Tôi thắc mắc liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi giáo dục là gì không. Tại sao ta đến trường, tại sao ta phải học các môn học khác nhau, tại sao ta phải thi cử và ganh đua nhau để đạt được thứ hạng cao, điểm số tốt hơn? Cái gọi là giáo dục này nghĩa là gì và tất cả mọi bàn luận xoay quanh đó để làm gì? Đây thực sự là một câu hỏi hết sức quan trọng, không chỉ dành cho người học trò, mà cả cho cha mẹ, thầy cô giáo và tất cả mọi người còn yêu trái đất này. Tại sao ta phải chịu gian khổ đấu tranh để được học? Phải chăng chỉ để vượt qua các kỳ thi và kiếm được một việc làm? Hay phải chăng chức năng của giáo dục là chuẩn bị cho chúng ta thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống khi còn trẻ? Có việc làm và có được sinh kế là cần thiết - nhưng lẽ nào tất cả chỉ có thế? Có phải ta được giáo dục chỉ nhằm mục đích đó? Chắc chắn, cuộc sống không chỉ là một việc làm, một nghề nghiệp; cuộc sống phải là cái gì đó mênh mông và sâu thẳm phi thường, một bí ẩn khủng khiếp, một cõi mênh mông mà trong đó ta hoạt động với tư cách con người. Nếu ta chỉ đơn thuần tự chuẩn bị để có kế sinh nhai, ta sẽ đánh mất toàn bộ ý nghĩa cuộc sống; và thấu hiểu cuộc sống vẫn quan trọng hơn nhiều so với việc đơn thuần chuẩn bị cho các kỳ thi và rất thành thạo toán học, vật lý hay bất cứ môn nào.
Vì thế, dù ta là thầy cô giáo, học sinh hay phụ huynh, chẳng phải điều quan trọng là ta phải tự hỏi tại sao ta làm giáo dục hay được giáo dục ư? Và cuộc sống có ý nghĩa gì? Chẳng phải cuộc sống là điều gì đó phi thường và kỳ diệu sao? Chim chóc, ngàn hoa, cây cối sum suê hoa trái, bầu trời với những vì tinh tú, những dòng sông và cá sống trong đó - tất cả là cuộc sống. Cuộc sống là người nghèo và kẻ giàu; cuộc sống là cuộc chiến triền miên bất tận giữa các đoàn thể, chủng tộc và quốc gia; cuộc sống là thiền; cuộc sống là điều mà ta gọi là tôn giáo và cũng là những gì ẩn giấu thâm sâu trong trí não - những thói ghen tị, tham vọng, đam mê, sợ hãi, thỏa mãn và âu lo. Tất cả những điều đó và nhiều điều hơn nữa là cuộc sống. Nhưng nói chung ta thường chỉ chuẩn bị cho mình để thấu hiểu một góc nhỏ bé của cuộc sống. Ta vượt qua một số kỳ thi, tìm được một việc làm, kết hôn, có con cái và rồi càng lúc ta càng trở nên giống như những cỗ máy. Ta cứ mãi sống trong sợ hãi, âu lo, khiếp sợ cuộc sống. Vậy, không phải chức năng của giáo dục là giúp ta thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống, hay giáo dục chỉ đơn thuần chuẩn bị cho ta một nghề nghiệp, một việc làm tốt nhất mà ta có thể có được?
Điều gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta khi chúng ta lớn lên? Đã có bao giờ bạn tự hỏi bạn sẽ làm gì khi bạn lớn lên chưa? Nhưng điều có thể xảy ra cho tất cả chúng ta là bạn sẽ kết hôn, và trước khi kịp biết mình đang ở đâu thì bạn đã là những người mẹ, người cha; và lúc đó bạn sẽ bị trói buộc vào một công việc, hay vào việc bếp núc, rồi bạn sẽ dần dần tàn lụi đi. Phải chăng cuộc đời bạn rồi chỉ có thế? Đã bao giờ các bạn tự đặt cho mình câu hỏi này chưa? Bạn không nên đặt ra câu hỏi đó sao? Nếu gia đình bạn giàu có, bạn có thể có một địa vị tốt hầu như đã được bảo đảm trước, cha bạn có thể cho bạn một việc làm an nhàn, hoặc bạn có thể có một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối; nhưng rồi bạn cũng sẽ lụn bại, suy tàn. Bạn hiểu chứ?
