Có lẽ một số người trong các bạn không hiểu trọn vẹn những gì tôi đã nói về sự tự do, nhưng như tôi đã chỉ ra, điều quan trọng là phải mở trí não trước những ý tưởng mới, trước điều gì đó mà có thể bạn chưa quen. Thật vui khi thấy điều gì đó tốt đẹp, nhưng bạn cũng phải quan sát những xấu xa của cuộc sống, bạn phải tỉnh thức trước mọi sự vật. Tương tự, bạn phải phơi mở chính mình trước những điều mà có lẽ bạn không thực sự hiểu, bởi vì bạn càng ngẫm nghĩ và suy tư trước những vấn đề phần nào khó khăn đối với bạn, thì bạn càng có khả năng sống một cách phong phú.
Tôi không biết liệu có ai trong các bạn, vào lúc sáng sớm, để ý ánh mặt trời trên mặt nước. Ánh sáng thật mềm mại một cách lạ lùng và mặt nước tối đen nhảy múa, với ngôi sao mai treo trên ngọn cây, ngôi sao duy nhất trên bầu trời. Bạn có bao giờ để ý bất cứ điều nào như vậy chưa? Hay vì quá bận rộn với guồng quay thường nhật, nên bạn quên đi hay không bao giờ biết đến vẻ đẹp cực kỳ phong phú của trái đất mà chúng ta đang sống? Dù ta tự gọi mình là tín đồ Hindu hay Phật giáo, Hồi giáo hay Kitô giáo, dù ta đui mù, tàn tật hay nguyên vẹn và hạnh phúc, thì trái đất là của chúng ta. Các bạn hiểu chứ? Đó là trái đất của chúng ta, không phải của bất kỳ người nào khác; trái đất không phải chỉ của những người nhiều tiền lắm của, không phải của riêng những nhà cầm quyền đầy quyền lực, của những quý tộc địa chủ, mà trái đất là của chúng ta, của bạn và tôi. Chúng ta là những người tầm thường, không phải nhân vật quan trọng nào cả, tuy nhiên ta cũng phải sống trên trái đất này và tất cả chúng ta đều phải sống chung với nhau. Đây là thế giới của kẻ giàu cũng như người nghèo, của người thất học cũng như kẻ có học; đó là thế giới của chúng ta và tôi nghĩ cảm nhận được điều này và yêu quý trái đất là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ thỉnh thoảng mới yêu, như vào buổi sáng yên bình như hôm nay, mà ta phải luôn yêu quý trái đất. Ta có thể cảm nhận thế giới là của ta và yêu mến nó khi ta thấu hiểu tự do là gì.
Không có điều gì có thể sánh bằng tự do ngay trong hiện tại, ta không biết như thế nghĩa là gì đâu. Ta muốn được tự do, nhưng nếu bạn để ý thì tất cả mọi người - thầy cô giáo, cha mẹ, luật sư, cảnh sát, binh lính, chính trị gia, doanh nhân - đều đang làm điều gì đó trong cái góc hẹp nhỏ bé của chính mình để ngăn chặn tự do. Sống tự do không phải chỉ là làm điều bạn thích, hay phá vỡ hoàn cảnh sống bên ngoài trói buộc bạn, mà còn phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về sự phụ thuộc. Bạn biết phụ thuộc là gì không? Bạn phụ thuộc vào cha mẹ bạn phải không? Bạn phụ thuộc vào thầy cô giáo, bạn phụ thuộc vào người đầu bếp, vào người đưa thư, vào người mang sữa đến nhà bạn, vân vân. Phụ thuộc kiểu này thì ta có thể dễ dàng hiểu được. Nhưng có một loại phụ thuộc cực kỳ sâu sắc mà bạn phải hiểu trước khi có thể sống tự do: phụ thuộc vào người khác để có được hạnh phúc. Bạn có biết phụ thuộc vào người nào đó để có được hạnh phúc nghĩa là gì không? Không chỉ là sự phụ thuộc về mặt vật chất vào người khác mới trói buộc bạn, mà còn có sự phụ thuộc tâm lý, nội tâm sinh ra từ cái gọi là hạnh phúc; bởi vì khi bạn phụ thuộc vào ai đó theo cách này, bạn sẽ trở thành một nô lệ. Nếu, khi lớn lên, bạn phụ thuộc về mặt cảm xúc vào cha mẹ bạn, vào vợ hay chồng bạn, vào vị đạo sư, hay vào một ý tưởng nào đó, vậy là bắt đầu có sự trói buộc tù ngục. Ta không thấu hiểu điều này, dù phần đông chúng ta, nhất là khi còn trẻ, luôn muốn sống đời tự do.
