“Thương trường là chiến trường” – đó là câu cửa miệng của những người kinh doanh. Trong cạnh tranh cần tỏ ra khôn ngoan hơn đối thủ, giành giật quyết liệt thị phần, khuếch trương thương hiệu hàng hóa, khống chế nhà cung cấp, khóa chặt khách hàng. Theo quan điểm đó, sẽ luôn luôn có người thắng và kẻ bại. Cách nhìn về một kết cục thắng – bại được Gore Vidal viết như sau: “Chỉ thành công thôi chưa đủ. Phải làm sao cho kẻ khác thất bại nữa”.
Tuy nhiên, căn cứ theo những gì người ta hay nói về kinh doanh ngày nay, bạn sẽ không thể tiếp tục nghĩ theo kiểu như vậy. Bạn cần phải lắng nghe khách hàng, hợp tác với các nhà cung cấp, lập ra các nhóm mua hàng và xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược (thậm chí cả với các đối thủ cạnh tranh). Và tất cả những điều đó không hề giống như trong một cuộc chiến. Hoặc nếu có giống như một cuộc chiến, cũng gần như sẽ không có người thắng. Hậu quả thường thấy sau các cuộc cạnh tranh về giá là sự sụt giảm mức lợi nhuận ở khắp nơi. Hãy thử nhìn vào ngành hàng không của Mỹ: Thiệt hại trong những cuộc chiến tranh giá cả các năm 1990 - 1993 còn nặng nề hơn tổng thiệt hại mà ngành này phải gánh chịu trong suốt thời Orville và Wilbur.
Bernard Baruch, nhà tài phiệt ngân hàng tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, đã phản đối Gore Vidal bằng những lời như sau: “Không cần phải thổi tắt ánh sáng của người khác để mình được tỏa sáng”. Và mặc dù không nổi danh bằng Gore Vidal, song Baruch đã thành công hơn đáng kể. Vì vậy, trong cuốn sách này chúng ta sẽ thiên về lời khuyên của Baruch nhiều hơn.
Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chỉ thành công khi những người khác thành công. Nhu cầu đối với các mạch vi xử lý (chip) của Intel chỉ tăng lên khi Microsoft tạo ra được những phần mềm mạnh hơn. Ngược lại, các phần mềm của Microsoft trở nên có giá hơn khi Intel sản xuất ra được những vi mạch có khả năng xử lý nhanh hơn. Rõ ràng đó là sự thành công cho cả đôi bên, hơn là sự cạnh tranh làm hại lẫn nhau. Tình huống này được gọi là cùng thắng. Chiến tranh lạnh đã kết thúc và những giả định cũ về cạnh tranh cũng vậy. Vậy thì: “Liệu có phải kinh doanh giờ đây là hòa bình?” Trên thực tế, điều này cũng không hoàn toàn đúng. Chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến những xung đột với đối thủ kinh doanh để giành thị phần, với nhà cung cấp để giảm chi phí và với khách hàng để tăng giá. Từ ví dụ trên, thành công của Intel (chip) và Microsoft (phần mềm) không hẳn đã giúp cho các hãng máy tính phát triển, như trong trường hợp của Apple Computer. Kinh doanh không phải là chiến tranh và cũng không phải là hòa bình. Vậy thì nó là gì?
Một hệ tư tưởng mới
Kinh doanh là sự hợp tác khi cần tạo ra chiếc bánh và là cạnh tranh khi đến lúc chia phần chiếc bánh đó. Nói cách khác, kinh doanh là chiến tranh và hòa bình. Nhưng đây không phải là tác phẩm của Tolstoy với những vòng xoáy chiến tranh dường như không có hồi kết. Đây đồng thời là cả chiến tranh lẫn hòa bình. Nói như Ray Noorda, người sáng lập Công ty Phần mềm nối kết mạng Novell, “bạn phải cùng một lúc vừa cạnh tranh, vừa hợp tác”. Thực tế, sự kết hợp của cả hai yếu tố này cho thấy một mối quan hệ năng động hơn hẳn so với nội dung mà mỗi từ cạnh tranh và hợp tác riêng rẽ mang lại.
