Hãy thư giãn, yên lặng và lắng nghe – chăm chú lắng nghe câu chuyện ngắn về bốn nàng công chúa sống trong một cung điện nguy nga, tráng lệ ở một vùng đất xa xôi. Họ là những thiếu nữ rất hiếu kỳ, thế nên khi nghe nói có một cái cây đẹp tuyệt trần, họ đã ước ao được nhìn thấy nó. Nhưng đây không phải là một cây bình thường, đó là một cái cây rất kỳ diệu. Con có muốn biết nó kỳ diệu như thế nào không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem sao!
Nào, chúng ta bắt đầu câu chuyện... Các nàng công chúa đã được giáo dục rất chu đáo về mọi thứ trong vương quốc của họ – đặc biệt là về tất cả các loài động vật, các loài hoa và cây cỏ. Thậm chí trong cung điện còn có một sở thú riêng để nuôi những loài chim quý và những con vật lạ được nhập về từ các xứ lân cận. Bộ sưu tập về cây cối và hoa trong khu vườn của cung điện được cho là không có khu vườn nào có thể so sánh được. Vì thế, các công chúa đều rất ngạc nhiên khi tình cờ nghe người làm vườn đề cập đến một loài cây đặc biệt trong vườn của cung điện, tên là Cánh Phượng, mà họ chưa bao giờ biết đến. Các công chúa tò mò đến nỗi họ nhất quyết xem cho tận mắt loại cây quý hiếm này. Ngay hôm đó, sau giờ học, họ đi tìm người làm vườn và yêu cầu ông ta dẫn họ đi xem cây Cánh Phượng lạ lùng này.
“Tôi xin được hân hạnh, thưa các công chúa!” Người làm vườn nói. “Nhưng cây Cánh Phượng là một cây rất kỳ diệu – người ta chỉ có thể thấy nó đúng vào ngày sinh nhật của mình. Thời gian còn lại người ta không thể trông thấy nó được. Do thế, tôi chỉ có thể dẫn mỗi lần một công chúa đến xem nó, và các công chúa sẽ phải đợi cho đến ngày sinh nhật của mình.”
Các công chúa hẳn nhiên đồng ý và quyết định rằng, để cho hợp lý, công chúa lớn nhất sẽ được đi xem cây Cánh Phượng trước tiên.
Một buổi sáng mùa xuân ấm áp, tươi sáng của ngày sinh nhật công chúa lớn nhất, người làm vườn và công chúa lên đường tìm cây Cánh Phượng. Sau khi đi bộ một lát, họ đã đến rìa của khu rừng hoàng gia, nơi người làm vườn cho rằng cây ấy đã mọc lên. Công chúa nhìn thấy một cây cao, dáng thướt tha đứng một mình riêng lẻ, nhưng người làm vườn thì không thể trông thấy gì, vì vậy công chúa biết rằng đây quả thực là cây Cánh Phượng kỳ diệu. Công chúa cảm thấy bị mê hoặc bởi vẻ xinh đẹp lạ thường của cây này, những chiếc lá nhỏ màu xanh xòe ra như những viên ngọc bích lấp lánh làm cho cô vui sướng ngắm nhìn. Khi họ rời nơi đó, người làm vườn đã yêu cầu công chúa không được nói về những gì đã xảy ra để không làm mất đi tính kỳ diệu của cây đối với những công chúa khác.
Khi mùa xuân chuyển mình sang mùa hè, công chúa thứ hai tổ chức mừng sinh nhật và người làm vườn cũng dẫn cô đi tìm cây Cánh Phượng. Công chúa ngỡ ngàng khi nhìn thấy nó, xum xuê với những bông hoa màu đỏ thẫm, rực rỡ như những viên hồng ngọc. Cô ngây ngất với hương thơm tuyệt trần của loài hoa kỳ bí. Những bông hoa ấy khiến cô có cảm giác lâng lâng và ngập tràn hạnh phúc. Người làm vườn cũng yêu cầu cô không được nói gì về cây này cho đến khi tất cả các công chúa đều đã được nhìn thấy nó.
