Sữa mẹ hay sữa công thức?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế đều cho rằng nuôi con bằng sữa mẹ là “tiêu chuẩn vàng” trong việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh – dựa trên những lợi ích về sức khỏe đối với cả bé và mẹ.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tất cả trẻ em cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên, tiếp tục cho bú mẹ đến 18 – 24 tháng tuổi cùng với việc cho ăn bổ sung (ăn dặm) hợp lý.
Trước khi quyết định cho bé bú sữa mẹ hay sữa công thức (sữa bình), chúng ta nên lưu ý đến những điểm khác nhau giữa hai loại sữa này:
→ Từ 0 đến 6 tháng tuổi, bé chỉ biết bú tí, do đó sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với bé.
SỮA MẸ
• Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ thay đổi trong suốt mỗi lần cho bé bú.
• Bé càng bú nhiều thì cơ thể người mẹ càng sản xuất nhiều sữa.
• Các kháng thể và tế bào sống trong sữa mẹ có thể giúp trẻ phòng, chống một số bệnh nhiễm khuẩn.
• Sữa mẹ có kháng thể, nên có tính bảo vệ nhiều hơn với các bệnh nhiễm khuẩn như viêm dạ dày-ruột.
• Trong sữa mẹ có axit béo DHA và ALA, là thành phần thiết yếu cho sự phát triển não bộ và thị giác.
• Sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn sắt trong sữa công thức.
• Bé bú sữa mẹ không dễ bị cho ăn quá nhiều vì sữa mẹ được cung cấp theo đòi hỏi của bé.
• Sức khỏe, chế độ ăn, trạng thái tinh thần của người mẹ, thuốc chữa bệnh hay rượu bia đều có thể ảnh hưởng lên sữa mẹ.
• Sữa mẹ giúp bé giảm nguy cơ hen phế quản, chàm, các dị ứng khác và tình trạng bất dung nạp sữa bò sau này.
• So với các bé được nuôi bằng sữa công thức, bé bú sữa mẹ ít mắc phải nhiều bệnh rối loạn – từ nhiễm trùng tai, viêm đại tràng (viêm ruột kết), đến tiểu đường, những rối loạn miễn dịch, hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS) và ung thư bạch huyết.
• Sữa mẹ luôn có sẵn cho dù người mẹ đang ở đâu, và luôn ở nhiệt độ thích hợp.
• Cho bé bú sữa mẹ kh ông đòi hỏi thời gian chuẩn bị sữa hoặc các dụng cụ chuyên biệt (trừ khi bạn hút, nặn sữa ra).
• Trong thời gian đầu, bé được nuôi bằng sữa mẹ sẽ cần bú mỗi hai đến ba tiếng một lần (8 – 12 cữ sữa mỗi ngày).
• Sữa mẹ thì… miễn phí.
• Cho bé bú mẹ đem đến nhiều lợi ích cho người mẹ. Quá trình tạo sữa tiêu tốn nhiều calo nên có thể giúp bạn lấy lại mức cân nặng trước khi mang thai một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, cho con bú sữa mẹ cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ tiến triển một số rối loạn, như ung thư vú, ung thư buồng trứng...
• Mẹ là người duy nhất có thể cho bé bú, trừ khi chọn cách hút, nặn sữa ra. Trong trường hợp đó, chồng bạn hoặc những người khác có thể giúp cho bé bú.
SỮA CÔNG THỨC
• Sữa công thức luôn chứa các chất dinh dưỡng giống nhau trong các lần bé bú.
• Bạn có thể ước lượng nhu cầu của con.
• Sữa công thức không chứa các kháng thể và tế bào sống có khả năng bảo vệ.
• Sữa công thức có thể là nguồn gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước pha sữa bị ô nhiễm hoặc bình sữa không sạch.
• Chỉ một số sữa công thức có chứa những axit béo này.
• Tất cả các loại sữa công thức đều chứa vitamin B12 – chỉ tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Do đó, nếu bạn là người ăn chay, bé sẽ ít có khả năng bị thiếu vitamin B12.
