Vừa qua bản Khói, vượt tới đèo Khế thì trời đổ mưa. Mới đầu chỉ là những hạt mưa lộp độp tưởng như ông trời lơ đãng vảy ít nước xuống trần gian để an ủi con người sau những ngày nắng dai dẳng, ai ngờ mưa mỗi lúc dày đặc. Ông Dưỡng vội chạy ào lên cái lều xơ xác trống huếch trống hoác ở chênh vênh núi Cóc. Lều đây là của ông Tại thôn bên. Ông này nhận trồng keo ở góc núi đây đã nhẵn thín do nạn phá rừng thuở trước. Chả hiểu vì sao ông mới trồng chút ít lại thôi. Lều hẹp, thấp, lợp bằng phên nứa đã xệ, nát nhiều chỗ. Ông ngồi co ro một chỗ ít dột nhất. Biết thế này cứ ở lại chỗ Kha cho xong. “Sắp mưa to rồi đấy - Kha oang oang - Ông không nhìn chỗ mạn Quảng Ninh à? Đen rầm trời. Ông về giữa đường là dính đòn. Ông lạ gì suối Khế, cứ mưa to là thành sông”. “Ôi giời, còn lâu mới mưa đến đây. Mà đi lúc này là để tránh ngập suối. Tôi còn bao việc ở nhà”. - Ông cười, dứt khoát về.
Sáng nay ông đến bản Khói vừa thăm bạn ốm vừa gặp Kha để bàn giập giạp việc họp Hội Cựu chiến binh xã sắp tới. Ông và Kha đều trang lứa cùng ở mặt trận biên giới phía Bắc. Bản Khói chỉ cách thôn ông hơn hai cây số mà núi Cóc gần như đứng giữa. Đường ven núi nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, lởm chởm sỏi đá, chỉ tiện đi bộ. Theo kế hoạch, cuối năm sẽ mở rộng đường, trải bê tông, có cầu xi măng qua suối Khế.
Mưa vẫn như trút. Kiểu mưa thế này chắc là chóng tạnh, nước suối sẽ nhanh rút. Cứ ngồi chờ lúc nữa vậy. Ông rút điện thoại gọi về nhà báo tin, nhắc đủ thứ chuyện, nhất là xem nước mưa ở rãnh trong vườn có tràn vào mộ không. Có tiếng trong trẻo của vợ: “Ông yên tâm. Tôi cho cháu ra kiểm tra rồi, mộ vẫn như mọi hôm”. Ông cũng lo xa, chứ rãnh thoát nước ông đào rộng, sâu, lại ở chỗ dốc thoai thoải, khó có chuyện nước tràn lên mộ.
Nhiều người trong thôn lấy làm lạ khi ông xây mộ trong vườn cây nhà mình, mà người chết có phải họ hàng thân thích ruột thịt gì đâu, đến tên tuổi, quê quán cũng chẳng rõ. Đành rằng hài cốt chắc chắn là bộ đội, hẳn là hy sinh trong trận đánh đồn bốt này. Có người bảo, mộ người dưng mà chọn đất nhà mình là dữ lắm, dễ mang họa cho gia đình. Vài ba người xì xào, ông Dưỡng lẩm cẩm, mẹ chết thì chôn nghĩa trang, người lạ chết lại chôn đất nhà. Khối người khẳng định, ông Dưỡng làm vậy là để tưởng nhớ cha mình - người nhập ngũ từ giữa những năm chống thực dân Pháp, tái ngũ khi bùng nổ cuộc kháng chiến chống Mỹ, hy sinh ở mặt trận phía Nam đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt dù anh em nhà ông đã ròng rã bao năm tháng đi tìm. Việc ông Dưỡng xây mộ liệt sĩ vô danh thật cao đẹp, nhất là ông đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.
Thôn ông Dưỡng khá đặc biệt với các thôn, bản của xã. Thôn này chiếm cả quả đồi ở cạnh ngã ba đường gần sông. Ngày trước thực dân Pháp xây đồn kiên cố để án ngữ, ngăn chặn bộ đội, cán bộ ta từ vùng kháng chiến trở về hoạt động ở vùng địch hậu, đồng thời là vị trí quan trọng bảo vệ căn cứ lớn trong huyện lỵ. Một đơn vị bộ đội của Trung đoàn Bắc Bắc đã tiến đánh diệt đồn bốt này trong đêm. Đồn bị phá tan tành nhưng quân ta cũng bị tổn thất lớn. Những năm 60 của thế kỷ trước, người dân vùng xuôi lên xã này xây dựng kinh tế mới. Quả đồi đây hồi ấy hoang hóa đầy cây cỏ còn rất nhiều mảnh vỡ bê tông, ống bơ, sắt thép, dây thép gai. Chính nhờ những người dân lần lượt đến đây khai phá, dựng nhà dựng cửa đồi này đến nay đã trở thành thôn trù phú.
Nấm mộ trong vườn nhà ông cũng có nguyên do.
Cách đây hơn hai năm ông thuê máy ủi san mấy gò đất cuối vườn để mở rộng cây trồng. Cứ đến gò đất đầu tiên là chết máy, nếu lùi là không sao. Ba lần đều vậy. Ông Dưỡng đứng cạnh đó cũng ngạc nhiên như anh chàng lái xe. Không hiểu trong đất chỗ ấy có cái gì. Dây thép gai, bê tông, bom mìn? Vô lý. Vàng bạc của người xưa chôn? Vô lý. Tất cả những thứ ấy chả liên quan gì đến máy tắt. Ông bần thần nghĩ mãi không ra. Vợ ông mau miệng: “Phải lễ tạ thần linh, thổ công, thổ địa”. Nói là làm. Bà sắp mâm sản vật, hương hoa đặt lên gò, thắp nhang khấn vái. Lại theo bà, thần thánh đã thuận, thì cứ nhìn nhang cháy là biết, ông có thể cho người đào chỗ đất phía trước rồi xe ủi sẽ tiếp tục hoạt động. Ông gọi mấy đứa cháu đến làm. Đào sâu chừng hơn thước đã thấy một bộ hài cốt lẫn với dao găm, đôi dép cao su, chắc chắn là bộ đội đánh đồn rồi. Phải chăng hài cốt này là người có tên Lê Văn Công mà ông đã từng nghe cụ Thước kể? Cụ ấy đã mất cách đây vài năm. Theo cụ đã có một người đàn bà đến thôn này sau khi đã tới mấy thôn, bản trên để tìm hài cốt về người anh hy sinh ở vùng đây. Người ấy là Lê Văn Công ở Hà Nam. Nhiều lần bà đi tìm suốt mấy xã trong huyện này mà chẳng nhận được tin tức gì. Trước, chẳng người nào ghi địa chỉ của bà, cả cụ Thước cũng vậy. Cụ bảo, có nghe bà đó kể nhưng rồi quên khuấy mất.
Quanh chuyện hài cốt vô danh cũng lằng nhằng quá. Xã đội trưởng bảo, phải xác minh xem người chết có phải là bộ đội không hay là dân thường. Ông Dưỡng phát khùng vì vật chứng rành rành ra đó, chẳng bộ đội là lính ngụy à. Một ông khác trong ủy ban khăng khăng, ví thử là liệt sĩ cũng không chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ xã vì người ấy có phải ở đây đâu. Vậy là vợ chồng ông Dưỡng quyết định xây mộ vĩnh cửu to đẹp ngay tại vườn nhà mình. Ngày ông tìm thấy hài cốt chính là ngày giỗ liệt sĩ đó. Ngày ấy ông bà sắp mâm lễ mời anh em ruột thịt chả khác gì ngày giỗ cha mẹ. Vợ ông hàng ngày hương khói chăm nom mộ. Từ ngày xây mộ, bà kể nhiều chuyện ly kỳ. Bà thì thào với chồng nhiều đêm thấy bóng người đàn ông đi lại trong vườn. Người ấy có lúc ra tận gò cao ở cuối thôn nhìn ra sông Bôi huyện nhà. Không hiểu nhà ông đó ở bên sông hay là ông chỉ nhìn về quê. Ông Dưỡng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ông biết vợ mình mê chùa chiền tâm linh, thường có rất nhiều chuyện để kể.