Chắc chắn giáo dục chỉ có ý nghĩa khi nào nó giúp chúng ta thấu hiểu được cái sự mênh mông rộng lớn của cuộc sống với tất cả sự tinh tế của nó, cùng với cái đẹp diệu kỳ phi thường của nó, cũng như mọi phiền não và niềm vui của nó. Bạn có thể lấy bằng đại học, có được một danh hiệu đi kèm với tên mình, và kiếm được một công việc lương cao, nhưng sau đó thì sao? Ý nghĩa của tất cả điều đó là gì nếu trong cuộc sống đó, trí não bạn trở nên tăm tối, cạn kiệt, ngu ngốc? Vì thế, đang khi còn trẻ, chẳng phải bạn nên khám phá xem cuộc sống mang ý nghĩa gì sao? Và phải chăng chức năng đích thực của giáo dục là chuyên chú trau dồi và nuôi dưỡng trong bạn trí tuệ để tìm ra lời giải cho tất cả những vấn đề này? Bạn biết trí tuệ là gì không? Trí tuệ chắc chắn phải là khả năng tư duy một cách tự do, không sợ hãi, không rập khuôn theo bất kỳ công thức nào cả, để bạn có thể bắt đầu tự mình khám phá cái gì là chân thực; nhưng nếu còn sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ có được trí tuệ. Mọi hình thái tham vọng, dù mang tính tâm linh hay thế tục, đều sinh ra lo âu, sợ hãi; cho nên tham vọng không giúp tạo ra một trí não sáng suốt, đơn giản, trực tiếp - vốn nhờ đó mới có được trí tuệ.
Bạn biết không, điều thực sự hết sức quan trọng là đang khi còn trẻ, bạn nên sống trong một môi trường không sợ hãi. Phần đông chúng ta, càng lớn tuổi, lại càng trở nên sợ hãi; ta sợ sống, sợ mất việc, sợ truyền thống, sợ người xung quanh, sợ lời nói của vợ hay chồng, và ta sợ chết. Phần đông chúng ta đều sợ hãi dưới hình thức này hay hình thức khác; và nơi nào có sợ hãi, nơi đó không có trí tuệ. Và liệu khi còn trẻ, tất cả chúng ta không thể sống trong một môi trường không có sợ hãi mà chỉ có bầu không khí tự do - tự do, không chỉ để làm điều ta thích, mà tự do để thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống - hay sao? Cuộc sống thực sự vô cùng đẹp đẽ chứ không phải thứ cuộc sống xấu xa mà ta đã tạo ra này; và chính bạn có thể thưởng thức được sự phong phú đó, chiều sâu đó, vẻ đáng yêu phi thường đó của cuộc sống, chỉ khi nào bạn vùng lên chống lại mọi sự kiểm soát - chống lại tôn giáo có tổ chức, chống lại truyền thống, chống lại xã hội thối nát hiện tại - để bạn, với tư cách một con người, có thể tự mình tìm ra điều gì là chân thực. Không phải bắt chước mà là khám phá - đó mới là giáo dục, đúng không? Tuân thủ theo những gì xã hội, cha mẹ hay thầy cô giáo nói với bạn thì quá dễ dàng. Đó là lối tồn tại an toàn và dễ dãi; nhưng đó không phải là sống, bởi vì, có sự sợ hãi, suy tàn, chết chóc. Sống là tự bạn phải khám phá xem cái gì là chân thực, và bạn chỉ có thể làm việc đó khi có tự do, khi có một cuộc cách mạng liên tục diễn ra ở nội tâm, bên trong chính bạn.
Nhưng bạn không được khuyến khích để làm việc này, không ai bảo bạn phải đặt câu hỏi, phải tự khám phá Thượng đế là gì, bởi vì nếu bạn nổi loạn bạn sẽ trở thành mối nguy hiểm đối với tất cả những gì là giả ngụy. Cha mẹ và xã hội muốn bạn sống an ổn và bạn cũng muốn sống an ổn. Sống an toàn nói chung có nghĩa là sống trong sự bắt chước, và vì thế, là sống trong sợ hãi. Chắc chắn, chức năng của giáo dục là giúp mỗi người chúng ta sống một cách tự do và không sợ hãi, phải thế không? Và để tạo ra một bầu không khí mà trong đó không có sợ hãi thì đòi hỏi phải có sự tư duy rất lớn về phía chính bạn cũng như về phía thầy cô giáo, nhà giáo dục.
