Một lần Đức Phật đi qua một khu rừng vào mùa thu. Khu rừng ngập đầy lá khô, và A Nan Đà, khi thấy ông một mình, đã nói với ông: “Tôi đã luôn muốn hỏi, nhưng trước những người khác tôi không dám. Hãy nói với tôi sự thật: Thầy đã nói cho chúng tôi mọi thứ thầy biết chưa hay thầy vẫn giữ lại một vài bí mật?”
Đức Phật nhặt một nắm lá dưới đất và nói với A Nan Đà: “Ta nói với các vị chỉ chừng này, bằng những chiếc lá mà ông thấy trên tay ta, nhưng những gì ta biết thì mênh mông như tất cả lá trong khu rừng rộng lớn này. Không phải ta muốn giữ lại, mà đơn giản là không thể nói hết! Thậm chí nói về một ít lá thôi cũng đã là một nỗ lực cam go, bởi vì nó vượt quá cái đầu của các vị. Các vị biết những ý nghĩ nhưng chưa bao giờ trải nghiệm vô niệm. Các vị biết các cảm xúc nhưng chưa bao giờ biết đến trạng thái mọi cảm xúc vắng mặt, như thể tất cả mây trên bầu trời đã tan biến.
Do đó, ta đang cố hết sức,” ông ấy nói, “nhưng nhiều hơn thế thì không thể truyền tải qua ngôn từ. Nếu ta có thể làm các vị hiểu được rằng cuộc sống phong phú hơn rất nhiều những gì ngôn từ có thể chứa đựng, nếu ta có thể thuyết phục các vị rằng còn rất nhiều điều tâm trí các vị không biết, thì thế là đủ. Thế thì hạt giống được gieo.”
Trong cả cuộc đời mình, Đức Phật không bao giờ cho phép mọi người ghi lại lời ông nói. Lý do là nếu bạn viết nó ra, sự chú ý của bạn bị chia rẽ. Bạn không còn chú tâm toàn bộ. Bạn phải lắng nghe và bạn phải viết, mà những gì ông nói thì tinh tế đến nỗi bạn sẽ bỏ lỡ nó trừ khi bạn chú tâm toàn bộ. Cho nên thay vì viết ra, hãy cố gắng toàn tâm toàn ý dồn mọi nỗ lực để đến gần trái tim mình, hãy để điều đó chìm vào trong bạn.
Ông ấy đã nói trong 42 năm. Sau khi ông qua đời, phận sự đầu tiên là viết lại những gì các đệ tử nhớ được, nếu không, nhân loại sẽ mất nó.
Họ đã làm một việc ích lợi lớn lao và cũng gây hại lớn lao. Họ ghi mọi thứ ra, nhưng họ nhận ra một hiện tượng kỳ lạ – mọi người đã nghe thấy những điều khác nhau. Ký ức của họ, trí nhớ của họ không giống nhau.
32 trường phái mọc lên, tuyên bố: “Đây là những gì Đức Phật đã nói.” Chỉ có một người, một người được nhớ mãi mãi, đệ tử thân cận nhất của Đức Phật, A Nan Đà, người thậm chí chưa chứng ngộ trước khi Đức Phật qua đời, với sự khiêm cung của mình, biết rằng: “Ta chưa chứng ngộ, sao ta có thể nghe chính xác những điều tới từ một tâm thức chứng ngộ? Ta đang diễn giải nó, ta đang trộn lẫn nó với những ý nghĩ của chính ta, ta đang cho nó màu sắc của chính ta, sắc thái của chính ta. Nó không thể đem vào trong ta cùng ý nghĩa nó đã mang, bởi vì ta không có cặp mắt đó để nhìn thấy và đôi tai đó để nghe được.” Bằng sự khiêm cung này, những điều ông ấy nhớ và chép lại trở thành những kinh sách căn bản của Phật giáo. Tất cả chúng đều bắt đầu với “Tôi đã nghe Đức Phật nói...”.
Tất cả 32 trường phái triết lý đều do những học giả vĩ đại lãnh đạo. Họ vĩ đại hơn A Nan Đà nhiều, có khả năng diễn giải, khả năng mang ý nghĩa vào mọi thứ, khả năng làm ra các hệ thống bằng ngôn từ xuất sắc hơn nhiều. 32 trường phái đó dần dần bị từ chối. Lý do họ bị từ chối là vì họ thiếu một sự thận trọng: “Tôi đã nghe...” Họ nói rằng: “Đức Phật đã nói...” và nhấn mạnh vào Đức Phật.
Phiên bản của A Nan Đà là phiên bản được chấp nhận rộng rãi. Kỳ lạ... có những người chứng ngộ nhưng họ vẫn giữ im lặng bởi vì những gì họ đã nghe không thể nào biểu hiện ra được. Còn có những người chưa chứng ngộ, những thiên tài triết lý, họ nói năng lưu loát và đã viết những chuyên luận vĩ đại, nhưng chúng không được chấp nhận. Và người chưa chứng ngộ, không phải một nhà triết học lớn, chỉ là người trông nom khiêm tốn của Đức Phật nhưng những lời của ông ấy lại được chấp nhận. Lý do là cách mở đầu của ông ấy: “Tôi đã nghe... Tôi không biết liệu thầy có nói thế hay không. Tôi không thể áp đặt mình lên thầy. Tất cả những gì tôi có thể nói là những gì vọng lại trong tôi. Tôi có thể nói về tâm trí của mình chứ không phải sự im lặng của Đức Phật.”