Sương đã tan từ lúc nào. Mặt trời chậm chạp nhô lên trên đỉnh núi sau thị tứ tỏa ánh nắng nhợt nhạt xuống mặt đất ẩm ướt sau mấy ngày mưa rả rích. Người, xe thưa thớt trên đường. Có động cơ nào đấy kêu phành phạch ầm ầm như đánh thức phố xá buồn tẻ vào ngày mới.
Một ông chừng năm chục tuổi có gương mặt khắc khổ, đội mũ cối, khoác chiếc ba lô mệt mỏi bước vào quán nước đang có vài ba người đứng tuổi rôm rả trò chuyện bên chai rượu.
- Các ông có thấy đứa trẻ nào độ mười hai, mười ba tuổi đi dép lê đen qua đây không?
- Ấy ơ, không biết đâu - Người béo, mặt đỏ vang sẵng giọng.
Ông ngồi bên ôn tồn:
- Chúng tôi vừa đến nên chả rõ. Ông đi hỏi mấy người khác vậy.
Ông khách uể oải bước ra. Ông đã hỏi nhiều người bên đường nhưng chả ai biết có một đứa trẻ như thế. Trước khi tới đây ông đã hỏi các nhà trong bản, cả những đứa trẻ cùng học với cháu ông nhưng tất cả đều không biết. Thằng cháu ông lầm lì, ít nói cũng ít chơi bời với bạn bè, thường chỉ thui thủi một mình. Thi thoảng nó đến với ông, hỏi mọi điều, nó chỉ lí nhí dăm ba câu rồi im. Thằng bé đã đôi ba lần đi lang thang trong ngày, bỏ cả bữa cơm trưa nhưng chưa bao giờ như lần này, tới ba ngày. Âu cũng là vì cảnh đời mà không phải lỗi tại cháu.
Đi một quãng xa, ông lại vào quán bỏ không trên đường, ngồi trên khúc gỗ, chậm chuội nhai gói xôi mang theo. Một ông trung niên từ thị tứ ngược tới với túi thổ cẩm nặng trĩu.
- Mỏi quá ông ơi. Phải nghỉ một chút. Chưa già đã yếu rồi! - Người lạ cười khề khề.
- Ông có cái gì mà nặng thế?
- Con gái nó cho đấy. Mì gạo, mì tôm, lại mấy chai thuốc bổ. Không lấy, nó cứ ấn vào.
- Ông ở đâu?
- An Lý.
- Ấy dà, ở ngay rừng Ma.
- Cạnh bản tôi.
- Mấy hôm nay ông có thấy đứa trẻ nào qua đó không?
- Có một đứa. Cách đây mấy hôm rồi.
- Đứa trẻ như thế nào?
Ông vội đứng phắt dậy khi ông khách vừa dứt lời. Giời ơi, thằng bé... Thằng cháu ông đã vào đấy, vào rừng Ma! Đừng, đừng cháu ơi! Sao cháu lại dại dột thế. Ông rảo bước mà ruột gan nóng bừng. Rừng Ma! Vực Ma! “Ngày xửa ngày xưa có một con quỷ đội lốt ông già hiền hậu, vui tính toan dỗ trẻ con vào bãi cỏ trong rừng...”.
Chuyện kể của mẹ thuở nào khi ông mới cắp sách tới trường tưởng đã chôn vùi trong ký ức nay bỗng văng vẳng bên tai theo nhịp bước trên đường. Có một ông già tóc bạc phơ lơ lửng không trung. Ông già ấy nhè nhẹ xuống mặt đất vào trong bản gọi trẻ con vào khu đất trống trong rừng để phát bánh kẹo. Ông già nắm tay đứa bé trong đám trẻ đi vòng qua mình mà hát rằng:
Dung dăng dung dẻ
Ta cùng các bé
Rong ruổi đi chơi
Xem cá lội bơi
Nghe chim vang hót
Nhìn khỉ nhảy nhót
Khắp các cành cây
Vui thay! Vui thay
Lại ngân nga:
Tích tích tắc tắc
Gà mổ trâu
Chó chạy đâu
Để ta mổ!
Chó sợ quá
Nhảy xuống sông
Bơi mấy vòng
Lên nằm nghỉ
Ếch gân cổ
Rắn ra đây
Cho biết tay
Mày sợ chứ!
