Con sông tỏa ra rất rộng ở khúc này, rộng gần một dặm và rất sâu. Nước giữa dòng trong ngần và xanh biếc, nhưng vào gần bờ thì nhơ nhớp, đầy rác rưởi và chảy lờ đờ. Mặt trời lặn phía sau thành phố lớn nằm dọc dài bên bờ sông. Khói tỏa và bụi bặm của thành phố làm nắng hoàng hôn mang những màu sắc đẹp lạ thường, phản chiếu trên mặt nước trải rộng lung linh. Buổi chiều thật đẹp, thật đáng yêu. Từng mảng cỏ xanh, cây cối cùng chim muông líu lo đều bị trùm phủ, níu giữ trong cái đẹp phi thời gian. Mọi vật đều không bị chia cách, gãy vỡ. Tiếng xe lửa nhịp đều vượt qua một cây cầu tận nơi xa cũng nhập tan vào sự tịch lặng hoàn toàn này. Cách đó không xa, bác ngư phủ cất tiếng hát. Dọc theo hai bên bờ sông là những khoảnh rẫy rộng dài.
* Trích Commentaries on living, Second Series - Luận về hiện sinh, loạt bài luận thứ hai.
Ban ngày, các cánh đồng lúa xanh thơm ngát như tươi cười mời mọc, nhưng bây giờ thì chúng đen thẫm, yên lặng và thu mình. Bên này bờ sông, trên một khoảnh đất rộng bỏ hoang, trẻ con trong làng đang thả diều và chạy giỡn tung tăng, ồn ào vui vẻ, chốn này cũng là nơi để cho các bác ngư phủ giăng phơi lưới đánh cá. Những chiếc thuyền đánh cá cũ kỹ của họ buông neo cạnh đó.
Ngôi làng nằm ngay cạnh bờ sông, dân làng thường hay ca hát, nhảy múa hoặc tổ chức những cuộc sinh hoạt náo nhiệt khác. Trong chiều nay, dù tất cả đều ra khỏi nhà và ngồi quanh quất đâu đó, nhưng mọi người trong làng đều có vẻ yên lặng và trầm tư lạ thường. Một nhóm người đi xuống tận bờ sông dốc ngược, khiêng một cái cáng bằng tre, trên đó đặt một xác chết được quấn vải trắng. Tôi nối gót theo khi họ đi ngang qua. Xuống tận mé sông, họ đặt cáng xuống gần chạm mặt nước. Họ mang theo loại gỗ dễ bắt lửa và nhiều khúc củi to để làm giàn hỏa. Xác chết được đặt lên đó. Họ lấy nước sông rẩy lên xác chết và phủ thêm củi cùng cỏ khô. Một thanh niên châm lửa vào giàn hỏa. Chúng tôi có độ hai mươi người, tất cả vây quanh giàn hỏa. Không có phụ nữ, những người đàn ông ngồi xếp bằng tròn dưới đất, quấn mình trong những tấm áo trắng, hoàn toàn yên lặng. Ngọn lửa bùng cháy và nóng dữ dội, chúng tôi phải lui ra xa một chút. Một chiếc chân của xác chết nám đen bật ló ra khỏi ngọn lửa và được đẩy vào bằng một cây sào; chiếc chân bật dậy không lâu thì một khúc củi to nặng ngã đè lên. Ngọn lửa hồng rực rỡ phản chiếu trên mặt nước sông đen ngòm cùng cả những vì tinh tú. Cơn gió nhẹ cũng biến mất cùng với ánh hoàng hôn. Ngoài tiếng kêu răng rắc của lửa đỏ, mọi vật đều im lìm. Cái chết đang ở đó, bùng cháy. Giữa những thân người bất động và ngọn lửa lung linh là một khoảng cách vô tận, một xa cách vô cùng, một đơn côi mênh mông. Đấy không phải là một cái gì riêng biệt, rời rã và chia cắt với đời sống, sự bắt đầu ở đó và mãi mãi là sự bắt đầu.
