Hãy cố gắng hiểu từ “chân như”. Đức Phật dựa vào từ đó. Trong ngôn ngữ riêng của mình, Đức Phật gọi nó là tathata. Toàn bộ thiền của Phật giáo là việc sống trong từ này, sống với từ này, sâu đến nỗi từ đó biến mất và bạn trở thành chân như.
Giả sử bạn bị ốm. Thái độ của chân như là chấp nhận nó và nói với chính mình: “Đây là cách thức của thân thể”, hoặc “Mọi thứ là thế”. Đừng tạo ra một cuộc chiến, đừng bắt đầu gây gổ. Bạn bị đau đầu, hãy chấp nhận nó. Đó là bản chất của mọi thứ. Đột nhiên có một thay đổi, bởi vì khi thái độ này xuất hiện, một thay đổi cũng diễn ra theo nó như cái bóng. Nếu bạn có thể chấp nhận cơn đau đầu của mình, cơn đau đầu liền biến mất.
Thử đi. Nếu bạn chấp nhận một sự khó chịu, nó bắt đầu tiêu tan. Tại sao điều này lại xảy ra? Nó xảy ra bởi vì mỗi khi bạn chiến đấu, năng lượng của bạn bị chia rẽ: Một nửa năng lượng di chuyển vào sự khó chịu, cơn đau đầu, và một nửa năng lượng chiến đấu với cơn đau đầu – một sự rạn nứt, một lỗ hổng, và do đó có cuộc chiến đấu. Thực tế, cuộc chiến này là một cơn đau đầu sâu hơn. Khi bạn chấp nhận, khi bạn không phàn nàn, khi bạn không chiến đấu, năng lượng bên trong trở thành một. Vết rạn được bít lại, và rất nhiều năng lượng được giải phóng, bởi vì giờ đây không có xung đột cho nên tự bản thân năng lượng được giải phóng trở thành một nguồn lực chữa lành.
Chữa lành không tới từ bên ngoài. Tất cả những gì thuốc men làm được là giúp thân thể sử dụng nguồn lực chữa lành của chính mình. Tất cả những gì bác sĩ làm được là giúp bạn tìm ra nguồn lực chữa lành của chính mình. Không thể thúc đẩy sức khỏe từ bên ngoài, nó là sự nở hoa của năng lượng bên trong bạn.
Từ “chân như” này có thể có tác dụng sâu sắc với bệnh thân thể, bệnh tinh thần và cuối cùng là bệnh tâm linh. Đây là phương pháp bí mật, tất cả chúng đều sẽ tan rã. Bắt đầu với thân thể, bởi vì đó là lớp thấp nhất. Nếu bạn thành công ở đó thì có thể thử các cấp cao hơn. Nếu bạn thất bại ở đó thì sẽ khó di chuyển lên cao.
Nếu có gì đó không ổn trong thân thể, hãy thư giãn, chấp nhận nó, và đơn giản nhủ thầm, không chỉ bằng lời mà còn cảm nhận nó sâu sắc, rằng: “Bản chất của mọi thứ là thế.”
Thân thể là tập hợp của nhiều thứ. Thân thể được sinh ra và nó sẽ chết đi. Nó là một cơ chế phức tạp và chắc chắn sẽ có cái này hay cái kia không ổn. Chấp nhận nó và đừng đồng nhất mình với nó. Khi bạn chấp nhận thì bạn ở bên trên, bạn ở cao hơn. Khi bạn chiến đấu, bạn hạ xuống cùng cấp. Chấp nhận là siêu việt.
Khi bạn chấp nhận thì bạn ở trên một ngọn đồi, thân thể bị bỏ lại phía sau. Bạn nói: “Phải, bản chất của nó là thế. Cái gì sinh ra đều phải chết đi. Và nếu cái gì sinh ra đều phải chết, thì thỉnh thoảng sẽ bị bệnh. Chẳng có gì phải quá lo lắng”, như thể nó không xảy ra với bạn mà chỉ xảy ra trong thế giới của vật chất. Đây là vẻ đẹp: Khi bạn không chiến đấu, bạn vượt lên trên. Bạn không còn ở cùng cấp. Sự vượt lên trên này trở thành một nguồn lực chữa lành. Đột nhiên thân thể bắt đầu thay đổi.
