Bạn biết không, sẽ tuyệt biết bao nếu bạn chỉ đơn giản ngồi thật lặng lẽ, ngồi thẳng lưng nghiêm trang, thật đàng hoàng, đĩnh đạc - và việc đó cũng quan trọng như nhìn những cái cây trụi lá kia. Bạn có để ý thấy những cái cây ấy đáng yêu làm sao khi chúng vươn thẳng lên nền trời xanh nhạt của buổi sáng mai không? Những cành cây trơ trụi bày ra vẻ đẹp của chúng; và những cái cây cũng mang vẻ đẹp lạ lùng vào mùa xuân, hạ và thu. Vẻ đẹp của chúng thay đổi theo mùa, và để ý thấy điều này cũng quan trọng như để tâm đến những cung cách trong cuộc sống của chính mình.
Dù sống ở Nga, Mỹ hay ở Ấn Độ, thì tất cả chúng ta đều là con người; vì là con người nên ta có những vấn đề chung, và thật phi lý khi nghĩ về mình là người Hindu giáo, người Mỹ, người Nga, người Trung Quốc, vân vân. Có những chia rẽ về chính trị, địa lý, chủng tộc và kinh tế, nhưng việc nhấn mạnh những chia rẽ ấy chỉ làm sinh ra đối địch và thù hận. Người Mỹ tạm thời có thể phồn vinh hơn, nghĩa là họ có nhiều máy móc thiết bị tiêu dùng hơn, nhiều radio hơn, nhiều tivi hơn, họ thừa mứa thực phẩm, trong khi đất nước này ở đây lại có quá nhiều sự nghèo đói, bẩn thỉu, bùng nổ dân số và thất nghiệp. Nhưng dù sống ở nơi nào thì ta cũng vẫn là con người, và vì là con người nên ta tạo ra những vấn đề con người cho chính ta; cần phải hiểu rằng nghĩ về mình là người Hindu giáo, người Mỹ hay người Anh, người da trắng, đen, vàng hay nâu, là đang tạo ra những chướng ngại không cần thiết giữa chúng ta.
Một trong những khó khăn chính yếu của con người là nền giáo dục hiện đại trên khắp thế giới chủ yếu quan tâm đến việc biến chúng ta thành những kỹ thuật viên thuần túy. Ta học cách thiết kế máy bay phản lực, cách làm đường, cách chế tạo ô tô và vận hành tàu ngầm hạt nhân tối tân. Giữa tất cả những công nghệ ấy, ta quên rằng ta là con người - nghĩa là ta đang lấp đầy con tim mình bằng những thứ thuộc về trí não. Ở Mỹ, tự động hóa đang giải phóng ngày càng nhiều người khỏi những giờ lao động cực nhọc, giống như nó cũng sẽ diễn ra ở đất nước này trong tương lai gần, và khi đó ta sẽ đối mặt với vấn đề to lớn vô cùng là làm thế nào để sử dụng hết thời gian của mình. Các nhà máy khổng lồ đang thu hút hàng ngàn công nhân có lẽ sẽ chỉ được vận hành bởi một số ít chuyên gia; điều gì sẽ xảy ra với tất cả những người còn lại từng làm việc ở đó và giờ sẽ có quá nhiều thời gian trong tay? Nếu giáo dục không bắt tay vào giải quyết vấn đề này cùng mọi vấn đề khác của con người ẩn chứa trong đó, cuộc sống chúng ta rồi sẽ cực kỳ trống rỗng.
Cuộc sống của chúng ta hiện giờ vô cùng trống rỗng, phải không? Bạn có thể có trình độ đại học, bạn có thể đã kết hôn và sống hạnh phúc, bạn có thể rất lanh lợi, có thật nhiều kiến thức, đọc được những cuốn sách mới nhất, nhưng chừng nào bạn còn lấp đầy trái tim mình bằng những thứ thuộc về trí não, thì cuộc sống của bạn chắc chắn vẫn trống rỗng, xấu xí và vô nghĩa. Cuộc sống chỉ tươi đẹp và có ý nghĩa khi những thứ thuộc về trí não đã được quét sạch khỏi trái tim.