• So với sữa mẹ thì sữa công thức chứa nhiều sắt và vitamin K, vốn cần thiết cho sự đông máu.
• Bé bú sữa công thức dễ bị cho bú quá no vì những người chăm sóc thường cố cho bé bú càng nhiều càng tốt.
• Chất lượng của sữa công thức không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn hay tình trạng sức khỏe của người mẹ.
• Sữa công thức vẫn chưa chứng minh được công dụng có thể hạn chế nguy cơ mắc phải các rối loạn này.
• Sữa công thức cần được pha, trữ mát và hâm ấm trước khi cho bé bú.
• Sữa công thức luôn đòi hỏi phải tốn thời gian cho việc rửa sạch, tiệt trùng các dụng cụ pha sữa và cũng mất không ít thời gian cho việc pha sữa.
• Mất từ ba đến bốn tiếng đồng hồ thì sữa công thức mới tiêu hóa được trong dạ dày của trẻ sơ sinh. Do đó, bé bú sữa công thức bú thưa hơn các bé bú sữa mẹ.
• Bạn phải bỏ ra kh ông ít tiền mua sữa công thức cho con mình.
• Không giống như việc cho bé bú mẹ, cho bé bú sữa công thức không mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như không có tác dụng giúp người mẹ nhanh lấy lại vóc dáng.
• Ai cũng có thể cho bé bú, giúp mẹ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, ngủ nghỉ hoặc đi làm lại mà không cần phải vắt sữa để dành.
Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé
Có gì trong sữa mẹ?
Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con bạn mà còn chứa các kháng thể (các protein chống lại bệnh tật).
Khoảng 80% các tế bào có trong sữa mẹ vào hai tuần đầu là các đại thực bào (các tế bào diệt vi rút và vi khuẩn), và thậm chí sau hai tuần đầu này thì sữa mẹ vẫn chứa đầy đủ các kháng thể.
Lợi ích đối với người mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tăng cường tình mẫu tử giữa mẹ và bé; giúp bạn giảm được số cân đã tăng lên trong suốt thai kỳ; đồng thời giảm nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng và loãng xương khi lớn tuổi. Xét trên tất cả các mặt, nuôi con bằng sữa mẹ là cách lựa chọn tối ưu cho cả mẹ và bé.
Ngực của người mẹ sản sinh ra ba loại sữa: sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa đủ tuổi
• Sữa non được tạo ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ và những ngày đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa non có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất giàu đạm (protein), kháng thể, vitamin, khoáng chất và các hormone. Các dưỡng chất này tạo điều kiện gia tăng các vi khuẩn “thân thiện” trong ruột, cũng như giúp bé thải hết phân su.
• Sữa chuyển tiếp được sản sinh tr ong tuần thứ hai sau sinh. So với sữa non, chất béo và đường sữa lactose trong sữa chuyển tiếp tăng lên trong khi chất đạm và chất khoáng lại giảm đi.
• Từ ngày thứ 15 trở đi, sữa đủ tuổi được sản sinh. Trong suốt quá trình cho bé bú, thành phần của sữa đủ tuổi sẽ thay đổi: trong từ 5 – 10 phút đầu tiên, bé nhận 75% lượng sữa nhưng chỉ có 50% calo, sữa sản sinh sau có hàm lượng chất béo cao và được gọi là “sữa cuối”. Nên cho bé bú cả sữa đầu và sữa cuối ở mỗi bầu vú đến khi no nê để thu nhận đủ lượng calo cần thiết cho sự tăng trưởng.
→ Sữa mẹ là nguồn thực phẩm lý tưởng cho bé, bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh.
Whey (váng sữa) và casein (protein sữa): Whey chiếm 60 – 80% tổng lượng protein trong sữa mẹ đủ tuổi, đồng thời chứa các protein giúp bé tránh bị nhiễm khuẩn. Casein chiếm 20 – 40% tổng lượng protein còn lại trong sữa mẹ đủ tuổi và tạo nên các hợp chất giúp trẻ hấp thu khoáng chất tốt hơn.
