Bạn có bao giờ tự hỏi rằng tại sao khi người ta lớn lên, thì họ dường như đã đánh mất toàn bộ niềm vui trong cuộc sống chưa? Lúc này, hầu hết các bạn trẻ ở đây còn khá hạnh phúc; các bạn có các vấn đề nho nhỏ của mình, lo lắng về các kỳ kiểm tra, nhưng dù gì cuộc sống các bạn vẫn có một niềm vui nào đó, phải không? Các bạn chấp nhận cuộc sống một cách thoải mái, tự nhiên, nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng và hạnh phúc. Nhưng tại sao càng lớn tuổi, ta càng đánh mất sự nhận biết đầy niềm vui về điều gì đó vượt lên trên, điều gì đó có ý nghĩa to lớn hơn tất cả sự đời này? Tại sao nhiều người trong chúng ta, khi đã đạt đến cái gọi là tuổi trưởng thành, lại trở nên tăm tối, ngu muội, vô cảm trước niềm vui, trước cái đẹp, trước bầu trời cao rộng mở và mặt đất tuyệt vời này?
Bạn biết đó, khi ta tự đặt cho mình câu hỏi này thì nhiều cách giải thích sẽ nảy ra trong trí não. Ta quá quan tâm đến chính mình - đó là một giải thích. Ta đấu tranh để trở thành một người nào đó, để đạt được và duy trì một địa vị nào đó; ta có con cái và nhiều trách nhiệm khác, nên ta phải kiếm tiền. Tất cả mọi sự bên ngoài nhanh chóng trĩu nặng, đè bẹp ta, và vì thế ta mất hết niềm vui sống. Hãy nhìn gương mặt những người lớn quanh bạn, thấy phần lớn họ buồn bã, lo âu và ốm yếu, co cụm lại, xa cách và đôi khi điên loạn như thế nào. Không một nụ cười. Bạn có tự hỏi là tại sao không? Và ngay cả khi ta có hỏi, phần đông chúng ta cũng sẽ thỏa mãn với những lời giải thích suông.
Chiều hôm qua tôi thấy một chiếc thuyền đi ngược dòng sông với cánh buồm căng phồng đón cơn gió tây. Thuyền khá to, chở nặng củi cho thành phố. Mặt trời đang lặn dần, và chiếc thuyền ngược dòng nổi bật trên nền trời trông đẹp một cách kỳ lạ. Người thủy thủ đang lái nó mà không hề cố gắng, bởi vì gió đã làm hết mọi việc. Tương tự vậy, nếu mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu vấn đề đấu tranh và xung đột, thì tôi nghĩ ta có thể sống mà không cần cố gắng, sống hạnh phúc với nụ cười rạng rỡ trên mặt.
Tôi nghĩ chính sự cố gắng đã hủy hoại chúng ta, cuộc đấu tranh mà ta đã tiêu tốn hầu như từng khoảnh khắc trong đời cho nó. Nếu bạn quan sát những người lớn xung quanh, bạn sẽ thấy cuộc sống đối với đa số bọn họ là một chuỗi những cuộc chiến dai dẳng với chính họ, với vợ hay chồng họ, với những người lân cận, với xã hội; và cuộc chiến đấu triền miên này làm tiêu tan hết năng lượng sống. Chỉ những người vui vẻ, thực sự hạnh phúc, mới không bị vướng mắc vào sự cố gắng. Sống không nỗ lực không có nghĩa là sống trì trệ, sống uể oải, tăm tối, ngu ngốc; trái lại, chỉ có người khôn ngoan, cực kỳ thông tuệ mới thực sự có thể thoát khỏi sự cố gắng, thoát khỏi đấu tranh.
