Ở PHẦN LỚN VẤN ĐỀ, TA KHÔNG THỂ TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC VÌ HẦU HẾT MỌI NGƯỜI KHÔNG ĐÁNG ĐỂ TA TÔN TRỌNG.
– DONALD TRUMP
Nhìn nghiêng, trông Donald Trump chẳng khác gì một con gà trống mặc bộ lễ phục Tuxedo, đó là hình ảnh của ông trong mắt những khán giả truyền hình tối hôm đó. Dáng đứng đã qua huấn luyện ở trường quân đội, thẳng và vững chãi. Đôi mắt ông nheo lại, tập trung vào kẻ thách thức ở phía xa. Mái tóc vàng bóng mượt từ phía trước trán kéo ra sau cổ huyền thoại ấy khiến cho người ta hình dung đến chiếc mào gà Rhode đỏ(1). Với gà trống, dấu hiệu này có mục đích vừa để thu hút sự chú ý của con mái vừa để cảnh cáo kẻ địch. Còn với Trump, người đang ngồi giữa đám đông ngưỡng mộ lẫn những kẻ gièm pha tại tiệc Báo chí Nhà Trắng, mái tóc ấy lại thu hút ống kính truyền hình chộp được phản ứng của Trump trước những nhạo báng công khai dồn dập ập vào ông từ cả nghệ sĩ hài Seth Meyers lẫn tổng thống Hoa Kỳ, và chúng được ngụy trang trên danh nghĩa nhằm mục đích giải trí.
(1) Gà Rhode đỏ (Rhode Island Red): Giống gà thịt có nguồn gốc từ New England, ở vùng Rhode Island. Gà có thân hình vuông vức, dáng đẹp cân đối, ức rộng và sâu, lườn dài và thẳng. Được chọn làm quốc điểu của Rhode Island. (ND)
Dấu hiệu duy nhất cho thấy Trump đang khó chịu là khi Meyers chế giễu ông suốt hai phút rưỡi đồng hồ. Khi mọi người cười đùa và rướn người lên để nhìn Trump, ông ném một ánh mắt chết người về phía Seth Meyers. Khuôn mặt ấy vẫn giữ nguyên hướng, không nét cử động, nhìn trừng trừng, kể cả khi những người ngồi cùng bàn tiệc với ông cũng không tài nào cưỡng nổi trận cười. Meyers đã tiết lộ lý do của sự chế nhạo này khi nhắc đến một cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng chỉ có 38% người dân Mỹ dám chắc tổng thống của mình được sinh ra tại Hoa Kỳ. Do Hiến pháp quy định tổng thống là người phải được sinh ra trong nước, nên việc xoáy sâu vào vấn đề này - hiện đang bị những kẻ theo thuyết âm mưu khai thác - là một nỗ lực trắng trợn nhằm phác họa Obama như một “kẻ ngoại cuộc” với quyền đứng đầu Nhà Trắng là bất hợp pháp.
Với những nỗ lực lâu dài, miệt mài cổ súy thuyết “chủ nghĩa nguồn gốc(2)” này, Trump đã tự biến mình thành đích ngắm cho những ai tin rằng câu chuyện đó thực sự gây chia rẽ, tiêu cực, và có lẽ là một dạng ngầm ý phân biệt chủng tộc. Trump phản đối chỉ trích này, nhất quyết cho rằng mình không hề có thành kiến và rằng chỉ đang đặt ra những câu hỏi quan trọng. Ông nói, “Nếu nói đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những người phân biệt chủng tộc, tôi mới là người ít phân biệt nhất trên trái đất này”.
(2) Chủ nghĩa nguồn gốc (birtherism): Thuyết âm mưu cho rằng nơi sinh quán của Tổng thống không phải ở Mỹ và vì vậy chức vị Tổng thống của Obama là không hợp pháp. (ND)
Khi đến lượt mình phát biểu trước các phóng viên Nhà Trắng và các vị khách mời, Tổng thống đã thẳng thắn đối mặt với những người nghi ngờ sinh quán của mình, nhưng với sự dí dỏm tuyệt vời, thậm chí ông còn giới thiệu một đoạn clip mượn từ bộ phim hoạt hình Vua Sư Tử như là “đoạn phim chào đời chính thức của tôi”. Sau đấy Obama nêu đích danh Trump, khen ngợi tài lãnh đạo mà ông đã thể hiện khi giữ vai trò người dẫn chương trình truyền hình thực tế cũng như khi đưa ra “những kiểu quyết định khiến tôi trăn trở về đêm”. Obama cũng không quên nói thêm, với vấn đề sinh quán đã được giải quyết, Trump có thể “quay trở lại tập trung vào những vấn đề thực sự quan trọng – chẳng hạn như, có phải chúng ta đã giả mạo vụ đặt chân lên Mặt Trăng không?”.
Đứng trước một người phê bình ở địa vị cao hơn mình, Trump không thể hiện ánh mắt chết người như trước. Thay vào đó, ông chầm chậm nâng khóe miệng, rất nhẹ nhàng, càng hằn sâu thêm vết chân chim quanh đôi mắt. Sau đó ông vẫy chào vị Tổng thống. Trump có thể chịu được lời đùa cợt đó. Rồi ông gắng tỏ vẻ bình thản và cất tiếng như thể việc giành được sự chú ý từ Tổng thống là một thành tựu: “Thực ra tôi lấy làm hân hạnh vì được đối xử như vậy. Họ đã dành cho tôi sự tôn trọng lớn. Họ cười đùa và chế giễu, nhưng tôi lại là chủ đề của câu chuyện và điều đó có lẽ cũng không quá tệ”.
Bằng cách này hay cách khác, Donald Trump đã là chủ đề bàn tán trên đất nước Hoa Kỳ suốt gần bốn mươi năm nay. Không một ai trong giới kinh doanh – kể cả Bill Gates, Steve Jobs, hoặc Warren Buffett – nổi tiếng như Trump trong khoảng thời gian dài đến vậy. Thời gian đầu khi mà tên tuổi Trump được gắn liền với việc phát triển những khu bất động sản cao cấp ở Manhattan những năm 1970, việc nhắc đến tên ông cũng đồng nghĩa với việc nhắc đến thành công được quy bởi sự xa hoa và giàu có. Cái tên TRUMP (thường được viết in hoa, mạ vàng) gắn trên các tòa nhà cao ốc, các sòng bạc, những chiếc máy bay dân dụng thương mại đã trở thành một thương hiệu cá nhân đích thực, tạo cho ông mối liên hệ với một danh sách dài vô tận các hàng hóa, dịch vụ. Và rồi cái tên đó sẽ được gắn trên các phòng khách sạn, đồ nội thất, cà vạt, thịt; và gần như trên tất cả những gì có thể bán được như những món đồ chất lượng cao, đắt đỏ và đẳng cấp.