Lũ trẻ con cười như nắc nẻ. Ông già phát quà. Lũ trẻ tranh giành chạy tứ tung. Bỗng ông già biến mất cùng một đứa trẻ nào đấy. Có tiếng động rất mạnh ở vực nước phía xa nơi những đứa trẻ vừa vui đùa.
Ông cắm cúi đi. Qua đường cái to trải nhựa, rẽ vào con đường mòn. Trước mặt là rừng Ma. Thuở mới lớn ông đã theo bố vào rừng này để lấy mật ong, sau mẹ không cho ông đi nữa vì sợ ma rừng. Bao năm nay rừng vẫn rậm rạp như thuở trước, gọi là rừng nguyên sinh. Kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Mà người dân An Lý cũng nhất quyết giữ rừng. Họ lập miếu để xua đuổi ma rừng và tưởng nhớ người chết ở vực Ma - vực sâu hun hút do thác nước từ trên cao đổ xuống. Vực ấy đã có nhiều người chết vì trượt chân ngã, vì không chịu được sự tủi nhục, đau khổ đã trẫm mình. Chẳng lẽ cháu ông tới vực Ma? Không, không. Cháu ơi, cháu ơi. Lỗi không phải tại cháu. Giá thằng em ông không rượu chè be bét, nhiều lúc ngẩn ngẩn ngơ ngơ, ngây ngây ngô ngô sau khi vợ mất, chơi bời với những đứa xấu trong xã. Giá em ông lấy đứa vợ sau không ác tâm với con chồng, nhất là lúc sinh được thằng con trai. Giá mà ông ở ngay trong bản với thằng em thì không đến nỗi, đằng này lại ở bản xa lắc xa lơ vì nhường đất cũ cho em để mở trang trại mới. Giá mà... Ông đã khổ vì hai đứa con gái lấy chồng xa vừa nghèo vừa nhục do chồng, thằng đi tù về ma túy, thằng cờ bạc nợ chồng nợ chất phải trốn biệt, nay chẳng biết ở đâu. Hôm qua mà ông không đến thăm em, chắc chẳng có ai đi tìm thằng bé. “Thím đã làm gì mà để nó bỏ đi? Mà sao lại không tìm nó từ mấy hôm trước?”. - Ông hỏi. “Ôi giời, thằng mất dạy ấy, đi cho khuất mắt. Nuôi tốn cơm”. - Chị ta vênh mặt xoe xóe với ông. Em ông lúc ấy mắt đờ đẫn, chẳng nói năng gì. Hàng xóm kể rằng không ngày nào là chị ta không mắng nhiếc chồng với thằng bé ấy. Ai góp ý là bị chửi bới xỏ xiên.
Đã tới bìa rừng. Những rặng cây um tùm, chen chúc dày đặc trước mặt. Càng đi vào càng âm u. Ánh nắng nhợt nhạt mờ tỏ hắt xuống qua cành lá tạo những đốm hoa méo mó. Lúc lúc nghe tiếng lộp độp nước rơi trên tàu lá, tiếng chim vụt từ bụi cây. Thoảng tới tiếng nước chảy róc rách. Có tiếng thì thào từ đâu vọng tới như tiếng mẹ dặn ông lúc ốm nặng trên giường: “Con ơi, đừng vào rừng Ma. Ở đấy có vực Ma. Ngày xửa ngày xưa có một con quỷ đội lốt ông già...”. Tự dưng ông rùng mình. Một nỗi sợ hãi vô hình ập tới. Cũng lạ, lớn lên ông hiểu chuyện rừng Ma như lời thầy giáo bảo, chỉ là thần thoại, là chuyện không có thực, vậy mà đứng trong khu rừng đây lại sợ hãi. Có cái gì đó bí hiểm, thần bí vô cùng.
Xế chiều.
Bầu trời bỗng tối sầm. Những đám mây đen từ đâu ùn ùn kéo tới giăng kín tưởng như căng tấm vải đen khổng lồ chụp xuống khu rừng. Gió ào ạt thổi, ngọn cây nghiêng ngả, uốn éo với những tàu lá rũ rượi. Xa xa những tia chớp lóe lên như muốn xé toạc bầu trời, tiếp đến các tiếng sét vang rền dữ dội chẳng khác gì tiếng đại bác. Những hạt mưa lớn sáng loáng như thép dưới ánh chớp xanh lè bắt đầu trút xuống rào rào, vội vã, tới tấp, hung dữ. Ông vừa cuống quýt mặc áo mưa vừa chạy bổ về phía trước, nhiều lúc ngã dúi ngã dụi vào các cành cây nghiêng ngả sũng nước. Gió rít gào, điên dại. Các rặng cây vặn mình gào thét tưởng phải bật rễ lên. Tiếng nước chảy ào ạt ở chỗ thác nước. Đột nhiên như có một phép thần, gió ngừng, mưa tạnh. Chỗ ông đến là cái miếu bé nhỏ hoang vắng. Ông và bố ông đã nhiều lần ở đó khi trú mưa. Ông cởi áo mưa dò dẫm đi. Vẫn lối mòn nhỏ hẹp ngày trước với các cành cây chìa ra ngáng trở và mấy thùng vũng lổn nhổn đá sỏi.
