Qua sinh nhật đầu tiên, mức tăng trưởng của bé chậm lại so với năm trước. Bạn sẽ nhận thấy bé quan tâm đến thức ăn hơn, nhưng cũng “kén cá chọn canh” nên dường như ăn ít hơn so với năm đầu đời. Tuy nhiên, nếu cha mẹ luyện cho bé nếp ăn – với các thực phẩm tươi ngon và lành mạnh – ngay từ thời điểm này, thì về sau bé sẽ có xu hướng thích ăn những món này hơn.
Học cách tự ăn
Bé tập đi rất thích được ngồi ăn chung với gia đình và tự mình xúc ăn như mọi người. Hãy đáp ứng mong muốn này, cho bé những món mà bé dễ dàng tự xúc ăn, nhưng đừng quên để mắt đến bé trong bữa ăn đấy nhé!
NÊN CHO BÉ ĂN BAO NHIÊU LÀ ĐỦ
Dạ dày của bé nhỏ hơn dạ dày của người lớn rất nhiều, vì thế không cần lo rằng bé phải ăn nhiều thì mới đủ no. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích khi cho bé ăn:
• Dùng chén đĩa nhỏ và để cảm giác ngon miệng tự điều chỉnh lượng thức ăn mà bé muốn ăn.
• Không ép buộc, hứa hẹn hay la rầy để bé ăn cho xong bữa hoặc “ăn cho hết chén”. Cách làm này tạo cho bé thói quen xấu khó bỏ trong ăn uống, khiến bé hoặc chống đối và căm ghét bữa ăn, hoặc ăn quá nhiều đến mức béo phì. Bé sẽ cho bạn biết khi nào bé ăn đủ no bằng cách bặm môi lại, đẩy chén hay đĩa thức ăn ra xa, hoặc đổ thức ăn xuống đất.
• Bữa ăn phải cân bằng các dưỡng chất – thức ăn có nguồn gốc từ tất cả các nhóm thực phẩm – và ăn với lượng vừa phải. Nếu bé vẫn đói bụng và muốn ăn thêm, hãy cho bé ăn nhiều rau củ hoặc trái cây tươi. Không cần thiết phải cho bé ăn thêm khẩu phần thứ hai trong một bữa ăn.
• Nếu bé bỗng nhiên uống ít hơn lượng sữa mà bé vẫn thường uống, hãy cho bé ăn tráng miệng hoặc ăn bữa phụ bằng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai…
Xây dựng thói quen tốt
Đã đến lúc bé nhà bạn có thể chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang sữa bò (loại nguyên kem). Sau một tuổi, việc cho bé tiếp tục bú sữa công thức sẽ khiến bé có nguy cơ béo phì, còn bạn lại tốn một khoản tiền không nhỏ. Bạn cũng nên tập cho bé uống sữa bằng cốc thay vì bú bình như trước.
Ở giai đoạn trước, bạn phải cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm cho bé để phòng tránh dị ứng. Nhưng khi đã qua lần sinh nhật đầu tiên, bé đã sẵn sàng đón nhận các loại thức ăn phong phú với đủ hình dạng, màu sắc và mùi vị. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để tập cho bé làm quen với mọi loại thức ăn, không chỉ trong ba bữa chính mà còn trong các bữa lỡ.
Các thói quen ăn uống hình thành trong hai năm đầu đời sẽ theo bé suốt nhiều năm, thậm chí đến suốt cuộc đời. Vì vậy, sớm tập cho bé có thói quen ăn uống lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng để bé có thể duy trì chúng trong tương lai.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, bé đã bắt đầu biết thể hiện sở thích cá nhân. Cha mẹ cần phải hướng dẫn bé chọn lựa các thức ăn lành mạnh, cho phép bé tự quyết định nên ăn gì trong số đó và ăn bao nhiêu tùy thích, dù đôi lúc bé không ăn đủ lượng cần thiết. Ép buộc bé ăn thứ bé không muốn càng khiến bé bướng bỉnh và khó hình thành thói quen ăn uống tốt. Hãy để bé tự quyết định một số vấn đề liên quan đến ăn uống, rồi bạn sẽ tránh được những “rắc rối” về sau.
KHẨU PHẦN ĂN DÀNH CHO BÉ 1 - 2 TUỔI
Các bé từ 1 – 2 tuổi cần ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, nhưng với số lượng ít hơn các bé lớn. Với mỗi nhóm thức ăn, khẩu phần trung bình một ngày sẽ như sau:
THỰC ĐƠN MẪU: TRẺ 1 - 2 TUỔI(*)
(*) Quý độc giả có thể tham khảo thêm thực đơn dành cho trẻ từ sách Nuôi con mau lớn do First News – Trí Việt phát hành.
Tập làm quen với các loại thức ăn mới
Trong năm thứ hai, răng bé đã mọc gần đủ, bé sẵn sàng nhai và thử các loại thức ăn với đủ mọi hình dạng, độ mềm - cứng khác nhau. Tuy nhiên, bé vẫn có nguy cơ bị sặc thức ăn nên bạn cần tránh một số loại thực phẩm.
Thức ăn phải được xắt thành những mẩu nhỏ để bé không bị mắc nghẹn.
Các bé ở độ tuổi này rất thích cầm nắm mọi thứ trong tầm với và cho tất cả vào miệng. Bạn có thể để bé thử vài lần như vậy để trải nghiệm việc ăn dồn cùng một lúc sẽ khó chịu như thế nào.
Hãy cho bé hớp vài ngụm nước trong bữa ăn để bé nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Ngạt thở do sặc là nguy cơ rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Tốt nhất nên tránh cho bé ăn các miếng trái cây nhỏ như nho nguyên quả, rau củ để nguyên hoặc thịt chín cắt khúc. Thay vào đó, hãy cắt thức ăn thành những miếng “tí hon” hoặc dạng que ngắn nhỏ.
Đối với các bé còn quá nhỏ, bạn nên nấu thực phẩm thật chín, sau đó nghiền nát hoặc xay nhuyễn chúng. Các thực phẩm trơn ướt hoặc chứa nhiều nước có thể dễ dàng đi qua cổ họng bé mà không cần phải nhai đúng cách, do đó bạn nên cho bé ăn các thực phẩm dạng này từng ít một.
Nếu bé từ chối một món mới nào đó, hãy bỏ món đó đi mà không cần lo lắng hay bận tâm quá nhiều. Bạn có thể cho bé làm quen lại với món ăn này vào dịp khác. Có lẽ hiện giờ bé chưa đói hoặc không có hứng với món ăn đó. Đừng quá kỳ vọng bé sẽ thích thú món ăn mới mà bạn đã dày công chuẩn bị, cứ nghĩ rằng đây chỉ là một thử nghiệm và bé có thể thích hoặc không thích.
Hãy thường xuyên ăn cùng bé, cả ở nhà và lúc đi ăn bên ngoài.
Rồi bé sẽ hứng thú hơn trong việc trải nghiệm các món ăn mới.
Cho bé ăn chung với các bạn cùng tuổi cũng có thể giúp bé ăn ngoan hơn.
→ Trái cây trộn: Cung cấp đầy đủ các vitamin, hoạt chất thực vật, khoáng chất và chất xơ. Một chén nhỏ trái cây trộn là món tráng miệng hoặc bữa lỡ lý tưởng cho trẻ nhỏ.