Hắn lậm lừ đi tới chợ cóc đầu làng.
- Chết cha tôi rồi, nó lại tới.
- Ai?
- Thằng chó Các chứ còn ai nữa.
- Sao ai bảo, nó vẫn trong tù.
- Mới về.
- Quỷ tha ma bắt nó đi. Nó là quỷ chứ không phải là người.
- Tôi là Nhà nước cứ đem nó ra xử bắn. Đoàng một phát là xong. Nuôi trong tù chỉ tốn cơm tốn gạo.
Hắn lườm lườm nhìn mọi người đang tránh mặt mình.
Một ông già dắt xe đạp mải nhìn vào quán để bánh xe quệt vào người hắn.
- … Ông già! Mắt mù à?
Hắn dúi ông già ngã chỏng chơ cùng với chiếc xe đạp.
- Thằng này mất dạy nhỉ! - Ông già lồm cồm đứng dậy - M… à… y… M… à… y…
Hắn khoanh tay trước ngực, nhếch mép cười.
Một người gần đó chạy đến dựng chiếc xe đạp lên.
- Mày… M… à… y. - Ông già lắp bắp tay chỉ trỏ hắn - Mày…
- Mày làm sao? Có muốn ăn quả đấm không?
Gã toét miệng cười, lững thững ra đường lớn.
Mọi người ven chợ chỉ im lặng.
Ở xóm này không một ai dám sinh sự với hắn. Không phải chỉ là người dưng mà cả anh em họ hàng nội ngoại. Hắn liều mạng, trong túi quần bao giờ cũng thủ sẵn con dao bấm. Hắn cất mồm là chửi, là gây gổ. Bố mẹ hắn cũng bị hắn đấm đá. Tóm lại là hắn không trừ bất kỳ ai. Hắn ở tù nhiều hơn ở nhà. Tù xoành xoạch. Tù liên miên. Có người đã nhẩm tính, hắn đã có tổng cộng hai mươi lăm năm trong tù, chỉ có mười sáu năm ở nhà bao gồm ở trong bụng mẹ, đi mẫu giáo, đi học tới lớp năm trường làng.
- Đúng là bố nào con ấy.
Lão Đài chỉ trộm cắp chứ…
- Ối giời ơi, cũng cục cằn, lừa lọc, lật mặt như lật bàn tay. Chỉ có bà Nụ là tử tế, lương thiện.
Ông Đài vốn là công nhân sửa chữa ô tô ở xí nghiệp nhà nước, chuyện ăn cắp phụ tùng, lừa đảo nhiều người, bị đuổi việc. Đó là thời trước, thời còn bao cấp. Vào tuổi bảy mươi, ông mất do trọng bệnh. Vợ chồng ông Đài chỉ có mỗi thằng Các nên được nuông chiều từ bé, nuông chiều không phải lối. Ông Đài lấy cớ vợ chỉ sinh mỗi đứa con cứ nhăng nhít hết bà nọ cô kia. Nghe nói con rơi con vãi cũng năm bảy đứa. Nhục khổ nhất vẫn là bà Nụ làm dâu ở nơi này. Ở quê nhà, bố mẹ bà đều mất, chả trông cậy vào ai.
Trước, bố mẹ bà không cho bà lấy ông Đài vì trông đôi mắt anh ta láo liên, ngang tàng, bộ mặt vênh vang. Hồi đó xí nghiệp ô tô sơ tán ở xóm bà vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đài cao lớn, ăn nói hoạt bát, hay la cà trong xóm. Chả hiểu vì sao, Nụ lại mê anh ta ngay buổi đầu gặp gỡ. Khi biết bố mẹ cô gái có ý không muốn gả cho mình, anh ta tìm đủ mọi cách gạ gẫm cô. Lúc Nụ có thai, anh ta lảng tránh, tìm cớ cách xa. Cực chẳng đã, ông bà Nụ đành chấp thuận đám cưới cho con mình.
Các không khác gì bố. Cả khuôn mặt. Cả tính nết. Cũng cao lớn. Cũng vênh vang, hoạt khẩu. Cũng lừa lọc. Hơn bố là tính hung bạo, tàn nhẫn. Kém bố có chăng chỉ là gái gú. Âu cũng vì sức khỏe giảm sút do tham gia quá nhiều vào ẩu đả, lại cũng vì gái sợ dây với gã.
