“Tôi trở nên điên loạn, sau một thời gian dài tỉnh táo đến khủng khiếp.”
Edgar Allan Poe (1809-1849)
Nếu bạn đang phải đối phó với một người thực sự có vấn đề về cảm xúc, hãy cân nhắc lời khuyên sau để khiến cuộc sống và công việc của bạn đơn giản hơn rất nhiều: Bạn không có trách nhiệm phải dạy người đó về tính thực tế. Trừ khi chủ động khắc phục tình hình của mình, anh ta sẽ không bao giờ tỉnh ra, xin lỗi và nói với bạn rằng: “Tôi đã thật ngu ngốc, anh nói đúng. Tôi không biết mình đã nghĩ gì trong nhiều năm nay.” Đừng ảo tưởng. Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra đâu.
Cho dù con người này từng đạt được thành tựu gì đi chăng nữa, anh ta vẫn đang gặp vấn đề về tinh thần. Bạn cần phải thực sự hiểu điều này. Bạn không thể nói gì hay làm gì để cải thiện tình trạng của anh ta. Giống như người tàn tật về mặt thể chất không thể làm được một số việc nhất định, người tàn tật về mặt cảm xúc cũng vậy. Bạn sẽ không bao giờ có thể khiến anh ta nhìn nhận mọi thứ khác đi. Đừng hy vọng hão huyền rằng anh ta sẽ thay đổi thái độ, quan điểm hay tầm nhìn của mình.
Mục tiêu của bạn là xây dựng một mối quan hệ hợp tác và hiệu quả hết sức có thể, chứ không phải là giáo dục người khác.
Một khi đã chấp nhận khả năng của người đối diện – có thể là sẽ vô cùng có hạn – bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong mối quan hệ với anh ta. Hãy ra quyết định ngay tại thời điểm này. Bạn muốn có mối quan hệ tốt nhất với con người này hay muốn khẳng định là mình đúng và cố hết sức để chứng minh điều đó với anh ta, hết lần này đến lần khác? Bạn buộc phải quyết định, hoặc cái này, hoặc cái kia – cái gì là đúng đắn và hiệu quả. Bạn không thể làm cả hai việc một lúc.
Đó có thực sự là một mối quan hệ?
Nếu chỉ vì hai người có liên quan hoặc tương tác với nhau, liệu đã có thể coi đó là một mối quan hệ? Một mối quan hệ tồn tại giữa hai người với nhau khi mỗi người đều cho đi và nhận lại. Nếu một người không có khả năng cho bạn bất cứ điều gì mà chỉ biết nhận thì giữa hai người không hề có mối quan hệ – chỉ có một người cho và một người nhận. Chúng ta sẽ tức giận bởi chúng ta tin rằng đó là một mối quan hệ. Nếu người kia không có khả năng cho thì mong muốn của bạn sẽ luôn vượt quá khả năng của anh ta và tất cả những gì bạn nhận được sẽ luôn là sự thất vọng. Thay vào đó, nếu bạn định hình lại động lực của mình và coi sự giúp đỡ, những lời khuyên, sự hỗ trợ và thấu hiểu của bạn như một hành động tử tế dành cho những người khốn khổ hơn là một mối quan hệ, bạn sẽ không còn cảm thấy phiền muộn khi nhu cầu của mình không được đáp ứng nữa. Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.
Rất nhiều người từng nói chuyện với một người có vẻ bề ngoài vô cùng sáng sủa, nhưng cô ta không thể hiểu nổi chúng ta đang nói gì. Ai cũng nghĩ rằng nếu mình đưa ra những lập luận hợp lý và giải thích sự việc một cách rõ ràng, lôgíc thì con người này không có cách nào khác ngoài việc đồng tình và nhìn nhận mọi thứ theo cách của chúng ta – một cách thức đúng đắn.
Suy nghĩ này còn vô lý hơn cả những gì chúng ta nhìn thấy ở người mà mình muốn thuyết phục. Bởi người đối diện không hề suy nghĩ, nên tính hợp lý và việc phân tích, lý luận hoàn toàn vô nghĩa đối với cô ta. Cô ta đang cảm nhận và trong khi cảm xúc được nạp đầy, cô ta không thể nhìn thấy thực tế và càng không thể nghe bạn nói. Như vậy, trớ trêu thay, ai là người không thực tế ở đây? Cô ta – con người không thể lắng nghe sự thật hay chính chúng ta – những người đang cố gắng để chỉ huy con người này, bất chấp một sự thật rằng cô ta sẽ không ngồi nghe những lý do mà chúng ta đưa ra? Cô ta không thể giúp đỡ bản thân mình trong tình huống đó. Chúng ta hiểu biết hơn và có thể tránh được công việc vô ích này.
Tất cả chúng ta đều có những điểm mù – những “khu vực” mà chúng ta không cho thực tế xen vào. Đúng, chúng ta có thể thấy hành động của người khác là phi lý, thậm chí điên rồ, chỉ bởi điểm mù của hai người khác nhau. Trên thực tế, chúng ta cũng điên rồ như thế, thậm chí là hơn thế, nếu lựa chọn việc không chấp nhận sự thật, giận dữ, thất vọng, khó chịu khi ai đó không lắng nghe mình.