Bạn thấy đó, tất cả những điều này là vấn đề cá nhân của chúng ta, không phải một vấn đề lý thuyết nào đó không liên quan gì đến chúng ta. Nếu là một con người mà ta không biết cách nào để chăm sóc, bảo vệ trái đất, cùng tất cả những gì thuộc về trái đất, nếu ta không biết cách nào để yêu thương con cái mình mà chỉ quan tâm đến bản thân, chỉ quan tâm đến sự tiến bộ và thành đạt của cá nhân hay quốc gia của mình, thì ta sẽ biến thế giới thành một thứ gì đó ghê tởm - đó là điều ta đã và đang làm. Đất nước của ta có thể trở nên hết sức giàu có, nhưng sự giàu có đó là một thứ độc hại chừng nào những đất nước khác còn đói nghèo. Chúng ta là một nhân loại đồng nhất, trái đất là của chúng ta để cùng chia sẻ, và có yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, thì trái đất mới sản sinh ra lương thực, quần áo, và nhà ở cho tất cả chúng ta.
Vì thế, chức năng của giáo dục không đơn thuần là chuẩn bị cho các bạn vượt qua các kỳ thi, mà là giúp các bạn thấu hiểu toàn bộ cuộc sống - trong đó bao hàm cả tình dục, kiếm sống, nô đùa, sáng tạo, nhiệt tình và biết cách suy nghiệm thật sâu. Vấn đề của chúng ta còn là khám phá xem Thượng đế là gì, bởi vì đó chính là nền tảng cho cuộc sống của ta. Một ngôi nhà không thể đứng vững lâu bền mà không có một nền móng thực sự vững chắc, và tất cả những sáng chế khéo léo của con người cũng vô nghĩa nếu ta không khám phá được Thượng đế hay sự thật là gì.
Nhà giáo dục phải có khả năng giúp bạn thấu hiểu điều này, bởi vì bạn phải bắt đầu từ thời ấu thơ, chứ không phải khi đã sáu mươi. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy Thượng đế ở tuổi sáu mươi, bởi vì ở tuổi đó, phần lớn người đời đã rã rời, chỉ còn chờ chấm dứt. Bạn phải bắt đầu khi còn rất trẻ, bởi vì chỉ lúc này bạn mới có thể đặt nền móng đúng đắn, sao cho ngôi nhà của bạn có thể đứng vững qua mọi bão tố mà con người tự tạo ra cho mình. Như vậy, bạn mới có thể sống hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc của bạn không phụ thuộc bất cứ điều gì cả, không phụ thuộc vào quần áo, trang sức, xe cộ, radio và tivi, không phụ thuộc vào việc ai đó thương yêu hay ghét bạn. Bạn hạnh phúc không phải vì sở hữu điều gì, không phải vì bạn có địa vị, tài sản hay học thức, mà bởi vì bản thân cuộc sống của bạn có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa đó chỉ được khám phá khi bạn tìm ra thực tại trong từng khoảnh khắc - và thực tại nằm trong mọi vật, nó không thể tìm thấy trong thánh đường, nhà thờ, chùa chiền hay trong một nghi thức thờ phượng nào.
Để tìm thấy thực tại, ta phải biết cách dọn sạch cái đống tro tàn của nhiều thế kỷ phủ đậy lên nó; và hãy tin tôi đi, công cuộc tìm kiếm thực tại đó đích thực là giáo dục. Bất kỳ con người lanh lợi nào cũng đều có thể đọc sách và tích lũy kiến thức, đạt được một địa vị và bóc lột người khác, nhưng đó không phải là giáo dục. Học vài môn học chỉ là một phần hết sức nhỏ bé của giáo dục; nhưng còn một phần mênh mông trong cuộc đời mà ta không được dạy dỗ gì cả, cho nên ta không có được một thái độ tiếp cận đúng đắn với phần đời ấy.
Để tìm ra cách tiếp cận cuộc sống, để cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, những radio, xe cộ và máy bay của ta mang một ý nghĩa trong quan hệ với điều gì đó khác vốn bao hàm và vượt lên tất cả chúng - đó mới là giáo dục. Nói cách khác, giáo dục phải bắt đầu với tôn giáo. Nhưng tôn giáo chẳng dính dáng gì đến các giáo sĩ, nhà thờ, chùa chiền, với bất kỳ giáo điều hay niềm tin nào. Tôn giáo là yêu thương mà không cần động cơ, là rộng lượng, nhân từ, vì chỉ khi đó ta mới là con người thực sự; nhưng lòng nhân từ, sự rộng lượng hay tình yêu sẽ không xuất hiện nếu ta không tìm kiếm thực tại.