Hắn tới chợ xã, chợ to nhất vùng này, xưa gọi là chợ Ba Tổng có tiếng cách đây hơn trăm năm. Hắn chậm rãi, lững thững, lượn lờ các hàng bày la liệt trong chợ. Tất nhiên không phải là ngắm mà muốn trộm cắp thứ gì đó, trước hết là vì tiền, túi tiền của ai đấy, sau nữa là đồ ăn - tấm bánh chẳng hạn. Hắn đang đói. Những đồng tiền cuối cùng đã không còn. Có lẽ hắn phải qua chợ đến thằng bạn trong tù thuở trước ở gần gặn ngay đây để kiếm bữa ăn, và may ra có thể xin nó ít tiền. Thằng này con nhà giàu. Chả hiểu từ ngày ra tù, nó còn đánh đu với bạn bè xưa không?
Hắn đảo qua chỗ gửi xe đạp, xe máy đầu chợ trước con mắt ngờ vực của mấy người giữ xe và đám nhân viên bảo vệ đeo băng đỏ. Họ chẳng lạ gì hắn, và hắn cũng nhẵn mặt họ.
Trước khi vào tù, hắn đi lang thang với chúng bạn nhiều nơi. Lần này trở về, hắn sững người khi biết tin mẹ đã mất. Hắn định bụng, buổi nào đó rỗi rãi chắc là sau đợt nghỉ ở nhà vài ba hôm rồi đi lang thang chừng một tháng trở về sẽ tạt qua mộ mẹ, chỉ nhìn thôi. Ngay như mộ bố, hắn cũng chỉ biết chỗ chôn chứ đã nhìn tận nơi đâu. Hắn thoáng nghĩ về mẹ cũng có nguyên cớ. Người xóm bảo, ngày nào mẹ hắn tóc bạc trắng như cước, gầy gò, còm nhom, da bọc xương cứ ngồi thẫn thờ ngóng con về. Hắn biết, mẹ hắn khi đẻ hắn ra đã không đủ sữa, phải mua sữa ngoài bao tháng trời. Từ hồi bé tí, hắn ốm đau quặt quẹo, gầy nhẳng. Nhờ mẹ chăm sóc vất vả, hắn mới to khỏe có tiếng xóm này lúc trưởng thành. Nay hắn đã gầy chẳng còn sức vóc như xưa nhưng vẫn còn hơn những người cùng trang lứa.
Một lần hắn về, cũng lâu rồi, cách đây độ bốn, năm năm, mẹ hắn từ bậc cửa chạy ra ôm chầm lấy hắn. Lặng người phút chốc, hắn vòi tiền mẹ. Chả là hắn đang mắc nợ số tiền của một trùm giang hồ, phải trả gấp. Mẹ hắn có tiền khá lớn sau khi Nhà nước đền bù đất canh tác khi xây dựng khu công nghiệp. Bà đã mua xe máy cho hắn, cho hắn số tiền không ít để học nghề. Rốt cuộc, gã tiêu pha hết. Xe máy không. Tiền cũng không. Hắn tiếp tục cuộc sống lang thang. Lúc đầy ắp tiền. Lúc trắng tay.
Phải, hôm ấy hắn phá tủ, lật hết mọi thứ trong nhà để tìm tiền của mẹ. Không có gì. Hắn túm áo mẹ, lột hết số tiền ít ỏi trong túi áo. Bà mẹ quỳ xuống trước mặt hắn: “Tao xin mày, mẹ xin con, tiền ấy để sống hàng ngày”. Hắn không nói không rằng, bước ra cổng.
Hắn đã vòng hai, ba lần chợ. Không kiếm chác thứ gì, ngoài việc giật được nắm xôi to tướng của một thằng nhóc đang đứng trông xe đạp.
Hắn đã ra cổng chợ phía sau - nơi lằng nhằng ngõ ngách của một xóm đông đúc. Bỗng hắn mừng quýnh khi thấy một bà già tóc bạc ngồi một mình góc khuất đang đếm tiền lẻ. Nhanh như chớp, hắn sấn tới chộp ngay số tiền ấy. Bà già ú ớ, giằng lấy nhưng không được. Hắn bật dao sáng loáng hua trước mặt:
- Im mồm! Kêu một tiếng cho nhát luôn!