Bây giờ thì chiếc sọ đã cháy vỡ và dân làng bắt đầu bỏ đi. Người đi sau cùng có lẽ là thân nhân, khoanh tay, cúi đầu và chầm chậm đi ngược lên bờ sông. Bây giờ thì không còn gì nhiều, ngọn lửa vươn cao đã tàn lụi im lặng, chỉ còn có than hồng đỏ rực. Một vài khúc xương chưa cháy hết sẽ được ném xuống dòng sông vào sáng sớm mai. Cái mênh mông của sự chết, cái thiết bách của nó thật là gần gũi làm sao! Cùng với sự cháy rụi của xác thân đó, con người cũng chết đi. Một nỗi cô đơn hoàn toàn, cô đơn chứ không cách biệt, cô đơn chứ không cô lập. Chỉ có tâm trí mới cô lập, mới cách biệt, chứ cái chết thì không.
Một người đã lớn tuổi, có những cử chỉ bình thản và trang trọng. Ông ấy có đôi mắt sáng và nụ cười thoáng nhanh. Trời lạnh trong phòng, ông quấn mình trong một chiếc khăn rộng ấm áp. Ông nói tiếng Anh và được giáo dục ở ngoại quốc. Ông giải thích đã rút lui khỏi sinh hoạt của chính quyền và hiện hoàn toàn thảnh thơi. Ông nói ông đã nghiên cứu nhiều về các tôn giáo và triết học khác nhau, nhưng không đến đây để bàn về các vấn đề đó.
Mặt trời buổi mai trải dài trên sông nước. Mặt nước lấp lánh chiếu sáng tựa hồ muôn ngàn viên đá quý. Dưới mái hiên, một con chim vàng anh nho nhỏ đang sưởi nắng, yên ổn và im lặng.
“Hành động mà tôi thực sự đeo đuổi là truy vấn hoặc có thể là thảo luận về điều khiến tôi cảm thấy khổ sở hơn cả: cái chết. Tôi đã đọc cuốn kinh Tây Tạng nói về sự chết và cũng rất quen thuộc về những điều mà sách vở, kinh điển của ta đề cập đến vấn đề này. Những lời lẽ khuyến dụ của Kitô giáo và Hồi giáo về cái chết thì hết sức nông cạn. Tôi đã nói chuyện với nhiều vị đại sư ở đây và ở nước ngoài, nhưng mọi lý thuyết của họ đều không làm tôi thỏa mãn. Tôi đã suy nghĩ nhiều và nghiền ngẫm nhiều về vấn đề này, nhưng hình như tôi cũng không tiến xa được gì hơn. Gần đây một người bạn của tôi đã nghe ngài nói chuyện, có nói với tôi về những điều ngài trình bày, vì thế tôi mới đến đây. Với tôi, vấn đề không những là sự chết, sự không tồn sinh mà cả việc gì xảy ra sau cái chết. Đây là vấn đề muôn thuở của con người và không ai giải quyết nổi. Ý ngài thì sao?”
Trước hết ta hãy đặt vấn đề về chính cái ý muốn khẩn thiết lẩn trốn sự thật về cái chết qua các hình thức tin tưởng về luân hồi, về tái sinh hay một lý luận dễ dãi nào đó. Tâm trí rất muốn tìm một giải thích hợp lý về cái chết hoặc một giải đáp thỏa đáng về vấn đề này. Ý muốn đó rất dễ rơi tuột vào ảo tưởng. Ta phải thực sự hết sức cảnh giác mới được.
“Nhưng phải chăng đây cũng là một trong những khó khăn vô cùng của chúng ta? Ta muốn được bảo đảm bởi những người mà ta cho rằng có kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề này, và khi không thể tìm thấy một bảo đảm như vậy thì ngoài nỗi hy vọng và tuyệt vọng, ta lại tự tạo những niềm tin và lý thuyết thích hợp cho riêng mình. Cho nên, niềm tin - thứ niềm tin lạ thường nhất hoặc hợp lý nhất - trở thành điều cần thiết.”
