Trước khi chứng ngộ, bậc thầy chuẩn bị cho những người sẽ kế tục mình, làm cho họ nói năng lưu loát hơn, làm cho họ giỏi hơn trong khả năng chuyển hóa cái vô ngôn thành ngôn từ, im lặng tuyệt đối thành bài hát, bất động tuyệt đối thành vũ điệu. Chỉ đến lúc đó ông ấy mới có thể truyền đạt điều gì đó giúp đỡ cho nhân loại mù lòa.
Đức Phật chia những người chứng ngộ của mình thành hai loại. Họ đều có cùng độ cao, không có chuyện thấp hơn hay cao hơn. Cả hai thuộc cùng một thực tại vũ trụ, một bản chất cơ sở. Một loại được gọi là A La Hán. A La Hán là những người đã chứng ngộ nhưng vẫn giữ im lặng. Và loại thứ hai được gọi là Bồ Tát. Họ cũng là những người đã chứng ngộ, nhưng công việc của họ là truyền đạt điều gì đó, phương tiện nào đó, gợi ý nào đó về kinh nghiệm của họ cho mọi người.
A La Hán cũng được gọi là hinayana, một con thuyền nhỏ mà một người có thể chèo và đi tới bên kia. Tất nhiên anh ta tới được bờ bên kia. Và Bồ Tát là mahayana, một con thuyền lớn trong đó hàng ngàn người có thể di chuyển tới bờ bên kia. Bờ bên kia là như nhau, nhưng Bồ Tát giúp đỡ nhiều người.
A La Hán không nói năng lưu loát. Anh ta là một người đơn giản, tử tế, tuyệt đối khiêm nhường nhưng sẽ không thốt ra một lời về cái anh ta đã đạt tới. Với anh ta, việc nói ra là quá sức. Anh ta hoàn toàn mãn nguyện, sao anh ta phải nói ra? Và dù sao thì mỗi người phải tìm con đường cho chính mình, vậy sao lại quấy rầy mọi người một cách không cần thiết? A La Hán có quan điểm riêng của anh ta.
A La Hán là người đã nỗ lực hết mình để chứng ngộ và khi anh ta chứng ngộ, anh ta hoàn toàn quên những ai vẫn đang dò dẫm trong bóng tối. Anh ta không quan tâm đến những người khác. Với anh ta, chứng ngộ là đủ. Trên thực tế, theo các A La Hán, thậm chí ý niệm to lớn về lòng trắc ẩn cũng chẳng là gì khác ngoài một loại gắn bó.
Lòng trắc ẩn cũng là một mối quan hệ; cho dù nó đẹp đẽ và vĩ đại ra sao, nó cũng vẫn liên quan đến những người khác. Nó cũng là một khao khát. Mặc dù nó là một khao khát tốt nhưng cũng chẳng có gì khác biệt. Theo các A La Hán, khao khát là lệ thuộc, bất kể tốt hay xấu. Xiềng xích dù làm bằng vàng hay thép thì xiềng xích vẫn là xiềng xích. Lòng trắc ẩn là một dây xích bằng vàng.
A La Hán nhấn mạnh rằng không ai có thể giúp người khác. Chính ý niệm giúp đỡ người khác là dựa trên những nền tảng sai lầm. Bạn chỉ có thể giúp chính mình.
Tâm trí thông thường sẽ nghĩ rằng A La Hán quá ích kỷ. Nhưng nếu nhìn mà không định kiến, có lẽ bạn sẽ thấy anh ta cũng có điều gì đó cực kỳ quan trọng để tuyên bố với thế giới. Ngay cả giúp người khác cũng là một sự can thiệp vào đời sống của người đó, vào phong cách sống của người đó, vào định mệnh của người đó, vào tương lai của người đó. Cho nên, A La Hán không tin vào lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn đối với họ chỉ là một khao khát đẹp đẽ, như bao khao khát khác, để khiến bạn bị buộc vào thế giới của sự gắn bó. Nó là một cái tên khác, đẹp đẽ, nhưng vẫn chỉ là một cái tên khác thay cho cái tên khao khát.
Sao bạn phải quan tâm đến việc ai đó sẽ chứng ngộ? Đó không phải việc của bạn. Mọi người có tự do tuyệt đối cho chính mình. A La Hán nhấn mạnh vào tính cá nhân và tự do tuyệt đối của nó. Dù là vì mục đích tốt đẹp thì cũng không ai được phép can thiệp vào cuộc đời người khác.