Đường sữa lactose là loại carbohydrate chính có trong sữa mẹ. Ngoài ra, sữa mẹ cũng chứa một lượng nhỏ các carbohydrate khác, một số loại có thể giúp phòng chống nhiễm khuẩn.
Cho bé bú mẹ như thế nào?
Tư thế cho bú
Khi cho bé bú, điều quan trọng là bạn phải cảm thấy thoải mái. Có thể bạn sẽ cần ăn uống một chút, nên hãy chuẩn bị sẵn bữa ăn nhẹ và một ly nước lọc bên cạnh.
→ Tư thế “giữ bóng”
Không có tư thế đúng hay sai trong việc cho bé bú sữa mẹ. Phổ biến nhất là tư thế ẵm bé trên tay, bụng bé áp vào bụng mẹ, cả người của bé nằm theo đường thẳng. Với tư thế này, bạn có thể đặt một chiếc gối dưới người bé để nâng bé lên vừa tầm, tránh cho bạn phải chúi người xuống hay phải bê đỡ toàn bộ sức nặng của bé.
Nằm nghiêng cũng là một tư thế phổ biến có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong những ngày đầu sau sinh, khi bạn chưa lại sức sau cuộc “vượt cạn” vất vả. Hai mẹ con cũng nên… bụng chạm bụng trong tư thế này.
Tư thế “giữ bóng” được khuyên nên áp dụng cho bà mẹ sinh đôi khi muốn cho cả hai bé bú cùng lúc.
Giúp bé ngậm ti
Ngậm vú mẹ đúng cách rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp núm vú bạn không bị đau rát, còn bé thì được bú sữa no nê. Để khuyến khích bé ngậm ti đúng cách, hãy chạm núm vú vào miệng bé và nhử nhử ở khóe môi. Động tác này sẽ kích thích bé mở rộng miệng. Đợi khi bé há miệng thật to, bạn hãy đưa bé về phía vú, để bé ngậm trọn núm vú và hầu hết quầng vú – khu vực sắc tố xung quanh núm vú – rồi bắt đầu bú. Môi bé tác động vào quầng vú kích thích tiết sữa.
→ Cho con bú đúng cách: Trẻ sơ sinh thường ngậm vú rất tự nhiên. Bạn nên ngồi ở tư thế thoải mái khi cho bé bú, đồng thời nhớ bày ra sẵn thức uống và đồ ăn nhẹ.
Giúp bé nhả ti
Nếu bé không chịu nhả vú mẹ sau khi đã ngưng bú, bạn hãy nhẹ nhàng chèn ngón tay của bạn vào khóe miệng bé rồi từ từ rút núm vú ra. Nếu bạn cứ cố giật ra, bé có thể dùng nướu kéo lại gây đau rát núm vú.
Hãy nhớ rằng vào những ngày đầu, việc cho bé bú mẹ có thể sẽ gây đau, nhưng khi đôi bầu vú của bạn đã quen thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.
NHỮNG LƯU Ý KHI CHO BÉ BÚ MẸ
• Nên cho bé bú theo nhu cầu, vào bất cứ khi nào bé đói. Có lẽ sẽ mất một vài ngày để bạn làm quen với thời gian biểu của bé. Khi cả bạn và bé đều đã “vào guồng”, lượng sữa sẽ tăng lên và bạn có thể thỏa mãn nhu cầu của bé.
• Tốt nhất là nên cho bé bú trong vòng hai giờ đầu ngay sau sinh. Trong giai đoạn đầu, không nên hạn chế thời gian cho mỗi cữ bú, bởi có thể phải mất vài phút bú mút thì oxytocin (một loại hormone gây “chảy sữa”) mới được giải phóng.
• Hãy để bé tự tính thời lượng bú. Khi bé ngưng bú, bạn nên vỗ cho bé ợ hơi rồi cho bé bú ở bầu vú bên kia trong thời gian bao lâu tùy bé. Thời gian bú nên theo nhu cầu của bé. Nếu bé ngủ thiếp đi trong lúc bú, hãy ngưng lại, rồi tiếp tục khi bé sẵn sàng bú tiếp.
