Tại sao bạn có mặt ở đây để nghe tôi nói? Có bao giờ bạn ngẫm xem tại sao bạn phải nghe người ta nói không? Và lắng nghe ai đó nghĩa là gì? Tất cả các bạn ngồi đây, trước mặt một người đang nói. Có phải bạn lắng nghe để nắm bắt điều gì đó sẽ xác nhận, phù hợp với tư tưởng của chính bạn, hay bạn lắng nghe để khám phá? Bạn thấy chỗ khác biệt chứ? Lắng nghe để khám phá có một ý nghĩa hoàn toàn khác với lắng nghe chỉ để nghe được điều gì đó xác nhận điều bạn nghĩ. Nếu bạn hiện diện ở đây đơn thuần để xác nhận, để nhận được sự khích lệ về những tư tưởng của chính bạn, thì lắng nghe chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng nếu bạn lắng nghe để khám phá, thì lúc đó trí não của bạn được tự do, không vướng mắc vào bất cứ việc gì, nó trở nên sắc bén, tinh nhạy, sống động, đầy ý muốn hiếu kỳ, tìm hiểu, và do đó đủ sức khám phá. Vì thế, điều quan trọng là phải xem tại sao bạn lắng nghe và bạn lắng nghe cái gì?
Đã bao giờ bạn ngồi hết sức yên lặng, không phải cố định tâm vào bất cứ thứ gì, không phải nỗ lực tập trung tư tưởng, mà chỉ cần một trí não hết sức tĩnh lặng, thực sự im lặng? Bấy giờ, bạn nghe được mọi thứ, phải không? Bạn nghe tiếng ồn ở xa thật xa, cũng như tiếng ồn ở gần hơn và tiếng ồn ở sát bên, những âm thanh trực tiếp - thật ra nó có nghĩa là bạn đang lắng nghe mọi thứ. Trí não bạn không bị giới hạn trong một kênh hạn hẹp nông cạn nào. Nếu bạn có thể lắng nghe theo cách này, nghe một cách thoải mái, không căng thẳng, bạn sẽ thấy có một sự thay đổi kỳ diệu diễn ra bên trong bạn, một sự thay đổi không do ý chí của bạn, không do bạn đòi hỏi; và trong sự thay đổi đó, có cái đẹp lớn lao và chiều sâu của sự thấu suốt.
Hãy thử làm thế một lúc xem, hãy thử ngay bây giờ, như hiện bạn đang lắng nghe tôi, đừng chỉ lắng nghe tôi mà hãy nghe mọi vật quanh bạn. Lắng nghe hết thảy những tiếng chuông đó đi, tiếng chuông của đàn bò và của các ngôi đền; lắng nghe tiếng tàu hỏa xa xa và tiếng ô tô chạy trên đường; và nếu bạn đến gần hơn và lắng nghe tôi nói, bạn sẽ thấy có một chiều sâu khủng khiếp trong sự lắng nghe. Nhưng để làm điều này, bạn phải có một trí não hết sức tĩnh lặng. Nếu bạn thực sự muốn lắng nghe, trí não bạn tự nhiên phải yên lặng, đúng không? Bấy giờ bạn sẽ không bị xao lãng bởi điều gì đó xảy ra bên cạnh bạn. Trí não bạn tĩnh lặng bởi vì nó đang lắng nghe thật sâu mọi thứ. Nếu bạn có thể lắng nghe theo cách này với một tâm thế thoải mái, với một niềm hạnh phúc lớn lao, bạn sẽ thấy một sự chuyển hóa kỳ lạ diễn ra trong tim bạn, trong trí não bạn - một sự chuyển hóa mà bạn đã không hề nghĩ tới, hay không có cách nào sản sinh ra nó được.
Tư tưởng là một thứ hết sức lạ lùng, phải không? Bạn biết tư tưởng là gì không? Với phần đông người đời, tư tưởng hay suy nghĩ là thứ gì đó được trí óc kết hợp lại và họ chiến đấu vì tư tưởng của mình. Nhưng nếu bạn có thể thực sự lắng nghe mọi thứ - tiếng nước vỗ bờ của dòng sông, tiếng hót của chim muông, tiếng khóc của một em bé, tiếng rầy la của mẹ bạn, tiếng một ai đó đang bắt nạt bạn, tiếng trách móc của vợ hay chồng bạn - bấy giờ bạn sẽ thấy rằng bạn đã vượt qua ngôn từ, vượt qua những cách diễn đạt thuần túy bằng ngôn từ vốn xé toạc bản chất một ai đó.
Và vượt qua những cách diễn đạt thuần túy ngôn từ là điều hết sức quan trọng, bởi vì rốt lại, tất cả chúng ta đều muốn điều gì? Dù trẻ hay già, dù còn non nớt hay đầy kinh nghiệm, tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, đúng không? Khi còn là một người học trò, ta muốn được hạnh phúc trong khi chơi đùa, khi học tập, trong khi làm những điều nhỏ nhặt mà chúng ta thích làm. Rồi khi ta lớn hơn, ta tìm hạnh phúc trong những sự chiếm hữu, trong tiền bạc, trong việc có được một ngôi nhà xinh, một người vợ hay người chồng biết đồng cảm, một công việc tốt. Khi những thứ ấy không còn làm ta thỏa mãn nữa, ta chuyển sang thứ khác. Ta nói: “Ta phải xả chấp thì mới hạnh phúc”. Vậy là ta bắt đầu tập xả chấp. Ta lìa bỏ gia đình, từ bỏ mọi của cải, lui về sống ẩn dật. Hoặc ta gia nhập vào một đoàn thể tôn giáo vì nghĩ rằng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách cùng nhau sống và thảo luận về tình anh em, bằng cách đi theo một lãnh tụ, một guru, một đức thầy, một lý tưởng, bằng cách tin vào điều gì đó mà về cốt lõi là một sự tự lừa dối, một ảo tưởng, một sự mê tín.
Các bạn hiểu điều tôi đang nói chứ?
Khi bạn chải tóc, khi bạn mặc quần áo sạch sẽ và sửa soạn cho mình thật đẹp, tất cả đều nằm trong khao khát được hạnh phúc của bạn, đúng không? Khi bạn thi đậu và thêm được vài chữ cái vào cái tên của mình, khi bạn có được một việc làm, một ngôi nhà và tài sản khác, khi bạn kết hôn và có con cái, khi bạn gia nhập một hội đoàn tôn giáo mà các lãnh đạo của hội tuyên bố rằng họ có những thông điệp từ một đức thầy vô hình - thì đằng sau tất cả những điều đó là một sự thôi thúc kỳ lạ, sự cưỡng bách phải tìm thấy hạnh phúc.
Nhưng bạn thấy đó, hạnh phúc không dễ dàng như vậy đâu, bởi vì hạnh phúc không nằm trong tất cả những thứ đó. Bạn có thể có niềm vui, bạn có thể tìm thấy một sự thỏa mãn mới, nhưng sớm muộn gì nó cũng trở nên tẻ nhạt. Bởi vì không có hạnh phúc lâu dài nào trong những điều ta biết. Nụ hôn nào cũng kèm theo nước mắt, tiếng cười nào cũng kèm theo phiền não và cô độc. Mọi vật đều suy tàn, thối rữa. Vì thế, đang khi còn trẻ, bạn phải bắt đầu khám phá xem cái điều lạ lùng được gọi hạnh phúc ấy là gì. Đó là một phần cốt tủy của giáo dục.
Hạnh phúc không đến khi bạn cố gắng đuổi theo nó - và đó là bí mật to lớn nhất, dù nó rất dễ dàng được nói ra. Ta có thể dùng vài từ đơn giản để nói về nó; nhưng nếu chỉ đơn thuần nghe tôi nói rồi lặp lại những gì đã nghe, bạn sẽ không hạnh phúc đâu. Hạnh phúc lạ lùng lắm; nó đến khi bạn không tìm kiếm nó. Khi bạn không cố gắng để hạnh phúc, thì nó đến, không mong đợi, một cách bí mật, được sinh ra từ sự thuần khiết, từ tình yêu cuộc sống. Nhưng hạnh phúc đó đòi hỏi phải thấu hiểu rất nhiều - chứ không phải gia nhập một tổ chức hoặc cố gắng trở thành ai đó. Chân lý không phải là điều có thể đạt được. Chân lý xuất hiện khi tâm trí bạn được gột sạch mọi ý niệm cố gắng, và bạn không còn muốn cố gắng để trở thành ai đó; chỉ lúc đó, khi trí não hoàn toàn yên lặng, hành động lắng nghe mọi thứ mà không chịu ảnh hưởng của thời gian mới có thể xảy ra. Bạn có thể nghe những lời lẽ này, nhưng để hạnh phúc xuất hiện, bạn phải tìm ra cách giải thoát trí não khỏi mọi nỗi sợ.
