Một cụ già dong dỏng cao, áo màu hoa cà, đội mũ phớt, tay xách va-li, đứng ngơ ngác bên hè ngã tư đường thành phố. Ấy là cụ Nhẽ từ trong Nam về thăm quê sau sáu mấy năm ly hương. Cụ đứng thừ nhìn ra bốn phía cố nghĩ hướng nào về làng mình - cái làng Lọ bé nhỏ lọt thỏm trong lũy tre dày đặc tứ bề, có cây đa ba tổng đứng bên đường. Lọ là tên gọi truyền miệng trong dân chúng vì ở địa thế tựa như cái lọ chứ sổ sách giấy tờ ghi là Vĩnh thuộc xã Vĩnh An, tổng Vĩnh An. Xã này cùng với hai xã bên thuộc tổng Vĩnh An, nghĩa là xã cụ là tên chung cho cả tổng, lại có cây đa độc nhất của ba xã nên mới gọi cây đa như thế.
Cụ đã đi loanh quanh rời rã chân tay từ nãy đến giờ hết ngã tư này đến ngã tư khác nay lại trở về chỗ cũ. Phố phường nhà cửa dày đặc không khác gì chỗ ở cụ hiện nay. Lạ thật, lạ thật. Rành rành thuở trước cả khu này đều ruộng tít tắp, lại có hồ rộng tới mấy mẫu. Hồi nhỏ cụ suýt chết đuối vì thằng bạn đùa kéo chân. Ừ, Mè… Mè… Cụ rùng mình… Một lần trước mấy đứa bạn trai gái cùng chăn trâu, cắt cỏ chơi bên hồ, Nhẽ thét: “Tao xuống âm phủ đây, không thèm chơi với chúng mày” rồi lặn một hơi núp trong đám cỏ ven bờ cạnh cây sung, Mè oà ra khóc nức nở, gào ầm ĩ làm cho mấy đứa cuống cuồng nhảy xuống.
Cụ vẫn đứng lặng.
Hồi đó thị xã trung du này tiếng là tỉnh lỵ nhưng chỉ có bảy, tám dãy phố ngắn cun củn châu đầu vào cái chợ có hai dãy nhà lợp rạ, ngói tây. Bến ô tô hẹp ngoen ngoẻn ở tít đầu thị xã chứ đâu rộng thênh thang, dài xa lắc như nay. Có lẽ bến này, cả những khu phố đây thuộc xã nào ấy chứ đất xã Vĩnh An làm gì rộng dài đến vậy? Trước mặt cụ, ô tô, xe máy vun vút trên đường, chẳng có ai đi xe đạp để mà hỏi thăm. Có lẽ phải vào nhà nào đó mở cửa để hỏi. Biết thế này từ bến xe ô tô, cụ gọi béng tắc-xi hay xe ôm cho xong. Cũng là nghe bà cụ bán hàng nước ở bến xe: “Cụ về làng Lọ chứ gì? Ngay trước mặt đấy thôi. Cứ qua ngã tư sau bến là thấy. Chỉ độ cây số là tới”. Tưởng xa xôi chứ cây số bõ bèn gì. Ở nhà cụ vẫn đi bộ thể dục buổi sáng vài ba cây. Giờ đi bộ cho đỡ tù túng chân tay. Cả ngày hôm nay ngồi máy bay mấy tiếng đồng hồ, xuống lại ngồi tiếp ô tô. Đi thong dong thế này lại có dịp thỏa thích ngắm cảnh. Sáu mấy năm trời mới được về quê.
Cụ vẫn đứng lặng.
Sao mà lắm ngã tư thế, biết ngã nào rẽ vào làng mình. Có thấy cây đa đâu. Hay là họ chặt hạ rồi? Cụ đã thấy mỏi, chỉ muốn có chỗ nào nghỉ ngơi. Ấy là cụ còn vào loại khỏe. Tám bảy, tám tám tuổi rồi. Người ở dãy phố cụ, nhất là các ông các bà, thường ước ao được như cụ. Ăn khỏe, ngủ khỏe, đầu óc minh mẫn. Lạ nhất vào tuổi ấy mà tóc mới lốm đốm bạc, ít nếp nhăn. Có người bảo, cụ giàu có sung sướng mới được thế. Họ đâu biết cụ nhọc nhằn, cay đắng, gian truân suốt mấy chục năm trời.
Vợ chồng con trai gàn không cho cụ về quê. Nhưng tính cụ xưa nay vẫn vậy, đã nghĩ là làm, chả ai ngăn được. Đang ở bên Mỹ, cụ kéo bằng được vợ chồng con trai út về nước - người con với vợ Việt sau cùng. Hai người con trước đều là vợ nước ngoài. Cụ bảo con: “Tao sắp chui xuống lỗ rồi, về quê cho thỏa bao năm trời mong ước, chết mới nhắm mắt được”. Đúng là ở quê chẳng còn họ hàng ruột thịt, may ra còn có mấy đứa cháu đằng mẹ. Không hiểu những đứa bạn ngày xưa còn thọ tới giờ. Điều mà cụ giấu kín trong lòng chẳng thổ lộ với ai kể cả vợ con. Và đấy là điều thôi thúc cụ phải về quê bằng được sau khi sắp xếp mọi công việc cho con. Phải, đằng đẵng từ ngày theo bố trốn lính sang Lào rồi Thái Lan, Mỹ, cụ vẫn ám ảnh mình là người có tội. Rồi sẽ có ngày tạ tội với dân làng, và nhất là với người con gái ấy. Cái tội ấy cứ bồng bềnh, trôi nổi, lúc thức lúc tỉnh trong đầu mà chính cụ tự lên án để giày vò.
Có chiếc xe máy từ phía trước bỗng dừng lại.
- Cụ đi đâu ạ? Cháu chở cho - Người trên xe đã đứng tuổi, vồn vã.
- Tôi về làng Lọ nhưng không biết đường. Xa quê lâu quá, chẳng còn nhớ nữa.
- Làng Lọ?
- Làng Vĩnh ấy.
- Cụ ơi, làng Vĩnh bây giờ nhập vào thành phố rồi, gọi là tổ dân phố, thuộc phường Phúc Vĩnh. Cháu mời cụ lên xe, chở đến tận nơi.
Xe vừa qua dãy phố với những tòa nhà cao vút ngoặt vào ngã ba, cụ bỗng kêu toáng lên:
- Dừng! Dừng! Anh cho tôi xuống.
- Sao hở cụ? Chưa tới nơi đâu ạ.
- Không! Không! Tôi xuống! Tôi xuống!
Cụ hấp tấp xuống xe.
Một cây đa trước mặt. Đúng là cây đa làng cụ - cây đa ba tổng. Làm sao lẫn được. Vẫn y như ngày xưa. Cây đa giờ đứng trơ trọi giữa khu đất rộng. Có mấy người dựng xe máy và vài ba đứa trẻ nô đùa. Cụ vội tìm một khoảng trống, đăm đăm nhìn cây đa trước mặt rồi nhè nhẹ nhấc bao nhang trong va-li, lập cập đốt cả nắm thẻ hương cắm vào hốc cây, chắp tay vái lạy, miệng thì thào điều gì đó. Cụ đứng rất lâu nhìn một cõi xa xăm với vẻ u sầu. Mọi người, cả trẻ nhỏ, im bặt lạ lẫm nhìn cụ già có việc làm kỳ dị.
Một người đi đến:
- Cụ ơi, sao cụ lại lạy cây này?
- Chuyện dài lắm - Cụ thì thầm, không hề nhìn người hỏi.
- Cháu chỉ biết thành phố giữ cây đa này lại vì di tích lịch sử. Năm 1945 Việt Minh tổ chức mít tinh, treo cờ đỏ sao vàng, tiến vào thị xã giành chính quyền. Năm 1946 chỗ này là nơi ra mắt tiểu đoàn quân địa phương. Hình như từ năm 1934 Xứ ủy Bắc Kỳ…
Cụ dường như không nghe người nói, mắt vẫn nhìn phía trước, chầm chậm đi tới chỗ ghế đá, đầu cúi gằm, lúc lúc lại ngước nhìn lên cành đa…
Một cô gái treo lủng lẳng trên cành đa cong queo, tóc xõa, áo quần rách tơi tả, bê bết máu. Mặt sưng vù, má tím bầm, cô gái vẫn nhìn thẳng vào tốp lính trước mặt, không hề cất lời.
- Bắn! Bắn nữa!
Viên chỉ huy tới bên Nhẽ, quát:
- Mẹ cha thằng này! Sao tay cứ run thế kia? Toàn bắn lên trời. Mày thương nó hả? Mày có muốn theo nó không? Đưa súng đây! - Gã giáng cú tạt tai Nhẽ - Đồ ăn hại!
Nhẽ bị tống giam vào bốt.
Một đêm, Nhẽ trốn đi sau khi đã nhắn tin cho bố ở làng.
Người con gái treo cành đa bị bắn chính là Mè. Cô bị một tên chỉ điểm Mè giấu cán bộ Việt Minh trong hầm. Lũ giặc bắt Mè khai nhưng cô không hé răng. Chúng đánh đập tàn nhẫn, lôi Mè treo lên cây đa, bắt mọi người trong làng đến xem.
Dẫu mang tiếng là làng tề nhưng vẫn có cán bộ hoạt động, nhen nhóm cả đội du kích để chuẩn bị phối hợp với bộ đội địa phương phá bốt giặc.
Cụ vẫn ngồi thẫn thờ bên cây đa.
- Bắn! Cho phát nữa, Mạo!
Những vệt mầu đỏ lòm loang lổ. Từng giọt máu ròng ròng rỏ xuống.
Một tiếng động mạnh. Xác người con gái rơi xuống đất. Nhẽ quay cuồng đầu óc, thấy loang loáng đám người mờ ảo trước mặt, cả thằng chỉ huy đứng lặng. Nhẽ khuỵu xuống. Một thằng lính chạy tới…
Cuộc đời thật trớ trêu. Sao có sự cay đắng, tàn nhẫn đến vậy.
Mè và Nhẽ cùng chung ngõ. Bố Mè và bố Nhẽ thân thiết, có ý làm thông gia. Mè mạnh bạo, hay trêu đùa còn Nhẽ nhút nhát, ít lời. Độ vài ba tháng nữa là cưới hỏi, vậy mà…
Một buổi sáng lũ giặc ập tới làng bắt trai đi lính. Nhẽ chạy không thoát. Anh bị đưa đi nhiều nơi, bổ sung hết đơn vị này đến đơn vị khác. Hai năm trời Nhẽ tủi hổ với bộ quần áo lính đánh thuê cho đế quốc. Dù anh chưa bắn bất kỳ người dân nào, chỉ nổ đạn vu vơ cho lấy lệ, luôn bị chỉ huy nhiếc mắng, nghi ngờ nhưng trong lòng nặng trĩu đau buồn, là người mắc tội. Luân chuyển hết tỉnh nọ đến tỉnh kia ai ngờ một hôm lại đến huyện nhà, lùng sục chính làng Lọ mình. Nhẽ cùng với hai người lính khác được lệnh bắn cán bộ Việt Minh ở nơi khác bị bắt cùng với một nữ du kích trong làng. Khi thấy mấy tên lính giải Mè ra đường, Nhẽ gục đầu thổn thức.
- Bắn!
Dường như người con gái ấy đang rướn người nhìn về Nhẽ. Và văng vẳng trong không trung tiếng thét: “Đồ phản bội! Đồ hèn nhát!”. Dường như cả cây đa đang rùng rùng chuyển động.
Cụ ướt đẫm mồ hôi, thở hổn hển, loạng choạng dậy, lững thững trở ra đường. Vậy là ước vọng bao năm trời đã định. Chỉ còn việc thắp mấy nén nhang thương nhớ, tạ tội trước mộ Mè, rồi chết cũng an lòng. Mè ơi! Giá mà hồi ấy tôi cùng bố không trốn sang Lào mà ra vùng kháng chiến, ra vùng tự do. Giá mà hồi ấy tôi quay súng bắn lại thằng chỉ huy. Giá mà hồi ấy…
Có tiếng xe máy ở phía sau.
- Cụ già đi đâu đấy?
Cụ quay lại:
- T… ô… i về làng Lọ.
- Thì cụ đang ở làng đấy thôi.
- Làng Lọ? Làng gì mà toàn những dãy phố. Con đường xưa vào làng đâu rồi?
- Cụ đến nhà ai ạ?
Cụ khẽ khàng:
- Tôi đến với… tôi.
Người đi xe vội phóng thẳng. Hẳn cụ già lẩm cẩm.
Bỗng từ trong quán trước mặt, một ông tóc bạc đi ra, đứng sững, kêu to:
- Trông như bác Nhẽ. Có phải bác Nhẽ không?
Cụ nheo nheo mắt:
- Phải, tôi đây.
- Giời đất ơi, mấy chục năm trời…
- Ông là ai?
- Dạ, em là Mạnh, em chị Mè, con ông Mễ.
Cụ già vội lao tới ôm chầm. Nước mắt trào ra. Cụ khóc, khóc nức nở. Đôi vai rung bần bật. Đã lâu lắm rồi cụ mới khóc như thế. Tiếng khóc của người già sao mà não nề, xót xa, lay động thổn thức tâm can. Nhiều người đi đường dừng lại. Vài ba ông bà già từ ngách phố chạy ào ra…