Tôi nghe mấy người bạn ở huyện vùng núi Đông Sơn bảo, ở bản Láy, xã Xuân Sơn có con ngựa đá lạ lắm vì những chuyện ly kỳ của cụ già người Nùng Hoàng Chí Quang. Cụ tìm thấy ngựa đá trong mơ khi đào ao sau vườn. Linh tính mách tôi hình như con vật ấy gắn với truyền thuyết bấy lâu ở vùng đất này. Thấy tôi muốn lên đó, Bắc - Bạn tôi cùng phòng cười:
- Thiếu gì chuyện ngựa đá. Đã là ngựa đá con nào chả thế. Cậu muốn ngắm kỹ ra bảo tàng tỉnh. Có đầy!
Tôi chỉ cười, chả vặn vẹo làm gì. Tôi là nhà báo tập sự thích đi đây đi đó để khám phá, thỏa chí tò mò, lại ham viết lách. Mấy hôm sau tôi phóng xe máy lên, rủ anh bạn trên đó đi cùng.
Bản Láy nằm cuối xã, cạnh chân núi, thưa thớt dân cư. Nhà cụ Quang năm gian lợp ngói âm dương ở giữa bản, vườn rộng toàn cây ăn quả. Sân vừa lát gạch vuông đỏ au. Cổng gạch lợp mái ngói đỏ, cửa đan bằng thép tròn. Chếch một bên cánh cổng ở phương Bắc là con ngựa đá hai chân trước chồm lên tảng đá lớn vuông vức. Chúng tôi đứng ngắm nhìn khá lâu ngựa đá. Con ngựa này to bằng con dê, toàn thân xám xịt, đôi chỗ có những vết xước ngang dọc.
Nhà vắng lặng. Rất may cụ có nhà. Cụ đang ngồi khoanh chân trên phản trước ban thờ với chai rượu và mấy chiếc chén nhỏ, lạ lẫm nhìn chúng tôi tới.
Đúng như bạn đi cùng với tôi nói từ trước, cụ lậm lừ, rất ít lời, thích ngồi một mình nhấm nháp rượu. Cụ là cựu chiến binh hết chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, khi xuất ngũ là thương binh.
Cụ vẫy tay lên phản. Chúng tôi ngồi bên cụ. Cụ rót rượu ra mấy chén.
- Cháu nghe nói, cụ đào được ngựa đá? - Tôi hỏi.
Ông cụ gật đầu.
- Cụ đào từ năm nào?
- Không nhớ đâu. Lâu rồi.
Bạn tôi xen vào:
- Độ ba năm. Chả hiểu ngựa đá này có từ niên đại nào. Anh biết không?
Cụ chẳng để ý đến câu chuyện chúng tôi, lặng lẽ uống từng ngụm rượu, mà cũng chẳng hỏi nguyên do gì mà chúng tôi có mặt ở đây. Dường như cụ chỉ để tâm đến rượu.
- Cụ có nghe ai nói về con ngựa này không?
Ông cụ lại lắc đầu.
- Con ngựa này chắc quý lắm, cụ nhỉ? - Tôi gợi ý vào chuyện.
Cụ không đáp, nhẩn nha uống.
- Đã có người đến hỏi mua con ngựa này với giá cao nhưng cụ hất tay xua đi - Bạn tôi kể.
- Đúng thế ạ?
Cụ gật đầu.
Tôi đã bắt đầu ngao ngán. Với cung cách này, tôi chẳng biết gì hơn ngựa đá trông thấy ngoài cổng. Bao háo hức tan biến. Có khi Bắc nói đúng, những con vật đá chỉ là linh vật thời xa xưa, chả có sự tích gì. Đã là ngựa đá con nào chả thế. Dẫu vậy tôi vẫn uẩn ức trong lòng, chả lẽ truyền thuyết mấy trăm, mấy ngàn binh mã chống giặc phương Bắc thời trung đại ở vùng này chẳng liên quan gì tới con ngựa đá đây?
- Sao cụ lại đặt ngựa đá ở cổng mà lại đúng phương Bắc? - Tôi dè dặt hỏi.
