“Người có sức hút là người quyến rũ.
Và tất cả mọi người đều có thể trở nên quyến rũ.”
August F. Livingston
Trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia đưa ra một định nghĩa rất sát với quan điểm của chúng tôi về từ “sức hút”:
Dù việc định nghĩa chính xác là rất khó khăn, thậm chí là không thể (do sự phong phú của các tiêu chí vô cùng đa dạng liên quan đến đặc điểm này) nhưng sức hút thường được sử dụng để miêu tả một đặc điểm không xác định và khó nắm bắt, thường bao gồm những khả năng dường như siêu phàm và kỳ lạ để điều khiển, quyến rũ, thuyết phục, truyền cảm hứng, và/ hoặc gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu liên hệ đặc biệt đến một phẩm chất của một con người cụ thể thì đó là người dễ dàng thu hút được sự chú ý và ngưỡng mộ từ người khác dựa vào sức hút của tính cách và/ hoặc vẻ bề ngoài.
Rõ ràng là, sức hút – hay nói đơn giản là khả năng khiến người đối diện yêu quý ngay lập tức – là một tài sản vô giá bởi việc được yêu mến chi phối rất nhiều đến các mối quan hệ, hiệu quả công việc, thậm chí là cả tâm lý của bạn. Từ việc thăng chức, bán hàng đến thương lượng, nếu bạn được yêu mến thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ cùng khám phá xem những thay đổi nhỏ nhặt trong hành vi của bạn – từ vô hình đến hữu hình – có thể khiến mọi người thay đổi đánh giá về bạn nhanh chóng đến mức nào.
Chiến lược 1 Anh cũng giống tôi
Mối quan hệ là một sức mạnh thầm lặng giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về mọi người, và ngược lại, cả cách mọi người nhìn nhận mình. Một hiệu ứng đồng bộ của một người khác có thể tạo ra sự đồng cảm hoặc thậm chí là những ảnh hưởng vô cùng lớn. Khi bạn phản chiếu một người khác – hành vi, giá trị, đặc điểm, hình thức, ngôn ngữ, trên thực tế là tất cả mọi thứ – anh ta sẽ nhìn thấy mình trong bạn. Bộ não của anh ta tự động ghi nhận: Anh là tôi và những người giống nhau thường có xu hướng yêu quý lẫn nhau.
Sức mạnh khó nhận thấy của sự giống nhau trong quan điểm của mỗi người có gốc rễ sâu xa từ chức năng của hệ thống thần kinh. Theo nhà thần kinh học Jean Decety thuộc Đại học Chicago, sự giống nhau kích hoạt các mạch não có liên quan đến cảm giác đồng cảm. Nghiên cứu của Decety sử dụng công cụ hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để nhìn sát vào bên trong não của đối tượng và quan sát rung động thần kinh của cảm xúc.
Decety nói rằng phản ứng đồng cảm tương tự xuất hiện khi một người thể hiện cảm giác vui sướng trước sự may mắn của một người bạn hoặc thể hiện sự thích thú khi trò chuyện. “Khi các bạn giống nhau một cách tích cực,” ông nói, “nó sẽ truyền tải một thông điệp mang tính xã hội dễ chịu mà bạn có được từ người khác.”
Hãy uống thử loại nước này
Trong nghiên cứu được thực hiện năm 2008, Robin Tanner và Tanya Chartrand – những nhà tâm lý học ở Duke – đã chứng minh sự giống nhau mang tính xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng hay nhà đầu tư tiềm năng như thế nào. 37 sinh viên ở Duke đã được yêu cầu nếm một vị thức uống có tên Vigor và trả lời một số câu hỏi về sản phẩm này. Người phỏng vấn bắt chước cử chỉ và chuyển động của khoảng một nửa số người tham dự. Những người được bắt chước cử chỉ, đánh giá cao Virgo và uống nhiều hơn những người không bị bắt chước. Những người bị bắt chước còn nói rằng họ sẽ mua Vigor và dự đoán rằng sản phẩm này sẽ thành công khi ra mắt thị trường.
