V
ào lúc mười một giờ trưa, Amelia Sachs đứng giữa một bãi đất nhếch nhác bẩn thỉu ở khu Brooklyn. Cố kìm nén không trào nước mắt, cô đờ đẫn nhìn đăm đăm vào cái đống trước mặt.
Người phụ nữ đã từng bị bắn, từng phải nổ súng giết người trong khi thực thi nhiệm vụ, đã từng khăng khăng đề nghị để được tham gia vào các chiến dịch giải cứu con tin đầy nguy hiểm, giờ đây dường như tê dại vì buồn phiền.
Không ngừng bước tới bước lui, ngón tay trỏ bấm mạnh vào ngón cái, hai móng tay tỳ sát vào nhau, cho tới khi một đốm máu nhỏ xuất hiện. Cô đưa mắt nhìn xuống những ngón tay của mình. Nhìn thấy màu đỏ của máu nhưng không dừng phản ứng vô thức của mình lại. Cô không thể.
Phải, họ đã tìm thấy chiếc Chevrolet Camaro SS đời 1969 yêu quý của cô.
Nhưng có vẻ như cảnh sát đã không biết rằng chiếc xe đã bị đem bán sắt vụn, chứ không chỉ đơn thuần bị tịch thu vì không trả tiền vay. Cô và Pam đang đứng trong bãi giữ xe bị tịch thu, một nơi có thể dùng làm bối cảnh cho một bộ phim của Scorsese1 hay cho series The Sopranos, một bãi phế thải sặc sụa mùi dầu cũ và khói từ một lò đốt rác. Một bầy chim ồn ào lượn lờ gần đó, những con kền kền trắng bệch. Cô chỉ muốn rút súng ra bắn cả băng đạn lên trời để chúng phải phát hoảng bay đi tứ tán.
1 Tức Martin Scorsese là một đạo diễn, nhà sản xuất phim của điện ảnh Mỹ.
Một đống kim loại bị ép lại thành khối hình chữ nhật là tất cả những gì còn lại của chiếc xe vốn đã gắn bó với cô từ tuổi vị thành niên. Chiếc xe là một trong ba di sản quan trọng nhất bố cô để lại cho cô, cùng với cá tính mạnh mẽ và tình yêu dành cho nghề cảnh sát của ông.
“Tôi đã nhận được mọi giấy tờ. Tất cả đều hợp lệ.” Người phụ trách bãi hủy xe ái ngại chìa ra những tờ giấy đã biến chiếc xe của cô thành một mớ sắt vụn, không còn hình hài nữa.
“Bán tái chế” là cách diễn đạt chính thức, còn thực tế có nghĩa là bán một chiếc xe nhằm tận dụng những phụ tùng còn tận dụng được, những gì còn lại sẽ biến thành sắt phế liệu. Một việc thật ngớ ngẩn, hiển nhiên rồi; bạn sẽ chẳng kiếm được xu nào từ việc bán linh kiện của một chiếc xe thể thao cũ đã bốn mươi năm tuổi từ bãi bán phụ tùng xe hơi đủ mọi nguồn gốc ở khu Nam Bronx. Nhưng cô cũng đã hiểu quá rõ một điều từ cuộc điều tra này, khi một chiếc máy tính của một cơ quan chức năng ra chỉ thị, bạn sẽ làm như bạn được yêu cầu.
“Tôi rất xin lỗi, thưa cô.”
“Chị ấy là một sĩ quan cảnh sát”, Pam Willoughby gằn giọng nói. “Một thám tử.”
“Ồ”, anh ta thốt lên, thầm nghĩ đến những rắc rối có thể phát sinh từ tình thế hiện tại và cảm thấy không khoái chúng cho lắm. “Rất tiếc, thưa thám tử.”
Dù vậy, anh ta vẫn có những giấy tờ hợp lệ làm lá chắn. Anh ta cũng chẳng hề lấy làm tiếc như lời nói. Anh ta đứng cạnh hai chị em trong vài phút, nhấp nhổm đổi từ chân này sang chân kia, rồi lững thững bỏ đi.
Cảm giác đau đớn đang vò xé nội tâm cô lúc này còn tồi tệ hơn nhiều vết bầm mà viên đạn chín milimet bắn vào bụng cô đã gây ra tối hôm trước.
“Chị ổn chứ?”, Pam hỏi.
“Không hẳn.”
“Ý em là, chị không bực mình nhiều chứ?”
Không, không hề, Sachs thầm nghĩ. Nhưng chị đang bực mình đây.
Cô bé quấn những lọn tóc nhuộm đỏ quanh các ngón tay mình, có lẽ là bản sao lại hành động bồn chồn vô thức của Sachs. Cô đưa mắt nhìn một lần nữa về phía khối kim loại xấu xí, một chiều chừng chín mươi phân, chiều kia chừng mét hai, nằm lọt thỏm giữa những khối kim loại khác.
Những kỷ niệm đột ngột ùa về. Bố và Amelia, lúc đó còn là một cô gái vị thành niên, cùng nhau trải qua những buổi chiều thứ Bảy trong ga ra chật chội của gia đình, bận rộn kiểm tra bộ chế hòa khí hay bộ ly hợp. Hai bố con cùng nhau trốn ra sau nhà vì hai lý do - để tận hưởng niềm vui cùng nhau chia sẻ đam mê cơ khí và cũng để thoát khỏi thành viên thứ ba luôn khó đăm đăm của gia đình: mẹ Sachs.
“Các khe hở phải không?”, ông hỏi, tìm cách thử thách cô.
“Là bugi1 ạ”, cô bé Amelia đã trả lời.
1 Công cụ dùng đánh lửa cho động cơ.
“Tốt lắm, Amie.”
Sachs nhớ lại một dịp khác - một cuộc gặp diễn ra vào năm thứ nhất của cô ở đại học. Cô và một cậu con trai tự xưng tên là C.T. đã gặp nhau trong một quán ăn nhanh ở Brooklyn. Mỗi người đều ngạc nhiên về chiếc xe của người kia. Sachs trong chiếc Camaro - lúc đó còn sơn màu vàng với những vạch đen làm điểm nhấn - còn anh chàng kia ngự trên một chiếc Honda 850.
Những chiếc bánh mì kẹp và những cốc soda nhanh chóng biến mất, vì chỉ cách nơi họ ngồi ăn vài dặm là một đường băng bỏ hoang và một cuộc đua là không thể tránh khỏi.
Anh chàng kia đã vọt lên khỏi vạch xuất phát trước, cũng không lạ nếu tính đến chuyện cô đang ở bên trong một chiếc xe nặng một tấn rưỡi, nhưng đống kim loại nặng nề này của cô đã bắt kịp cậu ta chỉ sau chưa đến nửa dặm, cậu ta lái xe khá thận trọng còn cô thì không và cô luôn đánh lái gấp khiến xe rê đi mỗi khi vào cua và luôn dẫn trước cho tới khi về đích.
Rồi đến lần lái xe đáng nhớ nhất trong đời cô: Sau khi họ cùng nhau kết thúc vụ án đầu tiên, Lincoln Rhyme, hầu như hoàn toàn tê liệt, ngồi trong xe bên cạnh cô, các cửa xe đều được hạ xuống. Cô áp tay anh lên cần số trong khi sang số và vẫn nhớ anh đã hét lớn lên trong tiếng động của chiếc xe đang lao nhanh, “Anh nghĩ anh có thể cảm nhận được. Anh có thể!”.
Và giờ chiếc xe đã ra đi mãi mãi.
Rất tiếc, thưa cô...
Pam bước xuống bờ dốc.
“Em đi đâu thế?”
“Cô không nên xuống đó, cô gái.” Người chủ bãi xe, đứng bên ngoài ngôi nhà tạm bợ được dùng làm văn phòng, đang vẫy tập giấy như thể đánh tín hiệu cảnh cáo.
“Pam!”
Nhưng không tài nào ngăn được cô bé. Cô bé trèo đến tận chỗ khối kim loại và chui đầu vào trong. Cô loay hoay kéo hết sức và lấy ra thứ gì đó, rồi quay trở lại chỗ Sachs.
“Cầm lấy, Amelia.” Đó là chiếc nút bấm còi với biểu tượng của Chevrolet.
Sachs cảm thấy nước mắt đang chực trào ra nhưng vẫn gắng sức kìm lại. “Cảm ơn em, cô bé yêu quý. Đi thôi. Rời khỏi đây thôi.”
Hai chị em lái xe quay lại khu Thượng West Side và dừng lại ăn kem cho hạ hỏa, Sachs đã thu xếp để Pam được nghỉ học cả ngày. Cô không muốn cô bé ở quá gần Stuart Everett và cô gái hoàn toàn tán thành quyết định này.
Sachs tự hỏi liệu anh chàng giáo viên có chấp nhận câu trả lời không hay không. Nghĩ tới những bộ phim kinh dị rẻ tiền kiểu như Scream và Friday the 13th mà cô và Pam thỉnh thoảng vẫn xem lúc tối muộn, khi được tiếp thêm can đảm nhờ những chiếc bánh Dorito và bơ lạc, Sachs biết những anh chàng bạn trai lớn tuổi, cũng giống như những tên sát nhân trong các bộ phim kinh dị, đôi lúc cũng có khả năng từ cõi chết trở về.
Pam đã hoàn tất chiếc kem của mình và khoan khoái xoa bụng. “Đúng thứ em cần.” Rồi cô bé thở dài, “Sao em lại có thể ngốc thế được chứ?”.
Tình yêu khiến chúng ta trở nên kỳ quặc...
Trong tiếng cười có vẻ người lớn kỳ lạ sau đó của cô bé, Amelia Sachs tin cô đã nghe thấy âm hưởng cuối cùng khép lại mối tình trẻ con đó.
Họ rời khỏi cửa hàng Baskin-Robbins và cùng nhau đi bộ về căn nhà của Rhyme, nằm cách đó vài tòa nhà, vừa đi vừa lên kế hoạch về một buổi tối đi chơi giữa các cô gái với nhau, cùng một người bạn nữa của Sachs, một nữ cảnh sát cô đã quen biết nhiều năm. Cô hỏi cô bé, “Xem phim hay kịch?”.
“Ồ, một vở kịch... Amelia, khi nào một vở kịch ’ngoài Broadway1’ trở thành một vở kịch ‘ngoài-ngoài Broadway2’?”
1 Off-Broadway play: Thuật ngữ chỉ những vở kịch trình diễn tại các nhà hát nằm trên địa bàn thành phố New York và có từ một trăm đến năm trăm chỗ ngỗi, không nằm trong danh sách khoảng bốn mươi nhà hát lớn có trên năm trăm chỗ ngồi, những nhà hát này còn được gọi chung là các "Broadway theater".
2 Off-off-Broadway play: Ám chỉ những vở kịch được diễn tại các nhà hát nhỏ có sức chứa dưới một trăm chỗ ngồi (nhỏ hơn các nhà hát "Off-Broadway").
“Một câu hỏi hay đấy. Chúng ta sẽ thử tìm trên Google xem sao.”
“Và tại sao họ lại gọi chúng là những vở kịch Broadway trong khi chẳng hề có nhà hát nào ở Broadway cả?”
“Đúng đấy. Đáng ra chúng phải là những vở kịch ‘gần Broadway’. Hay những vở kịch ‘ngay góc đường từ Broadway rẽ ra’.”
Hai người bước đi dọc theo con phố nhánh chạy theo hướng đông - tây, lại gần Công viên Trung tâm. Sachs đột nhiên để ý tới sự có mặt của một người đi đường gần đó. Ai đó đang băng qua đường phía sau lưng họ, đi theo cùng hướng, như thể đang bám theo hai người.
Cô không hề cảm thấy cảnh giác, coi linh cảm bất an vừa thoáng qua như một dư âm hoang tưởng còn lại từ vụ Năm Hai Hai.
Thư giãn đi. Tên sát nhân đã chết, đã biến mất mãi mãi.
Cô chẳng buồn bận tâm ngoái lại nhìn.
Nhưng Pam thì có.
Và kêu thét lên hoảng hốt, “Chính là hắn, Amelia!”.
“Ai?”
“Kẻ đã đột nhập vào nhà chị. Chính là hắn!”
Sachs quay phắt lại. Người đàn ông trong chiếc áo khoác màu xanh và chiếc mũ cầu thủ bóng chày. Anh ta tiến rất nhanh lại chỗ hai người.
Cô đưa tay lần xuống hông, tìm khẩu súng của mình.
Song nó không có ở đó.
Không, không, không...
Vì Peter Gordon đã bắn bằng khẩu súng đó, khẩu Glock lúc này trở thành một bằng chứng cũng như con dao cạo đều đang nằm tại trụ sở Đội Điều tra Hiện trường tại Queens. Cô vẫn chưa có thời gian vào thành phố xin các giấy tờ cần thiết để được cấp vũ khí thay thế.
Lúc này Sachs chợt lạnh người nhận ra người đàn ông. Anh ta chính là Calvin Geddes, người đứng đầu Privacy Now. Cô không hiểu chuyện này có ý nghĩa gì, thầm tự hỏi liệu họ có nhầm không. Chẳng lẽ Geddes và Năm Hai Hai đã cùng nhau thực hiện những vụ giết người?
Lúc này anh ta chỉ còn cách họ vài mét. Sachs chẳng thể làm gì ngoài việc bước tới đứng chắn giữa Geddes và Pam. Cô siết chặt hai nắm tay lại khi người đàn ông bước lại gần và thò tay vào trong túi áo khoác.