Nhưng bạn thấy đó, khi bạn nghe nói đến sự không cố gắng, bạn muốn được sống như vậy, bạn muốn đạt được cái trạng thái không phấn đấu, không xung đột; vậy là bạn biến trạng thái đó thành một mục đích, một lý tưởng, và phấn đấu theo đuổi lý tưởng đó; ngay khi bạn làm điều đó, bạn cũng đánh mất luôn niềm vui sống. Ta lại bị vướng mắc vào nỗ lực, đấu tranh. Đối tượng của mỗi cuộc đấu tranh mỗi khác, nhưng về cốt lõi thì tất cả các cuộc đấu tranh đều như nhau. Ta có thể đấu tranh để tạo ra những cải cách xã hội, để tìm thấy Thượng đế, hay để tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn với vợ mình hay chồng mình, hàng xóm láng giềng của mình; ta có thể ngồi bên bờ sông Hằng, bái lạy dưới chân một đạo sư, vân vân. Tất cả những điều ấy đều là nỗ lực, đấu tranh. Vì thế, điều quan trọng không phải là đối tượng của đấu tranh, mà là thấu hiểu chính sự đấu tranh đó.
Vậy, trí não có thể nào không chỉ tình cờ nhận ra rằng nó không đấu tranh trong một khoảnh khắc nào đó, mà là hoàn toàn và luôn luôn thoát khỏi sự đấu tranh, để khám phá trạng thái vui vẻ, không còn cảm nhận về hơn kém?
Chỗ khó khăn của chúng ta là trí não cảm thấy nó thấp kém, vì thế nó đấu tranh để trở thành cái gì đó hoặc để vượt qua những dục vọng mâu thuẫn nhau. Nhưng ta đừng giải thích vì sao trí não chất chứa đầy nghẹt sự đấu tranh. Tất cả những ai có suy nghĩ đều biết tại sao có cuộc tranh đấu cả ở bên trong và bên ngoài. Tính ghen tị, tham lam, tham vọng, tính ganh đua, cạnh tranh của ta dẫn đến hậu quả tàn bạo - đó là các yếu tố rõ ràng khiến chúng ta đấu tranh, dù là trong thế giới này hay thế giới tương lai. Vì thế, ta không cần phải nghiên cứu các sách tâm lý để biết tại sao ta đấu tranh; và điều quan trọng chắc chắn là phải khám phá xem trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi đấu tranh hay không.
Rốt lại, khi ta đấu tranh, sự xung đột diễn ra giữa cái ta đang là với cái ta nên là hay muốn là. Vậy nếu không đưa ra những lời giải thích, ta có thể thấu hiểu toàn bộ quá trình đấu tranh này để nó đi đến chỗ chấm dứt không? Giống như con thuyền kia lướt theo cơn gió, trí não có thể sống mà không cố gắng không? Chắc chắn đây mới là vấn đề, chứ không phải làm cách nào đạt được trạng thái không cố gắng. Chính nỗ lực thực hiện trạng thái đó là một quá trình đấu tranh, thế nên trạng thái đó không bao giờ có thể đạt được. Nhưng nếu bạn quan sát trong từng khoảnh khắc rằng trí não bị vướng mắc trong sự đấu tranh bất tận ấy như thế nào - nếu bạn chỉ đơn thuần quan sát sự kiện mà không cố gắng thay đổi nó, không cố gắng áp đặt lên trí não một trạng thái nào đó mà bạn gọi là bình yên - thì bạn sẽ thấy rằng trí não tự nhiên sẽ ngừng tranh đấu; và trong trạng thái đó, nó có thể học được rất nhiều. Học hỏi khi đó không chỉ là một tiến trình thu thập thông tin, mà còn khám phá sự giàu có phi thường nằm ngoài phạm vi của trí não; trí não thực hiện cuộc khám phá này sẽ có niềm vui.