Điều này cũng xảy ra với những lo lắng, căng thẳng, băn khoăn, thống khổ tinh thần. Bạn lo lắng về một điều nào đó. Nỗi lo đó là gì vậy? Bạn không thể chấp nhận thực tế, đó chính là sự lo lắng. Bạn muốn nó xảy ra theo cách nào đó khác với cách nó đang xảy ra. Bạn lo lắng bởi vì bạn có vài ý tưởng bất tuân theo tự nhiên.
Chẳng hạn, bạn đang già đi. Bạn lo lắng. Bạn muốn trẻ mãi, đây là sự lo lắng. Bạn yêu vợ bạn, bạn phụ thuộc vào cô ấy, và cô ấy đang nghĩ tới việc bỏ đi với người đàn ông khác. Bạn lo lắng, lo lắng bởi vì cái gì sẽ xảy đến với bạn? Bạn phụ thuộc vào cô ấy quá nhiều, bạn cảm thấy quá an toàn khi ở cùng với cô ấy. Khi cô ấy đi sẽ không còn sự an toàn. Cô ấy không chỉ là một người vợ đối với bạn, cô ấy còn là một người mẹ, một chỗ nương tựa; bạn có thể đến với cô ấy và trốn khỏi thế giới. Bạn có thể trông cậy vào cô ấy, cô ấy sẽ ở đó. Ngay cả khi cả thế giới chống lại bạn, cô ấy sẽ không chống lại bạn; cô ấy là niềm an ủi. Bây giờ cô ấy bỏ đi, chuyện gì sẽ diễn ra với bạn? Đột nhiên bạn hốt hoảng, lo lắng.
Bạn đang nói gì? Bạn đang nói gì với nỗi lo lắng của bạn? Bạn đang nói rằng bạn không thể chấp nhận chuyện này xảy ra, chuyện không nên như thế. Bạn mong đợi nó khác đi, ngược lại; bạn muốn người vợ này phải là của bạn mãi mãi, nhưng giờ cô ấy đang bỏ đi.
Bạn có thể làm gì? Khi tình yêu tan biến thì bạn có thể làm gì? Không có cách nào cả; bạn không thể cưỡng ép tình yêu, bạn không thể cưỡng ép người vợ này ở lại với bạn. Có chứ, bạn có thể cưỡng ép, nhiều người đã làm vậy, bạn có thể cưỡng ép cô ấy ở lại. Thân thể chết sẽ ở đấy, nhưng linh hồn sống sẽ rời đi. Khi đó, nó sẽ là một sự căng thẳng cho bạn.
Không thể làm gì chống lại tự nhiên được. Tình yêu từng nở hoa, nhưng giờ đây bông hoa đã tàn. Cơn gió thoảng đi vào nhà bạn, giờ đây nó di chuyển sang nhà khác. Mọi thứ là thế, chúng liên tục di chuyển và thay đổi. Thế giới vật chất luôn biến đổi, không gì tồn tại vĩnh viễn. Đừng mong đợi! Nếu bạn mong đợi sự vĩnh cửu trong một thế giới mà mọi thứ đều là tạm thời, bạn sẽ tạo ra lo lắng.
Bạn muốn tình yêu này là mãi mãi. Chẳng gì có thể mãi mãi trong thế giới này. Tất cả mọi thứ thuộc về thế giới này đều là nhất thời. Đây là bản chất của vạn vật, chân như, tathata. Cho nên bây giờ bạn biết tình yêu đang biến mất. Nó mang cho bạn nỗi buồn, hãy chấp nhận nỗi buồn. Bạn cảm thấy run rẩy, hãy chấp nhận run rẩy, đừng kìm nén nó. Bạn cảm thấy muốn khóc, hãy khóc. Chấp nhận nó! Đừng cưỡng ép nó, đừng ra vẻ; đừng giả bộ là bạn không lo lắng, bởi vì như thế sẽ chẳng giúp gì cả. Nếu bạn lo lắng thì bạn lo lắng. Nếu người vợ đang bỏ đi thì cô ấy đang bỏ đi. Nếu tình yêu không còn thì nó không còn. Bạn không thể chiến đấu với thực tế, bạn phải chấp nhận nó.