Cụ không trả lời, ngồi im thin thít. Tôi thực sự thất vọng, có ý định ra cổng chụp thêm mấy tấm hình toàn cảnh nhà cụ và ngựa đá rồi xin phép trở về. Ngồi mãi với cụ già ham rượu, ít lời càng thêm khó chịu trong lòng. Tôi biết, người già thiểu số thật thà, tốt bụng nhưng thường lầm lì, kiệm nói.
Tôi nháy mắt với người bạn đi cùng, ra hiệu về. Bỗng ông cụ đứng dậy, xỏ dép vào trong buồng. Cụ đi đâu vậy? Chả lẽ cụ mỏi muốn đi nghỉ? Hay là cụ bực mình vì chúng tôi có điều gì không phải? Có lẽ tại tôi mới vào nghề chưa biết cách gợi mở trò chuyện.
Lúc sau cụ cầm ra cái hòm gỗ nhỏ chỉ độ gang tay sơn son lặng lẽ đặt lên phản. Cụ bóc tờ giấy dán chỗ ở khóa, nhấc ra một cuốn sách mỏng - đúng ra là cuốn vở.
- Có trong ấy đấy.
- Dạ, cái gì ạ?
- Ngựa đá, nhân mã.
Cuốn vở chỉ độ hai chục trang toàn chữ Hán, giấy xám đen mỏng như pơ-luya.
- Đọc đi rồi biết.
- Cháu không biết chữ này.
Cụ bực bội nhìn tôi:
- Không biết thật à?
- Thật ạ.
Cụ cẩn thận gập cuốn vở cho vào hòm.
- Trong đó họ viết gì ạ?
- Không biết đâu, chỉ nghe ông bố kể thôi.
- Bố cụ kể thế nào ạ?
Cụ dường như không nghe tôi hỏi, chằm chằm nhìn vào cái hòm gỗ đen bóng rồi lại nhấc cuốn vở đặt trước mặt, lật trang đầu.
Chúng tôi ngồi im lặng chờ. Ông cụ nhấp ít rượu, ngồi thẳng dậy.
- Ấy dà, chuyện dài lắm, không biết kể thế nào à - Ông cụ đột ngột vào chuyện - Hồi ấy, chả hiểu năm nào đâu, xã này chỉ là rừng núi, không có người ở. Một hôm giặc phương Bắc tới đông như kiến, toàn đi ngựa thôi. Ngựa chúng to như trâu ấy. Chúng thu hết cái ăn của người dân trong vùng, đốt các làng bản, chém giết người. Bấy giờ lính nhà vua cử đến đánh nhưng vẫn không cản nổi. Ở Động Thủ chúng tôi, tức là huyện Đông Sơn bây giờ, có tù trưởng Vi Đức Giảng đã tập hợp trai tráng cùng với ngựa tốt để tham chiến. Riêng tù trưởng chọn tám con ngựa lực lưỡng, thông minh nhất nhà mình sung vào đoàn quân…
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy đúng như truyền thuyết trong vùng này về đội quân kỵ mã oai hùng. Về truyền thuyết này tôi đã ghi chép đầy đủ.
Phải, thuở xa xưa đó, giặc phương Bắc xâm lấn nước ta. Một đội quân kỵ mã hùng hậu đi từ vùng núi cùng với đội thủy quân từ vùng sông tiến tới Kinh thành Thăng Long. Một đạo quân binh mã triều đình đã tiến đánh giặc ở vùng giáp biên này. Nhiều trận ác chiến đã xảy ra. Lũ giặc dẫu bị tổn thất nặng vẫn đủ sức tiến sâu nội địa. Chúng đã tới Động Thủ. Một buổi sáng lũ giặc đang đóng quân ở thung lũng Cò - chính là huyện lỵ Đông Sơn ngày nay - thì bỗng xuất hiện một đoàn kỵ binh từ trong rừng lao ra. Đó chính là đạo dân binh của tù trưởng Vi Đức Giảng. Một cuộc hỗn chiến đẫm máu. Lũ giặc đông nhưng bị đánh bất ngờ nên chết như ngả rạ. Phía đạo quân Vi Đức Giảng cũng thương vong hết - kể cả tù trưởng, chỉ còn tám con ngựa gia chủ đang đứng tụ lại trong rặng cây rậm rạp. Tướng giặc cùng một toán quân sống sót đứng ngồi trong bãi bỗng thấy tám con ngựa vọt tới, hét lên bằng tiếng người: “Cút đi! Chúng bay phải đền tội!”. Lũ giặc thất kinh, vô cùng hoảng loạn. Con vật lại nói tiếng người! Ma! Ma ngựa! Nhân mã! Nhân mã! Người đã biến thành ngựa. Đàn ngựa tung vó đá tới tấp vào lũ lính giặc. Mỗi cú đá tựa như lưỡi gươm. Giặc chạy đến đâu, ngựa đuổi theo tới đó. Tướng giặc ngã gục. Trong cuộc chiến đấu ấy, tám con ngựa đều lần lượt tử trận.
Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, vua cho binh lính và dân chúng tìm hài cốt tám nhân mã đưa vào đền thờ nhưng họ chỉ tìm thấy bảy con mà thôi. Dẫu vậy đền thờ vẫn được lập với sắc tự: Sinh vi vật, tử vi thần, vạn cổ anh linh đồng nhật nguyệt. Tù trưởng Vi Đức Giảng là vi công tôn thần. Nhiều người đồn đoán rằng xác con ngựa không tìm thấy chính là đã cùng tù trưởng bay lên trời. Dân chúng lại nói, ông Vi Đức Giảng không chết, đang ẩn náu ở đâu đó để sẵn sàng tập hợp dân binh chống lại giặc.
- Vậy là khi đào ao, cụ thấy con ngựa đá? - Tôi hỏi.
- Ấy dà, ông trời cho đấy - Cụ thủng thẳng nói.
- Ông trời? - Bạn tôi kêu toáng lên với vẻ thích thú.
- Đúng đấy. Ông trời cho mà.
Cụ kể rằng, một đêm cụ ra vườn nhìn thấy chỗ đất phía sau có con ngựa xám trắng đứng đó, mắt nhìn về phía mình. Cụ vừa đi tới, con ngựa lại biến mất. Tưởng mình quáng mắt, cụ quay về. Bỗng có tiếng ngựa hí, cụ ngoảnh lại. Vẫn là con ngựa ban nãy. Cụ vội đi đến lại chẳng thấy ngựa đâu. Cụ kể cho con trai nghe. Người con - một cán bộ thuế của huyện - đã không tin, bảo bố lẩn thẩn. Cụ không nói nữa, giữ kín ý định mình. Nhân huyện mở đường đầu xã, cụ thuê máy xúc, máy đào và nhân công đào ao đúng cái nơi ngựa xuất hiện. Vợ chồng con trai thấy bố đào ao thả cá đã hết sức ủng hộ. Đào giữa chừng cụ đã tìm thấy con ngựa đá xám trắng. Đúng là con ngựa trong đêm thu nhỏ. Thần báo mộng không sai.
- Tôi đưa con ngựa đá lên bờ, tắm rửa cẩn thận bằng nước thơm, đặt lên ban thờ riêng làm lễ cúng như thánh thần theo tục lệ người Nùng chúng tôi. Ấy dà, đặt ban thờ độ nửa tháng lại phải hạ xuống để đưa ra cổng. Ông thầy cúng bảo, ngựa háu đá, dễ hất cả người và của ra ngoài. Tôi cũng nghĩ lại, ngựa đứng ở cổng để giữ nhà, và khi giặc đến sẽ nhanh lao ra - Cụ thì thầm - Ngựa đá này chính là thần Vi Đức Giảng đấy.
Tôi hơi bất ngờ khi thấy cụ bỗng dưng nói nhiều và say sưa. Chả hiểu do rượu vượt quá hay là vì nguyên cớ nào khác.
- Ngài không chết đâu, vẫn sống trong đá đấy. Nhân mã mà. Ngựa người mà. Nếu giặc đến, ngài sẽ vùng dậy gọi thần dân đánh tan chúng. Ấy dà, ngài linh thiêng lắm.
Cụ dừng lời, rót rượu nhâm nhi uống, trầm lặng nhìn ra phía cổng. Chắc cụ lại nghĩ tới ngựa đá đang tung vó ở ngoài kia.