Hấp dẫn hơn, một thí nghiệm độc lập đã chỉ ra rằng cả mức độ yêu thích sản phẩm lẫn tỉ lệ mua hàng đều tăng cao hơn khi người phỏng vấn khẳng định rằng anh ta có tham gia vào quá trình tạo nên thành công của sản phẩm. Charttrand chỉ ra rằng đó là hiện tượng phản trực giác. “Bạn thường nghĩ rằng nếu ai đó nhận ra người đối diện đã đầu tư vào sản phẩm và đang cố gắng bán nó, họ sẽ cảm thấy ít hứng thú hơn. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng những người bị bắt chước thực sự có những cảm giác tốt hơn về sản phẩm khi họ biết rằng người đối diện đã đầu tư vào nó” (Meltzoff và Decety 2003).
Nghiên cứu mở rộng được thực hiện bởi Jeremy Bailenson – nhà tâm lý học nổi tiếng ở Stanford – đã chỉ ra rằng những người bắt chước thành công thậm chí không cần phải là con người.
Những người tham gia nghiên cứu tương tác với một hiện thân giống hệt người thật. Kết luận của thí nghiệm chứng minh:
“Hóa ra, con người thực sự không có khả năng phát hiện người khác hoặc công cụ khác đang bắt chước họ,” Bailenson nói. “Một người hoặc tắc kè hoa kỹ thuật số có khả năng chuyển động hoặc cười giống chúng ta mà chúng ta không hề nhận ra sự bắt chước này và đó thực sự là một chiến lược có sức mạnh độc đáo cho bất cứ ai đang cố gắng dạy bảo, bán sản phẩm cho ta hoặc thuyết phục ta.” Trong vô thức chúng ta sẽ bị họ thuyết phục.
Vì con người có xu hướng hành động theo những giá trị bề mặt dễ nhận thấy, hành vi của chúng ta có thể bị định hình bởi những thông tin sai lầm có tính toán? Balenson đã khảo sát về vấn đề này trong một thí nghiệm được thực hiện vào năm 2004 với sự kết hợp của phòng thí nghiệm thông tin chính trị thuộc đại học Standford. Các nhà nghiên cứu đã ghép ảnh của các cử tri đang phân vân giữa George Bush và John Kerry, sử dụng tỉ lệ ghép khoảng từ 30 đến 40%. Cử tri thích ứng cử viên mà họ bị ghép ảnh vào hơn, nhưng không một ai trong số 2.500 người tham dự nhận ra chân dung của họ đã bị ghép bức ảnh mình chọn.
Trong thí nghiệm sử dụng hiện thân của Bailenson, đối tượng tham gia chỉ nhận ra họ bị bắt chước khi hành động của họ được lặp lại ngay lập tức một cách chính xác. Nếu hành động của hiện thân chỉ cần chậm lại vài giây – chính xác là bốn giây – thì đối tượng tham gia nghiên cứu hoàn toàn không có khả năng nhận ra nữa. Nghiên cứu của Bailenson đã chỉ ra rằng nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi thêm bốn giây trước khi bắt chước chuyển động đầu của ai đó, người đó sẽ có cảm tình với bạn và dễ dàng đồng ý với yêu cầu, quan điểm của bạn hơn.
Bailenson nói rằng có những phản ứng hợp lý trong trường hợp này sẽ tạo nên được sự cân bằng tinh tế. “Người bán hàng giỏi – và trong trường hợp này có thể gọi là một nghệ sĩ tài ba – là những người biết được tác dụng của những kỹ năng này và luôn sử dụng chúng. Tôi đoán rằng tất cả những người có thể sử dụng thành thạo các kỹ năng này đều biết cách hành động dựa trên trực giác.”
Như vậy, công thức thời gian kỳ diệu cho việc mô phỏng nhằm xây dựng mối quan hệ thân tình là gì? Hãy bắt đầu bằng việc gật đầu – một hành động chung thể hiện sự chấp thuận, hành vi ít có khả năng bị coi là một hành động bắt chước nhất dù bị phát hiện và hãy thực hiện việc bắt chước này sau sáu giây thay vì bốn giây. Hãy điều chỉnh không khí trong phòng một cách nhẹ nhàng, từ tốn và điều chỉnh thời gian của bạn.