Bạn có biết như thế nghĩa là gì không - tạo ra một bầu không khí mà trong đó không có sự sợ hãi là một điều lạ lùng đến thế nào? Và ta phải tạo ra cho được bầu không khí đó, bởi vì ta thấy thế giới bị vướng mắc triền miên bất tận trong chiến tranh và bị sai khiến bởi các nhà chính trị luôn luôn mưu cầu quyền lực; đó là thế giới của các luật gia, cảnh sát và lính tráng, của những người đầy tham vọng chỉ muốn có địa vị và luôn đấu đá nhau để giành được nó. Rồi có những người được gọi là thánh nhân, guru, đạo sư tôn giáo với những tín đồ; tất cả họ cũng mưu cầu quyền lực, địa vị ở đời này hay ở kiếp sau. Đó là một thế giới điên cuồng, hoàn toàn hỗn loạn, đảo điên; trong đó tất cả mọi người đều chống lại người nào đó, đấu tranh để đến một nơi an toàn, một địa vị quyền lực hay an nhàn. Thế giới bị xé nát bởi sự xung đột giữa đủ thứ tín điều; bởi những phân biệt về đẳng cấp và tầng lớp, bởi các quốc gia, bởi mọi hình thái ngu ngốc và tàn ác - và đấy là cái thế giới mà bạn đang được giáo dục để sống cho thích ứng. Bạn được khuyến khích sống sao cho phù hợp với cấu trúc của cái xã hội thảm khốc đấy; cha mẹ muốn bạn làm như vậy và chính bạn cũng muốn sống cho phù hợp với nó.
Vậy, có phải chức năng của giáo dục chỉ là giúp ta sống rập khuôn theo mô hình của cái trật tự xã hội thối nát này, hay giáo dục sẽ cho ta sự tự do - hoàn toàn tự do để lớn lên và tạo ra một xã hội khác, một thế giới mới? Chúng ta muốn có sự tự do này, không phải trong tương lai, mà ngay bây giờ, nếu không tất cả chúng ta đều bị hủy diệt. Ta phải tạo ra tức thì một bầu không khí tự do, để bạn có thể sống và tự mình khám phá xem cái gì là chân thực, để bạn trở nên thông tuệ, để bạn có thể giáp mặt thế giới và thấu hiểu thế giới, chứ không phải tuân thủ rập khuôn theo nó, để sâu thẳm bên trong bạn, về mặt tâm lý, bạn luôn luôn phản kháng, bởi vì chỉ có những người luôn luôn ở tư thế phản kháng mới khám phá được cái gì là chân thực, chứ không phải những người tuân thủ rập khuôn, chỉ biết làm theo một truyền thống nào đó. Chỉ khi nào bạn thường xuyên truy vấn, thường trực quan sát, luôn luôn học hỏi, bạn mới tìm thấy sự thật, Thượng đế, hay tình yêu; và bạn không thể truy vấn, quan sát và học hỏi, không thể nhận thức sâu sắc, nếu bạn còn sợ hãi. Vì thế chức năng của giáo dục chắc chắn là triệt tiêu, ở nội tâm cũng như ngoại cảnh, nỗi sợ hãi đang hủy diệt tư tưởng con người, mối quan hệ con người và tình yêu này.
Hỏi: Nếu mọi cá nhân đều đứng lên phản kháng, ngài không nghĩ là thế giới sẽ hỗn loạn sao?
