Chuyện xảy ra vào ngày cuối của cuộc đời Đức Phật trên trần gian. Một người nghèo khó mời ông ấy đến dùng bữa tại nhà mình. Đây là lệ thường: Đức Phật mở cửa mỗi sáng sớm và ai mời ông ấy trước tiên, ông sẽ chấp nhận lời mời cho ngày hôm đó. Ông sẽ đi đến ngôi nhà đó. Ông thường chỉ ăn một bữa mỗi ngày.
Một người nghèo hầu như không thể mời được ông ấy, đây là một chuyện tình cờ. Nhà vua đang trên đường đến mời ông ấy, nhưng trên đường, một tai nạn xảy ra và cỗ xe của ông ta bị hỏng, do đó ông ta bị chậm trễ. Ông ta đến đó chỉ trễ vài phút. Vào lúc đó, Đức Phật đã nhận lời mời của người đàn ông nghèo.
Nhà vua nói: “Ta biết người này. Ông ta đã cố gắng cả đời để mời thầy mỗi khi thầy đến thị trấn này.”
Đức Phật rất thích một vài nơi. Vaishali là một thành phố ông ưa thích. Trong 42 năm ở cương vị của một bậc thầy, ông ấy đã ghé thăm Vaishali ít nhất 40 lần, gần như năm nào cũng đến. Ông đã ở lại Vaishali ít nhất 12 mùa mưa, bởi vì vào mùa mưa, rất khó đi bộ.
Cho nên trong ba hoặc bốn tháng, ông ấy sẽ ở một chỗ và trong tám tháng, ông ấy sẽ đi lang thang.
Những nơi Đức Phật đã đến nằm trong vùng gọi là Bihar. Cái tên Bihar xuất phát từ sự di chuyển của Đức Phật và có nghĩa là “nơi một vị Phật du hành”. Ranh giới của khu vực này, nơi mà trong 40 năm ông liên tục du hành, xác định toàn bộ địa phận Bihar.
Nhà vua nói: “Ta biết người này, ta đã thấy ông ta nhiều lần. Ông ta luôn cố gắng... nhưng ông ta chẳng có gì để cúng tiến! Xin thầy hãy bỏ ý tưởng đi đến nhà ông ta.”
Nhưng Đức Phật nói: “Không được. Ta không thể từ chối lời mời. Ta phải đi.” Rồi ông đi. Và lần đi này trở thành định mệnh cho thân thể ông ấy, bởi vì ở Bihar, những người nghèo thu nhặt nấm, phơi khô và để dành cho cả mùa mưa. Họ sử dụng chúng như rau quả. Đôi khi nấm có độc. Và người đàn ông nghèo ấy đã chuẩn bị nấm cho Đức Phật. Ông ta chẳng có gì ngoài gạo và nấm.
Đức Phật nhìn những thứ người đàn ông dâng lên. Nếu nói không thì sẽ làm tổn thương người nghèo khó này, cho nên ông ấy ăn nấm. Chúng rất đắng, nhưng nói vậy sẽ làm tổn thương người đàn ông nghèo khổ, cho nên ông ấy ăn chúng mà không nói gì, rồi cảm ơn người đàn ông và rời đi. Ông ấy mất vì ngộ độc thức ăn.
Vào giây phút cuối cùng người ta hỏi ông: “Sao thầy lại chấp nhận? Thầy đã biết trước, nhà vua đã cảnh báo thầy, các đệ tử khác đã cảnh báo thầy rằng ông ta quá nghèo, ông ta sẽ không thể dâng lên thầy thực phẩm tốt. Và thầy đã lớn tuổi, 82 tuổi, thầy cần thức ăn lành mạnh. Nhưng thầy đã không nghe.”
Đức Phật nói: “Không thể được. Mỗi khi chân lí được mời thì nó phải chấp nhận. Và ông ấy đã mời ta với sự tha thiết và tình yêu mà chưa ai từng mời ta, nó đáng để ta mạo hiểm tính mạng.”
Câu chuyện này thật đẹp đẽ. Nó cũng đúng về chân lý tối thượng: Tất cả những gì chúng ta cần làm là một lời mời trọn vẹn, không giữ lại thậm chí một phần nhỏ của bản thể. Nếu chúng ta sẵn sàng, cởi mở, để đón nhận chủ nhà, chủ nhà sẽ tới. Không thể khác được.
Đây là quy luật của hiện hữu: Không thể chinh phục chân lý nhưng có thể mời gọi nó. Mỗi người phải là một chủ nhà mời gọi vị khách tối thượng. Tôi gọi đó là thiền; nó làm cho bạn sạch mọi rác rưởi, nó làm cho bạn trống rỗng đến độ bạn trở nên rộng rãi, nhạy cảm, mong manh, luôn chào đón và gọi mời. Tất cả những phẩm chất đó khiến bạn trở thành một lời mời nồng nhiệt, một lời mời cái không biết, một lời mời cái không thể gọi tên, một lời mời cái sẽ làm cuộc sống của bạn trọn vẹn, mà nếu thiếu nó thì cuộc sống chỉ là một bài tập hoàn toàn vô ích. Nhưng không thể làm gì hơn thế: Chỉ có thể đưa ra một lời mời và chờ đợi.
Tôi gọi đó là cầu nguyện: một lời mời và chờ đợi với một sự tin tưởng sâu sắc rằng nó sẽ xảy ra. Và nó xảy ra, nó luôn luôn xảy ra! Aes dhammo sanantano, Đức Phật nói – đây là quy luật tối thượng của hiện hữu.
Đây là quy luật của hiện hữu: Không thể chinh phục chân lý nhưng có thể mời gọi nó.