Hãy tự quan sát mình và bạn sẽ thấy bạn đấu tranh từ sáng đến tối như thế nào và năng lượng sống của bạn bị hoang phí trong cuộc đấu tranh ấy ra sao. Nếu bạn đơn thuần giải thích tại sao bạn đấu tranh, thì bạn sẽ lạc lối trong những lời giải thích, còn cuộc đấu tranh cứ tiếp tục diễn ra; trái lại, nếu bạn quan sát trí não mình một cách lặng lẽ mà không giải thích gì cả, nếu bạn cứ để mặc cho trí não nhận thức về sự đấu tranh của chính nó, thì bạn sẽ sớm thấy xuất hiện một trạng thái mà trong đó không còn đấu tranh gì nữa, chỉ có một sự tỉnh giác phi thường. Trong trạng thái tỉnh giác đó, không còn có cảm nhận hơn kém, không còn người trên và kẻ dưới, không còn có đạo sư. Tất cả những thứ ngớ ngẩn ấy tan biến bởi vì trí não hoàn toàn tỉnh thức; và trí não hoàn toàn tỉnh thức luôn vui vẻ.
Hỏi: Tôi muốn làm một điều, và dù tôi đã thử nhiều lần nhưng vẫn không làm được. Tôi nên ngừng cố gắng hay phải tiếp tục kiên trì cố gắng?
Krishnamurti: Thành công là đạt được, đến được nơi nào đó; và chúng ta sùng bái sự thành công, phải không? Khi một cậu bé nghèo lớn lên và trở thành một triệu phú, hoặc một cậu học sinh bình thường trở thành thủ tướng, ông ta được ca ngợi, chú ý; vì thế mỗi cậu trai và cô gái đều muốn thành công theo cách này hay cách khác.
Vậy bây giờ, có thứ gì gọi là thành công không, hay đó chỉ là một ý tưởng mà con người theo đuổi? Bởi vì ngay khi bạn đạt đến đó thì phía trước luôn luôn có một điểm xa hơn mà bạn chưa đạt được. Chừng nào bạn còn theo đuổi sự thành công ở bất kỳ phương hướng nào, bạn chắc chắn còn phải đấu tranh, xung đột, phải không? Ngay cả khi đã đến nơi, bạn cũng không được nghỉ ngơi, bởi vì bạn còn muốn lên cao hơn, bạn còn muốn được nhiều hơn, bạn hiểu chứ? Săn đuổi sự thành công là khao khát cái “nhiều hơn”, và một trí não luôn luôn đòi hỏi nhiều hơn thì không phải là một trí não thông minh; trái lại, đó là một trí não tầm thường, ngu ngốc, bởi chính sự đòi hỏi “nhiều hơn” đó đã hàm chứa một cuộc đấu tranh triền miên bằng cái khuôn khổ mà xã hội đã dựng sẵn cho trí não đó.
Rốt cuộc thì thế nào là hài lòng, thế nào là bất mãn? Bất mãn là phấn đấu đi theo cái “nhiều hơn”, còn hài lòng là ngừng cuộc đấu tranh đó; nhưng bạn không thể hài lòng nếu không hiểu được toàn bộ quá trình của cái “nhiều hơn” và lý do tại sao trí não đòi hỏi nó.
Nếu bạn thi rớt chẳng hạn, bạn phải thi lại, đúng không? Thi cử trong bất kỳ trường hợp nào cũng là điều bất hạnh nhất, bởi vì chúng không cho thấy điều gì có ý nghĩa, chúng không tiết lộ giá trị đích thực của trí tuệ. Việc đậu một kỳ thi phần lớn là nhờ ngón nghề của trí nhớ, hoặc có thể nhờ may mắn; nhưng bạn cố gắng vượt qua các kỳ thi, và nếu bạn không thành công bạn vẫn phải kiên trì với nó. Với phần đông chúng ta, ngày nào cũng là một quá trình như thế. Ta đấu tranh theo đuổi điều gì đó, và ta không bao giờ chịu dừng lại để hỏi xem liệu điều ta đang theo đuổi có đáng để đấu tranh hay không. Ta không bao giờ chịu hỏi chính mình xem liệu điều đó có đáng để cố gắng, vì thế ta chưa bao giờ phát hiện rằng nó không đáng giá và phải chịu đựng ý kiến của cha mẹ, của xã hội, của các giáo chủ và đạo sư. Chỉ khi nào ta thấu hiểu toàn bộ ý nghĩa của cái “nhiều hơn”, ta mới ngừng suy nghĩ theo kiểu thất bại và thành công.