Cho nên khoảnh khắc anh ta chứng ngộ, A La Hán không nhận đệ tử, anh ta không bao giờ thuyết pháp, anh ta không bao giờ giúp theo bất kỳ cách nào. Anh ta đơn giản là chỉ sống trong cực lạc của mình. Nếu ai đó có thể tự uống nước từ giếng nước của anh ta, anh ta sẽ không ngăn cản, nhưng anh ta sẽ không gửi lời mời. Nếu bạn tự nguyện tìm đến anh ta, ngồi bên cạnh, uống sự hiện diện của anh ta và bước vào con đường, đó là việc của bạn. Nếu bạn lạc đường, anh ta sẽ không ngăn bạn lại.
Theo cách nào đó, đây là sự tôn trọng lớn lao nhất dành cho tự do cá nhân, cho tột cùng logic. Ngay cả nếu bạn đang rơi vào bóng tối thẳm sâu, A La Hán cũng sẽ lặng lẽ chờ đợi. Nếu sự hiện diện của anh ta có thể giúp, thế thì tốt thôi, nhưng anh ta sẽ không động tay để giúp bạn, không đưa tay lôi bạn ra khỏi hố. Bạn được tự do rơi xuống hố và nếu bạn có thể rơi xuống hố, bạn tuyệt đối có khả năng thoát ra khỏi chỗ đó. Ý tưởng về lòng trắc ẩn thật xa lạ với triết lý của A La Hán.
Đức Phật chấp nhận rằng có vài người sẽ trở thành A La Hán, và con đường của họ sẽ được gọi là hinayana, “phương tiện nhỏ”, con thuyền nhỏ trên đó chỉ một người có thể đi tới bờ bên kia. A La Hán không tạo một con thuyền lớn hay thu thập một đám đông trên một con tàu giống như của Noah1 để đưa họ đến bờ bên kia. Anh ta tự đi trên con thuyền nhỏ của mình, con thuyền thậm chí không thể chở hai người. Anh ta sinh ra một mình trong thế giới, anh ta đã sống và chết hàng triệu lần một mình trong thế giới, và anh ta sẽ đi tới cội nguồn của vũ trụ một mình.
1 Theo Kinh Thánh, Noah là người được Đức Chúa Trời chỉ định đóng một con tàu lớn để cứu ông cùng gia đình và các loài sinh vật khỏi bị diệt vong trước trận đại hồng thủy của ngài.
Đức Phật chấp nhận và tôn trọng con đường của A La Hán, nhưng ông ấy cũng biết có những người có lòng từ bi bao la và khi họ chứng ngộ, mong muốn đầu tiên của họ là chia sẻ niềm hân hoan, chia sẻ chân lý của họ. Lòng trắc ẩn là con đường của họ. Họ cũng có một chân lý sâu thẳm. Đây là những Bồ Tát. Họ khích lệ và mời gọi những người khác tới trải nghiệm những điều giống họ. Và họ chờ ở bờ bên này lâu nhất có thể để giúp tất cả những người tìm kiếm đã sẵn sàng lên đường, những ai chỉ cần một người hướng dẫn, một bàn tay giúp đỡ. Bồ Tát có thể trì hoãn việc đi tới bờ xa bằng lòng trắc ẩn đối với những người mù lòa đang dò dẫm trong bóng đêm.
Đức Phật có một sự bao quát và nhận thức rộng lớn để chấp nhận cả hai, rằng bản chất của một vài người là A La Hán và bản chất của những người khác là Bồ Tát. Quan điểm của Đức Phật là, đây là thực tế và không thể làm gì được, một A La Hán sẽ là một A La Hán và một Bồ Tát sẽ là một Bồ Tát. Bản chất của họ có những định mệnh khác nhau, mặc dù cuối cùng họ tới cùng một đích đến. Nhưng sau khi tới đích, con đường sẽ chia hai.
A La Hán không ở lại bờ bên này dù chỉ một chốc lát. Họ mệt mỏi, họ đã ở đủ lâu trong bánh xe samsara, xoay vần qua sinh và tử hàng triệu lần. Đã quá sức rồi. Họ chán và không muốn ở lại thêm dù chỉ một phút. Thuyền của họ đã đến, và ngay lập tức họ bắt đầu di chuyển sang bờ bên kia. Đây là chân như của họ.
Thế rồi có những Bồ Tát nói với người chèo thuyền: “Đợi một chút, không có gì phải vội. Tôi đã nán lại bờ bên này đủ lâu rồi, trong khổ sở, đau đớn, phiền não. Bây giờ tất cả đã biến mất. Tôi đang trong phúc lạc, im lặng và bình an tuyệt đối. Tôi không thấy có gì hơn thế ở bờ bên kia. Cho nên chừng nào có thể, tôi sẽ ở đây để giúp đỡ mọi người.”
Đức Phật rõ ràng là một trong số những người có thể thấy chân lý ngay cả trong những mâu thuẫn. Ông ấy chấp nhận cả hai mà không làm ai cảm thấy thấp hơn hay cao hơn.