Những ngày hè nóng nực đã từ từ nhường bước cho mùa thu mát mẻ khi người làm vườn dẫn cô công chúa thứ ba đi xem cây Cánh Phượng đúng vào sinh nhật của cô. Công chúa tròn xoe đôi mắt khi thấy những cành cây trĩu nặng những quả ngọt ngào màu tím trông như những viên thạch anh tím khổng lồ. Cây Cánh Phượng kỳ diệu quyến rũ đến nỗi công chúa cảm thấy như nó đang chuyển đến cô lòng tốt và sự rộng lượng của nó. Một lần nữa, người làm vườn lại yêu cầu công chúa một điều duy nhất, giống như đã yêu cầu hai công chúa trước, là không được bàn luận gì cho đến khi cả bốn công chúa đều được nhìn thấy nó.
Sau hết, khi gió đông xua những chiếc lá thu vàng cuối cùng rời khỏi cây là lúc công chúa thứ tư, công chúa trẻ nhất, tổ chức mừng sinh nhật. Người làm vườn hôm đó cũng dẫn công chúa út đi thăm cây Cánh Phượng. Khác với ba cô chị, công chúa muốn được dẫn đi xem cây vào ban đêm, bởi cô muốn nhìn nó lộng lẫy dưới ánh trăng. Và quả đúng vậy, những nhánh cây màu bạc, ướt đẫm sương đêm, trông lấp lánh và lộng lẫy như thể chúng đang được bao phủ bởi những đường chỉ tơ bằng bạc đính đầy những hạt kim cương nhỏ li ti. Công chúa cảm thấy như cây Cánh Phượng kỳ diệu đang bao bọc lấy cô trong bầu không khí ấm áp và huyền diệu mà nó tạo ra.
Sau ngày công chúa trẻ nhất đi thăm cây Cánh Phượng, các công chúa đều đi cám ơn người làm vườn đã dẫn họ đi xem cây kỳ diệu này. Tất cả đều cảm thấy thoải mái vì, cuối cùng, họ đã có thể thảo luận về cây Cánh Phượng.
Công chúa thứ nhất nói: “Chị sẽ không bao giờ quên được cái cây tuyệt đẹp đó với những ngọn lá nhỏ lung linh như những hòn ngọc bích trong ánh nắng chiều.”
Công chúa lớn thứ hai nói lớn: “Nhưng chị ơi, chị đã lầm rồi, cây Cánh Phượng được bao phủ bởi những bông hoa to màu ngọc đỏ và hương thơm quyến rũ của chúng đã khiến em cảm thấy vô cùng hạnh phúc.”
“Ồ không phải vậy! Các chị nói không đúng!” Công chúa thứ ba khẳng định. “Cây Cánh Phượng trĩu nặng với những quả ngon ngọt, màu tím. Những quả này lấp lánh như những viên thạch anh tím khổng lồ.”
“Thưa các chị, em nghĩ các chị đã nhìn thấy những cây khác nhau!” Công chúa trẻ nhất lên tiếng. “Những nhánh của cây Cánh Phượng được bao phủ bởi những sợi tơ lấp lánh của sương đêm và sự huyền diệu của chúng đã làm em say mê.”
Vì các công chúa rất tế nhị nên không ai tranh cãi, họ chỉ ngạc nhiên là không biết có phải bốn người đã nhìn thấy bốn cây khác nhau hay không mà thôi.
Người làm vườn cười vui. “Các công chúa quý mến,” ông điềm tĩnh nói, “quả thực các công chúa đã xem cùng một cây Cánh Phượng và đã trải nghiệm sự thần kỳ của nó. Nhưng nó được khoác lên những màu sắc khác nhau tùy theo mùa sinh nhật của mỗi công chúa. Để hiểu rõ giá trị thực sự của cây, các công chúa cần đi xem cây Cánh Phượng ở vào cả bốn mùa – điều này dĩ nhiên là không thể bởi vì tính vô hình của nó!”
Các công chúa cười vang. Họ đã quên rằng ngày sinh nhật của mỗi người rơi vào một mùa khác nhau trong năm và cây Cánh Phượng hẳn nhiên có những thay đổi theo mùa. Không có gì lạ khi nó trông khác nhau trong chuyến thăm của mỗi người!
Các công chúa cũng đều nhận ra rằng cách duy nhất để họ có thể hiểu biết nhiều hơn về cây Cánh Phượng thần kỳ là họ phải lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, họ còn phải lắng nghe và học hỏi từ người khác nữa, những người đã có đủ may mắn để được tận mắt nhìn thấy nó.
Những gì chúng ta nhìn thấy lần đầu tiên có thể không cho chúng ta cái nhìn toàn bộ. Người khôn ngoan biết rằng để khám phá sự thật về bất cứ điều gì, họ phải học hỏi từ nhận xét của những người khác và của chính họ.