Kiểu đẳng cấp mà Trump tìm cách thể hiện được định nghĩa không phải bằng địa vị xã hội, mà bằng tiền bạc. Sốt sắng làm hài lòng những tay nhà giàu mới nổi và những kẻ tham vọng, ông gạt đi những kẻ thuộc cái mà ông gọi là “hội con nhà đại gia” đồng thời tránh né sự thật rằng bản thân ông được sinh ra trong gia đình thuộc hàng giàu có nhất nước Mỹ. Trump thể hiện mình là người bạn giàu có của mọi nhà, tránh xa giới thượng lưu, trừ khi việc đó hữu ích cho việc bán những căn hộ đắt đỏ của ông. Những khi ấy, ông lột bỏ vai trò phản đối những kẻ trưởng giả học làm sang và sẵn sàng nhắc đến các danh gia vọng tộc Astor, Whitney, Vanderbilt, và nhiều người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt khác của thời kỳ vàng son đã qua. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng Trump chỉ tung hô những cái tên này vì lợi ích thương mại và rằng trái tim của ông vẫn luôn hướng về con người ở vùng Trung Mỹ. Đó là những người đã dõi theo ông trên truyền hình, mua sản phẩm của ông, và thậm chí bỏ phiếu cho ông nếu một ngày ông băng rào và thực sự tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Hiện nay, theo số liệu tốt nhất hiện có, 96% dân Mỹ đều biết đến cái tên Donald Trump, nhưng hầu hết đều không ưa ông. Henry Schafer của công ty đánh giá giới nghệ sĩ bằng hệ thống xếp hạng Q Score đã gọi Trump là “nhân vật được cho là nổi tiếng mà ai nhìn cũng thấy ghét”. Năm 2014, cuộc khảo sát ở Thành phố New York, quê nhà của Trump cho thấy có đến 61% số người bỏ phiếu không ủng hộ ông. Các diễn viên hài coi ông là mục tiêu vô cùng hấp dẫn. Jon Stewart, từng là người dẫn chương trình The Daily Show (Tạm dịch: Giải trí mỗi ngày ), một chương trình tin tức châm biếm, thường lấy Trump làm chủ đề châm chọc, gọi ông bằng đủ cái tên giễu nhại, chẳng hạn như Fuckface von Clownstick. Người dẫn chương trình truyền hình và nghệ sĩ hài Bill Maher đã đưa ra một đề nghị nổi tiếng là sẽ tặng Trump 5 triệu đô la nếu ông chứng minh được mình không phải là “con của mẹ ông với người rừng”.
Mức độ những lời bình luận của Stewart và Maher nói lên nhiều điều về sự ác ý ở thế hệ chúng ta. Khó mà tưởng tượng nổi chuyện Mark Twain yêu cầu dùng những tiếng bíp kiểm duyệt đi kèm với những lời cường điệu của Stewart. Tất nhiên, có lẽ Twain chưa bao giờ gặp một ai giống như Trump. Hung hăng một cách phấn khởi, Trump tìm kiếm mọi cơ hội để tấn công và sau đó lao vào cuộc vật lộn với kẻ được cho là kẻ thù không biết trời đất là gì. Khi Stewart giễu Trump là kẻ côn đồ bồng bột, Trump đáp lại với phong cách đậm chất cá nhân rằng, “Nếu hắn ta đặc biệt đến vậy và là con nhà đàng hoàng thì tại sao hắn phải đổi cái tên Jonathan Liebowitz? Hắn ta nên tự hào vì những gì mình được kế thừa mới phải! Jon Stewart của The Daily Show là kẻ hoàn toàn giả dối. Hắn ta nên coi trọng quá khứ của mình, chứ không phải chạy trốn nó”. Sau lời bình luận của Maher, Trump đệ đơn kiện 5 triệu đô la. Mặc dù sau cùng ông cũng từ bỏ vụ kiện, nhưng chỉ riêng việc đệ hồ sơ lên cũng đã đòi hỏi đến sự xem xét từ tòa án, với một khoản chi phí của người nộp thuế, và một luật sư bào chữa cho Maher.
Thậm chí kể cả khi xuất hiện trước những kẻ chỉ trích, những quan điểm và tính cách “đe dọa” của ông trở nên đặc biệt nổi tiếng với những người tin rằng ông đại diện cho những lý tưởng quan trọng, đặc biệt là lời hứa kiểu Mỹ về một thành công được tượng trưng bởi sự giàu có. Hình ảnh của ông lại càng được khuếch trương hơn khi ông dẫn chương trình trò chơi truyền hình – The Apprentice (Tạm dịch: Nhân viên tập s ự) – và liên tục có mặt trên trang xã hội Twitter, nơi hàng triệu người theo dõi những bình luận của ông và rất nhiều người trong số đó tha thiết thúc giục ông tham gia cuộc chạy đua tranh vào Nhà Trắng.
Vẫn tính cách luôn khiêu khích như thế, Trump thu hút sự chú ý bằng cách bày tỏ những suy nghĩ thô mộc, không hề gọt giũa, thay vì những suy tư đa sắc thái. Theo tính toán của ông, sự trung thực đến từ một phần trái tim sẵn sàng tung ra những lời lăng mạ và chia thế giới thành bạn và thù. Như người phụ trách chuyên mục tám chuyện kỳ cựu Liz Smith nhận thấy, Trump thường bị chế ngự bởi đứa trẻ thiếu thốn trú ngụ trong tâm hồn mình, và ông thà thu hút sự chú ý tiêu cực còn hơn là bị phớt lờ. Đương nhiên, Trump quả thật thu được lợi nhuận tài chính khi để phần con người này trong mình được tự do hành động, ông có rất ít sự kiên nhẫn cho những suy tư hay phân tích. Ông chỉ đơn giản ngoan cố tiếp tục, thách thức khoa học bằng những chỉ trích về việc miễn dịch cho trẻ em và đả phá những dữ kiện về biến đổi khí hậu.