Để được tự do ta phải phản kháng lại mọi sự phụ thuộc ở nội tâm, và ta không thể phản kháng nếu không hiểu được tại sao ta lại phụ thuộc. Nếu chưa thấu hiểu và thực sự thoát khỏi mọi sự phụ thuộc nội tâm, ta không bao giờ có thể tự do, bởi vì chỉ trong sự thấu hiểu đó, tự do mới ra đời. Nhưng tự do không phải là một cách phản ứng đơn thuần. Bạn có biết phản ứng là gì không? Nếu tôi nói điều gì đó làm tổn thương bạn, nếu tôi gọi bạn bằng một từ ghê tởm và bạn nổi giận với tôi, đó là phản ứng - một phản ứng sinh ra từ sự phụ thuộc; và không phụ thuộc lại là một phản ứng khác nữa. Nhưng tự do không phải là một phản ứng; và chừng nào ta còn chưa hiểu được phản ứng và vượt qua được nó, ta sẽ không bao giờ có được tự do.
Bạn có biết yêu thương người nào đó nghĩa là gì không? Bạn có biết yêu một cội cây hay một chú chim hay thú cưng trong nhà - tức là bạn quan tâm chăm sóc nó, cho nó ăn, trìu mến với nó, dù có thể đổi lại nó không cho bạn được gì, dù nó có thể không cho bạn bóng mát, hay cứ lẽo đẽo theo bạn, hay phụ thuộc vào bạn - nghĩa là gì không? Phần đông chúng ta không yêu thương theo cách đó, ta không biết đó là gì cả, bởi vì tình yêu của ta luôn bị vây chặt bởi âu lo, ghen tuông, sợ hãi - điều đó chỉ ra rằng nội tâm ta phụ thuộc vào người khác; ta muốn được yêu. Ta không chỉ yêu thương và để lại tình yêu ở đó, mà ta đòi hỏi phải nhận lại điều gì, và khi đòi hỏi như vậy, ta trở nên phụ thuộc.
Vậy là tự do và tình yêu đi kèm với nhau. Tình yêu không phải là một phản ứng. Nếu tôi yêu bạn bởi vì bạn yêu tôi, thì đó chỉ là trao đổi, như một thứ hàng hóa được mua bán ở chợ; nó không phải là tình yêu. Yêu thương mà không đòi hỏi bất cứ điều gì đáp lại, thậm chí không cảm thấy bạn đã cho đi điều gì - chỉ tình yêu như vậy mới có thể biết đến tự do. Nhưng, bạn thấy đó, bạn không được dạy cho thứ tình yêu này. Bạn được giáo dục để giải toán, hóa, sử, địa và chấm hết, bởi vì cha mẹ bạn chỉ quan tâm làm sao giúp bạn kiếm được một chỗ làm tốt và thành công trong cuộc sống. Nếu cha mẹ bạn có tiền nhiều, có thể họ sẽ cho bạn ra nước ngoài, giống như phần còn lại của thế giới, toàn bộ mục đích của họ là bạn phải giàu có và có một địa vị đáng nể trong xã hội; và bạn càng leo cao, bạn càng gây khổ cho nhiều người khác, bởi vì để đạt đến đó bạn phải tranh đua, tàn nhẫn. Thế là cha mẹ gửi con cái của mình đến những trường học nơi chỉ có tham vọng, ganh đua, không có tình yêu gì cả, thế nên một xã hội như của chúng ta mới triền miên phân rã, không ngừng xung đột; và dù các chính trị gia, các thẩm phán, những người được gọi là quý tộc địa chủ cứ nói về hòa bình, nhưng hòa bình mà họ nói đến không có ý nghĩa gì cả.