• Cho bé bú thường xuyên và thay đổi bầu vú ở mỗi cữ bú sẽ giúp đảm bảo lượng sữa sản sinh. Trong sáu tháng đầu, bé bú 8 – 12 lần mỗi ngày. Cho bé bú thường xuyên sẽ giảm nguy cơ bị ứ đọng sữa, một phiền phức khiến bạn khó chịu và còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bầu vú.
Nuôi con bằng sữa công thức
Có gì trong sữa công thức?
Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh ngày càng được “hoàn thiện hóa” nhằm mục đích thay thế sữa mẹ khi người mẹ không thể cho con bú vì các lý do về thể chất hay sức khỏe, hoặc chỉ vì mẹ lựa chọn nuôi con theo cách đó.
Để đáp ứng mục đích này, sữa công thức được nghiên cứu để chứa các thành phần càng giống với sữa mẹ càng tốt, phải đáp ứng nhu cầu của bé, phải “thân thiện” với hệ thống đường ruột chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, các thành phần của sữa công thức, bao gồm vitamin và khoáng chất, luôn được kiểm soát chặt chẽ với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vì sữa mẹ chứa các tế bào sống và các thành phần không thể sản xuất một cách nhân tạo nên không thể tạo ra một loại sữa công thức có các thành phần giống sữa mẹ về mọi mặt.
→ Cho bé bú sữa bình: Nếu bạn chọn cho bé bú bình, các thành viên khác trong gia đình – đặc biệt là chồng bạn – có thể giúp bạn cho bé bú và gia tăng sự gắn kết với bé.
Dù vậy, sữa công thức cũng có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của hầu hết trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, trên thị trường cũng có các loại sữa công thức đặc biệt khác như:
• Sữa chứa hàm lượng calo cao dành cho bé sinh non;
• Sữa công thức ít gây dị ứng dành cho trẻ bị dị ứng với sữa bò hoặc sữa đậu nành;
• Và sữa công thức tiêu hóa trước một phần dành cho các bé không thể tiêu hóa protein, chất béo và các chất khác có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức tiêu chuẩn.
Trong sữa công thức đặc biệt, một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cơ bản – thường là protein và/hoặc carbohydrate – sẽ được chuyển hóa sang một dạng thay thế mới mà bé có thể hấp thu tốt hơn.
Một khi đã quyết định nuôi bé bằng sữa bình, bạn phải chọn loại sữa công thức phù hợp. Nếu cảm thấy không chắc chắn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Chọn đúng loại sữa công thức
Phần lớn sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò hoặc sữa đậu nành. Sữa bò chứa hầu hết các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, nhưng tỷ lệ của nó thích hợp với “em bé bò” hơn là “em bé người”. Dù vậy, các nhà sản xuất sữa công thức có thể dễ dàng điều chỉnh sữa bò để đạt được tỷ lệ phù hợp – bao gồm lượng calo tương tự như sữa mẹ, đồng thời cũng tương đương về số lượng và tỷ lệ protein, chất béo, đường lactose, các vitamin và khoáng chất.
Sữa đậu nành công thức cũng được điều chỉnh, chẳng hạn như bổ sung một lượng axit amin (yếu tố cấu thành protein) nhất định, để làm cho chúng giống với sữa mẹ hơn.
SỮA CÔNG THỨC TIÊU CHUẨN
• Sữa dành cho nhũ nhi có thể là loại nhiều whey hoặc nhiều casein.
• Ðối với các loại sữa nhiều whey, protein trong sữa bò sẽ được điều chỉnh để tỷ lệ casein so với whey tương tự như trong sữa mẹ.
• Ðối với các loại sữa nhiều casein, lượng casein sẽ nhiều hơn whey – tỷ lệ này duy trì ở mức giống như trong sữa bò.
• Các loại sữa nhiều whey là sự lựa chọn đầu tiên nếu người mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ. Trong khi đó, sữa công thức nhiều casein thường được sử dụng nếu bé không hoàn toàn thỏa mãn với sữa dành cho trẻ sơ sinh dựa trên thành phần whey.