Chiến lược 2 Điều khiển cảm giác của cô ấy
Bạn có thể khiến cô ấy có những suy nghĩ tốt về bạn nhưng làm thế nào để cô ấy có được cảm giác tốt khi ở cạnh bạn. Bạn đã bao giờ có cảm giác thật tuyệt vời khi ở cạnh một người luôn chân thành khen ngợi và đồng tình với bạn chưa? Ngược lại, hãy nghĩ đến cảm giác khi phải ở cạnh một người luôn luôn khó chịu với tất cả mọi người và mọi thứ mà họ gặp, dù chỉ trong năm phút? Những người này dường như lúc nào cũng sẵn sàng làm cho bạn cáu điên lên. Nếu bạn khiến người khác có được những cảm giác tốt đẹp, bạn đã đi được một chặng đường dài tiến tới nghệ thuật bí ẩn của sức hút. Chúng tôi có một cách đơn giản để làm được điều đó: Sức mạnh của một nụ cười – bạn sẽ đọc được điều đó ở cuối chương này.
Nói rõ hơn về sự thật hiển nhiên này, trong cuốn sách Làm thế nào để có được những người bạn và gây ảnh hưởng lên người khác, Dale Carnegie – một trong những chuyên gia hàng đầu về các mối đưa ra quan hệ – đã cho chúng ta một vài gợi ý:
Không mấy ai trong chúng ta ngạc nhiên trước những gợi ý thiên về trực giác mà thậm chí là ai cũng biết này. Chúng ta biết chúng, nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng chúng và chúng ta cũng cần phải nhắc nhở bản thân rằng khiến người khác có những cảm giác tốt đẹp về bản thân họ là con đường nhanh nhất để khiến họ có những cảm giác tốt đẹp về mình.
Chiến lược 3 Anh ta cũng chỉ là con người thôi!
Nếu bạn tự đề cao mình một cách thái quá, nếu bạn luôn nghĩ rằng mình là người tốt hơn những người khác, bạn đang khuyến khích họ mong chờ thất bại của bạn. Độc dược có độc tính cao nhất trong hỗn hợp sức hút chính là tính khiêm nhường. Như chúng ta đã nhận thấy, khi dẹp bỏ cái tôi, chúng ta sẽ dễ dàng và nhanh chóng kết nối được với những người khác. Ngược lại, một người quá yêu bản thân mình thì sẽ chẳng còn chút “không gian” nào cho những người khác yêu quý họ nữa.
Đừng nghĩ rằng khiêm nhường là một điểm yếu. Đó là một điểm mạnh. Một người kiêu ngạo thì chỉ biết nhận mà thôi. Anh ta là một con nghiện cảm xúc, luôn phụ thuộc vào việc người khác cho cái tôi yếu đuối của anh ta ăn và là nô lệ của cơn bốc đồng của bản thân đến mức anh ta không thể vượt qua nó được.
Làm thế nào để có được đức tính khiêm nhường? Hãy tỏ ra khiêm nhường bằng cách đặt mình vào những hoàn cảnh khiêm nhường như việc một người lựa chọn việc ngủ qua đêm ở nhà tế bần: Chừng nào còn tích cực thì đó vẫn là hành động mang tính chất tự nguyện. Anh ta vẫn đang kiểm soát được tình hình, và như vậy, đó không thực sự là khiêm nhường. Thực tế, giờ đây anh ta có thể nghĩ về bản thân mình theo kiểu: Hãy xem tôi có thể làm được những gì đây.
Khi một người bị ném vào hoàn cảnh mà anh ta không còn kiểm soát được tình huống nhưng vẫn kiểm soát được bản thân bằng cách có những suy nghĩ tích cực về tình huống đó, khi ấy anh ta mới có được sự khiêm nhường thực sự. Tạo ra điều kiện khi chúng ta bị phụ thuộc không thực sự thể hiện được bất cứ điều gì về tính cách của bản thân vì chúng ta hoàn toàn tự do để tham gia vào tình huống đó.
Một người khỏe mạnh nhưng lại đi ăn xin có rất ít cơ hội để nâng cao tính khiêm nhường của mình. Mặt khác, nếu cũng người đó nhưng lại ở trong một hoàn cảnh khiêm nhường tự nhiên – chẳng hạn như, anh ta chợt nhận ra mình đang đứng giữa đường mà không thấy ví của mình đâu – và thay vì tỏ ra vô cùng thất vọng và bối rối vì không thể làm từ thiện, anh ta lại vượt lên trên bản năng của mình, anh ta đã thể hiện sự khiêm nhường thực sự.