Đâu là những chỉ dẫn cho sự cạnh tranh - hợp tác này? Chúng ta vẫn có thể cạnh tranh mà không cần trừ khử đối thủ của mình. Nếu như việc đánh nhau làm hỏng chiếc bánh thì bạn cũng sẽ chẳng còn gì để chiếm lấy nữa. Đó sẽ là tình huống cùng thua. Cũng như vậy, có thể hợp tác mà không nhất thiết phải quên đi những lợi ích của riêng mình. Dù sao đi nữa, nếu cố tạo ra chiếc bánh mà không chiếm được phần nào trong đó thì đó không phải là giải pháp thông minh. Tình huống này sẽ là thua-trong-thắng.
Mục đích của bạn là luôn mang lại những điều có lợi cho bản thân. Đôi khi đó là sự trả giá của người khác, nhưng cũng có khi không phải như vậy. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ thảo luận về kinh doanh như một cuộc chơi (nhưng không giống như chơi thể thao, chơi bài hay chơi cờ, khi mà luôn phải có người thắng, kẻ thua). Trong kinh doanh, bạn thành công nhưng không nhất thiết phải có những người thua cuộc. Đây có thể là cuộc chơi nhiều người cùng thắng. Xuyên suốt các chương sách sau đây sẽ là rất nhiều ví dụ minh chứng cho điều này. Với tinh thần cạnh tranh, chúng ta sẽ đưa ra một số trường hợp mà trong đó thắng-trong-thua là cách tiếp cận có hiệu quả, còn những trường hợp khác thì cùng-thắng mới là cách tiếp cận đúng đắn. Chúng ta sẽ xem xét những tình huống trong đó đôi khi đánh bại đối thủ của mình là giải pháp tốt, nhưng cũng có những tình huống mà kế hoạch tốt nhất lại là làm lợi cho tất cả các bên trong cuộc chơi, kể cả đối thủ cạnh tranh.
Đưa cạnh tranh - hợp tác vào thực tiễn đòi hỏi phải có sự suy ngẫm kỹ lưỡng. Chỉ cảm nhận được khả năng hợp tác và các chiến lược cùng thắng thôi chưa đủ. Sẽ còn cần phải có một khuôn khổ để suy xét các hậu quả về mặt tiền bạc của hợp tác và cạnh tranh nữa.
Lý thuyết trò chơi
Chúng ta quay sang nghiên cứu lý thuyết trò chơi để tìm cách đưa cạnh tranh và hợp tác lại gần nhau hơn. Có thể nói lý thuyết trò chơi có khả năng làm biến chuyển hoàn toàn cách suy nghĩ của mọi người về kinh doanh từ trước tới nay. Đó là do các ý tưởng nền tảng của lý thuyết trò chơi rất vững chắc và cũng bởi vì kinh doanh tạo ra rất nhiều cơ hội để áp dụng chúng vào thực tiễn.
Càng ngày người ta càng công nhận rằng lý thuyết trò chơi là một công cụ tối cần thiết để có thể hiểu được thế giới kinh doanh hiện đại. Năm 1994, ba nhà tiên phong về lý thuyết trò chơi là John Nash, John Harsanyi và Reihart Selten đã được nhận giải Nobel. Đồng thời, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cũng đã áp dụng lý thuyết trò chơi để thiết kế một cuộc bán đấu giá hệ thống quang phổ sóng âm cho các dịch vụ truyền thông cá nhân với trị giá 7 tỷ USD (đương nhiên là những người tham gia đấu giá cũng sử dụng lý thuyết trò chơi). Thậm chí các công ty tư vấn quản lý hàng đầu cũng đang bắt đầu đưa lý thuyết trò chơi vào chiến lược thực tiễn của mình.