Dù lẩn trốn có khiến chúng ta thỏa mãn thế nào đi nữa thì nó cũng không sao giúp ta thấu hiểu được vấn đề. Chính lẩn trốn là nguyên nhân của sợ hãi. Xa rời sự kiện, xa rời cái đang là, cái hiện thực, thì sợ hãi sẽ ập đến. Niềm tin tưởng dù có gây thỏa mãn thế nào đi nữa thì ngay trong nó vẫn chứa chấp mầm mống của sợ hãi.
Chúng ta bịt mắt lại trước sự thật về cái chết vì ta không muốn nhìn thấy nó, rồi các niềm tin và lý thuyết dâng mở cho ta một lối thoát dễ dãi. Vậy nếu tâm trí muốn khám phá ý nghĩa phi thường của sự chết, thì nó phải bình thản vứt bỏ, không kháng cự cái ước vọng được an tâm. Ông không nghĩ việc hết sức hiển nhiên là vậy sao?
“Phải chăng ngài đòi hỏi quá nhiều? Để thấu hiểu cái chết, ta phải sống trong tuyệt vọng, có phải ý ngài là vậy không?”
Không phải đâu ông bạn ạ. Khi không có cái trạng thái gọi là hy vọng, thì còn có sự tuyệt vọng không? Tại sao ta luôn luôn suy nghĩ theo kiểu đối lập như vậy? Hy vọng đối lập với tuyệt vọng à? Nếu đúng thì lúc đó ngay trong hy vọng đã ẩn chứa cái mầm mống của tuyệt vọng rồi, và hy vọng đó đã nhuốm màu sợ hãi. Nếu muốn thấu hiểu, thì phải chăng điều cần thiết là thoát khỏi những cái đối nghịch? Trạng thái của tâm trí là quan trọng nhất. Những động thái của hy vọng cùng tuyệt vọng đã khiến người ta không thấu hiểu hoặc trải nghiệm được cái chết. Sự dao động của những cái đối nghịch phải ngưng dứt. Tâm trí phải đề cập đến cái chết với một ý thức hoàn toàn mới, trong đó cái tiến trình nhận thức quen thuộc thông thường phải chấm dứt.
“Tôi e không hiểu được rõ những gì ngài nói. Tôi nghĩ là tôi nắm được một cách mơ hồ về ý nghĩa của việc giải thoát tâm trí khỏi những cái đối lập nhau. Dù đó là một việc vô cùng khó khăn, song tôi nghĩ tôi đã thấy sự cần thiết phải làm. Còn ý nghĩa của việc thoát khỏi tiến trình nhận thức thì tôi không thấy được.”
Nhận thức là tiến trình của cái biết, là kết quả của quá khứ. Tâm trí sợ hãi điều gì nó không quen biết. Nếu bạn nhận biết được cái chết thì sẽ không còn sợ hãi cái chết nữa, không cần đưa ra những lời giải thích. Nhưng bạn không thể biết cái chết, nó là một cái gì đó hoàn toàn mới, không bao giờ trải nghiệm trước được. Điều nào ta trải nghiệm được thì điều đó trở thành cái biết, thành quá khứ, mà hành vi nhận thức thì lại được xây dựng trên cái biết, trên quá khứ này. Chừng nào chuyển động còn phát xuất từ cái quá khứ đó, thì cái mới không thể xuất hiện được.
“Vâng, vâng thưa ngài, tôi đã bắt đầu cảm nhận điều đó.”
Nhưng điều chúng ta đang thảo luận với nhau ở đây không phải là chỉ để đó rồi sau này suy nghĩ lại, mà phải được trải nghiệm trực tiếp ngay lập tức theo đà tiến câu chuyện của chúng ta. Kinh nghiệm này không thể tích lũy được, vì khi được tích lũy, kinh nghiệm liền trở thành ký ức và ký ức - phương tiện của nhận thức - sẽ chặn bít cái mới, cái chưa biết. Cái chết là cái chưa biết. Vấn đề không phải là cái chết và việc gì xảy ra sau khi chết mà là tâm trí phải gột sạch quá khứ, gột sạch cái biết. Bấy giờ, tâm trí sống động mới có thể tiến vào sào huyệt của sự chết, để bắt gặp cái chết, cái không biết.
