Dù viết về một cuộc trò chuyện với ai đó, hoặc mô tả một buổi hoàng hôn, hoặc nói chuyện trước công chúng, Krishnamurti dường như đều có cách để diễn đạt những lời nhận xét của mình, không chỉ với khán giả trước mặt, mà còn với bất kỳ ai lắng nghe, ở bất kỳ nơi nào; và có rất nhiều người trên khắp thế giới háo hức được lắng nghe ông. Bởi vì, những gì Krishnamurti nói đều mang tính phổ quát, không hề có thành kiến, và nó khám phá tận gốc rễ các vấn đề của con người chúng ta theo một cách thức lay động đến kỳ lạ.
Tư liệu trong cuốn sách này ban đầu là các bài nói chuyện với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ, nhưng sự thấu suốt sâu sắc và sự giản dị trong sáng của nó sẽ rất có ý nghĩa đối với những ai biết suy nghĩ ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và trong mọi bước đi của đời sống. Krishnamurti, với tính khách quan và sự thấu hiểu đặc trưng, sẽ xem xét những biểu hiện của cái mà chúng ta hài lòng gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống của chúng ta; ông sẽ làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham và lòng đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho thấy là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên sa đọa.
Theo Krishnamurti, văn hóa thực sự không phải là vấn đề giáo dục, cũng không phải là học tập, tài năng, hay thậm chí thiên tài, nó là cái mà ông gọi là “động thái phi thời gian nhằm tìm kiếm hạnh phúc, Thượng đế, sự thật”. Và “khi động thái này bị ngăn chặn bởi uy quyền, bởi truyền thống, bởi nỗi sợ hãi, thì sẽ có sự suy tàn”, bất chấp tài năng hay thành tích của bất kỳ cá nhân, chủng tộc hay nền văn minh cụ thể nào. Ông thẳng thắn chỉ ra những yếu tố sai lầm trong thái độ và thể chế của chúng ta, hàm ý những lời nhận xét của ông thật sâu sắc và rộng mở.