Lý thuyết trò chơi bắt đầu hình thành và được áp dụng từ những ngày đầu của Thế chiến thứ II, khi các lực lượng hải quân Anh chơi trò mèo vờn chuột với các tàu chiến ngầm của phát xít Đức và họ muốn nắm rõ hơn về trò chơi để có thể thắng được nhiều hơn. Họ đã khám phá ra rằng những bước đi đúng hóa ra lại không phải là những gì các hoa tiêu và thuyền trưởng vẫn làm dựa vào trực giác của mình. Bằng cách áp dụng những khái niệm mà về sau được biết đến như lý thuyết trò chơi, người Anh đã có thể cải thiện thành tích bắn trúng đích của mình lên đáng kể. Thắng lợi đối với các tàu ngầm của địch đã cho phép họ tiếp tục áp dụng lý thuyết trò chơi vào các hoạt động khác trong chiến tranh. Như vậy, có thể nói lý thuyết trò chơi đã chứng tỏ được mình trong những tình huống sống còn trên thực tế trước khi nó được viết ra giấy và trở thành một lý thuyết mang tính hệ thống.
Việc đưa ra lý thuyết cổ điển muộn hơn một chút, vào năm 1944, khi nhà toán học thiên tài John von Neumann và nhà kinh tế Oscar Morgenstern xuất bản cuốn sách của họ mang tựa đề Lý thuyết trò chơi và hành vi kinh tế. Công trình khoa học này rất xuất sắc và ngay lập tức được tiên đoán sẽ trở thành một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ. Nó dẫn đến một số lượng lớn các công trình kỹ thuật được viết ra trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, chiến lược quân sự, luật, công nghệ thông tin và thậm chí cả sinh học. Trong mỗi lĩnh vực kể trên, lý thuyết trò chơi lại đưa ra những khám phá quan trọng. Ngày nay, lý thuyết trò chơi đã chuyển cả sang lĩnh vực kinh doanh.
Lý thuyết trò chơi giúp chúng ta có thể bước ra bên ngoài những ý tưởng giản đơn về cạnh tranh và hợp tác để đạt đến tầm nhìn của cạnh tranh - hợp tác – một tầm nhìn phù hợp hơn với các cơ hội trong thời đại của chúng ta. Đối với nhiều người, đây có thể là điều mới lạ. Hình ảnh mà lý thuyết trò chơi thường gợi ra trước hết chính là kinh doanh như một cuộc chiến. Đó là điều mà người ta suy ngẫm kể từ khi lĩnh vực này ra đời trong Thế chiến thứ II và lớn mạnh trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tâm lý là phải có người thắng và kẻ bại – trong một trò chơi mà tổng lợi ích bằng không, thậm chí một xã hội bằng không. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Lý thuyết trò chơi đương đại còn được áp dụng vào các trò chơi có tổng lợi ích lớn hơn không, hay còn gọi là trò chơi cùng thắng. Giá trị thực của lý thuyết trò chơi đối với kinh doanh sẽ có được khi toàn bộ lý thuyết này được đặt vào thực tiễn, khi nó được áp dụng vào sự tương tác lẫn nhau giữa cạnh tranh và hợp tác.
Vậy đâu là những đặc tính căn bản, cốt yếu của lý thuyết trò chơi khi áp dụng vào kinh doanh? Đâu là những điểm ưu việt? Lý thuyết trò chơi có gì khác so với phần lớn các công cụ quản lý khác?
Lý thuyết trò chơi mang lại điều gì?
Lý thuyết trò chơi tập trung vào vấn đề gây nhiều áp lực nhất, đó là xây dựng các chiến lược đúng đắn và ra các quyết định đúng đắn. Có rất nhiều cuốn sách giá trị đề cập việc làm thế nào tạo được một môi trường quản lý để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Cũng có rất nhiều cuốn sách giá trị hướng dẫn cách làm thế nào để xây dựng các tổ chức một cách hiệu quả nhằm thực hiện các quyết định đã đưa ra. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thêm những chỉ dẫn để nhận biết đâu là chiến lược đúng đắn để bắt đầu. Và đó chính là điều mà lý thuyết trò chơi mang lại. Nó đi thẳng vào điểm mấu chốt của vấn đề, chỉ cho bạn biết những gì cần phải làm trước hết trên quan điểm về chiến lược.
