Có thể nếu viết ra những lời này, bạn sẽ cho rằng có chút gì đó kỳ lạ, tuy nhiên, mỗi khi bài tiết, tôi luôn cảm giác sâu sắc rằng, “Được là con người, quả thực rất tuyệt.” Sau khi ăn xong, cơ thể sẽ hấp thu chất dinh dưỡng, sau đó chậm rãi tiêu hóa, những thứ còn lại cuối cùng sẽ trở thành phân và được bài tiết tự nhiên ra ngoài cơ thể. Ngay cả mồ hôi và ghét bẩn cũng vậy. Thứ gọi là cơ thể của con người chính là một tổ hợp có chức năng tự động dọn dẹp và thải ra bên ngoài những thứ dư thừa. Hoạt động đó, trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày hai mươi tư giờ, từng giây từng phút hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Tuyệt đối chẳng thể không cảm tạ.
Thông thường, khi còn nhỏ, chúng ta sẽ được cha mẹ dạy về cuộc sống, nhưng sau đó, hầu như không hề được dạy về nghi thức trong nhà vệ sinh. Đương nhiên, mỗi người chúng ta cũng không có cơ hội để nhìn thấy cách làm của người khác, vậy nên hầu như tất cả mọi người đều đang bài tiết theo cách làm của riêng bản thân mình, với một lối suy nghĩ có thể chưa được thấu đáo và toàn vẹn.
Tuy nhiên, tại thiền viện, hành vi bài tiết được thực hiện với ý thức rất cao.
Như tôi đã giới thiệu ở những phần trước, nhà vệ sinh còn được gọi là “Đông tư”, đó được coi là nơi Minh Vương Ucchusma làm lễ rửa tội. Nhà vệ sinh được Minh Vương vô cùng coi trọng. Vì nhà vệ sinh là một nơi được Minh Vương coi trọng đến vậy nên các nhà sư cũng quy định nghi thức thực hiện tại đó vô cùng chi tiết và nghiêm ngặt.
Đầu tiên, trước khi sử dụng nhà vệ sinh, đặt chiếc xô đã được đổ nước vào vị trí quy định từ trước, đứng hướng về phía bồn cầu (bồn cầu truyền thống kiểu Nhật Bản), tay trái chống vào hông, sau đó dùng ngón tay trỏ của tay phải búng tay (tanji).
Búng tay tức là động tác dùng ngón tay trỏ bật mạnh vào ngón tay cái, tạo thành âm thanh tách tách. Động tác đó được thực hiện ba lần trước và sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Nó vừa mang ý nghĩa thay thế cho động tác gõ cửa, tạo ra thành tiếng, vừa có tác dụng thanh tẩy những ô uế sau khi đã đi vệ sinh xong.
Đối với việc làm sạch hậu môn, về quy tắc cũng không được phép dùng giấy vệ sinh mà phải sử dụng lượng nước còn trong xô. Lấy nước trong xô, rửa bằng tay trái. Đây cũng là cách làm giống với nghi thức được thực hiện ở Ấn Độ cho đến tận bây giờ.
Nhà vệ sinh – khoảng không gian bằng một căn phòng đơn, với các tăng lữ, đó là nơi duy nhất để họ có thể một mình thở phào nhẹ nhõm, tâm trạng cũng trở nên mềm dẻo và thả lỏng.
Tuy nhiên, chính bởi nhà vệ sinh là nơi tiến hành “bài tiết” – thứ gần với bản năng của con người, vậy nên đó là nơi để bạn thanh tịnh cơ thể, khiến tâm hồn trở nên trong sạch.
Ngay cả ở những gia đình bình thường, hãy cùng tôi tiến hành bài tiết thật cẩn thận và nhã nhặn để có thể loại bỏ những cặn bẩn tích tụ bên trong cơ thể. Đồng thời, tôi hy vọng bạn sẽ luôn ghi nhớ sử dụng nhà vệ sinh thật sạch sẽ, bởi vốn dĩ đó là nơi thường xuyên được vệ sinh tỉ mỉ và cẩn thận. Để rồi cuối cùng, tất cả thành viên của gia đình có thể trải qua quãng thời gian bên trong nhà vệ sinh với tâm trạng nhẹ nhàng và thoải mái.
Về bài tiết
Bài tiết là một trong những hành vi gần nhất với bản năng của con người.
Hãy giữ lấy tâm trạng nghiêm túc, tiến hành thật cẩn trọng.
Đương nhiên, khi sử dụng nhà vệ sinh, đừng quên lưu tâm tới những người sẽ sử dụng sau mình bằng cách thực hiện những hành động như sắp xếp dép đi trong nhà cho thẳng thớm hay xếp giấy vệ sinh cho gọn gàng.