Chừng nào bạn còn sợ bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì thì không thể có hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc chừng nào bạn còn sợ cha mẹ, thầy cô của bạn, sợ thi rớt, sợ không tiến bộ, không đến được gần hơn với đức thầy, không đến được gần hơn với chân lý, hoặc sợ không được ủng hộ, không được động viên, hỗ trợ. Nhưng nếu bạn thực sự không sợ bất cứ điều gì, thì bạn sẽ thấy - khi bạn thức dậy vào một buổi sáng hoặc khi bạn đi dạo một mình - đột nhiên một điều lạ lùng xảy đến: không mời gọi, không van nài, không trông chờ, cái điều có thể gọi là tình yêu, chân lý, hạnh phúc, đột nhiên xuất hiện ở đó.
Thế nên điều hết sức quan trọng là bạn phải được giáo dục một cách đúng đắn đang khi còn trẻ. Thứ mà hiện giờ ta gọi là giáo dục không phải là giáo dục gì cả, bởi vì chẳng ai nói với ta về tất cả điều này. Thầy cô giáo của bạn chuẩn bị để bạn vượt qua các kỳ thi, nhưng không nói với bạn về cuộc sống, vốn là điều quan trọng hơn tất cả, bởi vì rất ít người biết sống ra sao. Phần đông chúng ta chỉ đơn thuần tồn tại, chúng ta chỉ làm cách nào đó để lê lết qua cuộc đời, và do đó, cuộc sống trở thành một thứ thật khủng khiếp. Để thực sự sống, ta phải có thật nhiều tình yêu, một cảm nhận tuyệt vời về sự tĩnh lặng, một sự giản dị lớn lao với vô vàn kinh nghiệm; cuộc sống đó đòi hỏi một trí não đủ khả năng tư duy hết sức sáng suốt, không bị trói buộc bởi định kiến hay sự mê tín, bởi hy vọng hay sợ hãi. Tất cả đều là cuộc sống, và nếu bạn không được giáo dục để sống, thì lúc đó giáo dục không có ý nghĩa gì cả. Bạn có thể học cách sống ngăn nắp, gọn gàng, có những cung cách xử sự đẹp, và bạn có thể đạt kết quả tốt qua các kỳ thi; nhưng gắn cho những điều cạn cợt ấy một tầm quan trọng hàng đầu khi toàn bộ cấu trúc của xã hội đang đổ nát, thì cũng giống như làm sạch và đánh bóng các móng tay trong khi nhà đang cháy. Bạn thấy đó, không ai nói với các bạn về tất cả những điều này, không ai cùng bạn đi sâu vào vấn đề đó. Bạn đã bỏ hết ngày này sang ngày khác để dùi mài các môn học - toán, sử, địa - thì bạn cũng cần phải bỏ thật nhiều thời gian để bàn thảo với nhau về các vấn đề thâm sâu này, bởi vì nó sẽ biến cuộc sống của bạn trở nên phong phú.
Hỏi: Chẳng phải sùng bái Thượng đế chính là tôn giáo đích thực sao?