Nếu bạn miễn cưỡng chấp nhận nó thì bạn sẽ tiếp tục đau đớn khổ sở. Nếu bạn chấp nhận nó không chút phàn nàn, không phải bất lực mà thấu hiểu, thì nó trở thành chân như. Khi đó bạn không còn lo lắng, khi đó chẳng còn vấn đề gì cả. Vấn đề xuất hiện không phải bởi thực tế mà bởi vì bạn không thể chấp nhận nó theo cách nó diễn ra. Bạn muốn nó theo ý bạn.
Hãy nhớ, cuộc sống sẽ không theo bạn, bạn phải theo cuộc sống. Miễn cưỡng hay hạnh phúc, đó là chọn lựa của bạn. Nếu bạn theo một cách miễn cưỡng, bạn sẽ đau khổ. Nếu bạn theo một cách hạnh phúc, bạn sẽ trở thành một vị Phật, cuộc sống của bạn trở thành cực lạc.
Đức Phật cũng phải chết, mọi thứ không thay đổi theo cách đặc biệt dành cho ông ấy, nhưng ông ấy chết theo một cách đặc biệt. Ông ấy chết quá hạnh phúc, như thể không có cái chết. Ông ấy chỉ đơn giản biến mất, bởi vì ông ấy nói: “Cái gì sinh ra đều sẽ chết đi. Sự sinh ngụ ý sự diệt, vậy thì tốt thôi, ta chẳng thể làm gì.”
Bạn có thể khổ sở và chết. Thế thì bạn bỏ lỡ mất điểm chính, vẻ đẹp mà cái chết có thể cho bạn, sự duyên dáng xảy ra vào thời khắc cuối cùng, sự lóe sáng xảy đến khi thể xác và linh hồn tách lìa. Bạn sẽ bỏ lỡ điều đó bởi vì bạn quá lo lắng, bạn đang níu bám vào quá khứ quá nhiều, vào thể xác quá nhiều, và mắt bạn thì nhắm. Bạn không thể thấy cái gì đang diễn ra bởi vì bạn không thể chấp nhận nó. Cho nên bạn khép mắt lại, bạn khép cả bản thể của bạn lại và bạn chết. Bạn sẽ chết nhiều lần nữa và sẽ tiếp tục bỏ lỡ điểm quan trọng của nó.
Cái chết thật đẹp đẽ nếu bạn có thể chấp nhận, nếu bạn có thể mở cánh cửa với trái tim tiếp nhận, với sự chào đón ấm áp: “Vâng, bởi vì tôi được sinh ra nên tôi sẽ chết đi. Cho nên ngày này đã đến. Vòng tròn đã hoàn thiện.” Bạn đón nhận cái chết như một vị khách, một vị khách được chào mừng, và tính chất của hiện tượng sẽ thay đổi ngay lập tức. Đột nhiên bạn bất tử: Thể xác đang chết chứ không phải bạn đang chết. Giờ bạn có thể nhìn thấy rõ, chỉ áo quần bị vứt bỏ còn bạn thì không. Chỉ lớp vỏ bọc, cái chứa đựng chứ không phải cái bên trong; ý thức vẫn ở trong vầng hào quang của nó. Trong cuộc đời, nhiều thứ đã che phủ ý thức của bạn. Trong cái chết, nó trần trụi. Và khi ý thức hoàn toàn trần trụi, nó có một vẻ lộng lẫy của riêng nó; nó là điều đẹp đẽ nhất trên thế giới.
Hãy nhớ, cuộc sống sẽ không theo bạn, bạn phải theo cuộc sống.
Nhưng để được như thế thì thái độ chân như phải được hấp thụ. Khi tôi nói hấp thụ, ý tôi chính là hấp thụ, không phải như một ý nghĩ, không phải như một loại triết học, mà toàn thể cách bạn sống phải trở thành chân như. Bạn thậm chí còn không nghĩ về nó, nó trở nên tự nhiên.
