Khi nào nên bắt đầu ăn dặm?
Khuyến cáo về mốc thời gian bắt đầu cho bé làm quen với thức ăn dạng rắn đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Trước đây, một số bác sĩ khuyên rằng mẹ nên tập cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ ngay khi bé còn trong tháng tuổi đầu tiên. Nhưng bây giờ, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên cho bé ăn dặm (ăn bổ sung) khi bé đã được 4 đến 6 tháng tuổi.
Dù vậy, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn nên tiếp tục là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất trong suốt năm đầu đời của bé.
Tại sao lại là mốc 4 – 6 tháng?
Có ba nguyên nhân chính:
• Thứ nhất, cho đến khi được 4 tháng tuổi, trẻ sơ sinh cần ít nhất 600 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Do đó, cho bé ăn dặm sớm có thể khiến bé bú ít sữa hơn, gây trở ngại cho việc hấp thu đủ chất dinh dưỡng trong suốt giai đoạn quan trọng này.
• Thứ hai, các bé còn quá nhỏ thường có phản xạ lưỡi đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Phản xạ này thường biến mất khi bé được 4 đến 6 tháng tuổi, vì vậy đây là thời điểm bé có thể bắt đầu đón nhận thức ăn từ muỗng.
• Thứ ba, trước 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Ngoài ra, việc cho bé ăn thức ăn dạng rắn quá sớm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm hoặc khiến bé ngạt thở khi nuốt hay hít thức ăn vào phổi.
BẮT ĐẦU THẾ NÀO ĐÂY?
• Quan niệm phổ biến cho rằng ăn dặm sẽ giúp bé tăng cân và ngủ ngon thực ra lại là sai. Hầu hết các thức ăn dạng rắn chứa ít calo hơn so với sữa mẹ hoặc sữa công thức, cho nên đừng bao giờ xem đây là nguồn dinh dưỡng duy nhất dành cho bé, đặc biệt trong năm đầu đời. Trong suốt 4 – 6 tháng đầu, bé chỉ cần sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Sau khoảng thời gian này, bạn có thể bắt đầu thêm các thức ăn dạng rắn – đầu tiên nên xay nhuyễn – kèm với các cữ bú. Nên duy trì chế độ ăn này cho đến khi bé được ít nhất 12 tháng tuổi. Nhu cầu của bé 7 – 12 tháng tuổi là 700 – 900 calo một ngày.
• Bé nên được làm quen từ từ với các món ăn mới. Việc thử các món mới nên cách nhau ít nhất ba ngày (có thể lâu hơn nếu gia đình có người từng bị dị ứng) và trong một bữa ăn chỉ nên tập cho bé ăn một món mới mà thôi.
Tuân theo nguyên tắc này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định bé “nhạy cảm” hay có phản ứng dị ứng với thức ăn nào.
• Ðừng bao giờ áp đặt bé trong việc ăn uống mà nên tiến hành từng bước một để bé có thể quen dần. Việc bé không ăn một loại thức ăn nào đó có thể là do bé không thích mùi vị của nó. Giống như người lớn, trẻ nhỏ cũng không thấy hứng thú với một số món ăn nhất định.
• Nên nhớ cho bé uống nước thường xuyên. Theo các chuyên gia thì bé ăn dặm không có nhu cầu cụ thể đối với nước ép trái cây trong chế độ ăn hàng ngày. Nhưng nếu bạn muốn cho bé uống nước trái cây, thì không nên vượt mức 180 ml nước ép pha loãng mỗi ngày, và chỉ cho bé uống chung với các bữa ăn.
• Các chuyên gia không thật sự đồng quan điểm trong việc xác định thời điểm và cách thức cho trẻ bước đầu làm quen với thức ăn dạng rắn. Tuy nhiên, bảng sau có thể hữu ích cho bạn, với những hướng dẫn tổng quát về thời điểm và cách thức cho bé làm quen với các nhóm thực phẩm cơ bản.
→ Các vị mới: Khi được khoảng 6 tháng tuổi, bé đã sẵn sàng để được đút ăn bằng muỗng. Do đó, bạn có thể bổ sung thêm ngũ cốc, trái cây xay nhuyễn và rau củ vào chế độ ăn.
Dị ứng thực phẩm
Với những bé bị dị ứng thực phẩm, chỉ cần một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể đe dọa tính mạng bé.
Có thể kể tên những thực phẩm thường gây dị ứng như: sữa bò, thực phẩm chứa gluten (như lúa mì, yến mạch), đậu nành, trứng, hải sản có vỏ cứng (như nghêu, sò, ốc…), các loại hạt có dầu (như đậu phộng).
Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, bạn nên trì hoãn việc cho bé ăn các thực phẩm có chứa gluten cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, trứng thì phải chờ đến lúc bé được 2 tuổi, còn hải sản có vỏ cứng và các loại hạt thì phải đến khi bé được 3 tuổi.
Khi cho bé ăn một loại thức ăn mới, bạn nên để ý quan sát các dấu hiệu dị ứng thường gặp, chẳng hạn như: da phát ban, nôn mửa, tiêu chảy... Nếu môi và mặt bé sưng vù, hãy nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Với những bé đã từng dị ứng một loại thực phẩm nào đó, cách phòng ngừa duy nhất là tránh cho bé ăn chúng.
Các chất gây dị ứng thường “ẩn mình” trong thực phẩm, chẳng hạn như tinh bột lúa mì trong đồ hộp, hoặc trứng trong các chất phết... Vì vậy, bạn cần kiểm tra kỹ thành phần nguyên liệu in trên bao bì. Nếu bạn cảm thấy con mình có vẻ đang thiếu các chất dinh dưỡng trọng yếu vì phải tránh một số loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Bé dưới một tuổi thường có nguy cơ bị ngạt do dị vật chui vào đường thở, cũng như dị ứng đối với thực phẩm. Do đó, bạn không nên cho bé ăn những loại thực phẩm như:
• Bất kỳ loại sữa nào không được sản xuất dành riêng cho trẻ em, chẳng hạn như sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành…
• Các loại hạt có dầu và bơ đậu phộng
• Kẹo cứng và kẹo dẻo
• Nho và cà chua bi để nguyên quả
• Mật ong
• Kem
• Các mẩu nhỏ rau củ sống
• Bắp rang và khoai chiên giòn
CÁC LOẠI THỰC PHẨM DỄ GÂY DỊ ỨNG CHO BÉ TẬP ĂN DẶM
→ Trứng, mì trứng, bánh kem, sốt mayonnaise
→ Đậu phộng, dầu đậu phộng, bơ đậu phộng
→ Sữa, bơ, phô mai, sữa chua, kem
Bánh mì, bánh quy, mì ống
Đậu nành, nước tương, dầu đậu nành, đậu hũ