Những ngày đau ta lại thấy nụ cười
Những ngày buồn ta trải tấm lòng vui
(B.M.Q)
Ông Chính tươi cười siết chặt tay ông Dĩnh khi ra khỏi cổng rồi vui vẻ quay sang vợ đứng cạnh bên:
- Bây giờ bà tiễn tiếp ông ấy nhé.
Bà Thu trìu mến nhìn chồng, bước theo ông Dĩnh. Đã ra khỏi ngõ. Lại đi tiếp. Chầm chậm. Lại đi tiếp. Bước chân cứ ngắn dần, đôi lúc như dừng hẳn. Qua một đoạn đường nhỏ hẹp. Phía trước con đường làng Nợm đang đi là làng Nguội. Bà đứng lại. Tần ngần. Ngập ngừng. Khe khẽ nghe cả tiếng thở:
- Anh đi nh… é…
- Thôi, em về đi, kẻo…
- Chúc a… nh…
- Anh đã toại nguyện rồi…
Ông nắm bàn tay trắng trẻo run rẩy của người đàn bà mà ông từng mong ước…
Ông Dĩnh lững thững tới ngã ba, rẽ vào đường làng Nguội. Đám thanh niên đứng ngồi túm tụm bên quán nước lạ lẫm nhìn ông. Chẳng ai biết ông là ai, từ đâu tới và sao lại có dáng đi thanh thản đến thế.
Ông ngắm nghía trước sau con đường đang đi với vẻ sửng sốt. Như có phép thần kỳ đã biến con đường đất cong queo gồ ghề, nhỏ hẹp để thành con đường trải bê tông, to rộng, thẳng tắp. Hai bên đường là những căn nhà cao tầng san sát, đôi ba cửa hiệu y như phố. Chẳng bù ngày xưa, cách đây hơn bốn chục năm, chỉ là mấy căn nhà ngói thấp tè lẫn với những căn nhà rạ ẩn hiện sau lũy tre. Ông cố hình dung gò ông Đống ngày xưa, nơi ông và Thu có bao kỷ niệm. Trước, gò Đô ở ngay bên đường vào làng. Gò này theo người ta kể lại là nơi một ông già ở đâu tới, chết tại đây. Chả biết xương cốt còn ở đấy hay đã chuyển đi chỗ khác. Người qua lại cứ tung, ném đất, đá cạnh đó vào chỗ đấy, lâu dần thành gò Đống. Cạnh gò Đống là một cây hoa lạ. Dĩnh đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp một cây hoa như thế. Đó là một cây mảnh khảnh, thấp bé nhưng cứng như sắt thép. Các lá non màu tím cuộn tròn trông như hoa sen chớm nở. Cây này mọc hoang dã nhưng rất ít, chỉ thấy nhiều ở đồng đất làng Nguội. Nhiều người gọi cây này là cây Hạnh phúc, cây Ước vọng. Cụ già đặt tên là Nhất sắc. Riêng Thu thì khăng khăng bảo, đó là cây Làng Nguội. Ông ngẫm nghĩ, tên ấy nghe có vẻ thô nhưng cũng đúng.
- Xã em và làng em cái gì cũng lạ. Lạ từ cây hoa. Lạ cả địa danh. Xã gì lại mang tên Lão Lái, làng hết Nợm, Mẻ lại đến Nguội, Riễu, Đóm.
- Làng em chỉ có thế thôi. Đừng chơi với người làng này nữa.
- Tên làng xấu nhưng người đẹp, nhất là làng Nguội.
- Anh đừng nói vờ nữa.
- Anh nói thật. Gái làng Nguội đẹp người, đẹp nết. Có bao giờ em thấy anh nói dối chưa?
Dĩnh đã nắm tay Thu, kéo vào lòng nhưng Thu khẽ đẩy ra vì phía trước có mấy người đi tới.
Phải, ở bên gò ông Đống có cây hoa Ước vọng.
Con đường này em đã đi hàng ngày. Ra ruộng. Ra trận địa pháo phòng không. Ở trận địa pháo phòng không sau làng có bao nam nữ dân quân đến xây đắp, tải đạn, cứu thương và cả ca hát. Em có đôi mắt đen láy, tóc dài, khuôn mặt trái xoan. Chỉ có điều nét mặt buồn. Dĩnh biết đời em khổ. Bố mẹ mất sớm. Em là con bà hai, phải ở với anh chị con bà cả. Ông anh tốt bụng, ít lời, hiền lành nhưng chị dâu thì cay nghiệt, thâm hiểm, coi em chồng như quân thù quân hằn, như kẻ tôi tớ.
Mai, Dĩnh phải rời trận địa, chuyển vào mặt trận miền Trung, và cũng có thể vào sâu hơn nữa. Ai biết chiến tranh còn kéo dài bao lâu. Ai còn, ai mất. Bao người bạn của Dĩnh đã ngã xuống trên nhiều trận địa quanh đây.
Dĩnh ôm riết Thu vào lòng. Thu cứ ngồi im nhưng nước mắt đã tràn vào má Dĩnh.
- Em chờ anh. Mãi mãi…
- Đ… ừ… ng. Nếu trong vòng một năm không nhận thư từ của anh, em cứ lấy chồng. Anh chỉ mong em có một người chồng tử tế, hết lòng thương yêu vợ con.
Thu khóc nức nở. Dĩnh đưa chiếc mùi soa mà Thu vừa trao có thêm hai chữ hoa D và T lồng vào nhau để lau má em. Dĩnh đã giữ chiếc mùi soa ấy suốt bao năm trời cho tới ngày bị thương nặng phải đưa vào trạm xá dã chiến.
Vào mặt trận phía Nam, từ pháo thủ Dĩnh chuyển sang bộ binh sau một lần bị lạc trong rừng, rồi nhập vào tiểu đoàn tân binh từ Bắc vào.
Dĩnh bị thương bao lần, khi thì bom vùi lấp, khi thì giữ cao điểm, lúc chống trả lũ giặc bao vây. Dĩnh sống sót cũng là thần kỳ. Bao nhiêu đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh. Lá thư cuối cùng Dĩnh gửi cho Thu khi hành quân trên đường Trường Sơn, và tin Dĩnh hy sinh không hiểu vì lẽ gì và bằng cách nào đã đến làng Nguội. Có lẽ sau trận bom B-52 Mỹ rải thảm ở đường Trường Sơn, mấy khẩu đội pháo bị trúng bom? Âu cũng vì ở xã này cũng có mấy chiến sĩ trong trung đoàn pháo có giấy báo tử về nhà.
*
- Ông tìm ai đấy?
Ông Dĩnh giật mình, quay lại. Một ông trung niên ở phía sau, cao giọng hỏi.
- Kh… ô… ng. Tôi nhớ lại ngày xưa đi lại trên con đường này.
- Tưởng gì! - Ông ta lạnh nhạt đáp với cái nhìn dò xét.
Ông Dĩnh rảo bước. Giá Thu tiễn ông đi hết con đường này. Chắc là bà ấy giữ ý với chồng. Với lại bao chuyện cần nói với nhau đã nói hết sáng nay rồi.
Đúng là ông căng thẳng, hồi hộp khi đến nhà Thu. Chẳng hiểu Thu thế nào. Dửng dưng? Vồn vã? Còn ông chồng? Ông ta lạnh nhạt, khó chịu, có khi buông lời xúc phạm? Có nên vào nhà không nhỉ? Nhưng mà đi suốt chặng đường dài đến đây? Hoặc là vào, hoặc là sẽ chẳng bao giờ. Quỹ thời gian còn ít lắm rồi. Ông cứ bần thần đứng trước cổng nhà. Bỗng có tiếng bé trai hét toáng lên ở phía sau cửa sổ:
- Bà ơi, bà có khách.
- Ai?
- Cháu không biết. Ông này lạ lắm.
Bà Thu lật đật bước ra, sững người, kêu khe khẽ:
- Ôi, anh Dĩnh!
Mặt bà đỏ ửng. Bà đi tới, hổn hển:
- A… nh, anh vào đi.
