Tôi lên thị trấn Lim - một thị trấn nhỏ hẹp ở huyện rẻo cao - thăm anh bạn cùng quê khi biết tin anh đang mắc mớ chuyện đất cát gì đó với xã. Ngồi cùng ghế với tôi là một ông già khắc khổ, khoác chéo vai túi thổ cẩm căng phồng, luôn một tay đè lên túi như sợ ai lấy mất.
- Ông lên thị trấn ạ? - Tôi lễ phép hỏi.
Ông già gật đầu.
- Cháu cũng lên thị trấn nhưng vào xã An Sơn. Ông chắc ở ngay thị trấn?
Ông già lắc đầu.
- Ông vừa ở đâu về đấy ạ?
Ông già không đáp. Tôi ngán ngẩm, lặng lẽ nhìn ra cảnh vật chạy vun vút qua ô cửa kính. Tôi vốn là người thích trò chuyện pha trò, bởi vậy thực lòng không ưa những người lầm lì, kín tiếng. Đường tới thị trấn cũng phải ngót nghét tám chục cây số lại cứ ngồi thin thít im miệng với ông già này quả là khó chịu.
Ông già gục đầu vào túi vải đặt trên đầu gối, chẳng hiểu thức hay ngủ. Tôi cố nghĩ đủ thứ chuyện để quên đường dài.
Đã sắp tới thị trấn, tôi liền gọi điện thoại di động cho bạn tôi để đưa xe máy đón. Hẳn là bạn tôi quá bất ngờ. Không thấy tín hiệu, mãi sau mới có tiếng đáp gấp gáp: “Ông chú vợ sắp mất. Vợ chồng con cái mình đang trên đường về quê”. Tôi hẫng hụt. Thật là ngốc nghếch. Tôi tự rủa mình. Lẽ ra hôm qua hoặc chiều nay trước khi đi, tôi phải điện cho bạn. Đúng là trời phạt cho tính ngẫu hứng chết tiệt của tôi. Giờ thì xử lý thế nào. Tôi biết chuyến xe xế chiều cuối cùng này sẽ ở lại thị trấn, mai mới quay về. Dường như trừng phạt thêm nữa cái tính nết của tôi, ông trời đổ mưa. Lúc đầu trời tối sầm, gió vật vã nổi lên, mưa nhỏ ngập ngừng rơi, rồi cứ thế ào ào giận dữ trút xuống.
Chập tối, xe dừng đỗ bến. Trời vẫn mưa rả rích. Đường nhựa lồi lõm, nhiều chỗ ngập ngụa nước. Điện đường nhập nhoạng sáng vì quá ít đèn công cộng. Tôi ngao ngán bước xuống, chưa biết tính toán sao. Ông già đã biến mất từ lúc nào. Giá mà được gặp ông già…
Suy nghĩ một lát, tôi vào Ủy ban huyện để tìm chỗ ngủ. Cổng Ủy ban đóng chặt. Anh bảo vệ cau có nói với tôi rằng, huyện đang đông khách, nhà nghỉ Ủy ban và cả bên Huyện ủy còn không đủ chỗ phải thuê khách sạn bên ngoài. Thôi, vào khách sạn, nhà nghỉ. Tôi đi loanh quanh khắp thị trấn nhưng mấy nhà nghỉ khách sạn cũng chật ních người, không nhận ai nữa - nhất là lúc này đang có tổ kiểm tra của huyện.
Tôi bắt đầu cuống. Điều tưởng như quá đơn giản trong thời buổi hiện nay ai ngờ lại bế tắc như vậy. Cách cuối cùng nếu như không muốn trở thành người vô gia cư nằm vạ vật đâu đó thì phải tìm ai đấy có ô tô, xe máy cấp tốc đưa tôi trở về nhà chịu cái giá cắt cổ.