Trump chối bỏ những sự thật hiển nhiên mà người khác chấp nhận và đẩy lùi giới hạn của khuôn phép lễ nghi trong suốt cuộc đời dài và hiếu động thái quá của mình. Dù ở nhà bố mẹ, ở trường học hay ở giới kinh doanh và chính trị, ông vẫn không ngừng khẳng định sự vượt trội hơn người của mình mà không chút mảy may nghi ngờ điều đó. Có lẽ chẳng có gì mãnh liệt hơn sự thèm khát của ông với của cải, danh vọng và quyền lực. Và cũng chính sự khao khát này đã khiến ông phải chịu biết bao mỉa mai nhạo báng và nhiều thất bại to lớn trong kinh doanh, để rồi tiếp tục quay lại thu nhận nhiều hơn. Quả thật, khoảng thời gian sau sự bẽ mặt ở bữa tiệc báo chí, Trump đã ấp ủ một tham vọng cho chiến dịch tranh cử vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ – một chiến dịch thực sự chứ không phải một phi vụ làm ăn bóng bẩy khác – để từ đó có thể tuyên bố mình đã đạt được thành tựu vĩ đại nhất một người có thể làm trong thế kỷ XXI.
Chiến dịch ứng cử của Trump được lên kế hoạch và xây dựng cho năm 2016, khi ông thông báo chính thức về chiến dịch của mình trong một bài phát biểu trước những người có thiện chí và cánh nhà báo tập trung trong sảnh tòa tháp chọc trời Trump Tower ở Manhattan. Bài diễn thuyết mở màn chiến dịch độc đáo nhất trong lịch sử các kỳ bầu cử – đặc biệt là lời phát biểu của ông về việc Mexico đang “cử” tội phạm vượt qua biên giới nước Mỹ – sẽ nhanh chóng đưa Trump lên vị trí tốp đầu Đảng Cộng hòa. Trong nhiều tuần tiếp sau đó, Trump thẳng thắn xúc phạm những kẻ chỉ trích mình và chặn đứng các đối thủ khi thu hút sự chú ý của cả nước bằng những tuyên bố giật gân này đến những tuyên bố giật gân khác. Trong khi vài người Đảng Cộng hòa suy đoán rằng Trump là người mà Đảng Dân chủ gài vào, nhiều người theo chủ nghĩa tự do lại nói rằng sự nổi tiếng của Trump phản ánh nỗi sợ hãi vô lý của Đảng Cộng hòa (GOP(3)). Ai cũng phải đồng ý rằng sức mạnh và hiệu quả của Trump trong việc phá vỡ nguyên trạng vấn đề thật đáng kinh ngạc. Dường như, Trump không có đối thủ trong khả năng nắm bắt và duy trì được sự chú ý của công chúng nước Mỹ.
(3) GOP (Grand Old Party): Tên gọi khác của Đảng Cộng hòa. (ND)
Mặc dù Donald Trump có vẻ như một gương mặt hoàn toàn hiện đại, có một không hai, song thực ra ông xuất thân từ truyền thống lâu đời của đất nước này, vùng đất của những con người cực kỳ thành đạt, giàu có nhưng gai góc, như Alexis de Tocqueville đã công nhận vào năm 1831, khi viết rằng, “Niềm đam mê tiền bạc chính là động cơ chính yếu hoặc thứ yếu đằng sau những gì mà người dân nước Mỹ làm”. Vào cuối thế kỷ XIX, những người giàu có ở Mỹ trở nên giàu có tới mức quyền lực và ảnh hưởng của họ ngang ngửa với tầng lớp quý tộc ở châu Âu. Nhờ sự phát triển của báo chí phát hành đại chúng, những người giàu có bậc nhất trở thành một chủ đề vô cùng hấp dẫn khi các tờ báo đầy ắp với những bài viết về việc đến và đi của những Carnegies, Rockefellers, Goulds và những người mà gia tài của họ phô bày sự xa xỉ. (Cũng bởi thế mà Mark Twain đã gọi giai đoạn này là “Thời kỳ vàng son”). J. P. Morgan thích những chiếc thuyền buồm càng lớn càng tốt, mỗi chiếc được đặt tên Corsair và sơn một màu đen uy lực, như cách để khoe khoang khối tài sản không ngừng tăng lên của ông. Nhà Vanderbilt cũng sở hữu nhiều thuyền buồm, nhưng họ được biết đến nhiều hơn với việc sở hữu những ngôi nhà. Năm 1883, họ làm chấn động cả nước Mỹ với ngôi nhà lớn nhất từng được xây dựng ở thành phố New York. Gia đình này còn sở hữu một cơ ngơi mang phong cách Cottage (phong cách đồng quê) bảy mươi phòng ở vùng Newport mang tên The Breakers, và ngôi nhà Biltmore Estate ở Bắc Carolina, với hơn 220 hai phòng.
Những con người giàu có của Thời kỳ vàng son hiểu rằng mặc dù người dân đất nước này yêu tiền, song họ vẫn coi sự thừa mứa của xã hội thượng lưu là ngoại lai và đáng ngờ. Wilbur Fisk Crafts, một nhà văn nổi tiếng ở thời đại này, đã diễn tả, “Còn gì không giống Mỹ hơn cái mà chúng ta vẫn gọi là ‘xã hội’ với những quy tắc của tầng lớp quý tộc được du nhập từ Paris và London vào New York và rồi sau đó lan tỏa đến tất cả những thành phố khác trên vùng đất của chúng ta?”. Để tách bản thân ra khỏi cách nhìn này, những người đàn ông giàu có muốn đảm bảo công chúng nhìn thấy những buổi dạ hội và khiêu vũ mà họ tham gia là để chiều lòng các bà vợ và những cô con gái. Trong tiểu sử cũng như các bình luận trước công chúng, họ gắn bản thân mình với những đức tính như chăm chỉ và quyết đoán. Andrew Carnegie đưa ra lời khuyên rằng thành công phụ thuộc vào động lực nhiều hơn là vào tài năng. John D. Rockefeller, người sáng lập công ty Standard Oil, lại khuyên rằng nên tập trung vào “đúng một mục đích duy nhất”.
Tương tự, những người đứng đầu ngành công nghiệp và tài chính coi nhẹ tầm quan trọng của việc theo đuổi tri thức và giáo dục. Với một người đàn ông, nếu có thể, thì học xong đại học là đủ rồi, nhưng đó cũng chẳng phải là điều cần thiết. Sau khi anh ta hoàn thành việc học, điều tốt nhất nên làm là trò chuyện, bàn bạc về những điều thực tiễn, bỏ lại thế giới sách vở và nghệ thuật cho những kẻ không thể chịu nổi sự ồn ào náo nhiệt của thương trường. Tới đầu thế kỷ XX, khi mà Elbert Hubbard sáng tạo nên cụm từ “trường học của cứng gõ”, những trải nghiệm và lẽ thường tình hàng ngày được chấp nhận rộng rãi là ngang hàng với việc học từ sách vở, nếu không muốn nói là được coi trọng hơn. Niềm tin này củng cố cảm thức về sự bình đẳng của người dân Mỹ cũng như ý niệm ngày càng trở nên phổ biến hơn rằng việc tích lũy tài sản giúp đem đến thành công trong cuộc đời.
