Các nhà sư đang sinh hoạt cuộc sống tu hành ngủ và thức trong một khoảng không gian nhỏ hẹp đến ngạc nhiên.
Các nhà sư sẽ được phân cho khoảng không gian là một tấm chiếu tatami (loại chiếu truyền thống của Nhật) đặt trong tăng đường, tất cả mọi hoạt động như tọa thiền, dùng bữa hay ngủ nghỉ đều diễn ra trong không gian đó.
Bản thân tôi, một nhà sư thuộc phái Tịnh độ chân tông, đã từng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt tập thể tại một ngôi chùa ở Kyoto, Nhật Bản.
Ngoài những dụng cụ tối thiểu cần thiết cho cuộc sống như đồ dùng để ghi chép, quần áo lót, tuyệt đối không được phép mang vào chùa dụng cụ nào khác.
Chúng tôi sinh hoạt tại một căn phòng trải chiếu tatami đủ chỗ cho khoảng mười người, cùng yên lặng làm những công việc hằng ngày đã được quy định sẵn như sáng sớm thức dậy trước khi bình minh tới, tụng kinh, dọn dẹp… Một lối sống không có khe hở cho những tạp niệm len lỏi.
Thực ra, cách sinh hoạt không mang đồ vật là một thói quen khiến tâm trạng con người cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu.
Cao tăng Nhất Biến (1234 – 1289), vị tổ sư của Thời tông (một nhánh của Tịnh độ Phật giáo), sau khi bước ra khỏi chùa đi du ngoạn, đã tiếp tục chuyến du hành của mình cho tới khi qua đời mà không mang theo vật gì cả. Ngài đã không ở tại một địa điểm cố định duy nhất. Thông qua cách sống “không mang đồ vật,” không phụ thuộc vào những đồ vật có bên người, ta có thể sống một cuộc đời với cảm giác tự do xuyên suốt cả tâm hồn.
Khi sống một cuộc sống có nếp sinh hoạt của một nhà sư tự do, nhẹ nhõm và thảnh thơi khi không mang theo đồ vật, tôi đã nhận ra một điều, đó là, con người chỉ giữ tại trong tay mình những “đồ vật tốt.” Những tặng phẩm tuyệt vời được sinh ra do công sức và bàn tay khéo léo của không chỉ một con người, những tặng phẩm chứa đựng sự tận tụy của tâm hồn, những vật như thế sẽ ở lại bên ta cho đến thời khắc cuối cùng.
Khi gặp được đồ vật tốt, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của việc coi trọng đồ vật. Những ý nghĩ mà bạn đặt vào trong đồ vật đó xuất phát từ lời kêu gọi của trái tim, rằng hãy dang tay giúp đỡ mọi người.
Một trái tim biết trân trọng đồ vật chắc chắn sẽ không được nuôi dưỡng nếu như không thể gặp gỡ những vật mà bạn mong muốn được coi trọng chúng.
Nếu như bị bao quanh bởi toàn những vật khiến bạn nghĩ rằng nó hỏng lúc nào cũng được, chắc chắn bạn sẽ chẳng tài nào hiểu được ý nghĩa của việc coi trọng đồ vật.
Nếu gia đình có trẻ em, vì bọn trẻ, người lớn hãy hạn chế tối thiểu những đồ vật đặt trong nhà. Từ đó, tôi muốn bạn chọn lựa cẩn thận những đồ vật tốt, đương nhiên với số lượng giới hạn thôi. Ví dụ như, những đứa trẻ mà ngay từ khi còn nhỏ đã được dạy về việc trân trọng dụng cụ dùng bữa sơn mài, chắc chắn cảm giác quý trọng đồ vật trong chúng sẽ được ươm mầm và lớn lên.
Khi mua đồ, hãy cân nhắc kỹ lưỡng từng thứ một, chỉ chọn ra những vật thật sự cần thiết, những vật khiến ta cảm thấy thoải mái khi chung sống với nó. Nếu có thể làm được như vậy, chắc chắn dọn dẹp sẽ là quãng thời gian rất thú vị. Những đồ vật mà cần tới bàn tay tỉ mỉ của con người, hẳn là sẽ mang trong nó những giá trị nhất định. Tuy nhiên, những đồ vật tốt, chắc chắn sẽ có tuổi thọ lâu dài.
Vô nhất vật trung vô tận táng. Nếu có thể đạt tới cảnh giới không mang theo, cũng chẳng phụ thuộc vào đồ vật, chắc chắn một thế giới đang bị hạn chế sẽ mở rộng ra trước mắt bạn. Đó chính là lời dạy về không gian trong Phật giáo.