Đi xuống một con đường thẳng tắp vào một buổi sáng mùa xuân đẹp, trời trong xanh lạ thường, không một gợn mây, nắng vàng ấm áp. Thật dễ chịu vô cùng. Và muôn lá chiếu lấp lánh trong gió. Thật là một buổi mai đẹp tuyệt vời. Ngọn núi cao xanh thẳm, nằm xa tít, bất khả xâm phạm, và những trái đồi thấp xanh ngát trông thật đáng yêu. Và bạn cứ việc thầm lặng rảo bước, trống vắng niệm tưởng, rồi bạn chợt thấy một chiếc lá vàng đỏ sậm sáng ánh lên, chiếc lá chết từ mùa thu. Chiếc lá chết trông đẹp đơn sơ, sinh động, duyên dáng, mang toàn bộ sức sống của cội cây và mùa hạ. Lạ một điều là chiếc lá không tàn héo. Nhìn gần hơn ta thấy gân, cuống và hình dáng chiếc lá. Chiếc lá là cả cái cây.
* Trích J. Krishnamurti to Himself - Nhật ký cuối cùng của Krishnamurti.
Tại sao nhân loại lại chết một cách quá ư vô phúc, khốn khổ, thảm hại vì bệnh hoạn, tuổi già, suy nhược, thân xác co rút, xấu xí như vậy? Tại sao người đời không chết một cách tự nhiên và đẹp đẽ như chiếc lá này? Có điều gì sai lầm trong chúng ta thế? Dù ta có tất cả, nào là bác sĩ, thầy thuốc và bệnh viện với những ca phẫu thuật tuyệt vời và cả những niềm vui và nỗi khổ khi sống, nhưng hình như ta không thể nào trang trọng mỉm cười bình dị mà chết đi.
Một hôm, khi đi trên một con đường làng, nghe sau lưng có tiếng hát bằng Phạn ngữ cổ, êm êm và nhịp nhàng, chúng tôi dừng lại và nhìn quanh. Một người con trai, mình trần đến thắt lưng, đang bưng một chậu sành nhỏ trong đó có ngọn lửa đang cháy. Chậu sành được đặt trên một cái đĩa, và sau cậu, hai người đàn ông khiêng xác cha cậu, được quấn vải trắng, và họ đang hát. Ta hiểu được ý nghĩa của bài hát và nhập vào. Họ đang đi xuống con đường, vừa đi vừa hát và cậu con trai thì đang khóc. Họ khiêng xác người cha xuống tận bãi sông, ở đó một giàn hỏa lớn đã được dựng sẵn, họ đặt xác chết lên giàn hỏa và châm lửa. Thật là tự nhiên và vô cùng đơn sơ, không có tràng hoa, không xe tang và ngựa kéo. Thật bình lặng nhưng cực kỳ trang trọng. Và ta nhìn ngắm chiếc lá đó cùng muôn lá của cội cây. Mùa đông đã rứt chiếc lá lìa mình cây mẹ, bay lượn để rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường, và bây giờ hoàn toàn khô héo úa tàn, bị cơn gió cuốn đi biệt tăm.
Cũng giống như bạn đang dạy trẻ học đọc, viết, làm toán và thu thập kiến thức, trẻ cũng phải được dạy cái tính cách trang trọng vĩ đại của cái chết. Không phải như là một điều gì cấm kỵ, vô phúc ta phải giáp mặt, mà cái chết phải được xem là chuyện đời thường, như hằng ngày trẻ nhìn thấy mây nước và con châu chấu đậu trên lá. Đó phải là một phần của việc học, tựa như việc mọc răng và những bệnh lặt vặt của tuổi thiếu niên vậy. Tính trẻ thường hết sức hiếu kỳ. Nếu bạn thấy được thực chất của cái chết, bạn sẽ không giải thích rằng mọi sự rồi sẽ phải chết đi, cát bụi sẽ trở về với cát bụi, vân vân và vân vân, mà bằng thái độ tuyệt dứt sợ hãi, bạn sẽ từ tốn giải thích cho trẻ thấy và cảm được rằng sống và chết là một - không phải ở cuối đoạn đường đời năm mươi, sáu mươi hay chín mươi năm, mà cái chết tựa như chiếc lá kia.
