Tôi nằm trên bãi cỏ xanh mướt ở chếch đền cạnh ...cây lim ngàn năm tuổi nhìn lên bầu trời lấp ló qua mấy cành cây phía trước. Gió rào rào trên ngọn cây, đôi lúc nghe tiếng thì thào trong bụi rậm nào đó vẳng tới thật huyền bí.
- Các anh đã đến đình cụ Lì rồi chứ? - Ông già người Nùng - Hoàng Chí Quang từ trong đền đến bên tôi, khẽ hỏi - Đình ấy là của bản mà cũng là của xã.
Tôi vội nhổm dậy:
- Đẹp lắm ông ạ. Chúng cháu quá bất ngờ. Đình đã to rộng, gỗ lại toàn lim. Nhưng sao lại gọi là đình cụ Lì hở ông?
- Thì lim có được như hôm nay là nhờ cụ Lì. Dân chả phải đóng góp một đồng.
Tôi đã nghe anh Chủ tịch xã nói qua về cụ Lì nhưng câu chuyện luôn bị ngắt quãng vì khách đến.
- Chuyện cụ Lì thế nào hở ông?
- Ấy dà, chuyện cụ dài lắm.
Ông già chỉ nói vậy rồi ngồi nhìn chăm chú lên trời. Nắng vàng ươm. Bầu trời lộng gió, cao thăm thẳm. Những đám mây xam xám tựa như tàn thuốc lững thững xô dạt tạo muôn hình muôn dạng, lúc không khác gì tấm bản đồ thế giới, có thể đoán định ra các châu lục; lúc giống như bức tranh phong cảnh đồng quê, lại như các hòn đảo lững lờ trôi trên biển cả.
- Ầy, cụ Lì sắp đến rồi đấy.
Tôi ngơ ngác. Cụ Lì nào? Chả lẽ cụ Lì trong câu chuyện đã mất cách đây quá nửa thế kỷ? Người nóng bừng, tôi quay đầu về cửa đền. Mùi nhang mà tôi vừa thắp trong ấy vẫn nhè nhẹ tỏa hương.
- Thỉnh thoảng cụ vẫn về đây để xem cây lim này còn không.
Tôi ngờ ngợ nhìn ông già bảy mươi sáu tuổi coi đền này đã mắc bệnh hoang tưởng, vì quá nặng tâm linh mà mường tượng ra những chuyện không đâu.
- Anh không tin à? Ầy, cụ về nhưng không xuống trần gian đâu mà lơ lửng trên không. Ở trên cao, cụ nhìn thấy rõ mà. Hôm nay thế nào cụ cũng về. Rồi anh sẽ biết.
Tôi hồi hộp căng mắt nhìn lên trời. Chả thấy gì cả. Vẫn là những đám mây bồng bềnh lang thang khi ríu vào nhau, khi loãng ra tạo các hình dáng theo sự mường tượng riêng mình. Rồi quá mệt mỏi, tôi chợp mắt lúc nào không biết.
- Này, này - Ông già lay lay người tôi - Cụ Lì đến rồi.
Tôi vội nhổm dậy nhìn. Giữa bầu trời, ngay phía trên đầu cây lim, mấy đám mây trôi dạt ghép vào trông từa tựa hình cụ già cụt một tay.
- Anh thấy rồi chứ? Tôi đã bảo mà. Cụ thiêng lắm - Ông già chắp hai tay kính cẩn, miệng thì thầm: - Lạy cụ, lạy thần, lạy thánh, chúng con vẫn giữ cây của cụ - Ông già huých cánh tay vào lưng tôi. Tôi hiểu ý vội chắp tay theo.
“Ông cụ Lì” đã biến mất trên không. Những đám mây kỳ ảo vừa rồi tản ra quá bất ngờ trong bầu trời rộng lớn. Nắng rực lên.
- Ấy dà - Ông già buông cái tiếng quen thuộc mỗi khi mở đầu một câu chuyện - Cụ Lì đã chui vào trong cây đấy. Hồn cụ ở đó mà - Ông già ngồi rõ lâu như đang nghĩ điều gì ấy rồi quay sang tôi: - Anh đã biết về chuyện cụ Lì chưa? Ấy dà…
Ông già đột nhiên vào chuyện, mắt vẫn đăm đăm về cây lim trước mặt cứ như cụ Lì đang ở đấy để nghe người coi đền có kể đúng sự thực không.
Tôi giở sổ, bút, chăm chú lắng nghe…
Lim có nhiều nhất ở xã Phúc Sơn này, đặc biệt ở bản Lèo của người Nùng, giáp với núi Mã Yên. Ngay đầu núi để vào rừng sâu có một cây lim cao chót vót đứng đơn độc giữa các rặng cây hoang dại, tưởng như một người lính gác cổng vào khu rừng. Tương truyền cây lim này đã có gần nghìn năm. Năm 1945, Việt Minh đã treo cờ đỏ sao vàng trên cây này khi cách mạng giành chính quyền ở xã.
*
Cách đây chừng sáu chục năm, vào một buổi trưa oi ả, một tốp người vẻ mặt hung tợn có dao, súng, rìu, cưa, dây thừng ngược dốc núi lên tới cây lim. Đang đứng ở góc vườn nhà, cụ Nông Văn Lì thấy người lạ đến trên đó vội rảo bước lên. Bọn người mới tới dường như không để ý việc đó. Chúng đã vào rừng ở mấy bản bên ngang nhiên đốn hạ lim mà chẳng ai dám cản, kể cả gặp mấy thanh niên. Xã có tới mười tám thôn bản, lúc đó chưa tới năm trăm người.
Cụ Lì đi đến trước mặt chúng, ôn tồn:
- Các anh đến đây làm gì?
- Không phải việc của ông già! - Thằng mặt choắt gắt.
Thằng mắt lác vênh mặt, tiếp lời:
- Chặt lim! Có hỏi nữa không?
Cụ Lì vẫn nhẹ nhàng:
- Rừng lim này là của chúng tôi. Ông cha chúng tôi dặn con cháu phải giữ để giúp dân. Chúng tôi hàng năm đã cúng, làm lễ thần rừng, làm lễ giữ rừng.
- Thế hả? - Gã hềnh hệch cười - Bọn tôi lại đang cần tiền. Thôi, lui ra, ông già.
Bọn chúng nói cười điềm nhiên, phát các cây xung quanh, coi như không có cụ già đứng đó.
Cụ Lì giận dữ bước tới cây lim, dang rộng đôi tay, hét:
- Không một thằng nào được phép chạm vào cây lim tổ tiên này! Chúng bay cút đi!
Sau phút chốc ngỡ ngàng, bọn chúng phá ra cười. Chúng nhao nhao:
- Lão già ngang nhỉ? Đã biết tiếng tăm bọn này chưa?
- Lão về gọi cả thôn ra đây để đọ với cánh này.
Thằng đầu trọc cao to nhất bọn huơ chiếc rìu sáng loáng trước mặt cụ, dằn giọng:
- Có lùi ra không, lão già! Không, cho một nhát!
Cụ già vẫn dang rộng hai cánh tay, trừng trừng nhìn cả bọn trước mặt, giọng sang sảng như chuông đồng:
- Tất cả chúng mày cút! Cút ngay!
- Cút hả? Đã thế thì… - Hắn vung rìu vào cánh tay cụ. Một tiếng bập rất mạnh. Nửa cánh tay cụ rơi xuống. Máu vọt ra bắn tứ tung vào người hắn. Vẫn đứng như dán chặt vào thân cây, đôi mắt cụ như ánh thép, như tia chớp muốn xiên thẳng vào lũ gian ác. Tiếng thét gầm vang khắp khu rừng, đọng trên các cành cây, ngọn lá, tới các căn nhà trong bản, đến các dòng suối. Cả đất trời như đồng vọng tiếng gào thét từ mỏm núi cao.
Bầu trời bỗng tối sầm đầy u uất. Những đám mây đen ùn ùn kéo tới. Và sấm. Tiếng sấm như tiếng đại bác rung chuyển lay động khắp đất trời, như muốn nã thẳng xuống mặt đất tới những kẻ bất lương. Và sét. Những tia chớp xanh lè giận dữ tưởng muốn xé toang bầu trời…
*
Ông già tò mò nhìn các dòng chữ nguệch ngoạc, cong queo trong cuốn sổ của tôi.
- Anh là nhà báo à? Không hả? Thế thì viết làm gì? - Ông nhìn lên trời: - Tôi hỏi nhá, anh có tin ông trời có mắt không? Ông trời có công tâm không? Tôi tin đấy. Mấy thằng định ăn trộm cây lim đều bị ông trời phạt. Kẻ ác phải đền tội. Thằng chém cụ già bị ngã lăn xuống lưng núi, đập đầu vào tảng đá, chết không kịp ngáp. Những thằng khác cứ lần lượt tự dưng lăn ra mà vào nghĩa địa. Ấy dà, đáng đời.
Ông già bỗng ngồi lặng, không nói năng gì, mắt cứ nhìn vào cõi xa xăm nào đó. Giữa lúc tôi toan hỏi ông già vài điều thì ông già đã ngoái đầu lại.
- Chuyện cụ Lì dài lắm. Mỗi người kể một cách, chỉ giống nhau mỗi điều là cụ Lì dang hai tay trước cây lim này và bị một thằng chặt cánh tay. Mấy thằng cháu nghe tôi kể cứ bảo, làm gì có chuyện người bị đứt cánh tay mà vẫn đứng được, cứ như truyện cổ tích. Anh thấy thế nào? Rõ là mấy đứa cháu ngu. Cụ Lì không phải là người mà là thánh thần đấy. Có phải thế không? - Ông già bỗng nghiêng người về tôi thì thầm như sợ ai nghe thấy - Cây lim đây không phải cây bình thường đâu, là cây thần đấy. Mười mấy năm về trước có một số người ở nơi khác đến, lợi dụng lúc đêm hôm mưa bão đã lén lút mang máy cưa tới để hạ cây này nhưng mới chỉ giơ lưỡi cưa đã bị ngã sấp ngã ngửa phải bỏ về. Có người bị trời đày, ốm hàng tháng trời, phát điên phát dở. Từ ấy chả ai dám bén mảng tới chỗ này. Rõ đúng là cây thần. Chúng tôi bảo, cây này là mộc thần. Anh có biết mộc thần là gì không?
Tôi chưa kịp trả lời đã nghe tiếng ai đó gọi mình cùng với nói cười ồn ã ở phía sau. Những người trong đoàn tôi đã đi từ khu rừng lim trở ra. Chả biết có chuyện gì mà họ vui vẻ, huyên náo đến thế. Tôi đứng dậy đón họ. Khi quay vào định trò chuyện thêm với ông già đã thấy ông ở trong đền đang lúi húi làm việc gì đó. Rõ lâu mới thấy ông già lặng lẽ đi ra.