Bạn thấy đó, ta ngại thất bại, sợ mắc lỗi, không chỉ trong thi cử mà cả trong cuộc sống. Mắc lỗi được coi là một việc khủng khiếp, bởi vì ta sẽ bị chỉ trích, ai đó sẽ rầy la, trách mắng ta. Nhưng rốt cuộc thì tại sao bạn không nên mắc lỗi? Không phải tất cả con người trên thế giới này đều phạm lỗi đó sao? Và phải chăng thế giới này sẽ không còn lâm vào tình trạng hỗn loạn khủng khiếp như hiện nay nếu bạn không bao giờ mắc lỗi? Nếu bạn lúc nào cũng sợ mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ học được. Người lớn luôn phạm sai lầm, nhưng họ lại không muốn các bạn mắc lỗi, vì thế họ dập tắt óc sáng tạo của các bạn. Tại sao? Bởi vì họ sợ rằng bằng hành động quan sát và chất vấn mọi thứ, bằng cách thử và sai, các bạn có thể tự mình khám phá điều gì đó và phá vỡ quyền lực của cha mẹ, của xã hội, của truyền thống. Thế nên, cái lý tưởng của thành đạt được dựng lên để các bạn noi theo; và sự thành công, rồi bạn sẽ thấy, luôn thể hiện bằng sự tôn kính. Ngay cả vị thánh đạt được cái gọi là thành tựu tâm linh cũng phải trở nên đáng kính, nếu không sẽ không được nhìn nhận, không được noi theo.
Vì thế, ta luôn suy nghĩ bằng sự thành đạt, bằng cái “nhiều hơn”, và cái “nhiều hơn” được đánh giá bởi độ tôn kính của xã hội. Nói cách khác, xã hội đã thiết lập hết sức cẩn thận một khuôn mẫu nhất định mà nó tuyên bố với bạn là thành công hay thất bại. Nhưng nếu bạn thích làm điều gì đó bằng tất cả con người bạn, thì lúc đó thành công hay thất bại chẳng phải là vấn đề nữa. Không một người thông minh nào quan tâm đến điều đó. Nhưng đáng tiếc là có quá ít người thông minh và chẳng ai nói với bạn tất cả những điều này. Toàn bộ mối quan tâm của người thông minh là thấy các sự kiện và thấu hiểu vấn đề - chứ không nghĩ đến thành hay bại. Chỉ khi nào không thực sự yêu thích việc ta đang làm, ta mới nghĩ theo hướng đó.
Hỏi: Tại sao chúng ta về cơ bản là ích kỷ? Ta có thể cố gắng hết sức để không ích kỷ trong cách xử sự, nhưng khi dính dáng đến quyền lợi riêng tư thì ta lại bị hút chặt vào đó và không còn quan tâm quyền lợi của người khác.
Krishnamurti: Tôi nghĩ điều hết sức quan trọng là không tự gọi mình là ích kỷ hay không ích kỷ, bởi vì từ ngữ có một tác động lạ thường lên trí não. Nói ai đó ích kỷ là kết tội họ; gọi ai đó là giáo sư và thế là có điều gì xảy ra trong thái độ tiếp cận của bạn với ông ta; gọi một người là Thánh nhân (Mahatma) thì lập tức có vòng hào quang tỏa sáng quanh ông ta. Hãy quan sát các phản ứng của chính bạn và bạn sẽ thấy rằng các từ như “luật sư”, “doanh nhân”, “viên chức chính phủ”, “người hầu”, “yêu thương”, “Thượng đế” có một ảnh hưởng kỳ lạ lên các dây thần kinh, cũng như lên trí não của bạn. Từ chỉ một chức danh cụ thể sẽ gợi lên cái cảm nhận về địa vị. Vì vậy, trước hết phải thoát khỏi thói quen vô thức là gắn kết những cảm nhận nào đó với những từ nhất định, phải không? Trí não bạn bị quy định để nghĩ rằng từ “ích kỷ” tượng trưng cho điều gì đó cực kỳ sai lầm, không thuộc về tâm hồn, và khi bạn áp dụng từ đó cho bất kỳ điều gì, trí não bạn cũng sẽ lên án nó. Vì thế, khi bạn đặt câu hỏi này: “Tại sao chúng ta về bản chất là ích kỷ?”, hỏi như thế là mang ý nghĩa lên án rồi.