Cuối cùng thì, kỷ nguyên thịnh vượng đầu tiên của nước Mỹ dẫn đến sự ra đời của vô số cuốn sách dạy cách kiếm tiền. Năm 1914, giáo sĩ/tác giả William Woodbridge đặt ra một câu hỏi trăn trở: “Ở tốp 10 người đứng đầu có điều gì mà 10.000 người xếp dưới lại không có?”. Cuốn sách của ông, That Something (Tạm dịch: Thứ đó), xoay quanh cuộc gặp gỡ hư cấu giữa một người ăn xin và một chuyên gia tài chính, vị chuyên gia này đưa tấm danh thiếp của mình cho người ăn xin và nói rằng “Thứ anh cần không phải là đồ ăn mà là 'thứ đó' - thứ mà tất cả những người thành công đều có”. Được truyền cảm hứng, người ăn xin trẻ hiểu ra giá trị của “Niềm tin, Sự tự tin, Sức mạnh, Tham vọng…” và cuối cùng
là sức mạnh ý chí của bản thân anh ta – đó chính là “lá bùa may mắn của thành công”. Woodbridge viết rằng, chính sức mạnh ý chí của tinh thần là lý do tại sao một số ít người được sinh ra để cưỡi “trên mồ hôi công sức của người khác” như người cưỡi trên lưng ngựa. Một cuốn sách cùng thể loại này là Letters from a Self-Made Merchant to His Son (Tạm dịch: Thư gửi con trai của một lái buôn tự lập ) của tác giả John Graham, một thương lái heo tại Chicago, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính cách và vẻ bề ngoài, ông giải thích, “việc khiến người khác nghĩ con tốt đẹp là con đã thành công hai phần ba rồi”.
Khi đám đông cố gắng tìm cách suy đoán những bí quyết của thành công – sức mạnh ý chí ư? tính cách? niềm tin? hay sự tự tin? – một vài người ở đỉnh cao bắt đầu tin rằng thành công hoặc là được thần thánh ban cho hoặc thuộc về vấn đề phẩm hạnh hơn người. John D. Rockefeller đã từng tuyên bố, “Chúa trời đã ban cho tôi tiền bạc”. Khi được hỏi về đế chế của mình, vốn được xây dựng qua hoạt động thao túng cổ phiếu, J. P. Morgan nói gốc rễ của sự thành công của mình là từ “tính cách”.
***
Thời kỳ vàng son thứ nhất bắt đầu chao đảo với đủ những cuộc suy thoái và hoảng loạn, rồi cuối cùng chấm dứt ở năm thứ sáu mươi lăm, sau cú sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Từ đống đổ nát của cuộc Đại khủng hoảng(4)xảy ra sau đó, các hệ thống tài chính an toàn hơn, nhiều khoản thuế lũy tiến hơn và cả hệ thống an sinh xã hội đã ra đời. Những thập kỷ sau, tầng lớp trung lưu phát triển với một tốc độ chưa từng thấy. Năm 1946, một kỷ nguyên thịnh vượng mới bắt đầu ló dạng, và đây cũng là năm Donald Trump chào đời. (Điều này khiến ông thuộc nhóm nền tảng của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh(5)). Thế chiến II kết thúc, các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp với Mỹ nằm trong đống hoang tàn đổ nát và hơn mười triệu quân nhân trở về nhà tiếp tục cuộc sống thường ngày. Khi thị trường xuất khẩu khát khao hàng hóa và nhu cầu nội địa đối với hàng tiêu dùng tiện lợi bùng nổ, một thời kỳ vàng son bắt đầu. Nhu cầu nhà ở cho hàng triệu gia đình mới cũng xuất hiện khi những người lính trở về quê hương, và những chủ đầu tư xây dựng như bố của Trump, Fred, trở nên giàu có nhờ cung cấp nhà ở. Bằng những cách thức làm ăn khôn ngoan, nhạy bén và một quyết tâm tuyệt đối, Fred trở nên giàu có với tài sản ước tính 100 triệu đô la vào năm 1975, khi ông bước sang tuổi 70.
(4) Đại khủng hoảng (The Great Depression) (1929-1933): Thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 24/10/1929. Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Hoa Kỳ và nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu và mọi nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển. Đây là cuộc khủng hoảng có quy mô lớn nhất và có mức độ trầm trọng nhất của thế giới tư bản chủ nghĩa. (ND)
(5) Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boom Generation): Thế hệ những người sinh ra trong những năm sau Thế chiến II (1946 – 1964). Vào khoảng thời gian này, tỷ lệ sinh ở các nước giàu tăng lên nhanh chóng. (ND)
Những năm vàng son thời hậu chiến, đã từng giúp những người như Fred Trump có thể kiếm sống nhờ những phép màu tài chính, được đánh dấu bằng một cấp độ bình đẳng chưa từng thấy khi mỗi nhóm thu nhập – cao, trung bình, và thu nhập thấp – chiếm một phần nhất định trong nền kinh tế đang phát triển và khoảng cách giữa các nhóm luôn duy trì sự ổn định đáng kể. Tình trạng đáng mừng này kéo dài cho tới cuộc suy thoái năm 1973 - 1975. Những năm trì trệ kinh tế và khủng hoảng lúc ấy đã hình thành nên phong trào chính trị bảo thủ quyết liệt sử dụng các biện pháp cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng. Trên lý thuyết, làn sóng thịnh vượng đổ vào một chút cũng sẽ giúp “nâng mọi con thuyền lên”, và từ đó sẽ cứu được cả tầng lớp trung lưu.