Khi bạn chợt nhận ra rằng mình đang ở trong một tình huống khó khăn, bối rối và phản ứng lại bằng sự tự chủ và dáng vẻ thanh nhã, bạn không chỉ thể hiện được sự sự quyến rũ mà còn cả đức tính khiêm nhường của mình. Bạn sẽ không bị nhìn nhận như một kẻ yếu đuối mà ngược lại, trong mắt mọi người, bạn là một người thực sự mạnh mẽ và chính sức mạnh ấy sẽ thúc đẩy mọi người gắn bó với bạn.
Sáu bí quyết để trở nên khiêm nhường:
Sự liên kết này không xuất phát từ sự yếu đuối của người khác mà từ sự tử tế của anh ta. Một người hấp dẫn càng trở nên hấp dẫn hơn khi biết đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của bản thân. Khi bạn dám hi sinh lợi ích cá nhân vì người khác, bạn sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn và những người xung quanh sẽ tự động bị bạn cuốn hút.
Chiến lược 4 Sức mạnh của nhân cách
Chúng ta thường bị thuyết phục bởi những người có khả năng phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai.
Khi bạn luôn giữ vững quan điểm của mình trước lẽ phải, mọi người sẽ luôn giữ vững tình cảm tốt đẹp của họ dành cho bạn. Chẳng hạn như, hãy chia sẻ công lao và khiến người khác tốt đẹp hơn. Bất cứ khi nào những thành quả trong công việc của bạn được ghi nhận, hãy đảm bảo rằng bạn có nhắc đến tất cả những người có đóng góp cho thành công đó, cho dù là nhỏ nhất. Khi một khách hàng chúc mừng bạn vì bạn đã làm rất tốt công việc của mình và bạn trả lời rằng: “Xin cám ơn, nhưng Jim và Susan đã đóng góp rất nhiều công sức để công việc này có thể tiến triển trôi chảy,” bạn sẽ trở thành một siêu anh hùng.
Hãy tránh xa khỏi những tin đồn nơi làm việc
Nếu mọi người đang buôn chuyện, hãy tránh xa họ ra. Buôn chuyện chỉ khiến bạn trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta tôn trọng những người không nói xấu người khác. Điều đó thể hiện một nhân cách cao quý, như đã nói trước, chúng tôi tin tưởng, ngưỡng mộ và bị thu hút bởi những người sống có nguyên tắc.
Khi sếp trực tiếp của bạn nói với bạn rằng bạn đã làm rất tốt công việc của mình trong dự án và bạn dẫn thuộc cấp của mình vào phòng sếp và nói: “Tôi rất cảm kích vì những lời khen của ngài, ngài Green ạ, nhưng tôi muốn ngài biết rằng Tim Brown đã đóng góp rất nhiều cho thành công của dự án,” cả hai người đều sẽ có cái nhìn tích cực về bạn. Tài giỏi là tốt và có rất nhiều người tài giỏi. Hành động có đạo đức là tốt, và chỉ một số ít người hành động có đạo đức. Chính điều đó sẽ khiến cho bạn trở nên khác biệt trong đám đông và mọi người sẽ luôn có được những ấn tượng đặc biệt về bạn.
Chiến lược 5 Một thái độ tích cực
Như đã thảo luận, chúng ta thích những người giống chúng ta. Nhưng có một ngoại lệ cho nguyên tắc này. Không ai muốn ở cạnh một người luôn bi quan, chán nản và giận dữ với cả thế giới. Chúng ta luôn tìm kiếm, yêu quý và ngưỡng mộ những người biết trân trọng cuộc sống, vui vẻ và suy nghĩ tích cực. Tại sao? Bởi vì đó là những điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Và nhìn thấy tinh thần đáng mơ ước đó ở người khác khiến chúng ta thích họ hơn. Bạn có thể biết ai đó – thậm chí chính bạn là người luôn khó chịu khi thấy người khác thức dậy với một nụ cười hay một tâm trạng tốt. Thực tế là đó chỉ là ghen tị và ở một mức độ nào đó, chúng ta thường bị hấp dẫn bởi thái độ và con người đó.
Hãy nghĩ về những người trong cuộc sống mà bạn không thể chịu nổi khi ở bên cạnh họ. Họ thường là những người luôn phàn nàn về một vấn đề nào đó, khó chịu với một ai đó và tìm thấy sai lầm ở tất cả mọi thứ xung quanh. Giống như thái độ tự tin, một thái độ tích cực sẽ biến bạn trở thành siêu nhân trong khả năng hấp dẫn người khác.
