trẻ dưới ba tuổi, chu vi vòng đầu cũng nên được kiểm tra, vì sự phát triển của não bộ được phản ánh thông qua sự tăng trưởng của hộp sọ. Sau đó, các kết quả sẽ được phác họa trên biểu đồ tăng trưởng để xem tốc độ phát triển của bé có ổn định không.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý đánh giá sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao của trẻ thông qua Chỉ số Khối lượng Cơ thể (BMI).
Các giai đoạn tăng trưởng nhanh
• Từ lúc mới sinh ra cho đến năm 3 tuổi, bé sẽ lớn rất nhanh. Trong suốt thời kỳ này, bé cần chế độ ăn uống cân bằng các dưỡng chất để có thể tăng trưởng và phát triển mạnh. Cơ thể mỗi bé sẽ “đốt cháy” một lượng calo khác nhau, vì vậy đừng bắt bé phải tuân theo chế độ ăn ít hơn hoặc nhiều hơn so với nhu cầu của bé.
• Ðến giai đoạn dậy thì, trẻ cần ăn thêm những thực phẩm giàu canxi mỗi ngày vì canxi là yếu tố “sống còn” cho sự phát triển chắc khỏe của xương. Các bé trai tuổi thiếu niên lớn rất nhanh: vào giai đoạn đỉnh điểm của quá trình phát triển chiều cao, các em có thể cao thêm 5 cm trong vòng một năm. Nếu con bạn không nhận đủ lượng calo trong suốt thời kỳ dậy thì, điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng và phát triển sinh dục ở trẻ.
Phác họa quá trình tăng trưởng
• Biểu đồ tăng trưởng – dựa trên mức cân nặng và chiều cao theo độ tuổi của trẻ – có thể giúp bạn và bác sĩ biết được mức độ tăng trưởng của con bạn có nằm trong giới hạn bình thường không.
• Phần bóng mờ trên biểu đồ thể hiện kh oảng tăng trưởng bình thường. Khoảng này giới hạn từ bách phân vị thứ 5 (95% trẻ lớn hơn mức này) đến bách phân vị thứ 95 (95% trẻ nhỏ hơn mức này). Bách phân vị thứ 50 đánh dấu điểm giữa khoảng này.
• Con bạn được cho là phát triển bình thường nếu theo thời gian, các số đo cân nặng và chiều cao của trẻ tạo thành một đường cong đều đặn hướng lên, nằm trong vùng bóng mờ của biểu đồ.
→ Mối tương quan giữa chế độ ăn và mức tăng trưởng: Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường; đồng thời giúp trẻ luôn khỏe mạnh và vui vẻ.
Kiểm tra sự tăng trưởng của bé từ 0 - 2 tuổi
Theo thời gian, các số đo về cân nặng và chiều dài của trẻ cần tạo thành một đường cong đều đặn hướng lên, thể hiện bé đang phát triển bình thường. Nếu sự tăng trưởng ổn định thì thường là mọi sự đều ổn, ngay cả khi mức phát triển của trẻ đang nằm ở bách phân vị thấp.
Tuy nhiên, nếu cân nặng, chiều dài, hoặc chu vi vòng đầu thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Hầu hết các bé sơ sinh đều được đo chiều dài từ gót chân đến đỉnh đầu cho đến 24 tháng tuổi.
Những bé quá nhỏ con hoặc ốm yếu có thể sẽ phải tiếp tục được đo theo cách này cho đến 36 tháng tuổi.
Cân trẻ: Bác sĩ sẽ cân đo con bạn vào mỗi lần khám sức khỏe để biết chắc chắn rằng bé đang tăng trưởng bình thường.
Cách sử dụng biểu đồ: Dò tìm cân nặng hoặc chiều cao của trẻ trên cột dọc và dóng theo phương nằm ngang cho đến khi gặp đường thẳng đứng ứng với tuổi của trẻ, đánh dấu ở giao điểm này. Nối các điểm lại sẽ tạo thành một đường cong, nhờ đó bạn dễ dàng theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của con mình.
Kiểm tra sự tăng trưởng của trẻ từ 2 tuổi trở lên
Theo thời gian, chỉ số cân nặng và chiều cao của con bạn nên tạo thành một đường cong đều đặn hướng lên, nằm trong vùng bóng mờ. Đây là dấu hiệu cho biết con bạn đang tăng trưởng bình thường.
Tăng trưởng ổn định thường có nghĩa là mọi chuyện đều ổn, ngay cả nếu như mức tăng trưởng của trẻ luôn nằm trong vùng bách phân vị thấp, như ở bách phân vị thứ 5. Tuy nhiên, nếu có sự biến động lớn về mức cân nặng và chiều cao, ví dụ “rớt” từ bách phân vị thứ 85 xuống bách phân vị thứ 45 (hoặc ngược lại) trong vòng một năm thì đây có thể là dấu hiệu cho biết trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc dinh dưỡng, đòi hỏi phải có sự can thiệp kịp thời.
→ Đo chiều cao: Khi đo chiều cao cho con, hãy để bé đi chân không và đứng thẳng người.
Cách sử dụng biểu đồ: Dò tìm cân nặng hoặc chiều cao của trẻ trên cột dọc và dóng theo phương nằm ngang cho đến khi gặp đường thẳng đứng ứng với tuổi của trẻ, đánh dấu ở giao điểm này. Vẽ một đường nối các điểm này lại (chẳng hạn như cứ sau mỗi sáu tháng), ta sẽ có một đường cong thể hiện sự tăng trưởng của trẻ.
Kiểm soát sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao của trẻ
Biểu đồ BMI dưới đây cho thấy khoảng Chỉ số Khối lượng Cơ thể của trẻ trai và trẻ gái trong độ tuổi từ 2 đến 18. BMI được tính theo tỷ lệ giữa cân nặng so với chiều cao, và có thể phản ánh chính xác hơn lượng mỡ có trong cơ thể của trẻ. Việc theo dõi chỉ số BMI thường xuyên cũng có thể giúp xác định xem con bạn có nguy cơ bị thừa cân hay nhẹ cân không, đồng thời có cần can thiệp về dinh dưỡng hay y tế không.
Trên biểu đồ có một dải bóng mờ giới hạn bởi các đường bách phân vị thứ 5 (95% trẻ cùng độ tuổi có chỉ số BMI cao hơn mức này) và đường bách phân vị thứ 95 (95% trẻ cùng độ tuổi có chỉ số BMI thấp hơn mức này).
Cách sử dụng biểu đồ: Trước tiên, hãy xác định chỉ số BMI của trẻ; sau đó, dò tìm chỉ số BMI trên cột dọc và dóng theo phương nằm ngang cho đến khi gặp đường thẳng đứng ứng với tuổi của trẻ, đánh dấu ở giao điểm này. Cứ mỗi sáu tháng xác định lại một lần. Vẽ nối các điểm này lại, bạn sẽ có được đường cong thể hiện xu hướng thay đổi BMI của con bạn theo thời gian.
Khoảng cân nặng lành mạnh là trong vùng bóng mờ. Đa số trẻ nằm trong nhóm “an toàn” này.
Trẻ có thể được xem là nhẹ cân nếu chỉ số BMI theo tuổi và giới nằm dưới vùng bóng mờ, trong khi trẻ có chỉ số BMI nằm phía trên vùng bóng mờ thì được xếp vào dạng thừa cân. Còn nếu vượt quá đường biểu diễn trên cùng trong biểu đồ thì nghĩa là trẻ đang bị béo phì.