Điều hết sức quan trọng là phải nhận ra rằng một số từ gây ra trong bạn một phản ứng về thần kinh, cảm xúc hay trí tuệ nhằm tán dương hoặc lên án. Khi bạn tự gọi mình là một người ghen tị chẳng hạn, tức khắc bạn đã chặn đứng mọi cuộc truy vấn tìm hiểu xa hơn, bạn đã ngừng thâm nhập vào toàn bộ vấn đề của sự ghen tị. Tương tự, nhiều người nói rằng họ hành động vì tình huynh đệ, nhưng mọi thứ họ làm đều chống lại tình huynh đệ; họ không thấy được sự thật này bởi vì từ “tình huynh đệ” có một ý nghĩa nào đó đối với họ và họ đã bị thuyết phục bởi ý nghĩa đó; họ không cần tìm hiểu sâu xa thêm, và vì thế, họ không bao giờ khám phá xem các sự kiện ấy thực sự là gì bất chấp phản ứng thần kinh hay cảm xúc mà từ ngữ ấy gợi lên.
Vậy, điều thứ nhất là hãy thử nghiệm và khám phá xem liệu bạn có thể nhìn vào các sự kiện mà không có những ẩn ý tán dương hay lên án gắn liền với các từ ngữ hay không. Nếu bạn có thể nhìn thẳng vào các sự kiện mà không có những cảm giác lên án hoặc tán dương, bạn sẽ thấy rằng ngay trong quá trình nhìn thấy đó, mọi chướng ngại mà trí não đã dựng lên giữa nó với các sự kiện đã tan biến.
Hãy quan sát cách bạn tiếp cận một người được thiên hạ gọi là vĩ đại. Từ “người vĩ đại” đã tác động lên bạn; báo chí, sách vở, người hâm mộ đều gọi ông ấy là người vĩ đại, và trí não bạn đã chấp nhận điều đó. Hoặc giả bạn đưa ra một quan điểm đối lập và nói “Thật ngu ngốc làm sao, ông ta không phải là người vĩ đại”. Trái lại, nếu bạn có thể tách rời trí não với mọi ảnh hưởng và chỉ đơn giản nhìn vào các sự kiện, lúc đó bạn sẽ thấy rằng thái độ tiếp cận của bạn hoàn toàn khác. Cũng như vậy, từ “dân quê” gắn với sự nghèo đói, bẩn thỉu, hay bất cứ điều gì tác động lên tư tưởng bạn. Nhưng khi trí não thoát khỏi ảnh hưởng, khi trí não không còn lên án cũng như tán dương mà chỉ nhìn, chỉ quan sát, lúc đó nó không còn bị chìm đắm trong cái tôi, và do đó không còn vấn đề ích kỷ hay cố gắng không ích kỷ nữa.
Hỏi: Tại sao từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, con người luôn muốn được yêu thương, và nếu không có được tình yêu này, họ không cảm thấy yên tâm và đầy lòng tin như đồng loại của mình?