Krishnamurti: Trước hết hãy lắng nghe câu hỏi, bởi vì điều quan trọng là thấu hiểu câu hỏi, chứ không phải chỉ chờ đợi câu trả lời. Câu hỏi là: nếu mọi cá nhân đều đứng lên phản kháng, thế giới sẽ không hỗn loạn sao? Nhưng xã hội hiện tại có đang ở trong một trật tự hoàn hảo để nếu mọi người đứng lên phản kháng lại nó, thì hậu quả sẽ là hỗn loạn không? Chẳng phải sự hỗn loạn đang diễn ra ngay bây giờ sao? Có phải mọi thứ đều đang tốt đẹp, hoàn hảo? Mọi người đều đang sống hạnh phúc, đủ đầy, giàu có? Không có người chống lại người? Không có tham vọng, tàn nhẫn, ganh đua nhau sao? Vậy là thế giới đang ở trong tình trạng hỗn loạn, đó là điều trước hết phải nhận ra. Đừng cho rằng đây là một xã hội có trật tự; đừng tự mê hoặc với những lời lẽ đó. Dù là ở đây, Âu châu, Mỹ hay Nga, thì thế giới vẫn đang trong một tiến trình suy tàn. Nếu bạn thấy được sự suy tàn đó, bạn có một thử thách: thử thách của bạn là tìm cách giải quyết vấn đề khẩn thiết này. Và cách bạn phản ứng với thử thách đó là điều quan trọng, phải không? Nếu bạn phản ứng như một tín đồ Ấn giáo, Phật giáo hay Công giáo, thì lúc đó, phản ứng của bạn rất hạn chế - tức là chẳng phản ứng gì cả. Phản ứng của bạn chỉ có thể hoàn toàn đầy đủ, không thiếu sót, nếu trong bạn không có sự sợ hãi, chỉ khi nào bạn không nghĩ như một tín đồ Hindu, tín đồ Kitô giáo hay Phật giáo, mà như một người toàn diện đang ra sức giải quyết vấn đề này; và bạn không thể giải quyết vấn đề nếu không tự mình phản kháng lại toàn bộ vụ việc, chống lại cái tham vọng tích lũy, vốn là nền tảng mà xã hội được xây dựng trên đó. Khi bản thân bạn không còn tham vọng, không còn ham muốn tích lũy, không còn bám víu vào chỗ an toàn của riêng bạn - chỉ lúc đó bạn mới có thể phản ứng lại thách thức và tạo ra một thế giới mới.
Hỏi: Phản kháng, học hỏi, thương yêu - đó là ba tiến trình riêng biệt hay chúng diễn ra đồng thời?
Krishnamurti: Tất nhiên chúng không phải là ba tiến trình tách biệt; đó là một tiến trình thống nhất. Bạn thấy đó, chỗ vô cùng quan trọng là tìm ra xem câu hỏi mang ý nghĩa gì. Câu hỏi được dựa trên lý thuyết chứ không phải kinh nghiệm; câu hỏi chỉ mang tính ngôn từ, tri thức, do đó nó không có giá trị. Một người không còn sự sợ hãi, thực sự phản kháng, đấu tranh để khám phá xem học hỏi, yêu thương có ý nghĩa gì - người như thế sẽ không hỏi đó là một hay ba tiến trình. Ta sử dụng ngôn từ rất tài tình và ta nghĩ rằng đưa ra những cách giải thích là ta đã giải quyết vấn đề.
Bạn biết học nghĩa là gì không? Khi thực sự học, bạn sẽ học suốt đời và không có một giáo viên đặc biệt nào để bạn học. Bấy giờ mọi sự vật trên đời sẽ dạy bạn - một chiếc lá héo khô, một cánh chim đang bay, một mùi hương, một giọt nước mắt, người giàu và kẻ nghèo, ai đó đang gào khóc, nụ cười của một người phụ nữ, tính kiêu ngạo của một người đàn ông. Bạn học từ muôn vật, vì thế không có người dẫn dắt, không có triết gia, không có đạo sư. Tự thân cuộc sống là thầy của bạn và bạn luôn trong tâm thế học hỏi.
Hỏi: Quả thật xã hội được xây dựng trên tinh thần tích lũy và tham vọng; nhưng nếu không có tham vọng, chẳng phải ta sẽ lụn bại sao?
Krishnamurti: Đây là một câu hỏi thực sự hết sức quan trọng và nó đòi hỏi phải thật chú tâm.
Bạn biết chú tâm là gì không? Ta hãy khám phá. Trong một lớp học, khi bạn tò mò nhìn ra cửa sổ hay kéo tóc một người bạn, thầy giáo thấy và bảo bạn hãy chú tâm. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là bạn không quan tâm những gì bạn đang học và do đó, thầy giáo buộc bạn phải chú tâm - thực ra không phải là chú tâm chi cả. Sự chú tâm xuất hiện khi bạn quan tâm sâu sắc một điều gì đó, bởi vì lúc đó bạn yêu mến điều bạn đang khám phá; bấy giờ toàn bộ trí não, toàn bộ con người bạn có mặt ở đó. Tương tự, khi bạn thấy rằng câu hỏi này - nếu không có tham vọng, chẳng phải ta sẽ lụn bại sao? - là thực sự hết sức quan trọng, bạn quan tâm và muốn khám phá sự thật của vấn đề.