Để có những mối quan hệ vui vẻ và hài hòa hơn, hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều có những thời điểm không thể nhìn nhận được thực tế một cách rõ ràng và kể cả cuộc tranh luận lớn nhất thế giới cũng không đủ giúp chúng ta đối mặt với những điều mà bản thân cần phải nhìn nhận.
Điều chỉnh thái độ và nhận thức của bạn là điều tối quan trọng. Mặc dù không thể cứu sống được ai bằng việc thay đổi mối quan hệ với họ, nhưng khả năng có được những mối quan hệ tốt nhất của bạn sẽ được gia tăng đáng kể.
Chiến lược 1 Phương pháp tiếp cận sáu khía cạnh
Hầu hết các phương pháp tiếp cận của bạn phụ thuộc vào bản chất của sự tương tác, cũng như mức độ không kiểm soát được cảm xúc của người đối diện. Nhưng trong bất kì trường hợp nào, vẫn có những công cụ tâm lý chắc chắn để xây dựng mối quan hệ tốt nhất có thể.
Bầu trời thân thiện
Tiếp viên hàng không bắt đầu mỗi chuyến bay bằng cách nhắc nhở hành khách rằng trong tình huống khẩn cấp, những người đi cùng với trẻ em cần phải đeo mặt nạ ô xy cho họ trước khi đeo cho bọn trẻ. Chúng ta sẽ không thể làm những điều tốt đẹp cho người khác nếu không tự làm những điều tốt đẹp cho bản thân mình trước. Bất cứ khi nào chúng ta vạch lại ranh giới trong các mối quan hệ, lãnh thổ của mỗi người sẽ hẹp hơn; tuy nhiên, nếu không có đường ranh giới, sẽ không tồn tại những con người riêng biệt. Trong khi một số mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn nhờ việc không có ranh giới thì việc để những người có cảm xúc không tốt đưa ra các quy định lại không hề lành mạnh. Do đó, trong một số hoàn cảnh hiếm hoi, chúng ta buộc phải nói: “Đã quá đủ rồi.”
Đợi đã nào! Tại sao lại để cảm xúc của mình phụ thuộc vào hành động của người khác như thế?
Các nhà ngôn ngữ học đã nhận ra rằng một câu nói là bất hợp lý khi nó sai về mặt ngữ nghĩa. Hãy xem xét câu sau: “Bạn của tôi buộc tôi phải có đôi mắt màu xanh.” Không ai có thể đồng ý rằng đây là một câu đúng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý với tuyên bố sau: “Bạn của tôi khiến tôi bực mình.” Theo các nhà ngôn ngữ học, hai câu trên giống nhau về mặt ngữ nghĩa và sai về mặt cấu trúc.
Một liệu pháp trị liệu ngắn hạn có tên Lập trình ngôn ngữ tư duy (N euro L inguistic P rogramming – NLP) đã nhận ra sự cần thiết của việc xác định các mô hình tiêu cực như vậy bởi xu hướng vốn có của chúng sẽ xâm nhập vào suy nghĩ vô thức của chúng ta. Tác giả của NLP đã cung cấp trong Cấu trúc của Pháp thuật (Bandler và Grinder 1975) những quan điểm sau giống như một sự trợ giúp được tạo ra cho các nhà trị liệu, để nhận ra khi nào hành vi này xuất hiện:
Chúng tôi đã khái quát hóa khái niệm về những câu yếu về mặt ngữ nghĩa như:
Chồng của tôi làm tôi phát điên.
Nhà trị liệu có thể xác định là câu này sử dụng mẫu:
Ai đó khiến cho ai đó có cảm xúc gì đó.
Khi người đầu tiên – người gây ra sự việc, khác hoàn toàn so với người trải nghiệm cảm giác giận dữ, câu nói này được coi là một câu yếu về mặt ngữ nghĩa và không thể chấp nhận được. Việc sử dụng những câu nói yếu về mặt ngữ nghĩa này đang tăng dần lên vì, theo nghĩa đen thì bản thân một người không thể tạo ra cảm xúc cho một người khác – như vậy, chúng ta phủ nhận câu nói này về mặt hình thức. Trên thực tế, kiểu câu này xác định tình huống trong đó một người có một hành động nào đó và người thứ hai, phản ứng bằng cách cảm nhận theo một cách nhất định. Vấn đề ở đây là, mặc dù hai sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, việc tạo ra mối liên hệ giữa hành động của người này và phản ứng của người kia là không cần thiết.
Do vậy, kiểu câu này xác định một mô hình mà ở đó thân chủ xác định trách nhiệm đối với cảm xúc của anh ta; hơn là cảm xúc là phản ứng được tạo ra bởi mô hình mà trong đó thân chủ không chịu bất cứ trách nhiệm nào với những trải nghiệm mà anh ta có thể kiểm soát.
Chúng tôi cho rằng chúng ta không thể đổ lỗi cho cảm xúc của mình khi một sự kiện nào đó xảy ra, sự thật là thế. Vấn đề mấu chốt là: Bạn không cần phải khó chịu khi ai đó làm việc gì đó khó chịu. Bạn hoàn toàn có khả năng lựa chọn phản ứng của chính bản thân mình.
Xem thêm: