Bà Nơi ngồi thừ trên ghế nhìn đàn gà mổ thóc ngoài sân. Trông chúng thật thích mắt. Mấy con gà trống béo trục béo tròn hết tranh ăn của nhau lại sấn sổ sang đàn gà mái hiền lành để giành phần của chúng. Khốn nạn, thóc nhiều thế kia làm gì phải làm thế chứ. Khổ thân vài ba con gà mái tốt nết, chỉ biết nhường nhịn, hết chạy chỗ này lại tới chỗ khác. Lại thương đám gà con líu ríu bên chân mẹ. Trông mỏ những con gà mới vui làm sao. Chúng nó mổ cồm cộp liên tục trên sân gạch chả khác gì máy giã cua. Chúng mê mải, mải miết ăn, dường như không bao giờ ngẩng đầu. Bà ngồi nghĩ lẩn thẩn mọi thứ chuyện về đàn gà trước mặt. Ngày nào cũng vậy. Đó cũng là niềm vui của bà, công việc của bà. Mà bà còn có công kia việc nọ gì. Chăm mấy luống rau ở vườn. Cho gà ăn, rồi cho nắm gạo vào nồi, nấu ăn.
Người làng bảo, bà Nơi lẩn thẩn, không lẩn thẩn cũng đần, cũng dại. Con trai ở Thủ đô, nhà cao cửa rộng, đón ra lại không đi, cứ ru rú ở xó làng trung du này. Lúc khỏe chả nói, lúc đêm hôm ốm đau ai chăm. Đành rằng có hàng xóm láng giềng, có con gái ở làng bên nhưng chả gì bằng con trai, con dâu trực tiếp chăm nom, lại ở đô thành tiện lợi vô cùng. Con trai hết nhẹ nhàng đến gắt gỏng, bà vẫn khăng khăng ở làng. Ấy là vì mồ mả của ông bà nội, chồng. Bà đi thì ai chăm chút? Con gái còn nhiều việc nhà chồng lại lo con cái ăn học làm sao để hết tâm trí vào chuyện mẹ trao. Không, bà dứt khoát ở lại, chỉ khi nào yếu quá hay lú lẫn mới ra ở với con trai.
Bà về làm dâu nhà này khi bố chồng mới về hưu độ dăm năm. Ông cụ hiền lành, vui chuyện, rất thương yêu con cái, cả làng đều tấm tắc khen. Đang học tú tài trường Tây, ông cụ trốn đi Vệ quốc quân, đánh giặc hết biên giới lại đến Điện Biên. Xuất ngũ, ông cụ làm ở Ty Giáo dục. Một lần ông cụ dẫn đoàn đến làm việc một trường trọng điểm tỉnh thì mất trong trận ném bom của giặc Mỹ.
- Bà không ra chùa à?
Bà Nơi quay lại. Bà Ngoan, người đầu làng, thi thoảng vẫn tới đây. Chả hiểu bà đi đâu mà tay cầm làn nhựa to tướng.
- Chiều tối mới ra.
- Tôi cũng thế.
- Bà đi chợ à?
- Ông nhà tôi có khách.
- Thứ bảy này vợ chồng thằng Hiệp nhà tôi cũng về. Hôm nay đã là thứ năm. Mong sốt cả ruột - Bà kéo ghế cạnh bên - Bà ngồi đây một lúc đã.
Bà Ngoan cùng tang tuổi bà, cũng có chồng nhập ngũ một đợt với chồng bà nhưng bà Ngoan may mắn hơn. Chồng bà Ngoan trở về với thương tật còn chồng bà Nơi thì không. Ông hy sinh chỉ sau hai tháng vào Mặt trận Tây Nguyên. Mấy năm sau bà mới nhận được giấy đau đớn ấy. Bà ngã, ngất ngay trên luống rau khoai lang ở đồng khi nhận được tin đó. Mấy người làm cạnh bên vội chạy tới ôm xốc bà, lay lay mãi bà mới tỉnh. Rồi bà ốm lăn ốm lóc suốt tháng trời, tưởng không sống nổi. Từ ngày đó bà âm thầm, lặng lẽ nuôi dạy hai con thơ - một gái, một trai.
Ngày ấy, đã hai con nhưng ông Quyết chồng bà cứ nhất quyết xin nhập ngũ. Làm đơn tình nguyện hết lần này đến lần khác, ai cản cũng chẳng được. Khi đang học dở dang cấp ba ông phải nghỉ vì hoàn cảnh gia đình, sau lấy vợ. Hồi đó học vấn ấy ở làng này cũng hiếm. Cuối cùng, ông Quyết nhập ngũ vào đơn vị thông tin.
Thời gian trôi đi. Nơi trở lại tươi xuân. Người xưa bảo, “gái một con trông mòn con mắt”, gái hai con vú quặt sau lưng. Nhưng với Nơi, gái hai con vẫn giòn vẫn đẹp. Khối ông trung niên giàu có, quyền lực trắc trở vợ con vẫn lân la tìm đến đánh tiếng gạ gẫm nhưng đều bị gay gắt chối từ.