Ông bỗng sững lại. Có một ánh lửa hắt ra ở phía xa qua khe hở các hàng cây. Ánh lửa ấy ẩn hiện như thực như mơ. Tim ông đập rộn. Ma rừng? Ông thụp xuống cho tĩnh tâm, căng mắt nhìn. Lại ánh lửa yếu ớt và nhanh chóng tắt. Giữa khu rừng rậm rạp trong mưa gió lại có người? Chẳng lẽ có ma? “Con ơi, ngày xửa ngày xưa có một con quỷ đội lốt ông già hiền hậu...”. Lạ thật. Quỷ? Người trú mưa? Hay là cháu ông? Ánh lửa bỗng bùng lên hắt ra trước cửa miếu. Nó như thúc giục, chào đón, vẫy gọi người đến. Ông rón rén lách qua bụi cây phía trước, nhè nhẹ đến gần, nhìn qua kẽ lá. Một ông già mặc áo chàm, đội mũ nồi ngồi bên đống lửa ở giữa miếu, và, hình như có một đứa bé nằm co quắp phía sau giáp tường trong. Cháu ông? Ông vụt đứng dậy, chạy vào. Giời ơi, cháu ông! “Bảo... ơ... i...”. - Ông ngã khuỵu trước bậc thềm.
- Ông ơi... ch... á... u... - Ông lắp bắp nói không ra tiếng.
Ông già vẫn ngồi tư lự, giờ ngước mắt nhìn người đến với vẻ trầm tĩnh lạ lùng, chả nói năng gì.
- Bảo ơi! - Ông hét - Cháu tôi...
Thằng bé choàng dậy, lao tới ông, ôm chặt, khóc nức nở. Lần đầu tiên ông thấy thằng cháu khóc trước mặt mình. Nước mắt nó đang đẫm vai ông. Ông cố kìm nước mắt đang muốn tuôn ra.
Ông già ngồi im từ nãy đến giờ, nay thủng thẳng:
- Đón nó về hả? Sao lại để nó khổ thế?
Ông chỉ nói vậy rồi ném thanh củi vào đống lửa cứ như đã biết mọi chuyện và tỏ ra chẳng để ý việc gặp gỡ này.
- Ông gặp cháu ở đây ạ?
- Cũng may thôi - Ông già chậm rãi - Tôi đi tìm trâu lạc. Con trâu ấy to khỏe nhất đàn, bị tuột mõ. Mấy ngày vẫn không thấy. Sáng nay đến đây gặp thằng bé ngồi khóc. Nó bảo chỉ muốn gặp mẹ ở vực nước. Tôi dỗ mãi đấy.
Ông già đưa tay vỗ vỗ vào lưng thằng bé giờ vẫn nép mình vào người bác.
- Tôi bảo, cháu à, đời ông cũng khổ nhục lắm. Đi ở mấy năm bị ông chủ đánh chửi suốt ngày. Lần để con trâu lạc mất, ông ấy còn trói nhốt vào chuồng trâu cả ngày lẫn đêm. Bố mẹ ông không còn. Anh em không có. Cháu à, làm người sống cứng cỏi trưởng thành mới khó, chứ làm người chết dễ lắm. Ông đây tưởng như khổ suốt đời, vậy mà có nhà cửa, trang trại đàng hoàng, con cháu đầy đủ. Ông chỉ tiếc thằng con ông đang làm ăn nơi xa ít khi về nhà.
Thằng bé đã nhoài người tới ông già. Nó ngượng ngập đẩy thanh củi cháy dở vào trong rồi ôm chặt ông già. Ngọn lửa bập bùng sau phút chốc đã rực lên làm bừng bừng cả gian miếu. Trong đêm ngọn lửa ấy mới sáng biết bao.