Bạn ăn chân như, bạn ngủ chân như, bạn thở chân như. Bạn yêu chân như, bạn khóc chân như. Nó trở thành lối sống. Bạn không cần lo lắng về nó, bạn không cần nghĩ ngợi về nó; nó là bạn. Đó là điều tôi muốn nói khi dùng từ “hấp thụ”. Bạn hấp thụ nó, bạn tiêu hóa nó. Nó chảy trong máu bạn, nó đi sâu vào xương tủy bạn; nó chạm tới từng nhịp đập trái tim bạn. Bạn chấp nhận.
Từ “chấp nhận” không hay lắm. Nó nặng nề, do bạn chứ không phải do từ ngữ. Bởi vì bạn chỉ chấp nhận khi bạn cảm thấy bất lực. Bạn chấp nhận một cách miễn cưỡng, bạn chấp nhận một cách nửa vời. Bạn chấp nhận chỉ khi bạn không thể làm gì khác. Nhưng sâu bên dưới bạn vẫn ước nó khác đi, bạn sẽ hạnh phúc nếu nó khác đi. Bạn chấp nhận như một kẻ ăn mày, không giống một vị vua, và sự khác biệt rất to lớn.
Nếu vợ bạn hoặc chồng bạn bỏ đi, cuối cùng bạn cũng đi đến chấp nhận. Có thể làm gì được đây? Bạn khóc và rơi lệ, nhiều đêm bạn ủ ê và lo lắng, nhiều cơn ác mộng vây lấy bạn, bạn đau khổ... rồi làm gì? Thời gian sẽ chữa lành mà không phải sự thấu hiểu. Thời gian, hãy nhớ rằng thời gian chỉ cần thiết khi bạn không thấu hiểu. Nếu không thì chữa lành xảy ra ngay tức thì. Cần thời gian bởi vì bạn không thấu hiểu. Cho nên, dần dần, sáu tháng, tám tháng, một năm, mọi thứ trở nên mờ nhạt, chúng bị lãng quên, bao phủ bởi nhiều bụi bặm. Và khoảng trống lớn lên qua từng năm, dần dần bạn sẽ quên.
Mặc dù vậy, đôi khi vết thương vẫn đau. Đôi khi một người phụ nữ đi ngang qua đường và đột nhiên bạn nhớ lại. Vài sự tương đồng, cách cô ấy bước, bạn nhớ tới người vợ, và cả vết thương. Rồi bạn rơi vào lưới tình của ai đó. Thế rồi càng nhiều bụi bặm tích tụ, bạn càng ít nhớ lại. Nhưng ngay cả với một người phụ nữ mới, thỉnh thoảng cách cô ấy nhìn... và vợ bạn hiện lên trong tâm trí. Cách cô ấy hát trong nhà tắm... và ký ức trỗi dậy, vết thương ở đó, vẫn chưa lành.
Nó đau đớn bởi vì bạn đem theo quá khứ. Bạn đem theo mọi thứ, đó là lý do bạn bị đè nặng. Bạn đem theo mọi thứ! Bạn từng là một đứa trẻ; đứa trẻ vẫn ở đấy, bạn đang đem nó theo. Bạn từng là một chàng trai; chàng trai vẫn ở đấy với tất cả vết thương, trải nghiệm, sự ngu dại của anh ta. Anh ta ở đấy. Bạn đem theo toàn thể quá khứ của bạn, lớp nọ chồng lớp kia, mọi thứ ở đấy.
Đó là lý do đôi khi bạn đi ngược trở lại. Nếu điều gì đó xảy ra và bạn cảm thấy bất lực, bạn bắt đầu khóc như đứa trẻ. Lúc đó bạn đi ngược lại thời gian, đứa trẻ giành quyền kiểm soát. Đứa trẻ có nhiều năng lực khóc hơn bạn, cho nên đứa trẻ bước vào và giành quyền kiểm soát, thế là bạn bắt đầu khóc lóc sụt sùi. Bạn thậm chí bắt đầu vùng vằng như một đứa trẻ trong cơn cáu kỉnh. Mọi thứ vẫn ở đấy.