Sữa công thức - bao nhiêu là đủ?
Khi pha chế sữa công thức, bạn phải luôn cẩn thận tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhu cầu hàng ngày của trẻ sơ sinh là 500 – 600 ml cho đến khi bé được một tuổi (lượng sữa trung bình là 150 ml trên mỗi kg thể trọng). Lúc đầu, với mỗi cữ bú, bé chỉ uống 30 – 60 ml, sau đó tăng dần lên 120 – 180 ml. Khi bắt đầu ăn dặm, bé có thể uống một bình sữa 180 – 240 ml sau bữa ăn và trước giấc ngủ đêm.
Đừng khoét rộng lỗ thoát sữa ở núm vú bình sữa vì như vậy sẽ làm cho bé bú quá nhiều và có thể tăng cân nhanh, hoặc có thể gây sặc cho bé. Khi bé từ chối bình sữa, ngưng mút sữa hoặc để rơi bình sữa, nghĩa là bé đã bú đủ no. Đừng ép bé phải uống cho hết phần sữa đã pha. Trong trường hợp con bạn có vẻ luôn đói và đòi bú sữa liên tục, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
PHA CHẾ VÀ DỰ TRỮ SỮA CÔNG THỨC
Nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sữa, bạn cần tuân thủ những lời khuyên sau:
• Luôn mua và sử dụng sữa công thức còn hạn sử dụng.
• Dùng dụng cụ sạch để mở hộp sữa công thức dạng nước. Sau khi mở, phải sử dụng ngay.
• Pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu bạn pha nhạt (ít bột sữa hơn so với hướng dẫn), bé sẽ không nhận đủ năng lượng cần thiết. Ngược lại, nếu bạn pha đặc (quá nhiều bột sữa), có thể dẫn đến tiêu chảy, mất nước hoặc ăn thừa.
• Khi pha sữa bột, nên dùng nước sạch đun sôi (sôi đến 100oC trong vòng 3 – 5 phút) và để ra ngoài một lúc đến khi nước ấm là tốt nhất, thường là từ 40 – 50oC. Không nên pha sữa bằng nước khoáng, nước rau luộc hay nước hoa quả.
Không sử dụng nước được đun sôi nhiều lần và để trong ấm lâu ngày, cũng không nên dùng nước giếng.
• Rửa bình sữa, núm vú và tất cả các dụng cụ pha chế cần thiết trong nước xà phòng nóng, sau đó súc rửa lại cho sạch và tiệt khuẩn.
• Bé nhà bạn có lẽ sẽ thích sữa có nhiệt độ ấm như thân nhiệt của bé. Bạn có thể làm ấm sữa bằng cách đặt bình sữa vào tô nước âm ấm.
• Không dùng lò vi sóng để hâm nóng sữa, vì sự phân phối sức nóng trong lò vi sóng không đều nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá, có thể khiến bé phỏng miệng khi bú.
• Bạn phải luôn tự kiểm tra nhiệt độ của sữa đã pha trước khi cho bé bú.
Cách dự trữ sữa công thức
Khi dự trữ sữa công thức cho trẻ nhũ nhi, bạn cần hết sức vệ sinh để bảo vệ bé tránh các vi khuẩn có hại.
→ Pha chế sữa công thức: Luôn gạt muỗng đong sữa khi pha sữa cho bé, nếu không sữa sẽ quá đặc.
• Không trữ đông sữa công thức pha sẵn hay để sữa bị nóng lên quá 35oC.
• Sữa công thức pha sẵn nên trữ trong ngăn mát tủ lạnh để giảm thiểu sự sinh sôi vi khuẩn.
• Không dùng sữa công thức pha sẵn trữ trong tủ lạnh quá 24 tiếng.
• Khi cả nhà đi chơi bên ngoài, bạn có thể chuẫn bị sẵn lượng bột sữa chính xác trong bình sữa, khi cần cho bé bú thì pha với nước đun sôi để nguội.