Rủi thay, toàn bộ địa hạt mênh mông này của cuộc sống bị cái gọi là giáo dục hiện nay lờ đi. Các bạn luôn luôn bận tâm với những thứ sách vở chẳng có mấy ý nghĩa, với việc vượt qua các kỳ thi còn vô nghĩa hơn. Chúng có thể giúp bạn kiếm được một công việc, và điều đó có chút ít ý nghĩa.
Nhưng hiện giờ nhiều nhà máy lại được vận hành gần như hoàn toàn bằng máy móc, đó là lý do vì sao ngay bây giờ chúng ta cần được dạy cho cách sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình một cách đúng đắn - không phải để theo đuổi các lý tưởng mà để khám phá và thấu hiểu cái địa hạt mênh mông của cuộc sống mà hiện giờ ta vẫn chưa ý thức và không biết gì cả. Trí não, cùng với những lập luận xảo trá của nó, không phải là tất cả. Có điều gì đó mênh mông và không thể đo lường vượt lên trên trí não, một vẻ đẹp mà trí não không thể thấu hiểu. Trong cái mênh mông ấy có một sự ngất ngây và huy hoàng; và sống trong đó, trải nghiệm điều đó là con đường của giáo dục. Nếu không có được thứ giáo dục đó, khi bước ra thế giới, bạn sẽ duy trì mãi mãi cái tình trạng hỗn loạn gớm ghiếc mà các thế hệ trước đã tạo ra.
Vì thế, xin thầy cô và các em học trò hãy suy ngẫm mọi điều này. Đừng kêu ca, than vãn mà hãy chung sức tạo ra một môi trường mà ở đó tôn giáo, theo ý nghĩa chính xác của nó, được xem xét, yêu thương, khám phá và sống. Bấy giờ, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống trở nên cực kỳ giàu có - giàu hơn tất cả mọi tài khoản ngân hàng trên thế giới này.
Hỏi: Làm thế nào con người có nhiều kiến thức đến vậy? Con người đã tiến hóa về phương diện vật chất ra sao? Con người có được nguồn năng lượng khổng lồ ấy từ đâu?
Krishnamurti: “Làm thế nào con người có nhiều kiến thức đến vậy?”. Việc đó cũng đơn giản thôi. Bạn biết điều gì đó và truyền lại cho con cái bạn; chúng bổ sung thêm đôi chút và truyền lại cho con cái của chúng, và cứ thế tiếp tục truyền qua nhiều thời đại. Bạn thu gom kiến thức từng chút một. Tổ tiên ta hoàn toàn không biết gì về máy bay phản lực và các thành tựu điện tử kỳ diệu ngày nay; nhưng óc tò mò, nhu cầu thiết yếu, chiến tranh, nỗi sợ hãi và lòng tham đã tạo ra cái hệ thống kiến thức theo cấp bậc này.
Có một điều đặc biệt liên quan đến kiến thức. Bạn có thể biết thật nhiều, góp nhặt một kho kiến thức mênh mông; nhưng một trí não bị kiến thức che phủ, nặng trĩu những thông tin, thì không có khả năng khám phá. Trí não có thể sử dụng thành quả của một khám phá thông qua kiến thức và kỹ thuật, nhưng bản thân khám phá là cái gì đó nguyên bản, độc đáo, đột nhiên bật ra trong trí não mà không liên quan gì đến kiến thức cả; và chính sự bùng nổ của khám phá mới là điều thiết yếu. Phần lớn con người, nhất là ở xứ sở này, bị che phủ bưng bít bởi kiến thức, bởi truyền thống, bởi dư luận, bởi sợ hãi những điều cha mẹ hay người xung quanh nói, đến mức không còn niềm tin nữa. Họ giống như người đã chết, và đó là điều mà cái gánh nặng kiến thức đã gây ra cho trí não. Kiến thức vốn hữu dụng, nhưng nếu không có điều gì khác thì nó cũng mang tính hủy diệt lớn nhất, và điều này đang được chứng minh bằng những biến cố của thế giới trong thời hiện đại.
Hãy nhìn những gì đang diễn ra trên thế giới này. Chúng ta đã có tất cả những phát minh kỳ diệu: ra-đa dò được tín hiệu của một chiếc máy bay còn cách xa nhiều dặm; tàu ngầm có thể đi vòng quanh thế giới mà không cần nổi lên mặt nước lần nào; sự kỳ diệu của việc người từ Bombay có thể nói chuyện với người ở Banaras hay New York, vân vân. Tất cả những điều đó là thành quả của kiến thức. Nhưng vì không có điều gì đó khác, nên kiến thức đã bị sử dụng sai lầm; do đó mới có chiến tranh, tàn phá, đau khổ và vô số người đói khát. Họ chỉ được ăn một bữa mỗi ngày, thậm chí ít hơn nữa - và bạn thì chẳng biết gì về tất cả những điều đó. Bạn chỉ biết sách vở, cùng với các vấn đề và vui thú nhỏ nhen của bạn nơi một góc phố Banaras, Delhi hay Bombay. Bạn thấy không, bạn có thể có rất nhiều kiến thức, nhưng nếu không có điều gì đó khác, mà nhờ đó con người sống và tìm thấy niềm vui, ánh hào quang, hạnh phúc tột cùng thì chúng ta sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt.
Về phương diện vật chất cũng vậy, con người đã tiến hóa về mặt vật chất thông qua một tiến trình từng bước một. Và từ đâu con người rút ra được cái năng lượng mênh mông ấy chứ? Các nhà phát minh, các nhà thám hiểm và các nhà khám phá vĩ đại trong mọi lĩnh vực hẳn phải có thật nhiều năng lượng, còn phần đông chúng ta có quá ít năng lượng, phải không? Khi ta còn trẻ, ta chơi các trò chơi, ta vui đùa, nhảy múa và ca hát; nhưng khi ta lớn lên, năng lượng đó sớm bị hủy hoại. Bạn không để ý thấy điều đó sao? Ta trở thành những bà nội trợ mệt mỏi, hoặc miệt mài nơi công sở hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, chỉ để kiếm cái ăn; thế là tự nhiên ta chẳng còn mấy năng lượng nữa. Nếu có năng lượng, ta có thể phá hủy cái xã hội thối nát này, ta có thể làm nhiều điều xáo trộn nhất, cho nên xã hội thấy điều đó, nó không muốn ta có năng lượng, nên mới dần dập tắt năng lượng nơi chúng ta thông qua “giáo dục”, thông qua truyền thống, thông qua cái gọi là tôn giáo và văn hóa. Bạn thấy đó, chức năng của giáo dục thực sự là đánh thức năng lượng của ta và làm cho nó bùng nổ, liên tục, mãnh liệt, đầy đam mê, nhưng vẫn có một sự kiềm chế tự nhiên, và tự vận dụng nó vào công cuộc khám phá thực tại. Bấy giờ, năng lượng đó trở thành mênh mông, vô biên và không bao giờ gây thêm đau khổ, mà bản thân năng lượng ấy chính là chủ thể sáng tạo ra một xã hội mới.
Hãy lắng nghe điều tôi đang nói, đừng gạt đi, bởi vì nó rất quan trọng. Đừng chỉ biết đồng ý hay không, mà hãy tự mình khám phá xem liệu có sự thật trong những gì đang được nói đến ở đây. Đừng thờ ơ, mà hãy hoặc nóng hoặc lạnh. Nếu bạn nhìn thấy sự thật của tất cả mọi điều này và bạn thực sự nóng lên, thì cái sức nóng đó, năng lượng đó sẽ lớn dần và tạo ra một xã hội mới. Nó sẽ không tự tiêu tan chỉ bằng cách đơn thuần phản kháng bên trong xã hội hiện tại, giống như trang trí những bức vách của một nhà tù.
Vậy, vấn đề của ta, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, là làm sao để duy trì bất kỳ năng lượng nào chúng ta có và làm cho nó thêm sống động, có sức bùng nổ lớn hơn. Điều này đòi hỏi phải thấu hiểu rất nhiều, bởi vì bản thân thầy cô giáo nói chung có rất ít năng lượng; họ đã bị kiến thức đơn thuần bưng kín và chìm nghỉm trong các vấn đề của chính mình, cho nên họ không thể giúp học trò đánh thức năng lượng sáng tạo này. Đó là lý do vì sao việc thấu hiểu tất cả những điều này phải là mối quan tâm lớn lao của cả thầy cô giáo lẫn học sinh.
Hỏi: Tại sao cha mẹ tôi lại nổi giận khi tôi nói tôi muốn theo một tôn giáo khác?
Krishnamurti: Trước hết là vì họ bám chặt vào tôn giáo riêng của họ, họ nghĩ tôn giáo đó là nhất, nếu không muốn nói là tôn giáo duy nhất trên thế giới này, thế nên một cách tự nhiên họ muốn bạn cũng phải theo tôn giáo đó. Thêm nữa, cha mẹ muốn bạn phải triệt để trung thành với cách tư duy cụ thể của họ, trung thành với đoàn thể, chủng tộc, giai cấp của họ. Đấy là một số lý do; và chắc bạn cũng thấy, nếu bạn theo một tôn giáo khác, bạn sẽ trở thành một mối nguy hại, một rắc rối cho gia đình.
Nhưng việc gì sẽ xảy ra ngay cả khi bạn có rời bỏ một tổ chức tôn giáo này để theo một tổ chức tôn giáo khác? Chẳng phải bạn chỉ đơn thuần chuyển sang một nhà tù khác đấy sao? Bạn thấy đó, chừng nào trí não còn bám vào một niềm tin, thì nó còn bị giam giữ trong một tù ngục. Nếu bạn sinh ra là một tín đồ Hindu giáo rồi cải đạo sang Kitô giáo, cha mẹ bạn có thể nổi giận, nhưng đó chỉ là một điểm nhỏ. Điều quan trọng phải thấy là khi bạn gia nhập một tôn giáo khác, bạn cũng chỉ đơn thuần tiếp tục tiếp nhận hàng loạt giáo điều mới thay cho những giáo điều cũ mà thôi. Bạn có thể trở nên tích cực hơn đôi chút về mặt này mặt nọ, nhưng bạn vẫn ở trong tù ngục của niềm tin và giáo điều.
Vì thế đừng đổi tôn giáo làm gì, đó chỉ đơn thuần là sự phản kháng trong tù ngục thôi, hãy phá vỡ tường vách của tù ngục và hãy tự bạn khám phá xem Thượng đế là gì, sự thật là gì. Hành động đó mới có ý nghĩa và nó sẽ cho bạn một sức sống, một năng lượng khổng lồ. Còn chỉ đơn thuần đi từ tù ngục này sang tù ngục khác và tranh cãi xem tù ngục nào là nhất, thì đó là trò trẻ con.
Để phá vỡ tù ngục của niềm tin, ta phải có một trí não trưởng thành, một trí não tỉnh thức, một trí não tri giác được bản chất của chính tù ngục và không so sánh tù ngục này với tù ngục khác. Để hiểu được điều gì, bạn không thể so sánh nó với điều khác. Không thể thấu hiểu bằng cách so sánh, mà chỉ có thể hiểu được khi bạn xem xét chính điều đó. Nếu bạn xem xét bản chất của các tôn giáo có tổ chức, bạn sẽ thấy rằng mọi tôn giáo về cốt lõi đều giống nhau, dù là Hindu giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, hay một hình thái tôn giáo nào khác. Ngay khi bạn hiểu được tù ngục, tức nhận ra mọi ý nghĩa hàm chứa trong niềm tin, trong các nghi thức tôn giáo và các giáo sĩ, thì bạn sẽ không bao giờ gia nhập bất kỳ tôn giáo nào nữa; bởi vì chỉ những người thoát khỏi niềm tin thì mới có thể khám phá cái vượt lên trên mọi tín điều, cái không thể đo lường.
Hỏi: Cách thực sự để xây dựng nhân cách là gì?
Krishnamurti: Có nhân cách thì chắc chắn có thể chống cự lại cái ảo và bám chắc vào cái thực; nhưng xây dựng nhân cách là một việc khó khăn, bởi vì đối với phần đông chúng ta, những gì mà sách vở, thầy cô, cha mẹ, chính quyền đã nói quan trọng hơn việc khám phá xem bản thân ta nghĩ gì. Tự ta suy nghĩ, tự ta khám phá xem cái gì là thực và ủng hộ nó, không để bị ảnh hưởng, dù cuộc sống có đem lại đau khổ hay hạnh phúc - đó mới đúng là xây dựng nhân cách.
Ví dụ, bạn không tin vào chiến tranh, không phải vì những gì một nhà cải cách hay giáo chủ nào đã nói, mà bởi vì chính bạn nghĩ thế. Bạn đã nghiên cứu, đi sâu vào vấn đề, đã nghiền ngẫm về nó, và với bạn mọi sự giết chóc đều sai lầm, dù giết để ăn, giết vì thù hận hoặc giết vì cái gọi là lòng yêu nước. Vậy, nếu bạn cảm nhận điều này một cách hết sức mãnh liệt và gắn chặt vào đó, bất chấp mọi điều khác, ngay cả khi bạn có phải đi tù hay bị bắn vì nó, thì bấy giờ bạn mới đúng là có nhân cách. Vậy thì nhân cách vốn có một ý nghĩa hoàn toàn khác đó không phải là thứ nhân cách do xã hội nuôi dưỡng.
Nhưng bạn thấy đó, ta không được khuyến khích sống theo chiều hướng này; cả nhà giáo dục lẫn học trò đều không có được cái sinh lực, cái năng lượng để suy ngẫm và nhìn ra đâu là sự thật, nắm bắt nó, và để cho cái giả tạo ra đi. Nhưng nếu bạn có thể làm được điều này, thì bạn sẽ không còn đi theo bất kỳ lãnh tụ chính trị hay tôn giáo nào nữa, bởi vì bạn sẽ là ánh sáng cho chính mình; việc khám phá và nuôi dưỡng ánh sáng đó, không chỉ khi bạn còn trẻ mà trong suốt cuộc đời, chính là giáo dục.
Hỏi: Tuổi nào thì đủ vững vàng để bắt đầu nhận ra Thượng đế?
Krishnamurti: Tuổi nào à? Số năm bạn đã sống sao? Đó là một phần của tuổi tác; bạn đã được sinh ra chừng đó năm, và giờ bạn mười lăm, bốn mươi hay sáu mươi tuổi. Thân xác của bạn ngày càng già đi, và trí não của bạn cũng già đi khi nó trĩu nặng những trải nghiệm, khổ đau và mệt mỏi của cuộc sống; và một trí não như thế không bao giờ có thể khám phá được sự thật là gì. Trí não chỉ có thể khám phá khi nó trẻ trung, tươi mới, hồn nhiên; nhưng sự hồn nhiên không phải là vấn đề của tuổi tác. Không phải chỉ những đứa bé mới hồn nhiên - chúng cũng có thể không hồn nhiên - nhưng trí não nào có khả năng trải nghiệm mà không tích lũy cặn bã của kinh nghiệm sẽ hồn nhiên. Trí não phải trải nghiệm, đó là điều không thể tránh. Nó phải phản ứng trước mọi thứ - dòng sông, một con thú bị ốm, một thi thể đang được đưa đi hỏa thiêu, những người dân quê nghèo khổ gồng gánh nặng nề trên đường, những sự tra tấn và khổ đau của cuộc sống - nếu không thì trí não đã chết rồi; nhưng nó phải có khả năng phản ứng mà không bị kinh nghiệm níu giữ. Chính truyền thống, sự tích lũy kinh nghiệm, tro tàn của ký ức làm cho trí não già đi. Trí não chết đi mỗi ngày với những ký ức của ngày hôm qua, với tất cả niềm vui và nỗi đau của quá khứ - một trí não như thế sẽ tươi mới, hồn nhiên, nó không có tuổi; nếu không có sự hồn nhiên đó, thì dù bạn mười tuổi hay sáu mươi tuổi, bạn cũng sẽ không tìm thấy Thượng đế.