Tại sao lại mang theo quá nhiều gánh nặng? Bởi vì bạn không bao giờ thực sự chấp nhận cái gì. Nghe này, nếu bạn chấp nhận cái gì đó thì nó không bao giờ trở thành gánh nặng, bạn sẽ không đem vết thương theo. Nếu bạn chấp nhận hiện tượng thì không có gì để mang theo cả, bạn thoát khỏi nó. Thông qua chấp nhận, bạn thoát khỏi nó. Thông qua chấp nhận nửa vời và bất lực, bạn sẽ đem nó theo.
Hãy nhớ một điều: Cái gì chưa hoàn thành thì tâm trí sẽ đem theo mãi mãi. Cái gì đã hoàn thành sẽ được vứt bỏ. Tâm trí có xu hướng đem theo những thứ chưa hoàn thành với hy vọng một ngày nào đó sẽ có cơ hội hoàn thành chúng. Bạn vẫn đang chờ người vợ quay về, hoặc người chồng, hoặc những ngày tháng đã qua. Bạn vẫn đang chờ. Bạn vẫn chưa vượt qua được quá khứ. Và bởi vì một quá khứ đè nặng như thế, bạn không thể sống trong hiện tại. Hiện tại của bạn là một đống lộn xộn là do quá khứ, và tương lai của bạn cũng sẽ thành như vậy bởi vì quá khứ sẽ trở nên ngày một nặng nề hơn. Mỗi ngày trôi qua nó lại thêm chồng chất.
MÃN NGUYỆN HOÀN TOÀN
Khi bạn chấp nhận mọi thứ, cuộc sống của bạn trở nên vui vẻ. Không ai có thể làm bạn khổ sở, không điều gì có thể làm bạn khổ sở.
Một người đàn ông chỉ có ba sợi tóc trên đầu bước vào một tiệm làm tóc yêu cầu gội đầu và tết tóc. Người thợ làm tóc bắt tay vào việc nhưng khi anh ta gần chải xong, một sợi tóc rụng ra.
Người thợ làm tóc rất lúng túng, nhưng người đàn ông chỉ nói: “À, làm gì đây? Tôi nghĩ mình phải rẽ ngôi giữa rồi!”
Người thợ làm tóc rất cẩn thận đưa một sợi tóc sang phải và khi đang định đưa sợi còn lại sang trái thì nó cũng rụng xuống. Người thợ làm tóc không biết làm sao để xin lỗi nhưng người đàn ông tỏ ra bình tĩnh.
“À,” ông ta nói, “tôi nghĩ mình phải để kiểu đầu bù tóc rối.”
Đây là tathata, đây là sự chấp nhận toàn bộ! Bạn không thể làm rối trí một người như thế. Anh ta luôn luôn mãn nguyện, luôn luôn tìm thấy cách để mãn nguyện. Đó là một nghệ thuật vĩ đại. Và một người luôn tìm thấy cách để mãn nguyện có khả năng nhìn mọi thứ rõ ràng.
Bất mãn che phủ đôi mắt cùng tầm nhìn của bạn, mãn nguyện làm đôi mắt bạn quang đãng và tầm nhìn của bạn sáng sủa. Bạn có thể nhìn thấu, bạn có thể hiểu mọi thứ như đúng bản chất của chúng.
Khi bạn thực sự chấp nhận, bằng thái độ chân như đó, thì không có sự khó chịu, bạn không còn bất lực. Bạn đơn giản hiểu rằng đây là bản chất của vạn vật.
Chẳng hạn, nếu tôi muốn đi ra khỏi phòng, tôi sẽ đi ra qua cánh cửa, không phải qua bức tường, bởi vì đi vào bức tường nghĩa là tôi sẽ đụng đầu vào nó. Như thế là ngu xuẩn. Bản chất của bức tường là cản trở, cho nên bạn đừng cố gắng đi qua nó! Bản chất của cánh cửa là để bạn đi qua nó, bởi vì cánh cửa trống rỗng nên bạn có thể đi qua.