Krishnamurti: Trước hết ta hãy khám phá cái gì không phải là tôn giáo. Chẳng phải đó là thái độ tiếp cận đúng đắn sao? Nếu ta có thể thấu hiểu cái gì không phải là tôn giáo, thì hẳn ta sẽ bắt đầu tri giác điều gì đó khác. Tựa như lau sạch kính cửa sổ dính bụi bặm - ta bắt đầu nhìn xuyên qua đó hết sức rõ ràng. Vậy hãy xem liệu ta có thể thấu hiểu và quét sạch ra khỏi trí não ta những gì không phải là tôn giáo hay không; đừng nói rằng: “Tôi sẽ nghĩ về điều này” rồi khua môi múa mép bằng ngôn từ. Có lẽ các bạn có thể làm vậy, nhưng phần đông người lớn đã bị vướng mắc rồi, họ đã an vị một cách thoải mái trong cái không phải là tôn giáo và họ không muốn bị quấy nhiễu.
Vậy cái gì không phải là tôn giáo? Đã bao giờ các bạn nghĩ đến điều này chưa? Bạn đã nghe người ta nói đi nói lại nhiều lần về điều được cho là tôn giáo - tin vào Thượng đế và hàng tá thứ khác nữa - nhưng không ai yêu cầu bạn khám phá xem cái gì không phải là tôn giáo; và bây giờ bạn và tôi sẽ tự mình khám phá.
Khi lắng nghe tôi hay bất kỳ ai khác, đừng chỉ chấp nhận điều đã được nói ra, mà hãy lắng nghe để thấy rõ sự thật của vấn đề. Nếu bạn đã từng tự mình lĩnh hội điều gì không phải là tôn giáo, thì trong suốt cuộc sống của bạn, không tu sĩ hay kinh sách nào có thể đánh lừa được bạn nữa. Không có nỗi sợ hãi nào có thể sinh ra ảo tưởng khiến bạn tin tưởng và đi theo. Để khám phá xem cái gì không phải là tôn giáo, bạn phải bắt đầu ở cấp độ đời sống hằng ngày, rồi từ đó bạn có thể leo lên. Để đi xa, bạn phải bắt đầu từ gần và bước gần nhất là bước quan trọng hơn cả. Vậy, cái gì không phải là tôn giáo? Các nghi lễ có phải là tôn giáo không? Việc thờ cúng hằng ngày có phải là tôn giáo không?
Giáo dục đích thực là học cách nghĩ, chứ không phải nghĩ cái gì. Nếu bạn biết cách tư duy, nếu bạn thực sự có khả năng đó, thì bạn mới là một con người tự do - thoát khỏi mọi giáo điều, mọi sự mê tín, mọi nghi lễ - và do đó, bạn mới có thể khám phá tôn giáo là gì.
Các nghi lễ rõ ràng không phải là tôn giáo, bởi vì trong khi thực hiện các nghi lễ ấy, bạn chỉ lặp đi lặp lại một công thức đã được trao truyền từ quá khứ đến cho bạn. Bạn có thể tìm thấy một cảm giác khoái lạc nào đó trong việc thực hiện các nghi lễ ấy, giống như cảm giác của những người hút thuốc hay uống rượu; nhưng đó có phải là tôn giáo không? Khi thực hiện các nghi lễ ấy, bạn đang làm điều mà bạn không biết gì cả; cha bạn và ông bạn đã làm việc đó, cho nên bạn làm theo, vì nếu bạn không làm họ sẽ la rầy bạn. Đó không phải là tôn giáo, đúng không?
Và trong một ngôi đền, chùa, nhà thờ, có gì trong đó? Một hình tượng được chạm khắc bởi một người, theo sự tưởng tượng của riêng người ấy. Hình tượng có thể là một biểu tượng, nhưng nó vẫn chỉ là một hình tượng, không phải là thứ có thật. Một biểu tượng, một từ ngữ không phải là thứ mà nó đại diện. Từ “cửa” đâu phải là cái cửa, đúng không? Từ không phải là vật. Ta đi đến nhà thờ, đền, chùa để cúng bái… điều gì? Một hình ảnh được cho là một biểu tượng; nhưng biểu tượng không phải là thứ có thật. Vậy tại sao bạn đến đó? Đó là những dữ kiện; không phải tôi đang chỉ trích; và vì đó là những dữ kiện, tại sao lại bận tâm việc ai đi đến đền thờ, người Bà-la-môn hay không phải người Bà-la-môn? Ai bận tâm làm gì? Bạn thấy đó, người lớn đã biến biểu tượng thành tôn giáo, rồi vì tôn giáo ấy họ sinh ra cãi lộn, bất hòa, đánh nhau, sát hại nhau; nhưng Thượng đế không có ở đó. Thượng đế không bao giờ ở trong một biểu tượng. Vì thế, sùng bái một biểu tượng hay hình ảnh không phải là tôn giáo.
