Đã bao giờ bạn ngồi một cách hết sức yên lặng, không động đậy chút nào chưa? Hãy thử đi, hãy ngồi thực sự yên lặng, lưng thẳng và quan sát xem trí não bạn đang làm gì. Đừng tìm cách kiểm soát nó, đừng bảo nó không nên nhảy từ tư tưởng này sang tư tưởng khác, từ mối quan tâm này sang mối quan tâm khác như vậy, mà hãy cứ nhận thức về việc trí não bạn đang nhảy nhót thế nào. Đừng làm gì xen vào, mà hãy cứ quan sát như khi bạn đứng bên bờ sông quan sát dòng nước chảy. Dòng chảy đó mang theo nhiều vật - cá, lá cây, xác chết động vật - nhưng dòng sông luôn luôn sống động, trôi chảy, và trí não bạn giống như thế.
Nó trôi chảy không dừng nghỉ, di chuyển từ thứ này sang thứ khác giống như một cánh bướm.
Khi bạn nghe một bài hát, bạn nghe như thế nào? Bạn có thể thích người đang hát, người ấy có thể có một khuôn mặt xinh, và bạn có thể theo dõi ý nghĩa của ca từ; nhưng đằng sau tất cả những điều đó, khi nghe một ca khúc, bạn lắng nghe những nốt nhạc và quãng lặng giữa các nốt nhạc, phải không? Cũng như vậy, hãy thử ngồi thật yên lặng, không bồn chồn, không động đậy bàn tay hay thậm chí ngón chân, và chỉ quan sát trí não bạn thôi. Đó là một trò chơi thật vui. Nếu bạn thử làm thế như một trò vui, một trò giải trí, bạn sẽ thấy trí não bắt đầu lắng xuống mà bạn không hề phải cố gắng kiểm soát nó. Lúc đó, không còn có người giám sát, người phán xét, người đánh giá nữa; và khi trí não nhờ đó tự nó hết sức yên lặng, tĩnh lặng một cách tự phát, bạn sẽ khám phá được thế nào là vui vẻ. Bạn biết vui vẻ là gì không? Chỉ là cười vui vậy thôi, là cảm thấy thích thú vì điều gì hay không vì điều gì cả, là biết niềm vui của việc sống, việc mỉm cười, việc nhìn thẳng vào mặt người khác mà hoàn toàn không có chút cảm giác sợ hãi nào cả.
Đã bao giờ bạn thực sự nhìn vào mặt ai chưa? Đã bao giờ bạn nhìn vào mặt thầy cô, cha mẹ, một viên chức cấp cao, một người giúp việc, một người cu li nghèo khổ, và thấy xem việc gì xảy ra chưa? Phần đông chúng ta đều sợ nhìn thẳng vào mặt người khác, và người khác cũng không muốn ta nhìn họ theo cách đó, bởi vì họ cũng sợ hãi. Không người nào muốn tự phơi bày chính mình; ta luôn luôn đề phòng, thủ thế, giấu mặt đằng sau những vẻ ngoài đau khổ, phiền não, ao ước, hy vọng, và rất ít người có thể nhìn thẳng vào mắt bạn và mỉm cười. Và điều hết sức quan trọng là mỉm cười, là hạnh phúc; bởi vì, bạn thấy đó, không có tiếng hát trong tim là cuộc sống trở nên cực kỳ tăm tối. Ta có thể đi hết đền thờ này đến đền thờ khác, tìm hết người chồng/vợ này đến người chồng/vợ khác, đến gặp một giảng sư hay đạo sư mới; nhưng nếu không có niềm vui bên trong này, cuộc sống cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Và tìm thấy niềm vui nội tâm này là việc không dễ dàng gì, bởi vì phần đông chúng ta chỉ bất mãn ngoài mặt.
Bạn có hiểu bất mãn nghĩa là gì không? Hiểu được bất mãn là điều hết sức khó khăn, bởi vì phần đông chúng ta đào kênh dẫn sự bất mãn đi theo một phương hướng nào đó, để nó bị nhận chìm và cuốn đi. Tức là, mối quan tâm duy nhất của ta là tự thiết lập cho ta một vị trí an toàn với những lợi lộc và uy thế vững chắc, để không bị quấy rầy. Điều đó diễn ra trong gia đình và cả ở trường học. Thầy cô giáo không muốn bị quấy nhiễu, vì thế họ cứ theo thói quen cũ mà sống; bởi vì một khi ta thực sự bất mãn và bắt đầu khám phá, chất vấn, thì bắt buộc phải có sự xáo trộn. Nhưng chỉ khi bất mãn thực sự, ta mới có sáng kiến.
Bạn biết sáng kiến là gì không? Bạn có sáng kiến khi bạn khởi xướng hay bắt đầu làm việc gì đó táo bạo mà không do bị xúi giục. Đó không nhất thiết phải là một việc vĩ đại hay phi thường - điều đó có thể đến sau; nhưng chỉ một tia sáng kiến khi bạn tự trồng một cây con, khi bạn tử tế một cách tự nhiên, khi bạn mỉm cười chào một người đang mang vác nặng, khi bạn dẹp một cục đá nằm giữa đường đi, hoặc vỗ về một con vật trên đường. Đó là một khởi đầu nhỏ bé của một sáng kiến vĩ đại mà bạn phải có nếu bạn biết cái điều phi thường được gọi là sáng tạo này. Sáng tạo bắt nguồn từ sáng kiến chỉ xuất hiện khi có sự bất mãn sâu sắc.
Đừng e sợ sự bất mãn mà hãy nuôi dưỡng nó cho đến lúc một tia lửa trở thành ngọn lửa và bạn mãi mãi bất mãn với mọi sự - với công việc, với gia đình của bạn, với truyền thống theo đuổi tiền bạc, địa vị, quyền lực - để bạn thực sự có thể bắt đầu tư duy, khám phá. Nhưng bởi vì càng lớn, bạn sẽ càng thấy rằng duy trì cái tinh thần bất mãn này là rất khó. Bạn có con cái phải chu cấp và những đòi hỏi trong công việc phải xem xét; ý kiến của làng xóm, của xã hội khép chặt lấy bạn, và bạn bắt đầu nhanh chóng đánh mất ngọn lửa bất mãn bùng cháy này. Khi bạn cảm thấy bất mãn, bạn mở radio lên nghe, bạn đến thăm đạo sư, bạn hành lễ thờ bái, bạn đến một câu lạc bộ, uống rượu, theo đuổi phụ nữ - bất cứ điều gì có thể dập tắt ngọn lửa. Nhưng, bạn thấy đó, không có ngọn lửa bất mãn này, bạn sẽ không bao giờ có sáng kiến, vốn là khởi đầu của sự sáng tạo. Để khám phá xem đâu là sự thật, bạn phải phản kháng lại trật tự đã được thiết lập; nhưng cha mẹ bạn càng có nhiều tiền bạc và thầy cô bạn càng muốn củng cố công việc của mình, thì họ càng ít muốn bạn phản kháng hơn.
Sáng tạo không chỉ là vẽ tranh hay làm thơ, việc đó cũng tốt thôi, nhưng chỉ thế thì quá ít ỏi. Chỗ quan trọng là phải hoàn toàn bất mãn, bởi vì bất mãn toàn diện là khởi đầu của sáng kiến, vốn sẽ trở thành sáng tạo khi nó chín muồi; và đó là cách duy nhất để khám phá ra sự thật là gì, Thượng đế là gì, bởi vì trạng thái sáng tạo là Thượng đế.
Vì thế, ta phải có sự bất mãn toàn diện này, nhưng với niềm vui. Bạn hiểu chứ? Ta phải bất mãn hoàn toàn, không phải oán trách, mà với niềm vui, với sự thích thú, với tình yêu. Hầu hết những người bất mãn đều chán nản khủng khiếp; họ luôn luôn phàn nàn rằng điều gì đó hay ai đó không đúng, hoặc họ mong ước có một địa vị tốt hơn, hoặc muốn hoàn cảnh thay đổi, bởi vì sự bất mãn của họ quá hời hợt, nông cạn. Còn những người không bất mãn chút nào thì đã chết rồi.
Nếu bạn có thể phản kháng khi bạn đang còn trẻ, và khi lớn tuổi hơn mà vẫn giữ được tâm trạng bất mãn sống động với sức sống của niềm vui và tình yêu to lớn, thì ngọn lửa bất mãn đó sẽ có một ý nghĩa phi thường, bởi vì ngọn lửa ấy sẽ xây dựng, sẽ sáng tạo, sẽ đem lại những điều mới lạ cho cuộc sống. Để làm được điều này, bạn phải có một nền giáo dục đúng đắn, không phải thứ giáo dục chỉ biết chuẩn bị cho bạn kiếm được một việc làm hay leo lên nấc thang thành công, mà là nền giáo dục giúp bạn suy nghĩ và cho bạn không gian - không gian ở đây không phải là một phòng ngủ rộng hơn hay một mái nhà cao hơn, mà là không gian để trí não bạn lớn lên mà không bị trói buộc bởi bất kỳ niềm tin, bất kỳ nỗi sợ hãi nào.
Hỏi: Bất mãn ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Làm thế nào để khắc phục trở ngại này?
Krishnamurti: Tôi nghĩ bạn có thể đã không lắng nghe điều tôi đang nói đây; có lẽ vì bạn quan tâm câu hỏi của bạn hơn, bạn lo lắng không biết đặt câu hỏi thế nào cho thông. Đó là điều tất cả các bạn đều làm bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi người đều có sẵn một mối bận tâm, và nếu điều tôi nói không phải là điều bạn muốn nghe, bạn liền gạt bỏ nó ngay, bởi vì trí não của bạn đã bị vấn đề của chính bạn chiếm cứ rồi. Nếu người hỏi lắng nghe điều đã được nói lên, nếu anh ta đã thực sự cảm nhận được bản chất bên trong của sự bất mãn, của sự vui vẻ, của sự sáng tạo, thì tôi nghĩ anh ta đã không đặt ra câu hỏi này.
Vậy, có phải sự bất mãn ngăn ta suy nghĩ sáng suốt không? Và suy nghĩ sáng suốt là gì? Có thể suy nghĩ thật sáng suốt không nếu bạn muốn đạt được điều gì đó từ chính sự suy nghĩ của mình? Nếu trí não bạn quan tâm đến một kết quả, thì liệu bạn có thể suy nghĩ một cách sáng suốt không? Hay phải chăng bạn chỉ có thể tư duy một cách sáng suốt khi bạn không tìm kiếm một mục đích, một kết quả, không nỗ lực đạt được điều gì đó?
Và liệu bạn có thể tư duy một cách sáng suốt nếu bạn còn có thành kiến, còn có một niềm tin cụ thể - tức là nếu bạn còn tư duy như một tín đồ Hindu, một tín đồ Thiên Chúa? Chắc chắn bạn chỉ có thể suy nghĩ một cách thật sáng suốt khi trí não bạn không bị ràng buộc với một đức tin, giống như con khỉ bị cột vào cây cọc; bạn chỉ có thể suy nghĩ thật sáng suốt khi bạn không còn tìm kiếm một kết quả; bạn chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt khi bạn không còn thành kiến - tất cả những điều này thật ra có nghĩa là bạn có thể suy nghĩ một cách sáng suốt, đơn giản và trực tiếp khi trí não bạn không còn tìm kiếm sự an toàn dưới bất kỳ hình thức nào, và do đó đã thoát khỏi sợ hãi.
Vì vậy, theo hướng này, bất mãn không ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Nhưng khi thông qua bất mãn, bạn theo đuổi một kết quả, hoặc khi bạn tìm cách dập tắt sự bất mãn bởi vì trí não bạn ghét bị quấy rầy, và muốn được yên tĩnh, bình yên với bất cứ giá nào, thì lúc đó tư duy sáng suốt mới là điều không thể. Nhưng nếu bạn bất mãn với mọi thứ - với những thành kiến của bạn, với các tín điều của bạn, với những nỗi sợ hãi bên trong bạn - mà không tìm kiếm một kết quả, thì lúc ấy chính sự bất mãn sẽ giúp bạn tập trung tư tưởng, không phải vào một đối tượng cụ thể hay theo một chiều hướng cụ thể nào, mà toàn bộ tiến trình tư duy của bạn sẽ trở nên cực kỳ đơn giản, trực tiếp và sáng suốt.
Dù trẻ hay già, phần đông chúng ta đều bất mãn chỉ vì ta muốn điều gì đó - hiểu biết hơn, công việc tốt hơn, xe đẹp hơn, lương cao hơn. Sự bất mãn của ta dựa trên khao khát “cái nhiều hơn”. Chỉ vì muốn điều gì đó càng lúc càng nhiều hơn nên phần đông chúng ta mới bất mãn. Nhưng tôi không đề cập đến loại bất mãn đó. Chính việc khao khát “cái nhiều hơn” đó ngăn ta suy nghĩ sáng suốt. Trái lại, nếu ta bất mãn, không phải vì muốn điều gì đó, mà vì không biết ta muốn điều gì, nếu ta bất mãn với công việc của ta, với việc kiếm tiền, với việc tìm kiếm địa vị và quyền lực, với truyền thống, với những gì ta chưa có và những gì ta có thể có; nếu ta bất mãn không vì cái gì cả nhưng vì tất cả mọi sự, bấy giờ tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rằng nỗi bất mãn của chúng ta mang lại sự sáng suốt. Khi ta không chấp nhận hay đi theo sự hướng dẫn của bất kỳ ai, mà chất vấn, tìm hiểu, thâm nhập, thì sẽ có một sự thấu hiểu mà từ đó sự sáng tạo, niềm vui xuất hiện.
Hỏi: Tự biết mình là gì, và làm thế nào ta có thể đạt được điều đó?
Krishnamurti: Bạn có thấy trạng thái tâm lý nằm đằng sau câu hỏi này không? Tôi không có ý bất kính với người đặt câu hỏi, nhưng hãy nhìn cái trạng thái tâm lý đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào tôi có thể đạt được nó, phải trả bao nhiêu để mua được nó? Tôi phải làm gì, tôi phải hy sinh thế nào, phải tu tập giữ giới hay tham thiền ra sao để có được nó?”. Giống như một cỗ máy, các trí não tầm thường nói: “Tôi sẽ làm điều này để đạt được điều đó”. Những người được gọi là người có đức tin suy nghĩ bằng những lời lẽ như thế; nhưng sự tự biết mình không xuất hiện theo cách ấy. Bạn không thể mua được nó bằng một nỗ lực hay hoạt động tu tập nào cả. Sự tự biết mình xuất hiện khi bạn quan sát chính mình trong quan hệ với bạn bè và thầy cô giáo của bạn, với tất cả mọi người quanh bạn; nó xuất hiện khi bạn quan sát cung cách ứng xử của người khác, những cử chỉ của người ấy, lối ăn mặc, cách nói năng, thái độ khinh miệt hay nịnh bợ của người ấy và phản ứng của bạn; nó xuất hiện khi bạn quan sát mọi thứ bên trong bạn và những gì có liên quan đến bạn, tự thấy mình như bạn thấy gương mặt mình trong gương.
Khi nhìn vào gương, bạn thấy chính bạn như bạn là, đúng không? Bạn có thể mong ước đầu bạn có một hình dáng khác, nhiều tóc hơn một chút và gương mặt bạn ít xấu hơn; nhưng sự thật vẫn ở đó, phản ánh rõ nét trong gương, bạn không thể gạt nó đi và nói: “Mình mới đẹp làm sao!”.
Vậy, nếu bạn có thể nhìn vào tấm gương các mối quan hệ chính xác như bạn nhìn vào một tấm gương thông thường, thì lúc đó công cuộc tự biết mình trở nên vô tận. Giống như bước vào một đại dương không đáy, không bến bờ. Phần đông chúng ta muốn vươn tới một mục đích. Ta muốn có thể nói rằng: “Tôi đã đạt đến sự tự biết mình và tôi hạnh phúc”; nhưng không có điều gì như thế cả. Nếu bạn có thể nhìn vào chính mình mà không chỉ trích những gì bạn thấy, không so sánh bạn với người nào khác, không mong muốn mình đẹp hơn hay đạo đức hơn. Nếu bạn có thể chỉ đơn giản quan sát hiện trạng của mình và cùng chuyển dịch với điều đó, thì bạn sẽ nhận ra rằng nó có thể đi xa đến vô tận. Bấy giờ không có chỗ kết thúc cho hành trình, và đó là sự huyền bí, là cái đẹp của nó.
Hỏi: Linh hồn là gì?
Krishnamurti: Nền văn hóa, văn minh của chúng ta đã bịa ra từ “linh hồn” - văn minh là khao khát chung của tập thể và ý chí của nhiều người. Hãy nhìn vào nền văn minh Ấn Độ. Chẳng phải đó là kết quả của đa số mọi người với những khao khát, ý chí của họ sao? Bất kỳ nền văn minh nào cũng đều là kết quả của những gì có thể gọi là ý chí tập thể; và cái ý chí tập thể trong trường hợp này đã nói rằng phải có cái gì đó bên ngoài thân thể vật chất sẽ chết đi, mục ruỗng, phân hủy, điều gì đó vĩ đại mênh mông hơn nhiều, điều gì đó bất hoại, bất tử; do đó nó đã thiết lập nên ý niệm linh hồn này. Thỉnh thoảng có thể có một, hai người tự mình khám phá đôi điều về cái phi thường được gọi là sự bất tử này, một trạng thái mà trong đó không có cái chết, và rồi tất cả những trí não tầm thường lên tiếng: “Đúng, linh hồn phải có thật, quả thực điều ông ấy nói là chính xác”. Và bởi vì họ muốn sự bất tử nên họ bám vào từ “linh hồn”.
Bạn cũng muốn biết liệu có thứ gì đó hơn hẳn sự tồn tại thể lý này, phải không? Cái vòng bất tận đến văn phòng, làm một công việc mà bạn hoàn toàn không có hứng thú, gây gổ, ghen tị, sinh con đẻ cái, tám chuyện tầm phào với hàng xóm, nói những lời vô nghĩa - bạn muốn biết liệu có cái gì đó hơn hẳn tất cả những điều này không. Chính từ “linh hồn” biểu hiện rõ ràng cái ý tưởng về một trạng thái vốn bất hoại, phi thời gian, đúng không? Nhưng bạn thấy đó, bạn không bao giờ tự mình khám phá được liệu có hay không một trạng thái như thế. Bạn không nói: “Tôi không quan tâm Đức Chúa, Shankara hay bất kỳ người nào khác đã nói gì, cũng không quan tâm những mệnh lệnh của truyền thống, của cái gọi là nền văn minh; tôi sẽ tự mình khám phá liệu có hay không một trạng thái vượt lên trên khuôn khổ thời gian”. Bạn không phản kháng chống lại những gì mà nền văn minh hay ý chí tập thể đã tạo thành công thức; trái lại, bạn còn chấp nhận nó và nói: “Đúng rồi, có linh hồn”. Bạn gọi sự tạo thành công thức đó là thế này, người khác gọi nó là thế khác, và rồi các bạn tự chia rẽ nhau và trở thành kẻ thù của nhau vì xung đột niềm tin.
Người thực sự muốn khám phá liệu có hay không một trạng thái vượt lên trên khuôn khổ thời gian thì phải thoát khỏi nền văn minh; tức là phải thoát khỏi ý chí của tập thể và đứng riêng một mình. Và đấy là một phần thiết yếu của giáo dục: học cách đứng riêng một mình để bạn không bị vướng mắc vào ý chí của đám đông hoặc ý chí của một người và do đó, tự bạn có thể khám phá điều gì là chân thực.
Đừng phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tôi hoặc ai khác có thể nói với bạn rằng có một trạng thái phi thời gian, nhưng điều đó có giá trị gì đối với bạn chứ? Nếu đói, bạn sẽ muốn ăn chứ không muốn được mớm cho vài lời nói đơn thuần. Điều quan trọng là tự bạn phải khám phá. Bạn có thể thấy rằng mọi thứ quanh bạn đang phân rã, bị hủy diệt. Cái gọi là văn minh không còn được giữ vững bởi ý chí tập thể; nó đang trên đà phân rã thành từng mảnh. Cuộc sống thách thức bạn từng phút từng giây, và nếu bạn chỉ đơn thuần phản ứng lại thách thức bằng lối mòn của tập quán, của thói quen, tức là phản ứng bằng thái độ chấp nhận, vậy thì phản ứng của bạn chẳng có giá trị gì cả. Bạn chỉ có thể khám phá liệu có hay không một trạng thái phi thời gian, một trạng thái không còn một động thái tìm kiếm “cái nhiều hơn” hay “cái ít hơn”, khi nào bạn dám nói: “Tôi không chấp nhận, tôi đang tìm hiểu, khám phá” - nghĩa là bạn không còn sợ đứng một mình nữa.