Bất ngờ ông già hiện ra từ ngõ ngách đang cắm cúi đi tới. Tôi gần như lao ra trước mặt ông già rối rít trình bày hoàn cảnh của mình hiện giờ. Ông già chằm chằm nhìn tôi như dò xét tôi là người thế nào, sau gật đầu, thủng thẳng:
- Được mà.
Đúng là phao cứu sinh!
- Ông ở đâu bây giờ mới về ạ? - Tôi ngoan ngoãn hỏi.
- Ấy ơ, về nhà thằng Hiệp, con ông bạn. Nó khổ quá, đã bệnh tật ốm đau lại ở nhà hẹp.
Tôi ngạc nhiên vì lần đầu tiên được nghe ông già vui vẻ nói, không như lúc ngồi trên xe.
Hóa ra nhà ông già cũng không xa, chỉ cách mặt đường non cây số. Nhưng quả thực tôi có cảm giác nhà ông già như ở một bản xa xôi chứ không phải thuộc xã ngoại thị. Nhà ông già ba gian thấp tè, lợp ngói âm dương lọt thỏm trong vườn cây rậm rạp, tách biệt hẳn với những nhà phía xa. Cổng bằng tre. Trong nhà điện sáng trưng. Vợ ông già tóc bạc trắng, mặc áo chàm, chậm chạp bước ra, khẽ kêu:
- Ý dà, về muộn thế.
Bà chằm chằm nhìn tôi khi tôi cất tiếng chào.
- Có việc mà. Có khách ngủ đấy. - Ông già hạ giọng.
Bà già nhìn tôi với vẻ nghi ngại. Tôi chợt hiểu, vội rút ví ra đưa cho ông xem mấy tấm thẻ. Ông già cầm một tấm thẻ của tôi, nheo nheo mắt:
- Ấy ơ, nhà báo à? Tin rồi. Quý quá!
Từ lúc ấy bà già tươi tỉnh hẳn, không còn để ý nhìn tôi nữa.
Bữa cơm dọn ra. Ông già vào trong buồng mang ra chai rượu màu vàng đục được nút bằng lá chuối khô.
- Rượu ngon đấy. Uống không say đâu.
Tôi kinh hãi khi ông già rót rượu ra hai bát. Có nghĩa là mỗi người một bát.
- Cháu chưa biết tên ông.
- Lỏi à. Lỏi có nghĩa là Lại. Bố tôi bảo thế.
- Ông là người Tày ạ?
- Không, Nùng thôi.
- Ông bà được mấy anh mấy chị ạ?
- Ý dà, không nhiều đâu, có ba đứa thôi, đi lấy chồng cả rồi.
Chả cần cho tôi gợi hỏi, ông già vừa uống rượu vừa dềnh dàng kể cho tôi nghe gia cảnh của mình. Thì ra ông bà là người gốc ở thôn này. Cách đây hơn sáu chục năm, thôn đây chỉ lèo tèo hơn chục hộ người Nùng. Thôn rộng lắm, đi bộ cả buổi sáng mới hết vòng quanh. Sau một trận động đất, dù chỉ rung bần bật đồ vật trong nhà vài ba chớp mắt, các hộ bảo nhau vào ở tận thôn trong có đông người Sán Dìu, trừ gia đình ông già vẫn ở lại. Vài năm sau người các nơi khác đến, chủ yếu từ vùng xuôi lên vỡ đất dựng nhà dựng cửa, thôn cứ thế đông dần. Ông già lúc mười tám, đôi mươi phải vào thôn trong hỏi vợ - người cùng dân tộc theo lệnh của bố.
Uống cố hết bát rượu, tôi díp mắt chỉ muốn đi ngủ còn ông già lại phấn chấn trò chuyện.
- Ấy ơ, xưa đất nhà tôi rộng lắm, bao bãi bao đồi, tôi cho bà con hết, chỉ giữ mỗi bãi ngô thôi nhưng lại bị người ta lấy mất bảy năm nay rồi. Buồn lắm, nhà báo à.
Hình như biết tôi mệt mỏi, không còn chú ý nghe nữa, ông già lặng lẽ đưa chai rượu gần cạn vào gầm giường rồi lên giường nằm sau khi đã chỉ chỗ cho tôi ngủ.