Lý thuyết trò chơi đặc biệt hiệu quả trong trường hợp có nhiều yếu tố liên hệ tương tác qua lại lẫn nhau và không một quyết định nào có thể được đưa ra một cách hoàn toàn độc lập với các quyết định khác. Kinh doanh ngày nay diễn ra trong một thế giới đầy phức tạp khôn lường. Có những yếu tố bạn không hề nghĩ tới, thực ra lại có thể quyết định sự thành bại của bạn. Thậm chí ngay cả khi bạn nhận biết được tất cả các yếu tố liên quan thì bất kỳ điều gì làm thay đổi một trong số đó đều có khả năng gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác nữa. Giữa tất cả những hỗn tạp như vậy, lý thuyết trò chơi tách mỗi cuộc chơi ra thành các phần. Nó giúp bạn thấy điều gì đang xảy ra và bạn cần phải hành động như thế nào vào thời điểm đó.
Đây là một công cụ đặc biệt giá trị để cùng chia sẻ với các đồng nghiệp trong tổ chức của bạn. Các nguyên tắc rõ ràng, minh bạch của lý thuyết trò chơi giúp bạn dễ dàng giải thích các nguyên nhân cho mỗi chiến lược được đề xuất. Nó trao cho bạn và các đồng nghiệp một tiếng nói chung khi thảo luận về những khả năng thay thế. Bằng cách đặt người khác vào quá trình mà bạn đã sử dụng để đạt đến các quyết định chiến lược, lý thuyết trò chơi giúp tạo dựng và bảo đảm sự nhất trí trong toàn tổ chức.
Các kỹ thuật về chia sẻ tư duy chiến lược ngày càng cần phải có ở mọi tầng bậc trong hoạt động kinh doanh. Việc ra quyết định càng ngày càng trở nên phức tạp và phân tán hơn. Những đổi thay nhanh chóng của thị trường và công nghệ đòi hỏi phải nhanh chóng có những thông tin chiến lược phản hồi. Từ đó có thể thấy số người được lợi khi áp dụng lý thuyết trò chơi ngày càng tăng lên theo thời gian.
Lý thuyết trò chơi là cách tiếp cận cần tiếp tục được mở rộng và nâng cao hơn nữa. Nó không phải là một đơn thuốc cụ thể phù hợp cho một thời điểm cụ thể trong quá trình kinh doanh. Nó cũng sẽ không vô hiệu ngay lập tức khi các điều kiện môi trường xung quanh thay đổi. Lý thuyết trò chơi là cách suy nghĩ có thể tồn tại trong tất cả các môi trường kinh doanh đang biến đổi không ngừng.
Trong nhiều trường hợp, lý thuyết này gợi ra những phương án lựa chọn mà nếu không có nó thì những phương án đó không bao giờ được xem xét một cách cẩn thận. Đây là hệ quả của sự tiếp cận có hệ thống trong lý thuyết trò chơi. Bằng cách trình bày một bức tranh hoàn chỉnh hơn cho mỗi bối cảnh kinh doanh, lý thuyết trò chơi giúp nhìn thấy những khía cạnh của tình huống mà bằng cách khác có thể đã bị bỏ qua. Chính trong những khía cạnh dễ bị sao nhãng này, một số cơ hội tốt nhất có thể được phát hiện ra.
Nội dung chính của cuốn sách
Chúng tôi tiếp cận lý thuyết trò chơi chủ yếu thông qua những câu chuyện có thực, với những nhân vật và những công ty mà bạn có thể dễ dàng nhận ra. Đây là những câu chuyện về các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác, thành công và thất bại, đôi khi gặp những biến cố bất ngờ. Chúng tôi sẽ sử dụng lý thuyết trò chơi để giải thích từng thành công và thất bại trong một số câu chuyện về chiến tranh và hòa bình. Giống như những bài tập tình huống tham khảo, mọi câu chuyện đều được phân tích chi tiết và đầy đủ cùng các nguyên tắc áp dụng trong đó. Từ đây, chúng tôi đan kết những tình huống thực tế với lý thuyết thành các bài học dưới dạng khung liệt kê để dễ dàng kiểm nghiệm lại. Bằng cách này, các phân tích của chúng tôi không chỉ đơn thuần là mô tả, nó còn gợi ý về các giải pháp. Khi bạn hiểu được vì sao chiến lược này thành công hay không thành công, bạn sẽ có khả năng áp dụng những kinh nghiệm bạn học được cho các tình huống khác.