Và niềm tin có phải là tôn giáo không? Điều này phức tạp hơn. Ta đã bắt đầu gần, giờ ta sẽ đi xa hơn một chút. Niềm tin có phải là tôn giáo không? Người Kitô giáo tin cách này, tín đồ Hindu tin cách khác, người Hồi giáo tin cách khác, tín đồ Phật giáo lại tin cách khác nữa, và tất cả họ đều tự cho mình là người có đạo, người của tôn giáo; tất cả họ đều có đền thờ, đấng tối cao, thần thánh, những biểu tượng, những niềm tin của riêng mình. Và đó có phải là tôn giáo không? Có phải là tôn giáo không khi bạn tin vào Thượng đế, Rama, Sita, Ishwara và những điều đại loại như thế? Làm thế nào bạn có được một niềm tin? Bạn tin vì cha bạn và ông bạn tin; hoặc đã đọc được những điều mà một đạo sĩ nào đó như Shankara hay Đức Phật được cho là đã nói, bạn tin vào mọi điều đó và nói đó là thật. Phần đông các bạn tin vào những gì Kinh Gita nói, cho nên bạn không xem xét cuốn sách này một cách rõ ràng và đơn giản như đối với bất kỳ cuốn sách nào bạn có; bạn không cố khám phá xem đâu là sự thật.
Ta đã thấy rằng nghi thức cúng bái thờ phượng không phải là tôn giáo, rằng đi đến đền thờ không phải là tôn giáo, và rằng niềm tin không phải là tôn giáo. Niềm tin chia rẽ con người. Tín đồ Kitô giáo có những niềm tin và do đó đã chia rẽ với những người có những niềm tin khác, và bản thân họ cũng tự chia rẽ với nhau; tín đồ Hindu tràn ngập thù địch triền miên, bởi vì họ tự tin rằng họ là những người thuộc dòng dõi Bà-la-môn hay không phải Bà-la-môn, là cái này hay cái khác. Vậy niềm tin đem lại sự thù địch, chia rẽ, hủy diệt, và đó rõ ràng không phải là tôn giáo.
Vậy, tôn giáo là gì? Nếu bạn đã lau sạch kính cửa sổ - nghĩa là bạn đã thực sự ngưng dứt việc thực hiện các nghi lễ cúng bái, bỏ hết mọi niềm tin, ngưng chạy theo bất kỳ lãnh tụ hay đạo sư nào - bấy giờ trí não của bạn giống như kính cửa sổ được lau sạch bóng loáng, và bạn có thể nhìn ra và thấy mọi vật một cách rõ ràng. Khi trí não được lau sạch mọi hình ảnh, nghi thức cúng bái, mọi niềm tin, biểu tượng, mọi ngôn từ, mọi kinh kệ tụng niệm và mọi sợ hãi, thì bấy giờ những gì bạn thấy sẽ là cái chân thực, cái phi thời gian, cái vĩnh hằng, có thể gọi là Thượng đế; nhưng điều này đòi hỏi một trí tuệ, một sự thấu hiểu và nhẫn nại vô cùng, và chỉ dành cho những người nào thực sự đi sâu truy vấn xem tôn giáo là gì và theo đuổi công cuộc truy vấn đó hết ngày này sang ngày khác, cho đến giây phút cuối cùng. Chỉ những người như thế mới biết tôn giáo đích thực là gì. Những người còn lại chỉ nói ra những lời môi miệng, và tất cả những đồ trang hoàng và toàn bộ những hình thức trang trí cơ thể, những nghi lễ, việc rung chuông - tất cả chỉ là sự mê tín, tuyệt đối không có ý nghĩa chi cả. Chỉ khi nào trí não phản kháng, chống lại tất cả những gì được gọi là tôn giáo, thì nó mới thấy cái chân thực.