Những người bất hạnh thích có bạn đồng hành không? Thực tế là có. Những người bất hạnh muốn được ở cạnh những người luôn cảm thấy khó chịu với cuộc sống, giống như họ. Nhưng điều đó không khiến họ yêu mến những người kia hơn. Người bất hạnh muốn thương xót và phàn nàn với một người bất hạnh khác, nhưng khi có tâm trạng tốt, anh ta sẽ lập tức từ bỏ con người khó chịu và có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của mình. Anh ta tìm sự khuây khỏa với những người có cảm giác giống mình, nhưng khi không còn cảm giác đó nữa, anh ta sẽ ngay lập tức từ bỏ mối quan hệ này. Đó là bởi anh ta chưa bao giờ thích người đó cả (ít nhất là không phải vì sự giống nhau này) cái anh ta thích chỉ là thái độ chia sẻ.
Chiến lược 6 Sức mạnh của một nụ cười
Cách đơn giản nhất để tạo được sức hút với người khác mà bạn có thể làm: Cười! Một nụ cười có thể giành được bốn sức mạnh: Nó thể hiện sự tự tin, niềm vui, nhiệt tâm và quan trọng nhất, nó thể hiện sự chấp thuận.
Nhà tâm lý học Daniel Goleman (2002) đã viết: “Có một sự thật là nụ cười là dấu hiệu cảm xúc dễ lan truyền nhất và nó có sức mạnh không thể cưỡng lại được khiến mọi người mỉm cười lại với bạn.” Khi nhìn thấy một người bạn quen, hãy tiến lại gần cô ấy với một nụ cười thật tươi và một cử chỉ thể hiện cảm giác vui vẻ chân thành khi được ở bên cô ấy, bạn sẽ khiến cô ấy có cảm giác như vừa trúng giải độc đắc một triệu đôla. Đổi lại, cô ấy sẽ thể hiện thái độ vô cùng cảm kích với việc bạn đã làm cho cô ấy có cảm giác thoải mái, được chào đón và trân trọng.
Có được âm điệu giọng nói phù hợp là việc vô cùng quan trọng. Trong bất cứ mối quan hệ nào, chính những giây đầu tiên khi bạn xuất hiện trong một cuộc họp hay gặp gỡ đồng nghiệp, khách hàng có thể quyết định mức độ thành công của cuộc gặp gỡ đó một cách nhanh chóng nhất.
Những người hay cười là những người tự tin, bởi khi chúng ta sợ hãi hay không chắc chắn về bản thân hoặc vẻ bề ngoài của mình, chúng ta sẽ không cười. Tất nhiên, nụ cười thể hiện niềm vui và chúng ta thường bị cuốn hút bởi những người vui vẻ: Chúng ta sẽ cảm thấy yêu mến họ hơn. Sự nhiệt tình sẽ khiến bạn thêm phần hấp dẫn bởi tính lan truyền của nó. Nụ cười sẽ thể hiện rằng bạn cảm thấy rất dễ chịu khi ở nơi bạn đang ở, và đổi lại, mọi người sẽ thích thú khi được ở bên bạn.
Một nụ cười chân thành
Tốc độ của một nụ cười ảnh hưởng đến cảm nhận về nó như thế nào? Trong một thí nghiệm, 100 người tham gia ngồi trước một màn hình để đánh giá nụ cười của những gương mặt khác nhau. Họ nhìn những khuôn mặt cười khác nhau – một vài người chỉ mỉm cười trong vòng một phần mười giây và những người khác thì cười trong vòng khoảng nửa giây. Những người tham gia sau đó thể hiện quan điểm của họ về độ tin cậy, sức hấp dẫn, độ giả tạo và thái độ tán tỉnh mà những nụ cười khiến khuôn mặt trông có vẻ như vậy. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những nụ cười kéo dài 0.5 giây thường được nhìn nhận là hấp dẫn và đáng tin cậy hơn (Krumhuber và đồng sự 2007).
Nụ cười là một hình thức chấp nhận. Nó giúp người khác biết rằng bạn chấp nhận anh ta. Bởi phần lớn chúng ta luôn có cảm giác mình không hoàn hảo và còn nhiều khiếm khuyết nên một nụ cười chân thành có thể khiến chúng ta có được những cảm giác tốt đẹp hơn về bản thân và, đổi lại, chúng ta cũng sẽ có những cảm giác tốt đẹp về người khác.
Xem thêm: