Một trong nhiều vấn đề thách thức tất cả chúng ta, nhất là những ai đang được giáo dục và sẽ sớm bước ra đời đối mặt với thế giới, là vấn đề cải cách. Nhiều nhóm người khác nhau quan tâm đến việc cố gắng tạo nên một vài thay đổi trên thế giới, những thay đổi mà rõ ràng là cần thiết. Dù vài quốc gia có một mức độ bình đẳng nào đó về sự thịnh vượng, nhưng trên khắp thế giới vẫn còn sự đói nghèo và hàng triệu người thiếu mặc, không có được một nơi trú thân. Và có cuộc cải cách cơ bản nào diễn ra mà không tạo thêm hỗn loạn, thêm đau khổ và đấu tranh? Đó mới là vấn đề thực sự, phải không? Nếu ta có đọc một chút ít lịch sử và quan sát các xu hướng chính trị hiện nay, thì rõ ràng điều mà ta gọi là cải cách, dù được mong muốn và cần thiết ra sao đi nữa, vẫn luôn luôn mang theo trong sự náo động của nó các hình thức hỗn loạn và xung đột khác; và để chống lại sự đau khổ tăng thêm này, lại có thêm luật pháp, thêm những kìm hãm và cản trở. Cải cách làm tạo ra những sự hỗn loạn mới; càng đặt ra luật lệ, những hỗn loạn mới càng được sinh ra, và cái vòng lẩn quẩn cứ tiếp tục. Đó là điều ta đang đối mặt, và là một tiến trình dường như không có chỗ chấm dứt.
Vậy, làm thế nào ta có thể phá vỡ cái vòng lẩn quẩn xấu xa này? Chú ý nhé, cải cách là cần thiết; nhưng có thể có cải cách mà không tạo thêm hỗn loạn được không? Với tôi, đây có vẻ là một trong các vấn đề cơ bản mà bất cứ người nào có suy nghĩ đều phải quan tâm. Vấn đề không phải là cần tiến hành loại cải cách nào, hay cải cách ở mức độ nào, mà là có cuộc cải cách nào được thực hiện mà không mang theo cùng nó những vấn đề khác, để lại tạo ra nhu cầu cải cách thêm nữa. Và ta phải làm gì để phá vỡ cái quá trình bất tận này? Chắc chắn, chức năng của giáo dục, dù là ở một trường học nhỏ hay một đại học lớn, là xử trí vấn đề này, không phải một cách trừu tượng, lý thuyết, không phải bằng cách triết lý suông hay viết sách về nó, mà bằng cách thực sự đối mặt với nó để tìm ra cách giải quyết.
Con người bị mắc kẹt trong cái vòng lẩn quẩn của cải cách vốn luôn thấy cần phải cải cách thêm nữa, và nếu cái vòng lẩn quẩn này không được phá vỡ, vấn đề của ta sẽ không có lời giải.
Vậy cần có loại giáo dục nào, loại tư duy nào để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn xấu xa ấy? Hành động nào sẽ đặt dấu chấm hết cho việc vấn đề không ngừng sinh sôi trong mọi hành vi, hoạt động sống của ta? Có động thái nào của tư tưởng, theo bất kỳ hướng nào, có thể giải thoát con người khỏi cung cách sống này, cái lối cải cách rồi lại luôn cần phải cải cách thêm nữa không? Nói cách khác, có chăng một hành động mà không kéo theo phản ứng hay không?
Tôi nghĩ có một lối sống mà trong đó không có quá trình cải cách làm sinh ra thêm đau khổ này, và lối sống đó có thể gọi là tôn giáo. Người có tinh thần tôn giáo thực sự không quan tâm đến cải cách, họ không quan tâm đến việc đơn thuần tạo ra một sự thay đổi trong trật tự xã hội; trái lại, họ đang tìm kiếm đâu là sự thật, và chính công cuộc tìm kiếm đó có một hiệu quả làm chuyển hóa xã hội. Thế nên, giáo dục chủ yếu phải quan tâm tới việc giúp người học trò tìm kiếm sự thật hay Thượng đế, chứ không phải chỉ chuẩn bị để người học trò sống rập khuôn theo một khuôn mẫu xã hội có sẵn.
Tôi nghĩ rất cần phải hiểu được điều này khi ta còn trẻ; bởi vì như vậy thì khi lớn lên và bắt đầu loại bỏ dần các thú vui và các trò giải trí nhỏ nhoi, những ham muốn tình dục và tham vọng tầm thường, ta mới nhận thức được sâu sắc hơn các vấn đề lớn lao đang thách thức thế giới, và rồi ta sẽ muốn làm điều gì đó để giải quyết những vấn đề đó và cải thiện tình hình. Nhưng nếu ta không có một tinh thần tôn giáo sâu sắc, ta sẽ chỉ tạo ra thêm hỗn loạn, thêm đau khổ mà thôi; và tôn giáo chẳng liên quan gì với giáo sĩ, với đền thờ, với giáo điều hay các niềm tin có tổ chức. Những thứ ấy không phải là tôn giáo gì cả, mà chỉ là những phương tiện xã hội đơn thuần để níu giữ chúng ta trong một khuôn mẫu tư duy và hành động cụ thể; là phương tiện để lợi dụng sự cả tin, hy vọng và nỗi sợ hãi của ta. Tôn giáo là tìm ra đâu là sự thật, đâu là Thượng đế, và công cuộc khám phá này đòi hỏi một năng lượng khổng lồ, một trí tuệ mênh mông, một khả năng tư duy tinh tế. Chính trong việc tìm kiếm cái vô lượng đó mới có một hành động xã hội đúng đắn, chứ không phải trong cái gọi là cải cách của một xã hội cụ thể nào đó.
Để tìm ra đâu là sự thật, phải có tình yêu vĩ đại và một khả năng nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với muôn vật - nghĩa là ta không lo cho sự tiến bộ và những thành tựu của riêng mình. Tìm kiếm sự thật là tôn giáo đích thực và người tìm kiếm sự thật là những người mang tinh thần tôn giáo duy nhất. Người như thế, do tình yêu của họ, nên sẽ đứng sống bên ngoài xã hội, và hành động của người ấy với xã hội do đó cũng hoàn toàn khác với hành động của người đứng trong xã hội, chỉ quan tâm đến công cuộc cải cách của nó. Nhà cải cách không bao giờ có thể tạo ra một nền văn hóa mới. Cuộc tìm kiếm của người có tinh thần tôn giáo đích thực mới là cần thiết, bởi vì chính công cuộc tìm kiếm này tạo ra văn hóa của chính nó và đó là hy vọng duy nhất của chúng ta. Bạn thấy đó, công cuộc tìm kiếm sự thật này khiến trí não bùng nổ tính sáng tạo, vốn là cuộc cách mạng đích thực, bởi vì trong cuộc tìm kiếm này, trí não không bị ô nhiễm bởi những mệnh lệnh và sự thưởng phạt của xã hội. Vì đã thoát khỏi tất cả những điều đó, nên con người tôn giáo mới có thể khám phá sự thật; và chính công cuộc khám phá đâu là sự thật trong từng khoảnh khắc đó sẽ tạo ra một nền văn hóa mới.
Thế nên bạn rất cần phải có một nền giáo dục đúng đắn. Để có được thứ giáo dục này, bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục một cách đúng đắn, để họ không xem việc dạy học chỉ như một phương tiện để kiếm sống, mà sẽ có khả năng giúp học trò gạt bỏ mọi giáo điều, và không bị giam giữ bởi bất kỳ tôn giáo hay niềm tin nào nữa. Khi con người liên kết với nhau trên nền tảng của quyền lực tôn giáo, hoặc thực hành những lý tưởng nào đó, thì tất cả họ đều quan tâm tới việc cải cách xã hội, vốn chỉ đơn thuần là trang trí các tường vách của nhà tù mà thôi. Chỉ những ai mang tinh thần tôn giáo thực sự mới là nhà cách mạng thực thụ; và chức năng của giáo dục là giúp cho mỗi người chúng ta có được cái tinh thần tôn giáo theo đúng nghĩa của từ này, bởi vì chỉ có đi theo chiều hướng ấy, ta mới được cứu rỗi.
Hỏi: Tôi muốn làm công tác xã hội, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu.
Krishnamurti: Tôi nghĩ điều rất quan trọng cần khám phá không phải là bắt đầu như thế nào, mà là tại sao bạn muốn làm công tác xã hội. Tại sao bạn muốn làm công tác xã hội? Có phải là do bạn thấy được sự đau khổ trong thế giới - đói khát, bệnh tật, bóc lột, sự thờ ơ tàn bạo giữa một bên cực kỳ giàu có đứng cạnh một bên vô cùng nghèo khổ, sự thù hận giữa người với người? Có phải đó là lý do không? Có phải bạn muốn làm công tác xã hội bởi vì trong tim bạn có tình yêu, và do đó mà bạn không quan tâm đến sự mãn nguyện của riêng mình? Hay công tác xã hội là một phương tiện để bạn lẩn tránh chính mình? Bạn hiểu chứ? Ví dụ, bạn thấy hết sự xấu xa trong hôn nhân theo quy ước tập quán, vì thế bạn nói “Tôi sẽ không bao giờ kết hôn”, và thay vì kết hôn thì bạn dấn thân vào công tác xã hội; hoặc cha mẹ bạn buộc bạn phải làm thế, hay vì bạn có một lý tưởng. Nếu đó là một phương cách để lẩn trốn, hoặc bạn chỉ đơn thuần theo đuổi một lý tưởng do xã hội, một lãnh tụ, một giáo sĩ, hay chính bạn thiết lập nên, thì dù cho bạn có làm bất kỳ công tác xã hội nào, bạn cũng sẽ chỉ tạo ra thêm đau khổ mà thôi. Nhưng nếu trong tâm bạn có tình yêu, nếu bạn tìm kiếm sự thật, và do đó, là một người có tinh thần tôn giáo đích thực, nếu bạn không còn tham vọng, không còn theo đuổi sự thành đạt, và đạo đức của bạn không phải để được người đời kính trọng - thì lúc đó chính cuộc đời bạn sẽ giúp tạo ra một sự biến chuyển hoàn toàn cho xã hội.
Tôi nghĩ bạn rất cần phải thấu hiểu điều này. Khi ta còn trẻ, như phần lớn các bạn ở đây, ta muốn làm một việc gì đó và công tác xã hội luôn nảy ra trong óc mọi người; sách vở nói về nó, báo chí tuyên truyền về nó, nhiều trường học đào tạo nhân viên công tác xã hội, vân vân. Nhưng bạn thấy đó, nếu không tự biết mình, nếu không hiểu được chính mình và các mối quan hệ của mình, thì mọi công tác xã hội mà bạn làm cũng sẽ biến thành tro tàn trong miệng bạn.
Chỉ những người hạnh phúc, chứ không phải người theo đuổi lý tưởng hay trốn thoát khổ đau, mới là người cách mạng; và người hạnh phúc là người không sở hữu nhiều. Người hạnh phúc là người có tinh thần tôn giáo đích thực, và chính cuộc sống của người ấy đã là công tác xã hội rồi. Nhưng nếu bạn đơn thuần trở thành một trong số rất nhiều người làm công tác xã hội, trái tim của bạn sẽ trống rỗng. Bạn có thể cho đi tiền bạc của bạn, hoặc thuyết phục nhiều người khác cùng đóng góp của cải, và bạn có thể tạo nên nhiều cuộc cải cách xã hội thần kỳ; nhưng chừng nào trái tim bạn còn trống rỗng và trí não bạn còn đầy ngập những lý thuyết, thì cuộc sống của bạn sẽ còn trì trệ, tăm tối, tẻ nhạt, buồn chán, không chút niềm vui nào. Vì thế, trước hết hãy hiểu chính mình đã; và từ sự tự biết mình đó, hành động sẽ đến - thứ hành động đúng kiểu.
Hỏi: Tại sao con người sống quá nhẫn tâm?
Krishnamurti: Quá đơn giản mà, đúng không? Khi giáo dục tự giới hạn mình trong việc truyền đạt kiến thức và chuẩn bị cho người học kiếm một công việc, khi giáo dục chỉ biết đề cao lý tưởng và dạy người học trò chỉ biết lo cho sự thành đạt của riêng mình, thì rõ ràng con người sẽ trở nên nhẫn tâm. Bạn thấy đó, phần đông con người chúng ta không có tình yêu trong tim. Ta không nhìn sao trời hay ánh sáng lao xao trên mặt nước, ta không bao giờ quan sát ánh trăng nhảy múa trên một dòng suối chảy dồn, hay dõi theo cánh chim bay. Trái tim ta im bặt tiếng hát, ta luôn luôn bận rộn, trí não ta đầy ắp những kế hoạch và lý tưởng cứu rỗi loài người; ta thuyết giảng về tình huynh đệ, nhưng chính ánh mắt ta phủ nhận tất cả. Thế nên ta rất cần phải có một nền giáo dục đúng đắn khi còn trẻ, sao cho tâm hồn và trí não ta rộng mở, nhạy cảm, nồng nhiệt.
Nhưng nhiệt huyết đó, năng lượng đó, sự thấu hiểu bùng nổ đó sẽ bị hủy diệt khi ta sợ hãi, và phần lớn con người chúng ta đều sống trong sợ hãi. Ta sợ cha mẹ, sợ thầy cô, sợ các giáo sĩ, sợ chính quyền, sợ ông chủ và sợ chính ta nữa. Thế nên, cuộc sống trở thành cái gì đó thuộc về sự sợ hãi, bóng tối, đó là lý do con người trở nên nhẫn tâm.
Hỏi: Ta có thể cố không làm bất cứ điều gì ta thích làm mà vẫn tìm thấy con đường đi đến tự do được không?
Krishnamurti: Bạn biết không, một trong những điều khó khăn nhất là khám phá ra điều ta muốn làm, không chỉ ở tuổi thanh niên, mà trong suốt cuộc đời. Và nếu bạn không tự khám phá ra được điều bạn thực sự muốn làm bằng cả con người của mình, thì rốt cuộc bạn sẽ làm điều gì đó không phải là mối quan tâm thiết thân của bạn, và rồi cuộc sống của bạn sẽ hết sức khốn khổ; vì khốn khổ, bạn sẽ tìm cách quên lãng bằng phim ảnh, bằng nhậu nhẹt, bằng cách đọc vô số sách vở, bằng cách dấn thân vào một công cuộc cải tạo xã hội nào đó, vân vân.
Vậy, nhà giáo dục có thể nào giúp bạn khám phá ra điều mà bạn thực sự muốn làm trong suốt cuộc đời, bất luận cha mẹ và xã hội có thể muốn bạn làm gì đi nữa? Đó mới là câu hỏi đích thực, phải không? Bởi vì, nếu một khi bạn khám phá ra được điều bạn thích làm bằng cả con người mình, thì bấy giờ bạn là người tự do; bấy giờ bạn mới có đủ khả năng, tự tin, sáng tạo. Nhưng nếu vì không biết mình thực sự thích làm gì mà bạn trở thành một luật sư, một nhà chính trị, hay một ai đó, thì bạn sẽ không có hạnh phúc, bởi vì chính nghề nghiệp đó sẽ trở thành phương tiện hủy diệt bản thân bạn và người khác.
Bạn phải tự khám phá xem điều bạn thích làm là gì. Đừng nghĩ theo hướng chọn lựa một nghề nghiệp để sống cho phù hợp với xã hội, bởi vì như thế, bạn sẽ không bao giờ khám phá được điều bạn thích làm là gì. Khi bạn thích làm điều gì thì sẽ không có vấn đề chọn lựa. Một khi đã yêu thì hãy để tình yêu làm điều nó muốn, lúc đó sẽ có hành động đúng, bởi vì tình yêu không bao giờ tìm kiếm sự thành đạt, tình yêu không bao giờ mắc kẹt trong sự bắt chước; nhưng nếu bạn dành trọn đời mình cho điều gì đó mà bạn không thích, bạn sẽ không bao giờ được tự do.
Nhưng không phải chỉ đơn thuần làm điều bạn muốn thì có nghĩa là bạn đang làm việc mà bạn rất thích làm. Để khám phá xem bạn thực sự yêu thích làm gì, bạn cần phải thâm nhập thật sâu, phải nhìn thấu suốt vào trong. Đừng bắt đầu bằng cách nghĩ về việc kiếm sống; nhưng nếu bạn khám phá được điều bạn yêu thích, bạn sẽ có phương tiện để kiếm sống thôi.
Người hỏi: Có đúng là chỉ những người thanh khiết mới thực sự không sợ hãi không?
Krishnamurti: Đừng có lý tưởng về sự thanh khiết, trong trắng, tình huynh đệ, phi bạo động, và những thứ như vậy, bởi vì chúng không có ý nghĩa gì cả. Đừng cố gắng can đảm, bởi vì đó chỉ là một phản ứng với nỗi sợ hãi. Để không sợ hãi, bạn phải thấu suốt vô cùng, một sự thấu hiểu toàn bộ tiến trình của sự sợ hãi và nguyên nhân của nó.
Bạn thấy đó, còn có sợ hãi chừng nào bạn còn muốn được an toàn - an toàn trong hôn nhân, an toàn trong công ăn việc làm, an toàn về địa vị của bạn, về trách nhiệm, an toàn về tư tưởng, về niềm tin, an toàn trong quan hệ với thế giới, hay trong mối quan hệ với Thượng đế. Khi trí não còn cầu an hay thỏa mãn ở bất kỳ hình thức nào, bất kỳ mức độ nào, thì chắc chắn còn phải có sự sợ hãi; và điều quan trọng là phải nhận ra tiến trình này và thấu hiểu nó. Đây không phải là vấn đề của cái gọi là sự thanh khiết. Trí não đầy tỉnh giác và thận trọng, thoát khỏi sự sợ hãi, là một trí não hồn nhiên; và chỉ có một trí não hồn nhiên mới có thể thấu hiểu thực tại, sự thật hay Thượng đế.
Bất hạnh thay, ở đất nước này cũng như bất kỳ nơi nào khác, lý tưởng được coi là có tầm quan trọng lạ thường, lý tưởng là cái nên là: tôi nên sống phi bạo động, tôi nên sống tử tế, vân vân. Lý tưởng, cái nên là, luôn luôn ở nơi nào đó xa xôi không với tới, và do đó nó không bao giờ đang là. Lý tưởng là một lời nguyền, bởi vì chúng ngăn bạn tư duy một cách trực tiếp, đơn giản và chân thực, khi bạn đối mặt với các sự kiện. Lý tưởng, cái nên là, là sự lẩn trốn khỏi cái đang là. Cái đang là là sự thật mà bạn sợ - sợ điều cha mẹ sẽ nói, sợ những gì thiên hạ sẽ nghĩ, sợ xã hội, sợ bệnh tật, sợ chết; và nếu bạn đối mặt với cái đang là đó, nhìn vào nó, thâm nhập vào nó ngay cả khi nó mang lại đau khổ cho bạn, và thấu hiểu nó, bấy giờ bạn sẽ thấy rằng trí não bạn trở nên đơn giản, sáng suốt một cách lạ thường; và chính trong sự rõ ràng vô cùng đó, sợ hãi sẽ chấm dứt. Bất hạnh thay, ta được giáo dục theo những triết lý ngớ ngẩn về lý tưởng, vốn chỉ là sự trì hoãn không hơn không kém; chúng không có giá trị gì cả.
Chẳng hạn, bạn đã có lý tưởng về phi bạo lực; nhưng bạn có phi bạo lực không? Vậy tại sao bạn không đối mặt với sự bạo lực trong bạn, tại sao bạn không nhìn vào chính cái mà bạn đang là? Nếu bạn quan sát chính sự tham lam của bạn, tham vọng của bạn, những khoái lạc và trò giải trí của bạn, rồi bắt đầu thấu hiểu tất cả những thứ đó, bạn sẽ thấy rằng thời gian là một phương tiện của tiến bộ, phương tiện để lý tưởng đi đến chỗ hoàn mãn. Bạn thấy đó, trí não đặt ra thời gian để đạt được, vì thế nó không bao giờ yên tĩnh, không bao giờ tịch lặng. Một trí não tịch lặng mới hồn nhiên, tươi mới, tuy nó có thể đã có cả ngàn năm kinh nghiệm, và nhờ đó nó mới có thể giải quyết những khó khăn trong mối quan hệ cuộc sống của chính nó.
Hỏi: Con người là nạn nhân cho chính những dục vọng của mình, điều này gây ra nhiều vấn đề. Làm thế nào con người có thể tạo ra một trạng thái không có dục vọng?
Krishnamurti: Ý muốn tạo ra một trạng thái không dục vọng chỉ là một thủ đoạn của trí não. Vì thấy rằng dục vọng gây đau khổ, và muốn lẩn tránh sự thể đó, nên trí não mới phóng chiếu ra lý tưởng không dục vọng, rồi hỏi: “Làm thế nào tôi thực hiện được lý tưởng đó?”. Và bấy giờ, việc gì xảy ra? Để sống không dục vọng, bạn phải kìm nén dục vọng, phải không? Bạn bóp nghẹt dục vọng của mình, bạn cố giết nó, và lúc đó bạn nghĩ mình đã đạt được một trạng thái không dục vọng - điều đó hoàn toàn sai lầm.
Dục vọng là gì? Dục vọng là năng lượng, đúng không? Và một khi bạn bóp nghẹt năng lượng của mình, bạn cũng biến mình thành ngu muội, tăm tối, không có sinh khí. Đó là điều đã xảy ra ở nước Ấn Độ này. Tất cả những người gọi là có tinh thần tôn giáo đều đã bóp nghẹt dục vọng của họ; nhưng chẳng mấy ai biết suy nghĩ và sống tự do. Vì thế, chỗ quan trọng không phải là bóp nghẹt dục vọng, mà phải là thấu hiểu năng lượng này và sử dụng nó theo đúng hướng.
Bạn thấy đó, khi bạn còn trẻ, bạn dư thừa năng lượng đến mức muốn nhảy vọt qua đồi núi, lên đến tận trăng sao. Rồi xã hội bước vào và bảo bạn hãy kìm hãm năng lượng đó bên trong bốn bức vách của nhà tù mà nó gọi là sự kính trọng. Thông qua giáo dục, thông qua mọi hình thái thưởng phạt và kiểm soát, năng lượng đó dần dần bị nghiền nát. Nhưng bạn vốn cần nhiều năng lượng hơn, chứ không phải ít hơn, bởi vì nếu không có thật nhiều năng lượng, bạn sẽ không bao giờ khám phá được đâu là sự thật. Vì thế, vấn đề không phải là làm cách nào để tước đoạt năng lượng, mà là làm sao để duy trì và tăng cường năng lượng, làm cách nào để năng lượng trở nên độc lập và nối tiếp mãi - nhưng không theo mệnh lệnh của bất kỳ niềm tin hay xã hội nào - để nó trở thành động thái hướng tới sự thật, Thượng đế. Bấy giờ, năng lượng sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Tựa như ném một viên đá cuội xuống mặt hồ tĩnh lặng sẽ tạo ra một vòng tròn không ngừng lan tỏa rộng ra mãi, hành động của năng lượng theo hướng khám phá ra sự thật sẽ tạo nên những đợt sóng của một nền văn hóa mới. Bấy giờ năng lượng ấy trở thành vô biên, vô lượng, và năng lượng ấy là Thượng đế.