Người già làng này cho đến nay vẫn nói, trần đời chả có ai được như bà Nơi. Lọ mọ cả ngày lẫn đêm mò cua bắt ốc, tát vét kiếm từng xu từng hào. Dậy từ ba, bốn giờ sáng lúc trời rét căm căm với chiếc đèn dầu, hái rau, gánh tít lên chợ xa để bán. Nhiều ngày còn mua hoa quả theo ô tô ra tận thành phố để rồi đi bộ suốt đêm trở về. Có hôm sốt nóng sốt rét vẫn cắn răng ra đồng làm lụng. Một mình cáng mấy sào ruộng, không kể công việc thường ngày với hợp tác xã. Chăm cây tất có ngày ăn quả. Công sức của bà được có phúc có phần. Hạnh con gái bà tốt nghiệp trung cấp, thời ấy có giá lắm, làm công chức cho tới ngày về hưu. Con trai bà là Hiệp đỗ đại học, công việc ổn định, lương cao, sống giữa đô thành. Ở làng Sặt này chỉ có vài ba gia đình có con cái thành đạt như bà Nơi, kể cũng mãn nguyện.
Bà Nơi vẫn ngồi lặng trên ghế khi bà Ngoan trở về. Bà tung ít thóc cạnh chân mình. Quen lệ, con gà trống lai chọi đỏ au, trụi lông, chậm chạp tới. Bà nhấc bổng nó lên. Con gà im thin thít, nghiêng ngó nhìn. “Bố mày, ăn lắm chả chịu chạy nhảy, béo lú thế này. Ngày kia vào nồi nhé. Thằng Hiệp thích mày lắm. Cũng tội. Thôi thì cũng hóa kiếp cho mày. Nó còn mê bún ốc. Đàn ông đàn ang lại thích món ăn đàn bà con gái. Bà đã dặn cô bán ốc nhồi rồi. Thằng Hiệp sướng lắm đây”.
*
- Mẹ! - Hiệp toét miệng cười khi mở cửa xe ô tô bước xuống.
Loan, vợ Hiệp, luýnh quýnh với đồ lề trong xe hấp tấp bước ra, líu ríu chào.
- Sư anh, sao về muộn thế?
- Kẹt xe mẹ ạ.
Loan tiếp lời:
- Ba chỗ tắc nghẽn. Chúng con tưởng chiều mới về được.
- Giờ chả chiều là gì.
- Mới hai giờ mẹ ạ - Hiệp nói - Mẹ ăn cơm chưa?
- Ăn uống gì. Phải chờ chúng mày chứ.
- Sao mẹ lại không ăn trước?
- Còn bụng dạ nào mà ăn. Tao nóng ruột nóng gan suốt từ trưa đến giờ. Tưởng chúng mày làm sao. Vậy là hôm nay cái Hoa, thằng Hùng không về?
- Con đã điện báo với bác Hạnh cho mẹ là hai cháu đang bận ôn thi không về được.
Bà Nơi rên rỉ:
- Khổ thân hai đứa. Cho chúng nó học vừa vừa thôi còn để về với bà. Bà lúc nào cũng nhớ chúng lắm. Thế cái Hoa còn hay ho nữa không? Lọ vỏ chanh vỏ quýt tao ngâm đã ngậm hết chửa.
Hiệp oang oang:
- Vẫn còn mẹ ạ. Lần này dứt khoát mẹ phải dùng điện thoại di động để chúng con nhắn gọi việc gì cho nhanh, đỡ phải qua bác Hạnh.
- Ôi giời, điện với chả thoại. Sắp xuống lỗ rồi, còn nhanh với chậm.
Nhiều lần con nói việc ấy, bà đều gạt đi. Tiền mua điện thoại cho mẹ cứ lo cho con. Ấy là một nhẽ. Cái nhẽ thứ hai, cứ theo bà Ngoan nói, điện thoại lằng nhằng lắm, rặt những bấm là bấm, ngang ngang dọc dọc, chỉ trông cũng hoa mắt. Già cả rồi, lúc nhớ lúc quên, máy móc chỉ tổ hại người.
Loan bước vào gian trong cạnh bếp, mở lồng bàn mâm, kêu toáng lên:
- Mẹ nấu bún ốc, anh Hiệp ơi. Lại gà luộc, gà chọi nhé. Ngon ơi là ngon.
- Tuyệt vời rồi!
Bà Nơi thấy lòng lâng lâng. Người như nhẹ bỗng. Tim đập rộn lên. Cơ thể nóng bừng. Lại có cái gì đó chạy rần rật sống lưng. Bà sung sướng nhìn vợ chồng thằng con đang tươi tỉnh chuyện trò.
- Chúng mày cứ nghỉ ngơi đi. Mẹ đun lại nồi ốc. Thứ này nguội, ăn không ra gì đâu. Này Hiệp, con ngó cái ô tô trước cổng, nhỡ trẻ con nghịch hỏng cái gì thì khốn. Của đống tiền đấy.
Loan theo mẹ đi vào bếp.
- Mẹ ơi, nhà con nói đúng đấy, bây giờ chả ai còn đun bếp kiềng nữa mà toàn dùng bếp ga. Mẹ chỉ cần gật đầu là chúng con gọi bình và bếp ga ngay lập tức.
- Ga với ghiếc gì. Vườn đầy cây, củi to củi nhỏ vô khối. Nắm gạo nấu thì mấy. Đỡ đồng nào hay đồng ấy con ạ.
- Mẹ dành tiền làm gì?
- Thì đỡ đần cho các con. Mẹ vẫn mua cái này cái nọ thưởng cho cái Hoa, thằng Hùng chăm ngoan, học giỏi. Chúng được bà thưởng sướng lắm.
Loan ôm vòng lưng mẹ, rưng rưng:
- M… ẹ…