Mưa vẫn ào ạt, mê man trong tiếng gầm gào của sấm sét, của gió tràn xuống từ đỉnh núi trọc lốc. Thế này thì mưa đến tối. Giờ ở không được mà quay lại bản Khói cũng không xong. Chỗ ngồi của ông chả khác gì ở ngoài. Gió đột nhiên lật ngửa mấy tấm liếp, mưa tứ phía thốc vào, áo quần ướt đẫm. Về thôi. Đằng nào cũng ướt rồi. Càng ngồi lâu, suối càng ngập, có khi phải ngủ đêm nhà Kha. Ông vắt quần dài lên cổ, chạy ào xuống suối. Nước chỉ đến đùi rồi tới ngang ngực. Chỗ này ở giữa suối đây. Ngày thường nó chỉ sâu độ hai gang tay, rộng không quá bánh xe đạp. Vậy mà giờ cứ y như đứng trong hố. Bỗng một dòng nước dữ dội như thác từ trên bậc cao cuộn tới. Nước đục ngầu, đầy cỏ dại. Dòng nước xoáy ngang xoáy dọc tựa như thòng lọng xiết vào ông. Ông chới với cố sức vùng vẫy đạp chân đạp tay trong dòng nước cuồn cuộn hung dữ. Con suối chả mấy chốc đã thành con sông. Một thời ông đã từng bơi qua sông Bôi mà nay không sao vượt được một quãng nước xoáy. Sức ông cạn dần. Cái tuổi sáu lăm của ông đã bất lực trước thủy thần. Ông đã hốt hoảng thực sự.
Mưa. Mưa vẫn dai dẳng, xối xả, dữ dội. Dường như ông trời có bao nhiêu nước tích tụ giờ đổ hết xuống trần thế. Suối Khế đã thành sông với tiếng réo thảm thiết, phũ phàng của nước từ tứ phía gần xa. Cây cỏ bên bờ đã chìm nghỉm. Nước đã mấp mé đường.
Ông lả đi chỉ nghe loáng thoáng tiếng sóng vỗ, thấy lờ mờ mọi vật trước mắt. Ông cảm thấy như mình đang trôi trong biển nước mênh mông. Rồi ý nghĩ cũng tắt. Cũng chả cảm giác gì hết. Ông như cái phao bồng bềnh trên sông.
“Oạch”. Có thứ gì đó rất mạnh đập vào ngay cánh tay khiến ông bừng tỉnh. Một cái chão to bằng ngón chân cái màu vàng óng bám vào tay ông. Ông ráng sức nắm lấy. Bàn tay cứng đờ tê dại. Đột nhiên như có ai lôi kéo ông với sức mạnh lạ lùng trước dòng nước ngang ngược. Ông không khác gì chiếc thuyền máy đang vun vút lao vào bờ. Ông mê man, mơ mơ màng màng, chỉ tỉnh thức khi người va vào tảng đá gần bờ. Ông nhoài người lên bãi cỏ đầy sỏi, gai góc. Khi ông trở dậy, ngạc nhiên và kinh hãi, chả thấy cuộn dây chão mà lúc nãy vẫn bồng bềnh trước mặt, cũng không nhìn thấy người nào đã kéo mình lên đây. Dứt khoát phải ai đó làm việc này. Người ấy phải rất khỏe và đang đi lại trên đường. Ai? Chẳng có người nào lại đi trong lúc mưa to gió lớn thế này. Ai? Khi ông ở trong lều cũng như lội suối có thấy ai đâu? Ai? Ai không nói một câu lại có cuộn dây thừng quăng xuống? Một người kỳ lạ? Một kỳ nhân ở đâu đó? Chả lẽ là người âm?
Ông kể cho mọi người nghe về chuyện lạ lùng của mình. Ông cũng dành nhiều ngày đi các thôn, bản dò hỏi có ai đi lúc mưa gió khi ông gặp hiểm nguy trên suối Khế hôm đó. Chả có người nào cả. Rất nhiều người không tin chuyện ông. Ông biết vậy chỉ thở dài để chuyện ấy trong lòng.