Giờ đây, bạn và tôi, ta phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về tự do này. Ta phải tự mình khám phá xem tình yêu nghĩa là gì; bởi vì nếu ta không yêu thương, ta sẽ không bao giờ biết quan tâm, chú tâm; ta không bao giờ ân cần để ý đến người khác. Bạn biết ân cần để ý nghĩa là gì không? Khi bạn thấy một cục đá bén nhọn nằm trên con đường mà nhiều người vẫn đi lại bằng chân trần, bạn dẹp cục đá ấy đi, không phải vì bạn được yêu cầu làm việc đó, mà bởi vì bạn nghĩ đến người khác - bất luận người khác đó là ai và bạn có thể không bao giờ gặp họ. Trồng cây và chăm chút cái cây đó, nhìn ngắm dòng sông và tận hưởng sự trọn vẹn của trái đất, quan sát một con chim tung cánh và nhìn thấy vẻ đẹp trong cánh chim chao lượn ấy, nhạy cảm và cởi mở với cái chuyển động kỳ diệu gọi là cuộc sống này - muốn làm tất cả những điều đó thì phải có tự do, và để tự do, bạn phải thương yêu. Không có tình yêu thì không có tự do; không có tình yêu, tự do chỉ là một ý niệm không chút giá trị. Vì thế, chỉ với những ai thấu hiểu và vượt thoát sự phụ thuộc nội tâm, nhờ đó biết được tình yêu là gì, thì mới có thể có tự do; và chỉ có họ mới tạo ra một nền văn minh mới, một thế giới khác.
Hỏi: Nguồn gốc của dục vọng là gì và làm thế nào tôi có thể loại bỏ dục vọng?
Krishnamurti: Một anh bạn trẻ đang đặt ra câu hỏi này; và tại sao cậu ấy phải loại bỏ dục vọng? Các bạn hiểu chứ? Anh bạn này còn rất trẻ, đầy nhựa sống; tại sao cậu ấy phải loại bỏ dục vọng chứ? Người ta bảo cậu ấy rằng thoát khỏi dục vọng là một trong những đức hạnh vĩ đại nhất, rằng khi thoát khỏi dục vọng cậu ấy sẽ nhận ra Thượng đế, hay bất cứ cái tên nào người ta có thể gọi; do vậy, cậu ấy hỏi: “Nguồn gốc của dục vọng là gì và làm thế nào tôi có thể loại bỏ được nó?”. Nhưng chính cái thôi thúc loại bỏ dục vọng lại vẫn là dục vọng, không phải sao? Nó thật ra là do sợ hãi thúc đẩy.
Nguồn gốc, cội nguồn, khởi thể của dục vọng là gì? Bạn thấy điều gì đó hấp dẫn và bạn muốn có nó. Bạn thấy một chiếc ô tô hay một du thuyền, và bạn muốn sở hữu nó; hoặc bạn muốn đạt đến địa vị của một người giàu, hay trở thành một sannyasi*. Đây là nguồn cội của dục vọng; nhìn thấy, tiếp xúc, từ đó có cảm giác, và từ cảm giác có dục vọng. Bây giờ, khi đã nhận ra rằng dục vọng đem lại xung đột, bạn hỏi: “Làm thế nào tôi có thể thoát khỏi dục vọng?”. Vậy, điều bạn thực sự muốn không phải là thoát khỏi dục vọng, mà thoát khỏi những âu lo, phiền muộn,khổ đau do dục vọng gây ra. Bạn muốn thoát khỏi những hậu quả đắng cay của dục vọng, chứ không phải thoát khỏi chính dục vọng, và đây là điều vô cùng quan trọng phải hiểu. Nếu bạn tước bỏ khỏi dục vọng sự phiền não, đau khổ, đấu tranh, tước bỏ mọi âu lo và sợ hãi đi kèm với dục vọng, sao cho chỉ còn lại duy nhất khoái lạc, thì liệu bạn có còn muốn thoát khỏi dục vọng không?
* Theo Hindu giáo, đây là người tu đến giai đoạn thứ tư, giai đoạn cuối cùng của một người Bà-la-môn muốn thành thánh. Ở giai đoạn này, người Bà-la-môn sẽ lìa bỏ vợ con, mọi của cải, cuộc sống xã hội và khất thực để sống. - BTV
Chừng nào còn khao khát muốn có được, đạt được, dù ở mức độ nào, thì chắc chắn còn có âu lo, phiền não, sợ hãi. Cái tham vọng làm giàu, trở thành thế này thế khác, chỉ rơi rụng đi khi nào bạn thấy sự thối rữa, cái bản chất đồi bại của chính dục vọng. Khi bạn thấy rằng dục vọng nhắm vào quyền lực ở bất kỳ hình thức nào - quyền lực của một vị thủ tướng, một thẩm phán, một giáo sĩ, một đạo sư - về cơ bản đều là ác, thì chúng ta sẽ không còn ham muốn quyền lực nữa. Nhưng ta không thấy rằng dục vọng là đồi bại; rằng khao khát đạt được quyền lực là ác; trái lại, ta nói rằng ta sẽ dùng quyền lực để làm điều tốt đẹp - điều này hoàn toàn vô nghĩa. Phương tiện sai lầm không bao giờ có thể dùng để đạt được mục đích đúng. Nếu phương tiện là ác, thì mục đích cũng ác. Thiện không phải là cái đối nghịch của ác, thiện chỉ xuất hiện khi điều ác đã hoàn toàn chấm dứt.