Bà già quỳ, ôm chân hắn, mếu máo:
- Anh ơi, thương bà già độc thân này. Con tôi đã chết. Tôi bán từng mớ rau để sống qua ngày. Tôi van anh, ngàn vạn lạy anh.
Hắn chằm chằm nhìn bà già. Hình như hắn chợt nhớ về mẹ. Lát sau, hắn quẳng lại số tiền trong tay, rảo bước ra đường.
- Các hả? Mày đi đâu đấy? Tao vào nhà mày không thấy.
Hắn quay lại, nhận ra ông Chiều ở đầu phố chợ. Hắn dừng chân, lạnh lùng nhìn người đang đến.
- Ông Hòa gọi mày đấy.
- Hòa nào? - Hắn cau có.
- Ông Hòa ở quỹ tín dụng xã. Vào đấy mà lĩnh tiền của mẹ mày.
Hắn toét miệng cười, vội vã ra đầu cổng chợ, nơi trụ sở của quỹ tín dụng xã.
Từ phòng trong, ông Hòa chủ nhiệm quỹ, vẫy tay:
- Các hả? Vào đây.
Hắn cười, khúm núm:
- Bác gọi cháu ạ?
- Mẹ cháu trước khi mất có để lại cho cháu tiền, gửi ở đây.
- Thế mà cháu cứ tưởng…
- Chẳng gửi ở đây, chứ đưa hết tiền cho mày để phung phí hết à. Trước khi lĩnh tiền, cháu hãy xem bức thư của mẹ cháu đã. Thư mới là quan trọng.
Ông Hòa mở cánh tủ đưa cho hắn chiếc phong bì dán chặt. Hắn hấp tấp bóc ra.
Tôi biết tôi đang mắc bệnh nặng, chắc khó sống nổi, vậy là nhờ cháu Lê Thị Cơ học lớp 12, con ông Lê Văn Cứ viết theo lời tôi để lại cho con tôi là Hoàng Văn Các giờ đang ở tù. Chứng kiến lời tôi cùng với cháu Cơ có bà Nguyễn Thị Vi, Trần Thị Thanh, các ông: Tường, Tuấn, đều là những người hàng xóm. Sau đây là lời nhắn nhủ của tôi:
Con ơi, bao năm trời mẹ vất vả nuôi con, mong con khôn lớn, có công ăn việc làm tử tế đỡ đần cho bố mẹ. Thôi thì, trẻ cậy cha, già cậy con. Ai ngờ bố con đã chả ra làm sao, sống cạn tình cạn nghĩa, bị bà con chê cười, xa lánh. Rồi con cũng vậy. Mẹ đau đớn, tủi nhục hết chồng đến con. Con ơi, chả nhẽ không lúc nào con nhớ mẹ, không lúc nào con nghĩ lại về con? Con đã bốn mốt, bốn hai tuổi đầu rồi, chả mấy chốc là già. Cho tới lúc chết, con vẫn sống lang thang, làm những việc bị người đời khinh rẻ, căm giận? Nay làm lại cuộc đời dù muộn nhưng vẫn được, vẫn tốt. Con ơi, mẹ gửi cho con số tiền dành dụm trong quỹ để con đi học nghề, làm việc lương thiện. Nếu vậy, mẹ ở suối vàng vẫn mỉm cười mãn nguyện. Mẹ sẽ luôn phù hộ cho con để con làm người tử tế. Lần này con có nghe mẹ không?
Cháu Lê Thị Cơ đã ghi nguyên văn lời bà Nụ và đã đọc cho bà Nụ và những người chứng kiến. Bà Nụ gật đầu xác nhận. Sau đây là chữ ký của bà Nụ và các ông các bà tham dự.
Hắn đứng lặng, run run cầm lá thư.
Hắn ngồi thẫn thờ, đầu cúi gằm, hai tay ôm mặt.
Hắn hờ hững cầm xấp tiền, lững thững bước ra.
Xế chiều hôm đó người ta thấy hắn cầm cả bó nhang quỳ lạy trước mộ mẹ ở nghĩa địa Đồng Vành.
Có người nhìn thấy hắn hết quỳ lạy lại ngồi rất lâu bên mẹ cho tới lúc trăng lên. Trên nấm mộ luôn có chấm lửa đỏ rực. Người này có việc ra đồng, ban đầu cứ ngỡ là ma hiện hình.
Làng Kế, 2019