“Có phải ý ngài bảo rằng chúng ta có thể biết được cái chết khi đang sống không?”
Tai nạn, bệnh tật và tuổi già mang cái chết đến, nhưng trong các trường hợp đó, ta không hề có ý thức đầy đủ. Có nỗi khổ đau, niềm hy vọng cùng tuyệt vọng, có nỗi sợ hãi về sự cô đơn, vì thế tâm trí và bản ngã đã chiến đấu một cách hữu thức hoặc vô thức để kháng cự cái chết, cái không thể tránh. Với thái độ kháng cự đầy sợ hãi đối với cái chết, ta chết đi. Nhưng có thể nào, bằng một thái độ không kháng cự, không bệnh tật, không bị thúc bách bởi một đòi hỏi bạo ác hoặc tự vẫn, mà khi đang đầy đủ sinh lực sống, với tinh thần dũng mãnh, ta thâm nhập được vào sào huyệt của sự chết không? Điều đó chỉ có thể thực hiện khi tâm trí cự tuyệt cái biết, kiến thức, bản ngã. Vì thế, vấn đề của ta không phải là cái chết mà là tâm trí phải tự mình thoát khỏi những thế kỷ dài gom góp, chấp chứa kinh nghiệm về phương diện tâm lý, thoát khỏi cái ký ức triền miên chồng chất, thoát khỏi cái ngã không ngừng được củng cố và tinh chỉnh.
“Nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Làm sao tâm trí có thể tự mình thoát khỏi những ràng buộc của chính nó? Theo tôi thì cần có một tác động bên ngoài hoặc một thành phần khác quan trọng hơn và cao siêu hơn của tâm trí can dự vào để tẩy sạch quá khứ khỏi tâm trí.”
Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp phải không? Tác động bên ngoài có thể là ảnh hưởng của hoàn cảnh sống xung quanh hoặc có thể là một cái gì đó vượt quá những giới hạn của tâm trí. Nếu tác động bên ngoài là ảnh hưởng của hoàn cảnh sống thì chính ảnh hưởng đó, với những truyền thống, những niềm tin và văn hóa của nó, sẽ lại giam hãm tâm trí trong vòng nô lệ. Còn nếu tác động đó là một cái gì vượt quá tâm trí, thì lúc đó tư tưởng dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể với đụng tới nó được. Tư tưởng là kết quả của thời gian, tư tưởng bị neo giữ trong quá khứ, không thể thoát khỏi quá khứ. Nếu tư tưởng tự mình thoát khỏi quá khứ thì tư tưởng không còn là tư tưởng nữa. Tư duy về cái vượt quá tâm trí là việc làm hoàn toàn vô ích. Muốn cho cái vượt quá tư tưởng tác động vào, thì tư tưởng phải chấm dứt. Tâm trí phải bất động, phải yên lặng - một trạng thái lặng yên không do bất kỳ nguyên nhân nào. Tâm trí không thể mời gọi trạng thái ấy. Tâm trí có thể và cố tình phân chia chính những hành vi của nó thành cao thượng và thấp hèn, nhưng mọi sự phân cấp và chia chẻ tỉ mỉ ấy đều nằm trong vòng giới hạn của chính nó, do đó mọi động thái của nó, theo bất kỳ chiều hướng nào, đều là phản ứng của quá khứ, của cái tôi, của thời gian. Sự thật đó chính là yếu tố giải thoát duy nhất, và dù tâm trí làm gì đi nữa, nếu không trực nhận được chân lý này, thì nó sẽ mãi mãi sống trong ngục tù nô lệ. Những sám hối, thệ nguyện, giới luật, hy sinh, dâng hiến của nó có thể có ý nghĩa an ủi về mặt xã hội, nhưng liên quan đến chân lý, chúng hoàn toàn vô giá trị.