Hãy nhìn đa số những người già, nam lẫn nữ, trông họ mới lụ khụ, hom hem, tàn tạ, bất hạnh, xấu xí làm sao. Phải chăng vì họ thực sự không thấu hiểu được sự sống cũng như cái chết? Họ đã sử dụng cuộc sống, đã hoang phí cuộc sống để triền miên gây gổ, xung đột vì mục đích duy nhất là trui rèn và củng cố lớn mạnh cái tôi. Ta đã phung phí chuỗi ngày sống ngắn ngủi của mình để chìm ngập trong vô vàn hình thái xung đột và khổ đau, với đôi chút niềm vui nhỏ nhoi và khoái lạc, ăn nhậu, hút xách, thức khuya, làm việc, làm việc, làm việc. Để rồi cuối cuộc đời, ta giáp mặt với cái gọi là chết và sợ hãi nó. Cái chết có thể phải được thấu hiểu và cảm nhận sâu xa. Với tính tò mò sẵn có, trẻ phải được giúp đỡ để thấu hiểu cái chết, không chỉ là sự hư hoại của thân xác, vì bệnh tật, tuổi già và tai nạn, mà còn là hành động kết toán, dứt điểm từng ngày sống, dứt điểm cái ta, cái ngã trong từng ngày sống.
Không có sự tái sinh, luân hồi đâu, đó chỉ là một sự mê tín, một giáo điều. Vạn vật trên trái đất này, trái đất đẹp tuyệt vời này, đều sống, chết, hiện ra và mất đi. Muốn nắm bắt toàn bộ cuộc vận hành kỳ diệu đó của cuộc sống thì ta phải có trí tuệ, không phải thứ trí tuệ của tư duy, của sách vở, của kiến thức, mà là trí tuệ của tình yêu với độ mẫn cảm cao tột. Chắc chắn nếu nhà giáo thấu hiểu được ý nghĩa của cái chết và tính cách trang trọng tuyệt vời cùng sự giản đơn kỳ lạ của sự chết, thấu hiểu không phải trên bình diện tri thức, mà là tận sâu thẳm, thì lúc đó họ mới có đủ khả năng truyền đạt cho người học thấy rằng không nên lẩn tránh sự chết, sự chấm dứt, rằng chết không phải là điều đáng sợ vì cái chết dự phần làm nên toàn bộ cuộc sống, để người học trò khi lớn lên sẽ không bao giờ sợ hãi cái chết nữa. Nếu tất cả những thế hệ nhân loại sống trước ta, hàng hàng lớp lớp của quá khứ, nay vẫn tiếp tục tồn tại thì ôi, thật là khủng khiếp! Cái bắt đầu không phải là cái kết thúc.
Và ta thì muốn được giúp đỡ - không, từ này sai rồi - ta muốn, qua giáo dục, làm rõ cái chết là một thực tại, một sự thật, không phải người chết nào khác mà chính chúng ta, dù già hay trẻ, đều bắt buộc phải giáp mặt với cái chết. Đây không phải là sự buồn rầu, khóc than, cô đơn, tử biệt. Ta giết chóc quá dễ dàng, không những giết thú vật để ăn mà còn giết chóc tràn lan để vui chơi và gọi là thể thao nữa. Ta giết thú vật, giết một con nai, vì đó là mùa săn bắn. Giết một con nai cũng giống như sát hại người láng giềng đồng loại của bạn vậy. Bạn giết thú vật vì bạn đã không còn tiếp xúc với thế giới thiên nhiên, với tất cả mọi sinh vật trên trái đất này nữa. Bạn giết người vì đủ mọi lý do: vì lãng mạn, vì yêu nước, vì chính trị, vì Thượng đế. Bạo lực và giết chóc đồng hành với nhau.
Khi ta nhìn chiếc lá thu chết đi với tất cả vẻ đẹp cùng màu sắc của nó, từ đó ta có thể hiểu sâu, nhận thức rõ về nỗi chết riêng tư của mình phải như thế nào, không phải ở cuối cuộc đời mà ngay bây giờ, lúc bắt đầu. Cái chết không phải là điều gì khiếp hãi, phải lẩn tránh, phải trì hoãn đối mặt, mà ta phải sống với nó trong từng phút giây, từng ngày một. Và từ đó, mở ra cái mênh mông kỳ tuyệt vô cùng.