Ngoài ra, các bài tập tình huống ở đây còn thực hiện nhiều chức năng khác. Chúng không chỉ là những công cụ nhằm trình bày đối tượng nghiên cứu một cách sinh động hơn hay minh họa cho các cách thức, mà cho cả các khái niệm của chúng tôi được thể hiện trong thực tiễn. Chúng chính là những kiểm chứng liên tục với các lý thuyết của chúng tôi. Chúng tôi không muốn bạn chấp nhận ngay lập tức rằng tất cả những gì chúng tôi nói đều đúng. Mục tiêu của chúng tôi là đưa cho bạn đủ bằng chứng qua các bài tập tình huống để bạn chấp nhận hoặc nhận xét lại những kết luận của chúng tôi. Sau khi bạn đã thấy lý thuyết trò chơi được áp dụng vào rất nhiều tình huống, bạn sẽ tự phát hiện ra sức mạnh của nó, nhận ra và học cách áp dụng nó cho chính bản thân.
Mặc dù đang ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc áp dụng lý thuyết trò chơi vào kinh doanh, nhưng đây vẫn là một cách tiếp cận còn rất mới mẻ. Hầu hết các từ ngữ, thuật ngữ ở đây đều mới. Thậm chí có một số thuật ngữ mới hình thành trong khi chúng tôi viết cuốn sách này. Ngay cả một số thuật ngữ có vẻ quen thuộc cũng mang những ý nghĩa khác khi dùng trong lý thuyết trò chơi. Giống như bất kỳ một lý thuyết nào khác, lý thuyết trò chơi cũng đòi hỏi bạn phải có một chút kiên nhẫn lúc ban đầu. Tuy nhiên, nếu những giải thích của chúng tôi thành công thì các khái niệm mới sẽ nhanh chóng trở thành một phần trong suy nghĩ của bạn và bạn sẽ có thể ngạc nhiên vì tại sao bạn lại không biết điều đó từ trước.
Bố cục của cuốn sách:
Phần I (gồm ba chương):
Phác họa cuộc chơi kinh doanh, giới thiệu những khái niệm cơ bản và cho thấy chúng khớp với nhau như thế nào
Chương I: Định hướng - giống như một lời giải thích ngắn gọn để bạn biết được cuốn sách này sẽ dẫn dắt bạn đến đâu
Chương II: Mô tả tất cả những người chơi và phân tích các yếu tố cạnh tranh cũng như hợp tác giữa những người chơi đó
Để làm rõ hơn điều này, chúng tôi đã xây dựng nguyên một sơ đồ cho trò chơi kinh doanh. Chúng tôi gọi nó là Mạng giá trị. Đó sẽ là một đồ thị giúp trình bày cuộc chơi một cách rõ nét hơn. Mạng giá trị sẽ định vị tất cả những người chơi trong tương quan với nhau và xác định sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ. Đặc biệt nó rất hữu ích khi chỉ ra các cách thức mà những người chơi có thể kết hợp cạnh tranh và hợp tác với nhau.
Chương III: Giới thiệu về lý thuyết trò chơi
Chúng tôi sẽ giải thích làm thế nào mà một bộ môn khoa học mang tính hàn lâm như vậy có thể được áp dụng vào kinh doanh trên thực tế. Bằng cách sử dụng các ví dụ chi tiết, chúng tôi sẽ thảo luận xem điều gì sẽ xảy ra khi trò chơi được bắt đầu. Trong suốt quá trình chơi, chúng tôi cố gắng làm cho trò chơi trở nên dễ tiếp cận bằng cách đưa ra những nguyên tắc cơ bản được giải thích một cách đơn giản và rõ ràng, đồng thời không đòi hỏi những kiến thức cao về toán học hay những lý thuyết khoa học trừu tượng khác.