Vậy, không phải người tham vọng đang tự hủy diệt chính mình sao? Đó là điều trước hết phải khám phá, chứ đừng hỏi tham vọng đúng hay sai. Hãy nhìn quanh bạn đi, hãy quan sát những người đầy tham vọng. Điều gì xảy ra khi bạn tham vọng? Bạn nghĩ về chính bạn phải không? Bạn trở nên tàn nhẫn, bạn gạt người khác sang một bên, bởi vì bạn đang nỗ lực thực hiện tham vọng của mình, cố trở thành một người đầy quyền lực, từ đó mới sinh ra xung đột trong xã hội giữa những người thành đạt và những kẻ rớt lại phía sau. Có một cuộc chiến triền miên diễn ra giữa bạn và những người khác đang gắng sức đuổi theo những điều bạn muốn; và liệu cuộc xung đột này có tạo ra một cuộc sống sáng tạo không? Bạn hiểu chứ?
Bạn có tham vọng không khi yêu thích làm điều gì vì chính bản thân điều đó? Khi bạn làm việc gì bằng trọn vẹn con người mình, chứ không phải bởi vì bạn muốn đi đến đâu hay có nhiều lợi lộc hơn, đạt kết quả to lớn hơn, mà đơn giản bởi vì bạn yêu thích làm việc đó - trong đó không có tham vọng phải không? Trong đó không có ganh đua; bạn không đấu tranh với ai đó để đứng đầu bảng. Và chẳng phải giáo dục nên giúp bạn khám phá những điều bạn thực sự thích làm sao, để trong suốt cuộc đời mình, bạn được làm công việc bạn cảm thấy đáng giá, và đối với bạn nó có một ý nghĩa sâu sắc sao? Nếu không, suốt cả phần đời còn lại, bạn sẽ khốn khổ. Vì không biết mình thực sự muốn làm gì, trí não bạn rơi vào một guồng quay tẻ nhạt, chỉ có sự chán chường, suy tàn và chết chóc. Thế nên điều hết sức quan trọng là đang khi bạn còn trẻ, phải khám phá xem bạn thực sự thích làm việc gì; và đây là cách thức duy nhất để tạo ra một xã hội mới.
Hỏi: Ở Ấn Độ, cũng như phần đông các quốc gia khác, giáo dục do chính quyền kiểm soát. Dưới sự kiểm soát như thế, có thể nào tổ chức thực hiện một cuộc thử nghiệm về loại hình giáo dục mà ngài mô tả không?
Krishnamurti: Nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, liệu một trường học áp dụng loại hình giáo dục này có thể tồn tại không? Đó là điều quý ông này hỏi. Ông ấy thấy mọi việc trên khắp thế giới đang ngày càng bị kiểm soát bởi chính quyền, bởi các chính trị gia, bởi những người nắm quyền lực muốn định hình trí não và con tim chúng ta; muốn chúng ta phải suy nghĩ theo một định hướng nào đó. Dù ở Nga hay trong bất kỳ quốc gia nào khác, khuynh hướng là tiến đến sự kiểm soát của chính quyền trong giáo dục; và quý ông này hỏi liệu loại trường học mà tôi đang đề cập có thể nào hình thành mà không có sự giúp đỡ của chính quyền.
Vậy, bạn thực sự muốn nói gì? Bạn biết đấy, nếu bạn nghĩ điều gì đó là quan trọng, thực sự có giá trị, bạn đặt trọn con tim vào đó, bất chấp chính quyền và các sắc lệnh của xã hội - thì nó sẽ thành công. Nhưng phần đông chúng ta không đặt hết tâm trí của mình vào bất cứ điều gì, vì thế ta mới đặt ra một câu hỏi như vậy. Còn nếu bạn và tôi cảm nhận rõ rệt rằng một thế giới mới chỉ có thể hình thành khi mỗi người chúng ta có tinh thần phản kháng toàn diện ở nội tâm, tâm lý, tinh thần - thì bấy giờ ta sẽ đặt trọn con tim ta, trí não ta, thân thể ta hướng vào việc tạo ra một trường học mà ở đó không có bất kỳ một nỗi sợ hãi nào với tất cả hàm ý của nó.
Thưa ngài, bất cứ điều gì mang tính cách mạng thực sự đều được tạo dựng bởi một số ít người nhìn thấy cái gì là chân thực và muốn sống trọn vẹn theo sự thật đó; nhưng để khám phá cái chân thực thì phải thoát khỏi truyền thống - nghĩa là thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi.