“Hãy lên trang trại đã, sau mới vào nhà cụ Đối” - Cương bảo Tá, người cùng đi với mình. “Cậu ở trên tỉnh thấy lạ chứ tớ quá quen chỗ này rồi”. “Cậu là thổ công, tính gì”. Cương đã đến vài ba trang trại nhưng chỉ nghe Tá kể qua loa trên đường đi đã háo hức với trang trại này - Trang trại có tên rất gợi: Trang trại núi Vua có hang Vua.
Tá ngồi bệt xuống bãi cỏ cạnh bên để Cương lững thững vượt lên chân núi.
Trước mặt Cương chạy dài suốt nửa quả núi là dày đặc cây, cả cây lấy gỗ và cây ăn quả. Nhiều nhất là keo rồi đến mít, vải thiều, nhãn, na, ổi… Dường như những cây ăn quả ở đây trồng để ăn, làm cảnh chứ chẳng buôn bán gì vì quả rụng vung vãi khắp nơi và có vẻ ít chăm nom. Ánh nắng từ trên cao rọi qua cây tạo những vệt, những chùm sáng méo mó, xô lệch xuống mặt đất mát lạnh. Bất ngờ và lạ nhất lúc đi gặp những tảng đá nghiêng ngả trông tựa như người hoặc na ná các con thú kỳ dị. Cả rừng cây lúc thoang thoảng, lúc nồng nặc ngai ngái mùi hương của hoa và quả chín rụng. Chốc chốc tiếng chim lảnh lót vội vã, gấp gáp ở góc nào đó. Và tiếng gió khi thầm thì, khi ào ạt gần xa.
- Thú vị chứ, nhà báo? - Tá cười khi Cương hổn hển đi xuống.
- Quá đẹp! Tiếc là mệt, chưa đi hết nửa trang trại, cũng chả đến được đỉnh núi.
- Trên ấy mới gọi là kỳ thú. Rất nhiều tảng đá đồ sộ trông không khác gì lính thời cổ xưa, có đủ giáo, cung, khiên.
- Tớ xem ảnh, biết rồi.
- Cậu chưa vào hang Vua à? Lát nữa vào, dĩ nhiên chỉ đứng ngoài ngắm thôi, cũng hay lắm.
Kể cũng lạ, Cương nghĩ, núi Vua với hang Vua thế này mà tỉnh mình đã bỏ sót bao năm không đưa vào quy hoạch du lịch. Có lẽ tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh mà lãng quên nơi đây.
Tá và Cương rẽ vào nhà cụ Đối ở chân núi. Một căn nhà ba gian tường gỗ, lợp ngói âm dương lọt thỏm trong khu vườn rậm rạp mà từ xa nhìn vào khó trông thấy.
- Cụ đang làm gì đấy? Cụ ông có nhà không ạ? - Tá cùng bạn tươi cười bước vào sân.
Cụ bà Đối đang lọ mọ làm việc gì đó trong nhà ngang, ngoảnh ra khẽ khàng:
- Tá đấy à? Ông đang ở chỗ hang Vua. Có cháo ở trong bếp. Nhớ về ăn cơm đấy.
Ở vùng này, với người Nùng, trong bếp bao giờ cũng có chảo cháo, ai đến cứ việc ăn uống. Tập tục là vậy.
Cụ Đối đang ngồi nghỉ dưới gốc cây sau bụi rậm, phía trước là vũng nước. “Cụ ở chỗ này cánh ta lúc nãy không nhìn thấy là phải”. Tá oang oang. Vũng nước chỉ rộng đủ chỗ cho hai con trâu đằm nhưng khá sâu, phải tới dây thừng, quanh năm đầy nước trong vắt. Nó được hồi sinh từ lúc trang trại mở rộng đến tận hang Vua. Cụ Đối đăm đăm nhìn xuống. Đó là cụ già gầy gò, rắn chắc, mặc bộ quân phục bạc màu, với đôi mắt tinh anh nhưng đầy vẻ u buồn. Có cái gì đó ẩn trong đôi mắt sâu xa ấy.
Cụ lặng lẽ gật đầu khi Tá và Cương cất lời chào.
- Cụ thả cá hay sao mà cháu thấy cá quẫy? - Tá hỏi.
- Không. Tự có thôi. Chả hiểu ở đâu ra.
- Mấy nhà quanh đây có dùng nước này không cụ?
- Có đấy. Ít thôi.
Tá quay sang kể cho bạn nghe về vũng nước này. Vũng nước đây thuở trước là khởi nguồn của con suối chạy vòng vèo qua mấy thôn bản trong xã. Nhưng rồi rừng trên đồi Vua bị chặt hạ hết, ngay các hàng cây ở hang Vua cũng sắp hết, vũng không còn nước vào mùa đông. Con suối nhiều chỗ cũng bị lấp dần do lở đất và người lấn đất, mở đường.
- Cụ lên đây làm gì ạ? - Cương dè dặt.
- Sợ trẻ con vào hang. Cũng xem chỗ nước thế nào. Hai cháu lên hang chứ?
Phải lên một quãng lởm chởm đá gồ ghề, hai chàng trai mới dừng phía trước cửa hang. Cương sững người. Sau hàng cây đan xen là những mỏm đá, tảng đá với hình thù tựa như người trong mọi tư thế đứng, ngồi, ngả nghiêng, nằm đúng theo truyền thuyết ở vùng này. Chuyện rằng, xa xưa ở thời kỳ dựng nước mở mang bờ cõi có những đạo binh giặc phương Bắc tràn đến đây - nơi cửa ngõ gần nhất dẫn tới Kinh đô - để xâm chiếm nước ta. Nhà vua bèn dẫn đoàn quân tới cùng với thổ dân dàn thế trận diệt giặc. Cuộc chiến kéo dài nhiều ngày vô cùng ác liệt. Cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Ông vua bị trọng thương được quan quân đưa vào hang núi này để chữa trị. Quân giặc chết như ngả rạ phải rút chạy về nước. Quân lính triều đình và dân binh cũng hy sinh lớn. Nhà vua dẫu được chăm sóc chu đáo nhưng đã mất tại hang. Ngài đã hóa đá. Lạ sao, cả tốp quan lính bảo vệ nhà vua ở trong và ngoài hang cũng vậy.
- Không được vào hang ư? - Cương hỏi.
- Chưa được phép của huyện. Mà cũng khó vào.
Cửa hang chỉ rộng bằng chiều dài chiếc đòn gánh, bị che thấp thoáng bởi những người đá và dây leo chằng chịt. Hang Vua quả là kỳ bí. Người ta kể rằng đã có đôi ba người dân vào hang. Trong hang có một tảng đá to rộng, dài ở góc khuất không khác gì người nằm. Đó là nhà vua đã hóa. Giữa hang có vũng nước sâu ngập cả đòn sóc, quanh năm đầy nước màu vàng óng. Dơi nhiều vô kể. Vào hang thi thoảng nghe tiếng thở phì phò, lại có tiếng rên rầu rĩ như người ốm nặng. Rắn có nhiều trong hốc. Xa xưa còn thấy hổ. Hang rộng nhiều ngõ ngách có thể chứa vài trăm người.
Cũng lạ. Hang Vua nằm trong quả núi trơ trọi mà kề bên là dãy núi trùng điệp. Chả lẽ ngày xưa nhà vua để đánh lừa giặc hay là chỗ này xa chiến địa mà lại vào đây chứ không phải trong dãy núi ấy. Đúng là núi Vua khá xa thôn bản. Hiện tại bản Sánh gần nhất cũng cách hơn cây số.
*
- Ăn thôi, muộn rồi. - Cụ Đối vừa nói vừa ngồi xuống giường đã có sẵn mâm cơm với chai rượu màu nâu sậm.
Cụ bà từ sân trở vào bê cả rổ lá gì đó:
- Cái này chống say đấy, chỉ có ở đây thôi.
Cụ Đối vui vẻ quay sang Cương:
- Thế nào cháu nhà báo, có mệt không?
- Mệt lắm cụ ạ. Cháu chưa quen vượt núi.
Cụ Đối bỗng trầm mặc. Nét mặt trông khác hẳn, chả khác gì khi ngồi trước hang Vua.
- Ông đây mới quá mệt vượt núi. Núi này không phải núi mà cháu đã leo, núi ấy ông đã leo suốt bao năm trời. Rất may là ông đã vượt.
Cương ngạc nhiên nhìn cụ. Chẳng lẽ cụ có điều gì uẩn khúc. Chắc thế. Cứ trông đôi mắt cụ cũng biết.
Cụ nhấc chén rượu lên lại đặt xuống. Hình như cụ đang phân vân một điều gì đó.
- Cháu nghe Tá kể, cụ quê ở Thái Bình? - Cương nói.
- Ừ, Thái Bình!
- Sao cụ lại lên đây ạ?
Cụ Đối không đáp, chầm chậm uống từng ngụm rượu. Tá khẽ huých tay Cương, có ý đừng hỏi điều ấy nữa. Cụ vẫn ngồi im, thở dài, mắt nhìn đăm đắm về phía trước. Đột nhiên cụ lắc đầu, khẽ kêu:
- Chuyện buồn lắm cháu ạ.
Cụ thong thả kể với giọng đều đều mệt mỏi. Có lẽ cụ chả muốn nhắc lại những chuyện đã chôn chặt trong lòng.
Cụ là lính tái ngũ. Vào bộ đội thời chống thực dân Pháp chưa đầy một tháng thì hòa bình lập lại. Cụ xuất ngũ rồi làm công nhân cơ khí của một xí nghiệp lớn Thủ đô. Năm 1965, cụ tình nguyện tái ngũ, vào thẳng chiến trường miền Nam. Đánh hết lính Sài Gòn đến lính Mỹ, được mấy bằng Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới, lên chức đại đội trưởng. Trong một trận đánh ác liệt, cụ bị thương và bị địch bắt cùng với mấy chiến sĩ.
- Giặc cho tôi lên cáng khiêng qua cầu gỗ con sông. Không hiểu sao, chắc có kẻ phản bội, chúng biết tôi là đảng viên, đại đội trưởng. Tôi nghĩ thà chết, chết trong danh dự còn hơn để địch tra khảo. Nghĩ vậy, tôi cố hết sức cựa mình để lăn xuống sông nhưng lũ địch đã vội ghì chặt trói tôi lại...
Cụ thở dài thườn thượt, nhấc chén rượu lên.
- Ông phải ăn đã chứ - Cụ bà nhắc - Uống rượu nhiều quá đấy. Cả hai cháu nữa. Ăn đi chứ.
Cụ gật gật đầu, đặt chén rượu rồi lại nhấc lên.
- Chúng chữa trị cho tôi, sau đưa vào Đà Nẵng, lại vào Sài Gòn. Không ngày nào là không tra hỏi nhưng tôi vẫn trước sau như một giữ bí mật quân sự, nhiều lúc giả ấm ớ, ngây ngô, hoảng loạn. Có hai người làm chứng điều ấy - một người là sĩ quan Sài Gòn cũng ở trong phòng hỏi cung, giờ vẫn sống ở Củ Chi, một người nữa là Tô Nghĩa Trung - Tiểu đội trưởng bị bắt cùng tôi ở xã Vũ Sơn huyện này...
Một ngày ở vùng chiến sự địch ra rả trên máy bay trực thăng réo tên tôi, chức vụ, quê quán là tôi đã hồi chánh quốc gia, kêu gọi đồng đội hãy buông súng đầu hàng. Mất dạy thế đấy. Đểu cáng thế đấy. Giá không có mấy phát súng quân ta bắn lên, chiếc máy bay hẳn còn lượn mấy vòng nữa.
Chúng còn đưa ảnh tôi lên báo với những dòng chữ bịa đặt. Tôi bị bọn nó đưa vào sở chiêu hồi, làm những việc lặt vặt cốt để có những tấm ảnh lừa bịp. Giá không có những đợt tấn công dồn dập của quân ta ở Tây Nguyên chắc chúng sẽ đưa tôi ra Côn Đảo. Hồi ấy lũ giặc cuống cuồng lo chạy nên gần như buông lỏng chúng tôi...
- Kìa, ông ăn đi. Ăn đã rồi hãy kể - Cụ bà gắp thức ăn vào bát chồng - Ông ăn ít lắm, chỉ hay uống rượu thôi. Dạo này yếu rồi.
Cụ Đối vẫn chìm đắm trong hồi ức. Mắt vẫn nhìn ra ngoài ở cõi xa xăm nào đấy, dường như không để ý đến ai hết. Câu chuyện được tiếp nối với cái giọng uể oải:
- Giải phóng Sài Gòn. Ông chưa được về nhà, bị cán bộ ta đưa đi cải huấn vì lính chiêu hồi. Nhục nhã không. Đau đớn không. Ông mà lại chiêu hồi! Oan ức quá. Ông chỉ muốn chết - Giọng cụ như nghẹn lại.
- Tủi nhục về nhà. Mấy năm trời biệt tin tức. Bố mẹ đã chết. Con gái duy nhất cũng chết vì bạo bệnh. Vợ bỏ đi từ ngày con mất, chẳng tin tức gì. Chả hiểu bà ta bị ai đó dụ dỗ hay là chán cảnh gia đình. Ông về quê trong xôn xao bàn tán khinh rẻ của mọi người vì là lính chiêu hồi. Ở xã có một số người cùng ở trung đoàn ông nên việc của ông đã loang từ lâu.
Cụ gục đầu vào vòng tay. Không khí bỗng thật nặng nề.
Cương quàng tay ôm lưng cụ, cố cất giọng tươi vui:
- Thôi chuyện đó qua rồi, cụ ơi. Cháu muốn biết vì sao cụ lên đây ạ?
Cụ vẫn ngồi im như bức tượng.
- Ông ấy lên đây thăm người bạn cùng cảnh ngộ - Ông Tô Nghĩa Trung ở xã bên... - Cụ bà vanh vách kể.
Lúc sau, cụ ông mới bừng tỉnh, uống ngụm rượu, gắp thức ăn đưa vào bát.
- Trung khá hơn ông. Vợ con đủ cả. Nhà cửa cũng đàng hoàng. Dân trong xã chả ai để ý đến chuyện ông ấy trước đây. Ông ở đây nhiều ngày vì ông Trung khẩn khoản mời giữ. Thì cùng cảnh ngộ nên thương quý lắm. Ông theo ông Trung đi chơi chỗ này chỗ nọ. Rồi gặp bà đây người Nùng ở xã này. Hồi đó bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, sau lên huyện vài năm, xin nghỉ hưu sớm. Ông định cư trên này, lập trang trại chân núi Vua. Vất vả bao năm trời mới có cơ ngơi như bây giờ. Tiếc một nỗi bà mắc bệnh không sinh nở được. Cũng chả sao...
Cụ bà khẽ cười:
- Bảo ông ấy lấy vợ mới nhưng không nghe. Cô Mai ở thị trấn thích ông lắm đấy.
Cụ ông vui hẳn lên:
- Ố, bà là lim là táu, ai lại vơ sim mua - Cụ ông quay sang Cương - Ở đây nhiều năm ông quen cách nói người trên này rồi. Khối người cứ tưởng ông là người dân tộc, không phải Tày cũng là Nùng.
- Cụ có hay về quê không ạ?
- Thi thoảng. Xã ông bây giờ là phố làng rồi. Dân cư đông đúc lắm. Đời sống tưởng như trong mơ. Họ hàng nhà ông ít vì vốn là dân ngụ cư. Bao người bảo ông về quê, chả ai nhắc lại chuyện xưa làm gì. Nhưng ông đã quen ở đây rồi. Ông đã bảo bà lão, sau này sẽ nhường lại cho Nhà nước toàn bộ trang trại. Cháu Tá, có phải sắp tới huyện sẽ đưa núi Vua và hang Vua vào quy hoạch du lịch không?
Cụ ngả người vào tường, lim dim mắt. Hẳn cụ đã ngà ngà say. Lúc ấy từ phía trước vườn, trăng non cũng vừa nhú lên.