Trong lý thuyết trò chơi cũng có 5 yếu tố cơ sở như tất cả các trò chơi khác – đó là Người chơi, Giá trị gia tăng, Quy tắc, Chiến thuật và Phạm vi, chúng ta quy ước gọi chung lại là PARTS1.
1 PARTS là năm chữ cái viết tắt tên của năm yếu tố: Players (Người chơi), Added values (Giá trị gia tăng), Rules (Quy tắc), Tacties (Chiến thuật), Scope (Phạm vi) nói trên theo tiếng Anh. Bản thân từ “Parts” còn có nghĩa là các bộ phận.
Đó chính là những vấn đề xuyên suốt trong phần còn lại của cuốn sách. Cùng với Mạng giá trị, chúng hợp lại thành một hệ thống khái niệm trung tâm để áp dụng lý thuyết trò chơi vào kinh doanh.
Phần II (gồm những chương bàn riêng về 5 yếu tố nói trên):
Mô tả từng yếu tố một cách chi tiết và nêu lên tầm quan trọng của các yếu tố đó đối với doanh nghiệp của bạn Archimedes, nhà khoa học thời Hy Lạp cổ đại, đã từng nói rằng: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng cả Trái Đất lên.” Cũng có thể coi đây là năm đòn bẩy giúp lay chuyển cả thế giới kinh doanh.
Thay đổi cuộc chơi
Đây chính là nơi bạn có thể giành được phần thưởng cao nhất. Chúng tôi đã nói rằng, kinh doanh không giống các trò chơi khác ở chỗ nó cho phép có nhiều hơn một người thắng cuộc. Tuy nhiên, kinh doanh còn khác ở một điểm hết sức cơ bản nữa, đó là nó không bao giờ đứng yên. Tất cả các yếu tố trong trò chơi kinh doanh đều liên tục thay đổi và không bao giờ có điều gì cố định. Đây không phải là một sự tình cờ. Trong khi bóng đá, chơi bài hay chơi cờ đều phải có những tổ chức đứng ra điều hành trò chơi – chẳng hạn như NFL và FIFA, Hoyle và Liên đoàn cờ vua, trò chơi kinh doanh không hề có ai điều hành cả. Tất cả mọi người đều có thể tự do thay đổi trò chơi kinh doanh sao cho có lợi nhất cho mình. Và dĩ nhiên là họ luôn tìm cách làm điều đó.
Vì sao phải thay đổi trò chơi? Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa nói rằng: Nếu bạn tiếp tục đi theo hướng đã đi, thì kết thúc của bạn cũng chính ở đó. Bạn chơi rất xuất sắc, song tình trạng của bạn có thể rất tệ, vì đơn giản là bạn đã đi nhầm hướng. Bạn phải thay đổi. Thậm chí một trò chơi hay đối với bạn vẫn còn có thể hay hơn nữa. Thành công lớn sẽ đến từ sự tích cực định hình trò chơi bạn đang chơi, từ việc tạo ra cuộc chơi bạn muốn, chứ không phải chơi trò chơi mà bạn tìm được.
Cần phải thay đổi trò chơi như thế nào? Bằng bản năng nhạy bén của mình, có thể bạn đã và đang làm điều đó rồi. Tuy nhiên, lý thuyết trò chơi sẽ cung cấp cho bạn một phương pháp có tính hệ thống. Để thay đổi trò chơi, bạn chỉ cần thay đổi một trong năm yếu tố cơ bản – thay đổi PARTS. Mỗi yếu tố cấu thành chúng tôi đưa ra đều là một công cụ đắc lực để chuyển đổi từ trò chơi này sang trò chơi khác. Chính việc thay đổi trò chơi là lợi thế khiến lý thuyết trò chơi tìm thấy những cơ hội lớn nhất cho mình. Đó không chỉ là thay đổi cách chơi mà còn là thay đổi chính trò chơi của bạn.