Khi một vị Phật chấp nhận, ông ấy chấp nhận mọi thứ như chấp nhận bức tường và cánh cửa. Ông ấy đi qua cánh cửa vì đó là cách duy nhất. Đầu tiên bạn cố gắng đi qua bức tường và bạn làm mình bị thương theo hàng triệu cách. Và khi bạn không thể thoát ra, bị đè nát, bị đánh bại, chán nản, gục ngã thì bạn bò đến cánh cửa. Đáng ra bạn có thể đi qua cánh cửa ngay từ đầu! Sao bạn lại cố gắng chiến đấu với bức tường làm gì?
Nếu có thể nhìn vào mọi thứ với sự thấu suốt, bạn sẽ không làm những việc như cố gắng dùng bức tường làm cánh cửa. Nếu tình yêu tan biến thì nó tan biến. Bây giờ có một bức tường, đừng cố gắng đi qua nó. Bây giờ cánh cửa không còn ở đấy, trái tim không còn ở đấy; trái tim đã mở cho người khác. Ở đó không chỉ có mình bạn nữa, có cả những người khác. Cánh cửa không còn nữa; đối với bạn, nó đã trở thành bức tường. Đừng cố gắng, và đừng đâm đầu vào nó. Bạn sẽ bị thương vô ích. Và khi đã bị thương, bị đánh bại, thì ngay cả cánh cửa cũng sẽ không còn là thứ đẹp đẽ để đi qua.
Hãy nhìn vào mọi thứ một cách đơn giản. Nếu điều gì là tự nhiên, đừng cố gắng cưỡng ép bất kỳ sự trái tự nhiên nào lên nó. Chọn cánh cửa và ra ngoài. Nếu ngày nào bạn cũng cố thử làm điều ngu xuẩn là đi qua bức tường thì bạn sẽ trở nên căng thẳng và luôn trong tình trạng hoang mang. Thống khổ trở thành chính cuộc sống của bạn, cốt lõi của nó.
Tại sao không nhìn vào những thực tế theo đúng bản chất của chúng? Tại sao bạn không thể nhìn vào những thực tế? Bởi vì những ước vọng của bạn quá to lớn. Bạn hy vọng hết lần này đến lần khác.
Nhìn xem: Mỗi khi có một tình huống, đừng khao khát điều gì, bởi vì khao khát sẽ dẫn bạn lạc lối. Đừng ước mong và đừng tưởng tượng. Chỉ nhìn vào thực tế với tất cả ý thức bạn sẵn có... và đột nhiên một cánh cửa mở ra. Bạn không bao giờ di chuyển qua bức tường, bạn di chuyển qua cánh cửa, một cách an toàn. Như vậy bạn sẽ không bị đè nặng.
Hãy nhớ, chân như là một sự thấu hiểu chứ không phải một số phận bất lực. Đó là sự khác biệt. Có những người tin vào số phận, định mệnh. Họ nói: “Bạn có thể làm gì? Thượng Đế đã định theo cách ấy. Đứa con nhỏ của tôi đã mất, Thượng Đế đã định như thế và đây là số phận của tôi. Nó đã được viết ra từ trước, nó sẽ diễn ra.”
Tuy nhiên, sâu bên trong là sự phản đối. Đấy chỉ là những thủ đoạn để đánh bóng sự phản đối.
Bạn có biết Thượng Đế không? Bạn có biết số phận không? Bạn có biết nó đã được viết ra từ trước không? Không, tất cả đều chỉ là ngụy biện, những ý tưởng mà bạn sử dụng để an ủi chính mình.
Thái độ chân như không phải thái độ của người theo thuyết định mệnh. Nó không mang Thượng Đế vào, hay số phận, hay định mệnh, không gì cả. Nó nói: “Chỉ nhìn vào mọi thứ thôi. Chỉ nhìn vào thực tế của mọi thứ thôi, rồi thấu hiểu. Và có một cánh cửa, luôn luôn có một cánh cửa.” Bạn vượt qua.
Chân như nghĩa là chấp nhận bằng một trái tim chào đón, trọn vẹn, không phải bằng sự bất lực.