Với việc bầu chọn cho Ronald Reagan vào năm 1980, những kẻ bảo thủ cấp tiến cuối cùng cũng có được điều mà họ muốn. Washington bắt đầu cắt giảm thuế suất áp cho người giàu, nới lỏng quy định đối với các ngành công nghiệp và các định chế tài chính. Tất cả những điều này đều được thực hiện với danh nghĩa đem đến sự phát triển và công bằng cho người giàu. Để nhấn mạnh quan điểm này, David Stockman - Giám đốc ngân sách của Tổng thống Reagan, đã phát cho các thành viên nội các bản copy của cuốn sách ưa thích nhất của ông, Wealth and Poverty (Tạm dịch: Thịnh vượng và đói nghèo ) của tác giả George Gilder. Cuốn sách đề ra những nền tảng đạo đức của việc tích lũy khối tài sản lớn. Gilder khen ngợi giới doanh nhân và cay nghiệt chỉ trích những người nghèo, tuyên bố rằng, “những người nghèo khổ, mà hầu hết là người da trắng hơn là da đen, là những kẻ lười biếng, không chịu làm việc”. Khi đưa những ý tưởng nhiệt thành của Gilder vào các chính sách, chính quyền Tổng thống Reagan hướng tới các chương trình xã hội như cắt giảm thuế và tìm cách nới lỏng quy định cho các doanh nghiệp. Và Thời kỳ vàng son thứ hai của nước Mỹ đã bắt đầu như vậy.
***
Lúc đầu, gần như chẳng ai nhận thấy chuyện hệ trọng gì xảy ra. Vào đầu những năm 80, mối bận tâm chính yếu hàng ngày của người dân Mỹ là lạm phát hai con số và tỷ lệ thất nghiệp luôn đảo quanh mức 10%. Khi những mối đe dọa này dần lui, nhiều người cho rằng đó là nhờ các chính sách khuyến khích tăng trưởng tài sản, bất chấp vô số cuộc khủng hoảng tài chính mà hầu hết chúng đều liên quan tới việc đầu cơ và các quy định lỏng lẻo, “Thời kỳ vàng son thứ hai” vẫn chưa được công nhận cho tới tận năm 1990, khi Kevin Phillips xuất bản cuốn The Politics of Rich and Poor (tạm dịch: Chính trị của người giàu và người nghèo ). Phillips cho rằng nước Mỹ đã bị càn quét bởi “một cuộc cách mạng cực kỳ giàu có so với cuộc cách mạng cuối thế kỷ thứ XIX", và mặc dù ông dự đoán xu hướng này cuối cùng cũng sẽ chấm dứt, nhưng không đưa ra được thời gian cụ thể. Cho tới năm 2015, dự đoán của ông vẫn chưa xảy ra. Bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, những người ở tầng lớp trung lưu thực sự bị thất thoát thu nhập và nhóm 1% những người giàu nhất bắt đầu kiểm soát nhiều tài sản hơn 90% những người còn lại. Năm 2014, 500 người giàu nhất thế giới nắm giữ 4,4 ngàn tỷ đô la tài sản, cao hơn hoạt động kinh tế hàng năm của Ấn Độ (dân số 1,2 tỷ người) và Brazil (dân số 200 triệu người) gộp lại.
Cũng như trước kia, sự giàu có được thể hiện qua các biệt thự – chính xác là các “siêu biệt thự” – những bữa tiệc sang trọng, bao gồm cả buổi tiệc mừng sinh nhật 3 triệu đô la do nhà đầu tư Stephen Schwarzman tự tổ chức cho mình vào năm 2007. Một lần nữa, những du thuyền khổng lồ lại là biểu tượng cho sự thành công. Minh chứng hoàn hảo nhất là con thuyền Rising Sun bọc thép, được hạ thủy năm 2004. Chiếc thuyền này thuộc sở hữu của Larry Ellison và David Geffen, có 83 phòng, một bể bơi, và một khoang trượt cho tàu ngầm cá nhân. Du thuyền của Donald Trump thì ngược lại, là một con tàu chạy bằng hơi nước truyền thống khá khiêm tốn, với chiều dài chính xác là 300 foot (khoảng hơn 91 mét). Trump là người ưa thích du lịch xa hoa bằng máy bay riêng nên không dành nhiều thời gian trên con tàu Trump Princess. Thời nay, máy bay riêng mà những người giàu thường mua với mức ưu đãi thuế lớn, thu hút nhiều sự chú ý của công chúng hơn. Hiện tượng tắc nghẽn máy bay riêng tại sân bay gần các thị trấn nghỉ dưỡng như East Hampton, New York, Aspen, Colorado trở nên ngày càng phổ biến; các tỷ phú đua nhau vượt lên đối thủ bằng cách mua những chiếc máy bay nhanh hơn và xa hoa hơn nữa. Donald Trump khẳng định mình bằng chiếc máy bay Boeing 757 trị giá 100 triệu đô la. Vốn ban đầu được thiết kế cho dịch vụ hàng không, nên chiếc máy bay này có thể chở được hơn 200 hành khách, nhưng sau nó đã được trang bị chỉ để dành cho 43 người, với những ghế ngồi có thắt lưng an toàn với khóa mạ vàng.
Thường đậu ở sân bay LaGuardia tại một địa điểm dễ nhìn thấy như một tấm bảng quảng cáo, chiếc máy bay 757 của Trump như tuyên bố với cả thế giới rằng ông là một người thành đạt và giàu có. Gần như chẳng ai thèm tranh cãi với lời khẳng định rằng tiền bạc đồng nghĩa với thành công. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2006, ở Thời kỳ vàng son mới này, 81% sinh viên đại học năm nhất nói mục tiêu chính trong cuộc đời họ là trở nên giàu có, gần gấp đôi con số những người cùng quan niệm này vào những năm 1960. Cũng trong cùng cuộc khảo sát, hơn một nửa số sinh viên đó nói một trong những mục tiêu chính của họ là trở nên nổi tiếng. Chưa đến một phần ba trong số đó bày tỏ ý muốn “giúp những người cần sự giúp đỡ”.
Tài năng và sự thông minh được xem là cốt yếu trên con đường chinh phục thành công, nhưng cũng như trước đây, giáo dục đại học và những thứ nặng về tư duy được cho là có giá trị hạn chế. Hầu hết thành tựu được tạo nên bởi những doanh nhân và nhà phát minh bỏ học để rồi đạt được thành công vang dội. (Người sáng lập Microsoft Bill Gates là một trong số đó.) Những người đạt được cả danh tiếng lẫn sự giàu sang lại càng thu hút được nhiều chú ý hơn nữa. Cũng chẳng mấy ai đạt được cả hai mục tiêu như cách mà Donald Trump đã làm, theo nghĩa đen mà nói, là gương mặt tiêu biểu của thành công thời hiện đại.