Vì thế, nếu ta không thấu hiểu toàn bộ ý nghĩa của dục vọng, cùng với những hậu quả của nó, những phụ phẩm của nó, thì việc đơn thuần cố gắng loại bỏ dục vọng, chẳng có nghĩa gì cả.
Hỏi: Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi sự phụ thuộc trong khi vẫn còn sống trong xã hội này?
Krishnamurti: Bạn biết xã hội này là gì không? Xã hội là mối quan hệ giữa người và người, phải không? Đừng làm phức tạp vấn đề, đừng trích dẫn sách vở gì cả; hãy suy nghĩ một cách đơn giản về xã hội và bạn sẽ thấy rằng xã hội là mối quan hệ giữa bạn và tôi và nhiều người khác. Những mối quan hệ của con người làm thành xã hội; và xã hội hiện tại được xây dựng trên một mối quan hệ của ham muốn tích lũy, không phải sao? Phần đông chúng ta muốn tích lũy tiền bạc, quyền lực, của cải, uy quyền; ở bình diện này hay bình diện khác, ta muốn địa vị, thanh thế, và do đó, ta xây dựng một xã hội chuyên tích lũy. Chừng nào ta còn muốn tích lũy, chừng nào ta còn muốn địa vị, thanh thế, quyền lực và những điều như thế, chừng đó ta còn thuộc về xã hội này, và do đó, ta còn phụ thuộc vào nó. Nhưng nếu ta không còn muốn bất cứ thứ gì như thế nữa và đơn giản là chính mình với tất cả sự khiêm nhường, thì lúc bấy giờ ta sẽ thoát khỏi xã hội đó; ta phản kháng lại và đoạn tuyệt với xã hội đó.
Bất hạnh thay, nền giáo dục hiện nay chỉ có một mục đích duy nhất là biến bạn thành thứ người chỉ biết tuân thủ, tự điều chỉnh để thích ứng rập khuôn theo cái xã hội chuyên tích lũy này. Đó là tất cả những gì mà cha mẹ, thầy cô giáo và sách vở của bạn quan tâm. Chừng nào bạn còn tuân thủ, chừng nào bạn còn đầy dục vọng, còn muốn tích lũy, còn làm bại hoại và hủy diệt người khác vì công cuộc săn đuổi địa vị và quyền lực, thì chừng đó bạn còn được coi là một công dân ưu tú đáng kính. Bạn được giáo dục để sống hoàn toàn ăn khớp với xã hội; nhưng đó không phải là giáo dục, đó chỉ là một tiến trình quy định cho bạn để tuân thủ rập khuôn theo một khuôn mẫu. Chức năng thực sự của giáo dục không phải là đào tạo bạn thành một thư ký, một quan tòa hay một thủ tướng, mà là giúp bạn thấu hiểu toàn bộ cấu trúc của cái xã hội thối nát này và cho phép bạn lớn lên hướng đến tự do. Bạn sẽ đoạn tuyệt với xã hội này và kiến tạo một xã hội khác, một thế giới mới. Phải có những người đứng lên phản kháng lại, không chỉ một phần mà toàn bộ thế giới cũ, bởi vì chỉ có những con người như thế mới có thể kiến tạo một thế giới mới - một thế giới không dựa trên sự tích lũy, quyền lực và thanh thế.
Tôi có thể nghe những người lớn nói: “Không bao giờ làm được đâu, bản chất con người là như vậy, và ông đang nói điều vô nghĩa”. Nhưng ta không bao giờ nghĩ đến việc xóa bỏ sự quy định trí não ở người trưởng thành và không quy định trí não trẻ em. Chắc chắn, giáo dục phải vừa trị bệnh vừa phòng bệnh. Những học trò lớn như các bạn đã bị quy định, đã bị định hình, đã trở nên tham vọng rồi; bạn muốn thành đạt giống như cha bạn, giống như ngài thống đốc hay ai khác. Vì thế, chức năng đích thực của giáo dục không chỉ là giúp bạn tự xóa bỏ sự quy định của chính bạn, mà còn để thấu hiểu toàn bộ tiến trình cuộc sống diễn ra từng ngày một, sao cho bạn có thể trưởng thành trong tự do và kiến tạo một thế giới mới - một thế giới hoàn toàn khác hẳn với thế giới hiện tại. Tiếc thay, không có phụ huynh, thầy cô nào hay dư luận nói chung quan tâm đến điều này. Thế nên giáo dục phải là một tiến trình giáo dục nhà giáo dục đồng thời với giáo dục học sinh.
Hỏi: Tại sao con người đánh nhau?
Krishnamurti: Tại sao các cậu trai lại đánh nhau? Bạn thỉnh thoảng cũng đánh nhau với anh em mình hay với mấy cậu bé khác ở đây, phải không? Tại sao? Bạn đánh để giành đồ chơi. Có lẽ một cậu bé khác đã lấy trái banh hay cuốn sách của bạn, thế là bạn đánh nhau. Nhiều người lớn cũng đánh nhau vì chính lý do đó, chỉ là đồ chơi của họ bây giờ là địa vị, của cải và quyền lực. Nếu bạn muốn quyền lực và tôi cũng muốn quyền lực thì ta đánh nhau, và đó cũng là lý do khiến các quốc gia gây chiến. Đơn giản là thế, chỉ có các triết gia, chính trị gia và những người được gọi là người có đức tin làm phức tạp vấn đề lên thôi. Bạn biết đó, để có thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm - biết hết sự giàu có của cuộc sống, vẻ đẹp của sự tồn tại, những đấu tranh, khổ đau, tiếng cười, nước mắt - mà vẫn giữ cho trí não bạn cực kỳ đơn giản là cả một nghệ thuật vĩ đại, và bạn chỉ có thể có một trí não đơn giản khi nào biết cách yêu thương.
Hỏi: Đố kỵ là gì?
Krishnamurti: Đố kỵ hàm ý bất mãn với những gì bạn đang là và ganh tị với những người khác, phải không? Không bằng lòng với hiện trạng của mình chính là khởi đầu của ghen tị. Bạn muốn giống như một người nào đó, hiểu biết nhiều hơn, đẹp hơn hoặc có ngôi nhà to hơn, nhiều quyền lực hơn, có địa vị tốt hơn bạn. Bạn muốn mình đạo đức hơn, bạn muốn biết làm sao để thiền tập tốt hơn, bạn muốn vươn tới Thượng đế, bạn muốn là gì đó khác với hiện trạng của mình, do đó bạn sinh lòng đố kỵ, ganh ghét.
Hiểu được mình đang là gì vốn khó khăn vô cùng, bởi vì nó đòi hỏi một sự tự do hoàn toàn, thoát khỏi mọi dục vọng để thay đổi hiện trạng của bạn thành điều gì khác. Khao khát thay đổi chính mình làm sinh ra đố kỵ, ghen ghét; trái lại, trong việc hiểu được mình đang là gì đã hàm chứa sự chuyển hóa cái bạn đang là. Nhưng bạn thấy đó, toàn bộ thứ giáo dục mà bạn tiếp nhận buộc bạn phải cố gắng phải khác với cái bạn đang là. Khi bạn đố kỵ, người ta dạy bạn: “Đừng có đố kỵ, đó là một tính cách khủng khiếp”. Thế là bạn cố gắng để không đố kỵ; nhưng bản thân sự cố gắng đó đã là đố kỵ, bởi vì bạn muốn mình khác đi.
Bạn biết đó, một đóa hoa hồng xinh đẹp là một đóa hoa hồng xinh đẹp; nhưng con người chúng ta đã được gắn cho cái năng lực tư duy, và chúng ta tư duy một cách sai lầm. Để biết tư duy như thế nào đòi hỏi phải thâm nhập, thấu hiểu rất nhiều, nhưng biết tư duy cái gì lại là việc tương đối dễ dàng. Nền giáo dục hiện tại của ta cốt yếu dạy ta phải suy nghĩ điều gì chứ không dạy ta suy nghĩ như thế nào, thâm nhập, khám phá bằng cách nào; và chỉ khi nào người thầy cũng như học trò biết cách suy nghĩ, thì trường học mới xứng đáng với danh hiệu của nó.
Hỏi: Tại sao tôi không bao giờ thỏa mãn với bất cứ điều gì?
Krishnamurti: Một cô bé đặt câu hỏi này, và tôi chắc chắn cô bé làm vậy không phải vì bị xúi giục. Cô bé lại muốn biết tại sao mình không bao giờ thỏa mãn khi tuổi đời còn non nớt như vậy. Những người trưởng thành như các bạn sẽ nói gì đây? Đó là việc của các bạn; các bạn đã tạo ra cái thế giới mà trong đó một bé gái hỏi tại sao em không bao giờ thỏa mãn với bất cứ điều gì. Các bạn được cho là những nhà giáo dục, nhưng các bạn không nhìn thấy bi kịch của điều này. Các bạn thiền định, nhưng lại tăm tối, kiệt quệ, chết mòn từ bên trong.
Tại sao con người không bao giờ thỏa mãn? Có phải vì họ mải đi tìm hạnh phúc và họ nghĩ rằng phải không ngừng thay đổi thì họ mới hạnh phúc. Họ chuyển từ công việc này sang công việc khác, từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác; từ tôn giáo hay hệ tư tưởng này sang tôn giáo hay hệ tư tưởng khác; cứ nghĩ rằng nhờ sự chuyển động thay đổi không dứt đó, họ mới tìm thấy hạnh phúc; hoặc nếu không thì họ chọn một cuộc sống tù đọng và rũ chết trong đó. Chắc chắn sự hài lòng là điều gì đó hoàn toàn khác. Nó chỉ xuất hiện khi bạn nhìn bản thân như bạn đang là, chấm dứt mọi ý muốn thay đổi, chấm dứt mọi ý định lên án hay so sánh - như thế không có nghĩa là bạn chỉ việc chấp nhận điều bạn thấy rồi ngủ quên trong đó. Nhưng khi trí não không còn so sánh, phán xét, lượng giá và do đó có thể thấy cái đang là trong từng phút giây mà không có ý muốn thay đổi nó - thì cái vĩnh cửu sẽ sinh ra trong chính sự tri giác đó.
Hỏi: Tại sao ta phải đọc?
Krishnamurti: Tại sao ta phải đọc? Chỉ cần yên lặng lắng nghe. Bạn không bao giờ hỏi tại sao bạn phải chơi đùa, tại sao bạn phải ăn, tại sao bạn phải nhìn dòng sông, tại sao bạn tàn ác, đúng không? Bạn chỉ nổi loạn và hỏi tại sao bạn phải làm điều gì đó khi bạn không thích làm. Nhưng đọc sách, chơi đùa, cười giỡn, tàn ác, tử tế, nhìn ngắm dòng sông và những đám mây, đó đều là một phần cuộc sống. Và nếu bạn không biết làm thế nào để đọc, nếu bạn không biết làm thế nào để đi, nếu bạn không đủ khả năng thưởng thức vẻ đẹp của một chiếc lá, thì bạn không sống. Bạn phải thấu hiểu toàn thể cuộc sống, chứ không chỉ một phần nhỏ nhoi của nó. Đó là lý do tại sao bạn phải đọc, đó là lý do tại sao bạn phải nhìn lên trời, đó là lý do tại sao bạn phải hát và nhảy múa và làm thơ và đau khổ và thấu hiểu, bởi vì tất cả đều là cuộc sống.
Hỏi: E thẹn là gì?
Krishnamurti: Bạn không cảm thấy e thẹn khi gặp người lạ sao? Bạn không cảm thấy e thẹn khi đặt câu hỏi đó sao? Bạn không cảm thấy e thẹn nếu bạn lên bục giảng này, như tôi, và ngồi ở đây nói chuyện sao? Bạn không cảm thấy e thẹn, bạn không thấy có chút ngượng nghịu và muốn đứng im lặng khi thình lình hiện ra trước mặt bạn một cái cây đáng yêu, một đóa hoa thanh nhã, hay một con chim đang ở trong tổ của nó sao? Bạn thấy không, e thẹn là điều tốt. Nhưng với phần đông chúng ta, e thẹn lại hàm ý là tự ý thức về mình. Khi ta gặp một nhân vật tai to mặt lớn, nếu có một người như vậy, ta trở nên ý thức về cái tôi của ta. Ta nghĩ: “Ông ấy quả là người quan trọng và nổi tiếng, còn mình chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt”. Thế là ta cảm thấy e thẹn, tức là ý thức về bản thân. Nhưng có một loại e thẹn khác, tức là thực sự nhạy cảm, và trong đó không còn có sự tự ý thức.