Ngày Đức Phật nhập diệt, vào buổi sáng, ông tập hợp tất cả đệ tử, tất cả sannyasin của mình, và bảo họ: “Ngày cuối cùng đã đến, con thuyền của ta đã cập bến và ta phải rời đi. Đây là một hành trình đẹp đẽ, một sự gắn bó đẹp đẽ. Nếu các vị có câu hỏi nào, các vị có thể hỏi, bởi vì ta sẽ không còn hữu hình đối với các vị nữa.”
Một sự im lặng vô cùng đổ xuống các đệ tử, một nỗi buồn tận tâm can. Rồi Đức Phật cười và nói: “Đừng buồn, bởi vì ta đã dạy đi dạy lại các vị điều đó, có khởi đầu thì có kết thúc. Bây giờ hãy để ta dạy các vị bằng cái chết của ta. Giống như ta đã dạy các vị qua cuộc đời ta, cũng hãy để ta dạy các vị qua cái chết của ta nữa.”
Không ai đủ can đảm để đặt câu hỏi nào. Cả đời họ đã hỏi hàng ngàn hàng ngàn câu hỏi, nhưng đây không phải khoảnh khắc để hỏi điều gì đó; họ không có tâm trạng nào, họ khóc lóc sụt sùi.
Thế rồi Đức Phật nói: “Tạm biệt. Nếu các vị không có câu hỏi nào thì ta khởi hành đây.” Ông ngồi nhắm mắt dưới tán cây và biến mất khỏi thân thể. Trong truyền thống Phật giáo, đây gọi là “sơ thiền” – biến mất khỏi thân thể. Nó nghĩa là không gắn mình với thân thể nữa, biết một cách toàn bộ và tuyệt đối: “Ta không phải là thân thể.”
Ông ấy không còn là một người, không còn là một hình dạng, không còn là một gợn sóng; ông ấy biến mất vào trong đại dương.
Một câu hỏi chắc chắn trỗi dậy trong tâm trí bạn: Đức Phật không biết điều đó từ trước sao? Ông có biết từ trước, nhưng thế thì một người như Đức Phật sẽ phải tạo ra vài phương tiện để chỉ một chút của ông ấy vẫn kết nối với thân thể. Nếu không, ông ấy lẽ ra đã chết từ lâu rồi, ông ấy lẽ ra đã chết từ 42 năm trước. Ngày mà sự chứng ngộ xảy ra, ông ấy lẽ ra đã chết. Bằng lòng trắc ẩn, ông tạo ra một khao khát, khao khát giúp mọi người. Đó là một khao khát, và nó giữ cho bạn gắn với thân thể. Ông ấy tạo ra một khao khát giúp đỡ mọi người. “Cái gì ta đã biết, ta phải chia sẻ.”
Nếu bạn muốn chia sẻ, bạn sẽ phải sử dụng tâm trí và cơ thể. Một phần nhỏ vẫn còn gắn với cơ thể. Giờ đây ông ấy cắt luôn cả phần nhỏ đó khỏi thân thể, ông ấy không còn gắn với thân thể nữa. Sơ thiền hoàn tất, thân thể bị bỏ lại.
Đến nhị thiền: Tâm trí bị vứt bỏ. Ông ấy đã vứt bỏ tâm trí từ lâu rồi; trong vai trò ông chủ thì nó đã bị vứt bỏ, nhưng trong vai trò một kẻ hầu thì nó vẫn được dùng. Bây giờ thậm chí không cần nó làm kẻ hầu nữa, nó bị vứt bỏ tuyệt đối, vứt bỏ hoàn toàn.
Rồi đến tam thiền: Ông ấy vứt bỏ trái tim mình. Nó vẫn có ích cho đến giờ, ông ấy đã hoạt động nhờ trái tim mình, nếu không thì đã không thể có lòng trắc ẩn. Ông ấy đã là trái tim; giờ đây, ông ấy dứt ra khỏi trái tim.
Khi ba cấp độ thiền này được hoàn tất, cấp độ thứ tư xảy đến. Ông ấy không còn là một người, không còn là một hình dạng, không còn là một gợn sóng; ông ấy biến mất vào trong đại dương. Ông ấy trở thành cái ông ấy đã luôn là, trở thành cái ông ấy đã biết 42 năm trước nhưng bằng cách nào đó đã trì hoãn để giúp mọi người.
Cái chết của ông ấy là một thực nghiệm phi thường trong thiền. Người ta nói rằng nhiều người chứng kiến ban đầu thấy thân thể không còn như cũ; điều gì đó xảy ra, sự sống đã biến mất khỏi thân thể. Thân thể ở đó, nhưng giống như một bức tượng. Những người mẫn cảm hơn, có tính thiền hơn, ngay lập tức thấy rằng giờ đây tâm trí đã bị vứt bỏ và không còn tâm trí bên trong. Những ai mẫn cảm hơn nữa có thể thấy rằng trái tim đã hoàn thành công việc. Và những ai đang đứng ở ven bờ của Phật tính, khi chứng kiến Đức Phật biến mất, cũng sẽ biến mất luôn.
Nhiều đệ tử chứng ngộ vào ngày Đức Phật tịch diệt, không hề ít, chỉ bằng cách chứng kiến ông ấy qua đời. Họ đã quan sát ông sống, họ đã thấy cuộc đời ông, nhưng bây giờ nó đến đỉnh cao, cực điểm. Họ thấy sự qua đời của ông như một cái chết đẹp đẽ với vẻ duyên dáng vô cùng, đầy ắp tính thiền... chứng kiến điều này, nhiều người đã thức tỉnh.