Rất nhiều người có khối tài sản gấp nhiều lần Trump nhưng không được mấy người ngoài giới tỷ phú biết tới. Trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2014, Dan Duncan và Leonard Blavatnik đều xếp trên Trump hơn 50 bậc, nhưng dẫu họ có đi bộ trên bất kỳ đường phố nào của nước Mỹ thì cũng chẳng ai để ý và cũng chẳng bị ai quấy rầy. Còn Trump, ông không thể đi tới đâu mà không gây sự chú ý. Ấn tượng hơn cả là sự nổi tiếng của ông vẫn bền bỉ qua hơn bốn thập kỷ, qua những thành công, thất bại, sự xấu hổ và cả vinh quang. Bằng cách đẩy mình vào hết vấn đề này đến vấn đề khác, nói chuyện bằng một giọng cả gan không ai sánh bằng, ông đã khiến mình trở thành một trong những người được trích dẫn lời nhiều nhất thời đại. Những ngày đầu mới nổi, Trump thích thú sự đón nhận rộng rãi của công chúng khi mà cuộc thăm dò Gallup Mỹ cho thấy ông xếp thứ bảy trong danh sách những người đàn ông được ngưỡng mộ nhất thập niên 80, chỉ xếp sau Giáo hoàng, nhà chủ nghĩa dân tộc Lech Walesa người Ba Lan, và bốn vị tổng thống còn sống khác.
Mặc dù ông thường tìm cách dùng danh tiếng của mình gây ảnh hưởng tới những vấn đề chung của xã hội, Trump luôn khẳng định rằng tiếng tăm cũng có giá trị tiền bạc thực sự. Theo ông, cái tên Trump, cũng như cái tên Disney hay Ford, đều tăng thêm giá trị cho sản phẩm, dịch vụ và tài sản mà ông đưa ra thị trường. Thương hiệu cũng có giá trị tiền bạc. Theo bảng xếp hạng của Interbrand, Apple là thương hiệu giá trị nhất thế giới với giá trị ước tính khoảng 28 tỷ đô la trong năm 2013. Thương hiệu quần áo Gap chốt bảng xếp hạng ở mức 3,9 tỷ đô la (đứng thứ 100). Tên Trump không xuất hiện trên bảng công bố xếp hạng những cái tên giá trị nhất, nhưng trong bản lời khai năm 2010, ông đã tự đánh giá cái tên của mình có mức giá 3 tỷ đô la. Con số này có thể khiến cái tên Donald Trump trở thành hạng mục có giá trị nhất trong danh mục đầu tư của ông.
Trump nhấn mạnh rằng nếu thương hiệu này có đại diện cho bất cứ điều gì, thì đó chính là “sự xa hoa”. Tuy nhiên, ông ra sức tránh bị coi là quá thượng lưu để còn có thể thu hút công chúng. Chính sự nhạy bén, thứ giúp ông rất nhiều trong quãng thời gian phục vụ những con bạc ở thành phố Atlantic, có thể được tìm thấy nơi người bố của ông, Frederick – thường được gọi bằng cái tên “Fred” – một cựu sinh viên trường học của cứng gõ, người đã xây dựng cho mình một khoản gia tài lên tới hơn 100 triệu đô la bằng việc bán và cho thuê nhà cho tầng lớp lao động ở New York. Trump bố muốn các con mình có bằng đại học. Dẫu vậy, nhìn chung ông vẫn nghi ngờ những người trí thức và coi trọng sự làm việc chăm chỉ hơn bất cứ điều gì khác. Là con trai của một người như vậy, Donald Trump có sự hòa trộn tinh tế giữa các tư tưởng khiến ông không chỉ khoe khoang được bằng đại học Ivy League(6) của mình mà còn biết sử dụng những chiến lược bất chấp thủ đoạn của bố để chiến thắng mọi đối thủ.
(6) Ivy League: Nhóm tám trường đại học và viện đại học thành viên với ý nghĩa về hệ thống, triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo của những trường và viện đại học lâu đời và hàng đầu của nước Mỹ. (ND)
Dường như luôn trung thành với ý niệm truyền thông nào cũng đều là truyền thông tốt, Donald Trump dần thể hiện một tính cách gần như là bản ngã của mình, mọi lúc, và thực sự là biểu hiện cho một tinh thần thôi thúc kiểu Mỹ, với tham vọng vươn lên trở thành đế chế. Ông bay hết từ nơi này đến nơi khác trên trực thăng TRUMP, máy bay phản lực TRUMP, bày tỏ quan điểm về mọi thứ từ chính trị cho tới tình dục, và không ngừng tuyên bố bản thân mình vượt trội hơn người khác ở mọi khía cạnh. Ông thường xuyên nhắc rằng nhiều người đã khuyên ông chạy đua tranh chức tổng thống, và đôi khi, ông hành động như thể mình là một ứng cử viên thực sự. Trong khoảng thời gian vô cùng căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, ông thậm chí còn thể hiện với thế giới mình là nhà đàm phán hiệp ước vũ trang hạt nhân. Lý do ư? Một người đàn ông có thể chốt được những thương vụ bất động sản cao cấp thì cũng có thể đưa nước Mỹ và Liên Xô tới một thỏa thuận thống nhất.
Nếu hành động khôi hài một chút, Donald Trump có thể đã là P. T. Barnum(7) cho thời đại của mình, được yêu mến trên khắp thế giới bất kể những lời khoa trương, vì ai cũng thừa hiểu đó là lời nói đùa. Nhưng những người so sánh ông với ông bầu thế kỷ XIX này, người nổi tiếng hơn bất kỳ vị tổng thống nào cùng thời, đã bỏ sót vài điểm. Trump thường cười theo cách khiến ta nghĩ ông biết mình đang vô lý, nhưng ông thiếu sự đùa cợt rạng rỡ của Barnum. Thay vào đó ông thường có xu hướng hiếu chiến và đôi khi còn có phần ác ý. Ông kiện hoặc dọa đâm đơn kiện những ai xúc phạm tới mình, và tuyên bố một số phụ nữ thường chỉ trích ông là đáng khinh bỉ vì họ “thô kệch”, “béo” hoặc “xấu xí”. Ông từng gửi đến Gail Collins, nhà báo của tờ The New York Times một bài báo của bà với bức ảnh khuôn mặt bà bị khoanh tròn và dòng chữ nguệch ngoạc bên cạnh: “Mặt cẩu!” (The face of a Dog!).
(7) P. T. Barnum (1810-1891): Ban đầu là một doanh nhân kiêm ông bầu các rạp xiếc. Sau này ông được bầu vào Nghị viện bang Connecticut. Trên cương vị của một nghị sĩ, ông nổi tiếng với việc ủng hộ bãi bộ chế độ nô lệ cũng như lên án chế độ phân biệt chủng tộc. (ND)
Khi được hỏi về những hành động kiểu này, Trump bào chữa như một thằng bé trong một trận đánh lộn, kêu ca rằng gã kia là người ra tay trước. Và về điều này ông thường đúng. Các nghệ sĩ hài, chính trị gia, và nhiều người khác đã luôn chế giễu, châm chọc ông về tất cả mọi thứ, từ cái tôi của ông cho tới mái tóc vàng sáng mượt quá mức. Nhưng cái cách luôn ăn miếng trả miếng của ông cho thấy sự nhanh nhạy phi thường của một người đã quá quen với những cuộc khẩu chiến. Là người từng nói coi tiền bạc như một cách “giữ điểm” trong đời, ông thấy cực kỳ khó chịu bởi những ai ám chỉ rằng ông không giàu có đến thế. Gail Collins nhận được mẩu báo “mặt cẩu” sau khi gọi ông là “gã trọc phú khốn quẫn tiền bạc”. Khi nhà văn Timothy L. O’Brien xuất bản cuốn sách trích dẫn nguồn không nêu tên ước tính giá trị tài sản ròng của Trump dưới 250 triệu đô la, ông kiện tác giả và nhà xuất bản với khoản đòi bồi thường thiệt hại 5 triệu đô la. Mức độ nổi tiếng của Trump khiến ông khó lòng thắng kiện bởi với tư cách là “người của công chúng”, luật pháp coi ông là đối tượng theo đuổi chính đáng của bất kỳ tác giả nào. Tòa bác đơn kiện của Trump sau khi kết luận ông không thể đưa ra đầy đủ bằng chứng cho thấy O’Brien biết nguồn thông tin của mình sai hoặc có những nghi ngờ nghiêm trọng về tính đúng đắn của nguồn tin. Tuy nhiên, chỉ riêng đệ đơn khiếu nại pháp lý đã là một đòn trừng phạt về mặt tài chính và, có lẽ cũng cả về mặt tinh thần cho bên chống đối, và những kết quả này gần như đã làm Trump hài lòng. Ông vẫn thích giành chiến thắng hơn, nhưng không nhất thiết phải vậy. Ông nói với tôi trong lúc bàn luận về thời trẻ của mình, “Tôi đã luôn thích chiến đấu, đủ các thể loại, kể cả đánh lộn tay chân”.
***
Điều gì đã tạo nên một người đàn ông khi mà tranh cãi với phụ nữ, đã hạ thấp phẩm giá chính mình để sỉ nhục vẻ bề ngoài của họ và vỗ ngực tự hào về quá khứ thích gây gổ của mình? Nếu như cũng chính con người ấy là một trong những người xuất sắc trên thế giới, và cũng là người hảo tâm bí mật từng cho một đứa trẻ sắp chết tấm séc trị giá 50.000 đô la để cậu bé có thể tận hưởng nốt những tháng ngày còn lại của đời mình? Thêm vào bức tranh đó là sự bền bỉ giúp ông liên tiếp vực dậy từ những thất bại và sự lạc quan vô hạn, và bạn sẽ có được một hình tượng đầy thuyết phục tới mức không thể bị gạt đi chỉ vì tính cách khoe khoang của ông.
Quả thật, chính vì tất cả những nét thái quá này mà Donald Trump trở thành người thích nghi hoàn hảo với thời đại của mình.
Đến tuổi trưởng thành ở thành phố New York trong “Me Decade” (Thập kỷ của tôi) của Tom Wolfe những năm 70, Trump tự xây dựng mình thành một trong những người tự quảng bá hiệu quả nhất trong một thành phố đầy những người như vậy. Vào những năm 80, khi nhân vật hư cấu Gordon Gekko tuyên bố “tham lam là tốt”, Trump mời giới báo chí, cũng có nghĩa là mời cả công chúng, tới xem và ghen tỵ với lối sống xa hoa mình đang tận hưởng nhờ sự theo đuổi lợi nhuận không ngừng nghỉ. Sau này, do gặp phải một vài vụ bê bối và rắc rối trong kinh doanh, ông dành những năm 90 để lên kế hoạch tái xuất giang hồ, điều mà hầu hết những người Mỹ thành đạt vẫn muốn làm. Về điểm này, ông có rất nhiều điểm chung với những người đáng chú ý khác, kể cả những người truyền bá Phúc âm bị ruồng bỏ, người buôn trái phiếu bị kết án Michael Milken, và cả vị tổng thống bị luận tội Bill Clinton. Trong những năm 90, những người đàn ông này đã chứng tỏ rằng danh tiếng có thể giúp một người vượt qua bất kỳ sự thất sủng nào.
Trong quãng đời trưởng thành của mình, Trump vẫn luôn duy trì việc kinh doanh bất động sản, nhưng đồng thời cũng nhúng vào nhiều lĩnh vực khác từ thể thao cho tới các cuộc thi sắc đẹp. Một yếu tố nhất quán trong tất cả quyền lợi này là giá trị ông đặt vào truyền thông mà ông theo đuổi với kỹ năng của một người hiểu rằng nổi tiếng là sức mạnh, phóng viên thường quá lười biếng với những dữ kiện, và hình ảnh có thể thắng cả sự thật. Ông chuyển từ việc cung cấp những câu nói, bài phỏng vấn cho báo chí sang việc kể chuyện về cuộc đời của mình trong Trump: Nghệ thuật đàm phán, xuất bản năm 1987, cuốn sách ông đồng tác giả với một nhà văn chuyên nghiệp khác.
Sau cuốn sách đầu tiên này, hơn một tá cuốn sách khác do Trump viết đã ra đời. Mỗi cuốn đều phát triển ý niệm rằng ông là một người xuất sắc và thành công. Gương mặt ông xuất hiện trên mỗi bìa sách, các giá sách trong hàng nghìn cửa hàng và quầy báo ở sân bay khắp nước Mỹ. Nhưng sự đón nhận mà những cuốn sách tạo ra vẫn mờ nhạt so với sự chú ý ông nhận được vì những tham vọng chính trị vượt cấp bang. Mặc dù nhiều nhà quan sát chính trị bài bác những khát vọng này của Trump, song sự hứng thú của ông với lĩnh vực này đã tạo ra thông tin truyền thông giá trị. Chính trị cũng chuẩn bị cho Trump vai diễn lớn nhất trong đời mình – tự đóng vai trong một chương trình truyền hình mang tên The Apprentice.
Được công chiếu vào năm 2004, chương trình này được xếp vào loại truyền hình thực tế, thu hút lượng người xem khổng lồ. Chương trình được thể hiện dưới dạng một cuộc thi giữa hai đội để cuối cùng một người chiến thắng duy nhất sẽ được chọn ra, người này sẽ giành được cơ hội làm việc với Trump. Điểm nhấn ở mỗi một tập là khoảnh khắc Trump tuyên bố, “Bạn bị sa thải!” và một hoặc nhiều người chơi phải rời bỏ cuộc đấu. Quả là một thành công lớn, The Apprentice trở thành chương trình top 10 trong mùa giải đầu tiên, thu hút gần 30 triệu người xem vào đêm diễn cuối cùng trong chặng hành trình của giải. Câu nói nổi tiếng “Bạn bị sa thải!” của Trump trở thành một hiện tượng tới mức một công ty đồ chơi đã phát triển và bán một loại búp bê mặc bộ com-lê xanh, cà vạt đỏ, thốt ra câu nói này với một nút bấm.
The Apprentice bổ sung cụm từ “ngôi sao truyền hình” vào bản lý lịch làm việc dài của Trump và cuối cùng xác nhận thêm một điều, rằng ông cũng là một người làm giải trí chẳng kém gì một người làm kinh doanh. Chương trình này đã thể hiện sự nắm bắt tài tình của ông đối với văn hóa đại chúng và giá trị của sự nổi tiếng. Nó còn giúp một thế hệ mới người dân Mỹ biết đến ông. Trump dần trở thành đại diện cho sự giàu có hòa lẫn với sự thô tục và chủ nghĩa khoái lạc vốn chân thật một cách thú vị. Giống như nhân vật đội mũ cao Rich Uncle Pennybags (Chú túi tiền giàu có) trong trò chơi Cờ tỷ phú, hình tượng Trump thường được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng báo hiệu một bản tin liên quan tới tiền bạc, của cải hay sự xa hoa. Từ Trump trở nên đồng nghĩa với thành công không lay chuyển và sự tự quảng bá quá đà. Nói một người là “Donald Trump” thế này hoặc thế kia, điều mà khá thường xuyên xảy ra, có nghĩa là một lời ca ngợi hoặc cũng có thể là một lời chế giễu. Đến năm 2014, Trump có một sự không ổn định về tâm lý. Ở ông người ta có thể thấy những ví dụ cực đoan của tham vọng, ám ảnh, hung hăng và bất an. Ông còn phơi bày những tính cách khác: sự sáng tạo, sức mạnh và thẳng tính. Đồng sự trong giới kinh doanh nói về ông như một người đáng tôn trọng và nhất quán, mặc dù đôi khi bị chỉ trích vì chậm thanh toán (nhưng ai chưa từng chứ?). Ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ, cấp dưới miêu tả ông là một người đòi hỏi khắt khe nhưng rất rộng rãi với các khoản tiền lương và phúc lợi. Trong khoảng thời gian làm việc với ông, tôi thấy ông là một người nhanh trí, hài hước và cuốn hút. Lời lẽ tuôn ra từ ông giống như nước chảy từ đầu vòi, thậm chí kể cả khi những câu chuyện đó đã được nói hàng thập kỷ nay rồi.
Trump từ chối ý niệm rằng ông không bận tâm đến những điều kẻ khác nghĩ về mình. Nhưng rất nhiều mối thù và những cuộc va chạm đã cho thấy ông để ý rất nhiều đến việc mình được đón nhận thế nào, được đánh giá là một người chiến thắng hay kẻ thất bại, đẹp trai hay xấu xí, mạnh hay yếu. Mặc dù ông nói mình được thúc đẩy bởi cảm giác kích thích trong cạnh tranh, tố chất “bắt nạt” bên trong con người ông là dấu hiệu cho thấy còn một điều gì khác nữa đã thúc đẩy ông lấn át cả đối thủ, nâng vượt tỷ số của mình và gạt bỏ những kẻ dám đối đầu với ông.
Trong văn phòng tít trên tầng hai mươi sáu, Trump càu nhàu về việc chẳng nghi ngờ gì nữa cuốn này sẽ trở thành “một cuốn sách tệ”, nghĩa là nó thất bại trong việc truyền tải câu chuyện về ông như một ví dụ thiên tài kinh doanh. Ông nói, “Người ta muốn được truyền cảm hứng, người ta muốn nâng tầm vóc. Nếu anh cho người ta những thứ đó, anh sẽ có cuốn sách bán chạy nhất”. Nhưng một cuốn “sách hay” lại tùy thuộc ở con mắt của người đọc, và Donald Trump có lẽ là người không đủ tiêu chuẩn nhất để đánh giá một cuốn sách viết về mình. Dẫu vậy, ý thức của ông về những điều công chúng muốn, có lẽ chẳng ai trong thời đại của chúng ta có thể bì kịp. Đã hàng thập kỷ nay, chưa có ai khăng khăng đòi hỏi sự chú ý của cả đất nước như người đàn ông này. Trump bắt đầu mỗi ngày với một xấp giấy miêu tả chi tiết địa điểm và tần suất tên ông được đề cập trong báo chí toàn cầu. Thường có quá nhiều bài báo để ông có thể thực sự đọc hết, nhưng trọng lượng của chúng mang đến cho cái tôi nhạy cảm của ông tầm quan trọng của bản thân. Nhu cầu này cần được chú ý, và nỗ lực của ông để thỏa mãn nhu cầu đó, đã khiến ông trở thành một nhân vật đáng xem xét kỹ.
Ai là người đã định hình nên con người ông những năm đầu đời và ai là người đã giúp đỡ ông trong những năm trưởng thành? Những giá trị nào đã dẫn dắt ông qua sự phát triển chuyên môn cũng như cá nhân con người mình? Phải chăng Donald Trump là một sản phẩm của thời đại, được bồi tiếp bởi những làn sóng văn hóa và kinh tế của chúng ta? Và Trump – qua sức mạnh của những con người khác nhau trong ông – doanh nhân, người chỉ trích chính trị, người làm giải trí – đã ảnh hưởng tới xã hội của chúng ta nhiều tới mức nào? Vì rằng ông đã trở thành sự thay thế cho những lý tưởng và quan điểm, nên khi nghiên cứu cuộc đời Trump, tôi muốn hiểu về ông như hiểu một tư tưởng. Điều này có ý nghĩa gì khi mà người đàn ông phi thường này, người vừa được ngưỡng mộ lại vừa bị mắng chửi, cũng cùng là một doanh nhân được biết đến nhiều nhất trong thời đại của chúng ta? Làm cách nào ông vừa có thể xúc phạm nhiều người đến vậy và vẫn tiếp tục thu về mình nhiều sự chú ý đến thế? Và kể cả những kẻ thù của ông, có phải cũng thấy khó mà phớt lờ được ông không?