Ông chỉ muốn lao đến để nắm chặt tay người xưa.
Vài ba năm trước, ông đã qua làng này theo đoàn cựu chiến binh về thăm trận địa, đóng quân ở huyện và tỉnh này. Ông là người duy nhất của khẩu đội pháo phòng không đóng trận địa ở đất làng Nguội, còn mọi người trong đoàn đều ở binh chủng khác. Theo lịch trình, đoàn qua đường đây để đến huyện đội đón tiếp. Ông xin phép đoàn ít phút để rẽ vào quán hàng nước ven đường trước làng Nguội gặp hỏi mấy người già về Thu. Ông thực yên lòng, phấn khởi vì Thu đã gặp một người chồng như ông từng ước vọng.
Ông đăm đăm nhìn Thu. Thu vẫn như xưa, ấy là khuôn mặt, là nước da, là giọng nói. Chỉ có điều bây giờ Thu đẫy đà, tóc ngắn, có nhiều nếp nhăn, dáng vẻ có chút ít phố phường. Với tuổi sáu sáu, sáu bảy. Thu đúng là trẻ hơn với nhiều đàn bà lam lũ ở quê.
- Hoàng ơi, cháu lên gác gọi ông xuống tiếp khách - Giọng bà nhè nhẹ, nghe thật êm ái - Nhà em tốt lắm.
Ông Dĩnh hồi hộp. Cũng lạ, bao năm trời ông chẳng có cảm giác như thế kể cả gặp những người thân ở quê ra chơi với mình.
Có tiếng dép ở phía cầu thang. Một ông tóc bạc, đeo kính trắng, dáng mảnh khảnh đi xuống. Ông có vẻ ngạc nhiên khi thấy người khách lạ.
Ông Dĩnh dè dặt đứng dậy:
- Chào ông, tôi là Dĩnh, trước đây thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tôi ở trận địa pháo sau làng Nguội nên có thân quen nhiều nam nữ dân quân trong đó có bà Thu. Lần này có dịp về đây để thăm lại người xưa cảnh cũ.
Giọng ông nghiêm nghị. Nét mặt ông căng ra trông thật khắc khổ.
Ông Chính mủm mỉm cười, siết chặt tay ông khách:
- Rất vui được gặp người lính năm xưa. Tôi nghe nhà tôi nhắc nhiều lần về ông, ngay ban đầu tôi quen biết bà ấy. Hôm nọ nhà tôi cũng kể về ông.
Ông Dĩnh không ngờ có sự mở đầu gặp gỡ tốt đẹp đến thế. Ông thở phào nhẹ nhõm vì đã trút bỏ mọi sự âu lo canh cánh trong lòng.
Ông ngồi đối diện với vợ chồng ông Chính. Ông nhìn thẳng ông Chính cố tránh đôi mắt nhìn đăm đắm của người yêu xưa. Ông liến thoắng kể đủ thứ chuyện, cố che lấp sự lúng túng của mình. Ông kể về mình đang học dở cấp ba đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ, và sau mấy lần mới được toại nguyện. Ông kể về gia cảnh mình. Bố mẹ mất từ lâu. Người anh ông cũng không còn. Mấy em gái ông đều lấy chồng xa. Vợ ông là người miền Nam, vốn là cô giáo dạy tiểu học, người đã tận tình chăm sóc ông suốt bao năm tháng ốm đau triền miên vì ảnh hưởng vết thương chiến tranh, có thời gian bị trầm cảm kéo dài. Đó là người đàn bà tuyệt vời mà ông trời đã ban tặng cho ông. Ông sống ở quê vợ. Các con ông đều phương trưởng, làm ăn khấm khá. Điều mà ông giấu kín không nói cho ông bà Thu biết là hơn năm nay ông phải điều trị một căn bệnh hiểm nghèo khi bác sĩ phát hiện tế bào lạ trong cơ thể. Vậy là ông quyết định dành những ngày khỏe mạnh để trở lại làng Nguội, thăm người yêu xưa. Ông kể về những trận đánh ác liệt, về những vất vả, gian nan ở chiến trường, về những ngày lạc đơn vị lang thang trong rừng. Đơn vị đã có lần báo với cấp trên là ông hy sinh.
Ông Chính chăm chú nghe, thi thoảng quay mặt nhìn đi chỗ khác vì ông biết người khách muốn hướng đôi mắt về phía vợ mình. Ông hiểu, bao tình cảm dồn nén của họ chỉ trao vào đôi mắt. Ông vui vẻ đứng dậy:
- Chuyện của ông thật hấp dẫn. Ông cứ tiếp tục kể. Nhà tôi thích nghe những chuyện ngày xưa lắm. Tôi lên gác có chút việc đang làm dở dang, sẽ xuống ngay.
Bà Thu mủm mỉm cười. Hình như bà đã hiểu ý tứ của chồng.
Bây giờ bà mới có dịp hỏi đủ thứ chuyện về ông Dĩnh từ ngày vào mặt trận phía Nam. Bà kể về những người mà ông hỏi. Ông Chủ tịch xã, xã đội trưởng ngày ấy đã mất từ lâu. Mấy cô gái tinh nghịch, lém lỉnh ghép bà với ông đều lấy chồng xa. Làng Nguội bây giờ chỉ còn quá nửa là người cũ, còn lại là người dân nơi khác tới sau khi phân chia ranh giới, mở rộng thị trấn để lên thị xã. Bà Thu nhắc chuyện mình nghe tin ông hy sinh, đã ngồi lặng lẽ khóc bên gò ông Đống. Lụa, bạn bà, cũng yêu một pháo thủ cùng trận địa với ông, đã nhận được tin người yêu mất. Đúng vào dịp buồn bã ấy, gia đình ông Chính ở thành phố sơ tán về làng này. Chính ông Chính đã an ủi, động viên bà. Và tình yêu đã đến với họ. Ông là người hiểu biết rộng, hết lòng thương yêu chăm sóc vợ con.
- Anh mừng quá khi em hạnh phúc. Có lẽ anh là người may mắn trong những người lính thời chiến tranh. Cả anh và em đều trải qua những ngày đau buồn nhưng cuối cùng đều gặp may mắn, tốt lành.
Giọng ông trầm ấm vang lên trong không gian tĩnh mịch, trong gió thổi như hơi thở, trong tiếng đập trái tim phập phồng gấp gáp.
- Em cũng mừng cho anh.
Ông muốn dõng dạc đọc mấy câu thơ mà ông thuộc từ lúc nằm ở bệnh viện dã chiến của một nhà thơ mà ông yêu thích cho người yêu xưa nhưng lại ngài ngại vì e bà không hiểu lại phải giải thích, và nhất là ở trên gác, chồng bà lại tưởng ông lại là nhà thơ. Ông biết một số người không thích nhà thơ vì cứ tưởng thơ là tán tỉnh, nhăng nhít. Phải, ông muốn cao giọng đọc hai câu thơ của nhà thơ ấy: Những ngày đau ta lại thấy nụ cười. Những ngày buồn ta lại trải tấm lòng vui. Hạnh phúc của người lính là gì nhỉ? Với ông, là người yêu thương của mình được sống hạnh phúc. Thế là toại nguyện rồi. Ví thử, ông chỉ là nắm xương trong các vùng đất chiến tranh thì ước nguyện cuối cùng của ông cũng chỉ có thế.
- Anh nghĩ gì mà tự dưng lại im lặng thế?
*
Ông Dĩnh lại thong thả bước hết con đường làng. Phía trước là con đường mới lạ dẫn đến bến ô tô khách, nghĩa là đã hết làng Nguội. Bỗng ông sửng sốt khi nhận ra cây Ước vọng - cây Hạnh phúc, cây Làng Nguội vẫn lấp ló trong bụi cây hoang dại ven đường. Vậy là chiến tranh và thời gian vẫn không làm mất đi cái cây kỳ diệu này. Ông ngồi thụp xuống rõ lâu trước cây hoa yêu quý ấy.