Krishnamurti: Bạn nghĩ rằng đồng loại của mình đầy lòng tin sao? Họ có thể ra vẻ, họ có thể phô trương, nhưng bạn sẽ thấy rằng đằng sau cái vẻ tự tin ấy, đa số con người lại trống rỗng, ngu muội, tầm thường, họ không thực sự có lòng tin. Và tại sao ta muốn được yêu thương? Không phải bạn muốn được cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè của mình yêu thương sao? Và khi bạn lớn lên, bạn muốn được vợ hay chồng hay con cái, hoặc được vị đạo sư của mình yêu thương. Tại sao có sự khao khát triền miên muốn được yêu thương này? Xin hãy lắng nghe thật kỹ. Bạn muốn được yêu thương bởi vì bạn không yêu thương; nhưng ngay khi bạn yêu thương thì việc đó sẽ chấm dứt, bạn sẽ không còn tìm hiểu xem ai đó có yêu thương hay không yêu thương bạn không, chừng nào bạn còn đòi hỏi được yêu thương thì trong bạn còn không có tình yêu; và nếu bạn không cảm nhận được tình yêu, thì bạn là người xấu xa, tàn bạo, vậy tại sao bạn nên được yêu thương chứ? Không tình yêu, bạn là một thứ đã chết; và khi thứ đã chết đó đòi hỏi tình yêu thì nó vẫn chết. Trái lại, nếu con tim bạn đầy ắp tình yêu, bạn sẽ không bao giờ đòi hỏi được yêu, bạn không bao giờ đưa cái bát ăn xin ra để van nài người khác lấp đầy nó. Chỉ có thứ trống rỗng mới đòi hỏi được lấp đầy, và một con tim trống rỗng không bao giờ có thể được lấp đầy bằng cách chạy theo một đạo sư hay tìm kiếm tình yêu bằng trăm cách khác.
Hỏi: Tại sao người lớn lại trộm cắp?
Krishnamurti: Chẳng phải các bạn thỉnh thoảng cũng ăn trộm sao? Các bạn chưa bao giờ thấy đứa bé nào lấy trộm vật gì đó nó muốn của một đứa bé khác sao? Đây là điều chính xác diễn ra trong suốt cuộc sống, dù ta trẻ hay già, chỉ có điều người lớn ăn trộm một cách xảo quyệt hơn, với hàng loạt từ ngữ nghe êm tai; họ muốn có tài sản, quyền lực, địa vị và họ thông đồng, trù tính, triết lý để có được những thứ ấy. Họ ăn trộm nhưng không gọi là ăn trộm, việc trộm cắp được gọi bằng những từ ngữ tôn kính. Và tại sao ta ăn trộm? Trước hết, bởi vì xã hội được cấu tạo để tước đoạt những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của nhiều người; một bộ phận nhân dân không đủ nhu cầu ăn, mặc, ở, do đó họ phải làm điều gì đó để tồn tại. Cũng có những người ăn trộm không phải vì thiếu cái ăn mà vì họ được gọi là những người chống đối xã hội. Đối với họ, ăn trộm đã trở thành một trò chơi, một hình thức gây kích động - nghĩa là họ không có được nền giáo dục đích thực. Giáo dục đích thực là hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, chứ không chỉ học nhồi nhét để vượt qua các kỳ thi. Cũng có sự trộm cắp ở cấp độ cao hơn: ăn trộm ý tưởng của người khác, ăn trộm kiến thức. Khi ta theo đuổi cái “nhiều hơn” ở bất kỳ hình thức nào, thì rõ ràng ta cũng đang ăn trộm.
Tại sao ta luôn luôn đòi hỏi, xin xỏ, mong muốn, ăn trộm? Bởi vì trong ta không có gì cả; về mặt nội tâm, về tâm lý, ta giống như một cái trống rỗng không. Vì trống rỗng nên ta cố gắng lấp đầy bản thân, không chỉ bằng cách ăn trộm, mà còn bằng cách bắt chước những người khác. Bắt chước là một hình thái trộm cắp: bạn không là gì cả, còn ai đó là một nhân vật tầm cỡ, thế là bạn cố gắng kiếm chác chút hào quang của người đó bằng cách sao chép họ. Sự suy đồi này vẫn diễn ra trong suốt cuộc đời con người, và rất ít người thoát được khỏi đó. Vì thế, điều quan trọng là khám phá xem liệu sự trống rỗng nội tâm có thể được lấp đầy hay không. Chừng nào trí não còn tìm cách lấp đầy chính nó, thì nó vẫn luôn còn trong tình trạng trống rỗng. Chỉ khi nào trí não không còn quan tâm đến việc lấp đầy sự trống rỗng của chính mình, thì sự trống rỗng đó mới chấm dứt.