*
Khi tôi thức giấc, trời đã sáng trắng.
- Ố, khách đã dậy rồi à? Có nước nóng và cháo ở bếp đấy.
- Ông đâu ạ?
- Không biết nữa, đi từ lúc sớm, chắc sắp về thôi.
Tôi phải chờ ông già về trước khi đi. Bà già nhấc chiếc ghế nhỏ ra hiên, ngồi chải tóc.
- Tối qua cháu nghe ông kêu mất đất. Ai lấy hở bà?
- Không đòi được đâu.
Chuyện là thế này, ông bà có bãi ngô ven đồi từ thời bố mẹ để lại. Bãi này chỉ trồng ngô vì đất xấu, xa nguồn nước. Vì có nhiều đất, ông bà Lỏi đã bỏ hoang bãi này nhiều năm. Có năm mưa thuận gió hòa, ông mới trồng ngô nơi đây nhưng thu hoạch cũng chẳng là bao.
Cách đây mấy năm Nhà nước mở đường gần bãi ngô nhà ông. Thế rồi ông Hoàn ở thôn bên thuê người đến dọn dẹp bãi ngô, ngang nhiên dựng ba gian nhà ngói. Bãi ngô cách nhà ông Lỏi hơn cây số. Khi biết tin, ông già đến ngăn ông Hoàn. Ông ta trợn mắt:
- Ông già đừng có vớ vẩn. Đất bỏ hoang, tôi có quyền khai phá. Ông ra xã mà kêu. Gây sự với tôi là ăn đòn đấy!
Ông già ra xã. Ông chủ tịch xã nói như quát:
- Giấy tờ đất cát của ông già đâu? Ông nói phải có bằng chứng chứ.
Khốn nạn, ông già làm gì có giấy tờ đất. Hồi ấy, đất rộng mênh mông, ai vỡ chỗ nào thì được chỗ đó. Ông chủ tịch xã là dân mới đến hai chục năm làm sao biết được gốc tích bãi ngô. Mà lão Hoàn thì cả xã đều biết tiếng là tráo trở, hung bạo. Con cái có ra gì, đứa ở tù nhiều hơn ở nhà, đứa chuyên đi đòi nợ thuê, đánh nhau khắp chỗ. Nhiều cán bộ xã cũng không dám đụng đến bố con lão…
- Ông về rồi. - Bà già kêu khe khẽ như thầm thì.
Tôi nhìn ra. Ông già lững thững trở về trong tay lủng lẳng xâu cá con, tươi cười:
- Có món ngon rồi.
- Ông này chỉ thích cá rán thôi - Bà đứng dậy đón xâu cá từ tay chồng.
Tôi ngỏ ý lát nữa sẽ chia tay ông bà để về. Ông già lắc đầu.
- Không được đâu. Anh phải ở lại để nghe tôi kể về mất đất chứ. Anh là nhà báo mà.
Không cần tôi đáp lại, ông già lẳng lặng vào trong nhà mang ra chai rượu trắng. Đó như là hiệu lệnh cho tôi phải tuân lời.
Tôi theo ông già ngồi vào ghế. Ông già rót rượu ra chiếc chén đã để sẵn trên bàn. Hôm nay ông già không bảo tôi uống nữa.
- Bà lão ở thôn trong, ngày xưa đẹp lắm. Tôi đi chợ thôn ấy, gặp bà hát với mấy người… Ấy dà, cái giọng nghe như nước suối chảy. - Ông già đột ngột vào chuyện khi uống hết chén rượu. Tôi để ý nét mặt ông già vẫn không thay đổi, rất nghiêm nghị như đang kể những điều hệ trọng.
- Cô ấy hát thế này - Ông già cất lời ca bằng tiếng Nùng với giọng ồ ồ trầm trầm buồn bã - Anh không hiểu được đâu, có nghĩa là: Anh bước vào đất em, đất ấy rộng lắm. Nếu anh không thích, về đi, ở đây vẫn có nhiều người muốn tới đấy. Tôi hát luôn theo người già đã bảo trước: Đất nhà em rộng phải có người đến làm chứ. Anh chỉ thích đất rộng, người tốt thôi. Cô ấy tiếp lời: Người chứ không phải chim nhé? Chim hót hay nhưng chỉ bay nhảy khắp nơi…
Tôi bắt đầu nóng ruột về câu chuyện dài lê thê của ông già. Chẳng lẽ ông già bảo tôi ở lại chỉ nghe chuyện này ư?
- Ông ơi, thế đất bãi ngô…
Ông già không thèm để ý nét mặt khổ sở của tôi và câu gợi hỏi.
- Sau hội chợ, tôi đến nhà nhưng phải đứng rất lâu ở cổng ngõ để hát tiếp nữa. Ấy dà, thích nhưng mà nóng ruột lắm. Tôi hát thế này, cũng là tự nghĩ ra:
Chả thích hát đâu, chỉ thích nói chuyện thôi
Không thích anh vào thì đóng cửa
Từ nay anh chẳng vào đất em nữa
Tôi nhấp nhổm đứng dậy, tỏ ý muốn về.
- Không về được đâu. Còn chuyện bãi ngô nữa à. Chuyện dài lắm. Người xấu có nhiều đấy nhưng người tốt cũng nhiều.
Không hiểu vì rượu hay có điều gì kích thích mà sáng nay ông già lại xởi lởi đến thế.
- Bãi ngô ấy à, lão Hoàn lấy rồi, không đòi được đâu.
- Ông phải kiện ra xã.
- Anh chủ tịch xã vừa mới lên, bảo ông làm đơn, tôi bảo, không biết viết đơn. Anh ấy nói, không có đơn, xã cũng chịu.
- Ông nhờ người khác viết cho?
- Tôi bảo mấy người nhưng họ không làm.
- Ông bảo con cháu chứ. Chả lẽ con gái, con rể…
- Ấy ơ - Ông già thở dài - Khó nói quá. Thế này à…
Đúng là ông già khổ thật. Người con gái lấy chồng ở xã bên thì ốm đau quanh năm khi chồng mất, để lại mấy đứa con thơ dại. Hai chị kia lấy chồng ở tận vùng biên. Người có chồng vào vòng lao lý. Người có chồng nhăng nhít hết bà này đến cô khác.
Một ý định vụt đến trong tôi.
- Ông Lỏi à, có nhiều người trong thôn biết bãi ngô của ông không?
- Có, chỉ vài ba người thôi. Người ở thôn trong mới biết nhiều, nhưng chỉ là ông bà già. Họ từ thôn này vào đấy mà.
- Anh chủ tịch xã ở thôn nào ạ?
- Thôn Mới, thôn ở ngay mặt đường. Gia đình nó cũng mới đến đây hai chục năm thôi.
Phải, tôi quyết định ở lại để làm ra nhẽ chuyện đất cát này.
Tôi viết đơn hộ ông già rồi cùng ông đến mấy người trong thôn. Một người tốt bụng cho tôi mượn xe máy để đèo ông già vào thôn trong - cái thôn mà nhiều người thôn đây đã vào đấy ở sau trận động đất thuở xưa. Đúng là có trời giúp. Mọi việc đều giải quyết chóng vánh đến không ngờ chỉ sau buổi sáng. Đơn của ông già dày đặc chữ ký xác nhận của mấy chục người.
Chiều, tôi đến trụ sở Ủy ban xã. Rất may, anh chủ tịch xã có trong phòng. Đó là người đàn ông tầm thước, trắng trẻo, ăn vận lịch sự, trông dáng vẻ thư sinh. Tôi trình bày mục đích đến đây. Vị quan chức xã lật đi lật lại tấm thẻ nhà báo của tôi, nhìn tôi như một vị quan tòa:
- Sao anh biết việc này? Ai cung cấp tin cho anh?
- Tôi nghĩ điều đó không quan trọng và có lẽ cũng không cần thiết. Anh xem nội dung đơn có đúng không?
Anh chủ tịch gật gù. Không hiểu anh ta xác nhận điều tôi vừa nói hay là thói quen khi đang suy nghĩ việc gì đó.
- Việc này rất phức tạp, liên quan đến nhiều người ở thời gian khác nhau, phải xem xét kỹ lưỡng, không thể nóng vội. Tôi có việc phải đi. Dịp khác anh tới đây.
Tôi nói thẳng:
- Tôi muốn biết rõ, bao giờ các anh giải quyết dứt điểm khi đã đầy đủ cơ sở pháp lý. Sự việc đã xảy ra bảy, tám năm, qua mấy khóa chủ tịch xã. Tôi e khi báo chí lên tiếng, các anh sẽ mang tiếng không hay, nhất là chỉ hai tháng nữa đại hội…
Anh chủ tịch vội cắt ngay:
- Anh thông cảm, việc xã có nhiều. Thôi được, vài ba hôm nữa chúng tôi sẽ họp các bộ phận, ban ngành liên quan để giải quyết. Có lẽ báo chí đừng nhắc tới việc này. Kết quả ra sao, tôi sẽ nói cho anh.
- Tôi rất mong sự thật đất cát của ông già được làm sáng tỏ. Điện thoại di động của anh thế nào nhỉ, của tôi là…
Ông bà già đã ngồi ghế chờ tôi. Nghe tôi kể lại sự việc, ông già nét mặt rạng rỡ:
- Sướng rồi! Phải uống rượu say mừng thôi.
Tôi để ý, hũ rượu sành đã để sẵn ở góc gậm giường sau ghế. Lần này tôi cầm chắc sẽ bị rượu đo ván.
Bữa cơm cá được dọn ra. Tôi biết phong tục người Nùng ở đây, đãi khách quý bằng cá, còn bình thường chỉ là cơm rau - tức là thịt gà với canh đỗ xanh.
Tôi nâng bát rượu mà ông già vừa đưa, trêu ông già:
- Con hỏi thật cụ nhé, cụ đừng giận con đấy, hai cụ đất cát rộng như thế, vậy đòi được bãi ngô sẽ làm gì ạ? Cụ bán chứ?
Ông già đang uống, vội đặt bát xuống:
- Ý dà, không bán đâu, cho thằng Hiệp đấy. Nó là thương binh lại ốm đau nhiều lắm. Đất ở nhà nó không bằng nhà này đâu, thế mà có mấy đứa con trai lớn. Hồi trước, đất nó cũng rộng đấy nhưng phải bán để nuôi bố mắc bệnh gì nặng lắm, mấy tháng nằm ở Hà Nội rồi về nhà. Ông bố nó với tôi cũng đều trong dân quân xã. Thời trước lâu rồi, tôi và bố nó đi bắt bọn xấu từ trong Nam nhảy dù vào xã này. Bố nó bắt sống thằng toán trưởng thu được nhiều thứ lắm nên được tỉnh thưởng bút máy, áo bông và cả giấy khen nữa. Tôi chỉ được mỗi giấy khen thôi…
Dẫu đã uống kha khá rượu nhưng thật lạ, cả đêm tôi cứ chập chờn giấc ngủ. Tôi nghĩ về chuyến đi lạ lùng của mình, về ông già người Nùng gặp trong chuyến xe, về mọi việc thôn, xã này. Đêm như vỡ ra vì tiếng xe máy, ô tô chạy đứt quãng. Chẳng hiểu hôm nay trời nắng gắt, người xe xuôi ngược nhộn nhịp hẳn lên hay là vì thị trấn này vẫn trong lễ hội. Tôi thầm nghĩ, bóng đêm vỡ ra sẽ chóng sáng. Rốt cuộc, mặt trời sẽ bừng sáng sau bóng đêm đã khuất.