Mỗi con người đều được sinh ra để là một vị Phật, mọi người đều có hạt mầm Phật tính bên trong. Nếu bạn nhìn vào đám đông, điều này có vẻ không đúng lắm. Nếu đúng thì hẳn phải có rất nhiều vị Phật, nhưng chúng ta chẳng mấy khi được nghe nói về vị Phật nào. Chúng ta chỉ biết rằng ở đâu đó 25 thế kỷ trước, một ông Siddhartha Gautama nào đó đã trở thành Đức Phật. Ai mà biết chuyện đó có thật hay không? Nó có thể là một thần thoại, một câu chuyện đẹp, một sự an ủi, một liều thuốc giảm đau cho đám đông để họ giữ hy vọng rằng một ngày kia họ cũng sẽ trở thành Phật. Ai mà biết liệu Đức Phật có phải một sự thật lịch sử hay không?
Quá nhiều câu chuyện đã được thêu dệt xung quanh Đức Phật tới mức ông ấy giống một nhân vật thần thoại hơn là thực tế. Khi ông ấy chứng ngộ, các vị thần từ thiên đường chơi thứ âm nhạc mê ly và nhảy múa quanh ông. Sao chuyện này có thể là lịch sử được? Hoa từ trên bầu trời trút lên ông, những bông hoa vàng và bạc, hoa kim cương và ngọc lục bảo. Ai có thể tin rằng chuyện này là lịch sử?
Đúng vậy, tôi đồng ý rằng đây không phải là lịch sử. Đây là thi ca. Nhưng nó tượng trưng cho một điều mang tính lịch sử, bởi điều đã xảy ra bên trong Đức Phật vô song đến mức không có cách nào khác để diễn tả nó ngoài dùng thi ca. Không có những bông hoa thực trút lên Đức Phật, nhưng mỗi khi có người chứng ngộ, toàn thể hiện hữu hân hoan, bởi vì chúng ta không tách rời khỏi nó. Khi bạn bị đau đầu, cả thân thể bạn khó chịu, và khi cơn đau đầu đi qua, cả thân thể bạn cảm thấy dễ chịu và khỏe mạnh. Chúng ta không tách rời khỏi hiện hữu. Chừng nào bạn chưa là một vị Phật thì bạn là một cơn đau đầu, cơn đau đầu cho chính bạn, cơn đau đầu cho những người khác, cơn đau đầu cho hiện hữu. Bạn là cái gai đâm vào da thịt của hiện hữu. Khi cơn đau đầu tan biến, khi cái gai trở thành một bông hoa, khi một người trở thành một vị Phật, cơn đau khôn nguôi mà anh ta tạo cho chính mình và những người khác tan biến. Tôi xác nhận điều này, tôi là một nhân chứng. Hẳn nhiên, toàn thể hiện hữu hân hoan, nhảy múa, ca hát. Nhưng miêu tả nó như thế nào đây? Chẳng có gì hữu hình, ta không thể chụp ảnh nó, vì thế mới có những ẩn dụ, biểu tượng, ví von này.
Người ta nói rằng khi Đức Phật vừa chào đời thì mẹ ông qua đời. Đó có thể là một thực tế lịch sử hoặc không. Nhưng cảm giác của tôi thì nó không phải một thực tế lịch sử, bởi vì họ nói rằng mỗi khi một vị Phật ra đời, người mẹ sẽ mất ngay sau đó, và điều này không đúng. Đã có rất nhiều vị Phật, mẹ của Jesus đã không chết, mẹ của Mahavira1 đã không chết, mẹ của Krishna2 đã không chết. Có thể mẹ của Siddhartha Gautama thì mất, nhưng không thể nói rằng mỗi khi một vị Phật được sinh ra thì người mẹ qua đời, đó không phải thực tế lịch sử.
1 Người sáng lập Kỳ Na giáo.
2 Hóa thân thứ tám của Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo.
Nhưng tôi biết nó có một số ý nghĩa không mang tính lịch sử. “Mẹ” ở đây không có nghĩa là người mẹ, “mẹ” ở đây nghĩa là quá khứ của bạn. Bạn được tái sinh khi bạn trở thành Phật; quá khứ của bạn có chức năng giống như một dạ con, như người mẹ. Khoảnh khắc vị Phật chào đời, khoảnh khắc bạn chứng ngộ, quá khứ của bạn chết đi. Cái chết đó là cần thiết. Điều này tuyệt đối đúng. Nó xảy ra với Mahavira, với Krishna, với Jesus; nó luôn luôn xảy ra. Để truyền tải nó, người ta nói rằng mỗi khi một vị Phật chào đời thì người mẹ qua đời. Bạn sẽ phải có sự đồng cảm để hiểu những điều này.
Tôi có thể hiểu được rằng, khi nhìn vào đại đa số nhân loại, thật khó thấy có khả năng nào để mỗi con người trở thành một vị Chúa hay một vị Phật. Khi nhìn vào một hạt mầm, bạn có tin rằng một ngày nào đó nó có thể trở thành một bông hoa sen không? Khi nhìn vào hạt mầm này, mổ xẻ nó, liệu bạn có thể kết luận rằng hạt mầm này sẽ trở thành hoa sen không? Dường như chúng chẳng có chút quan hệ nào. Hạt mầm trông chẳng có gì đặc biệt và khi bạn mổ xẻ nó, bạn chẳng tìm thấy gì bên trong ngoài sự trống rống. Mặc dù vậy, mỗi hạt mầm đều mang một bông hoa sen bên trong, và mỗi con người đều mang một vị Phật bên trong.
Người ta nói rằng khi Đức Phật chào đời, một hiền nhân vĩ đại 120 tuổi ngay lập tức vội vã đi từ dãy Himalaya tới. Các đệ tử của ông hỏi: “Thầy đi đâu thế ạ?” Ông ta chạy! Họ hiếm khi nào thấy ông bước đi bởi vì ông ta quá già. Và ông ta không trả lời họ vì không kịp thời gian, ông chỉ nói: “Ta không có thì giờ để trả lời.”
SỰ NGÂY THƠ ĐƯỢC KHAI SÁNG
Chuyện kể rằng Đức Phật được sinh ra khi mẹ ông đang đứng dưới một cây sala. Và không chỉ thế, cậu bé chào đời ở tư thế đứng. Điều đầu tiên cậu làm là bước đi bảy bước trước mặt mẹ mình và tuyên bố với vũ trụ: “Ta là người được khai sáng nhất trên đời.”
Trên thực tế, mọi đứa trẻ sơ sinh, nếu có thể, đều sẽ nói cùng một điều: “Ta là người được khai sáng.” Nếu mọi đứa trẻ sơ sinh đều có thể bước, chúng sẽ bước bảy bước và tuyên bố với toàn thể thế giới: “Ta là người được khai sáng nhất trên đời, độc nhất.”
Có lẽ câu chuyện này là một cách biểu tượng để công nhận sự ngây thơ của mỗi đứa trẻ chính là sự khai sáng của nó, là kinh nghiệm tối thượng của nó.
Các đệ tử theo vị hiền nhân xuống đồng bằng. Đức Phật chào đời ở gần dãy Himalaya, tại biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Vị hiền nhân tức tốc đi đến cung điện của vua. Nhà vua không thể tin vào mắt mình, bởi vị hiền nhân này vốn nổi tiếng là không đi đâu cả. Ông ta đã sống trong một hang đá ít nhất 50 năm. Nhà vua chạm vào chân ông và hỏi: “Tại sao ngài lại tới đây? Có chuyện gì vậy?”
Vị hiền nhân đáp: “Ta không có nhiều thời gian, cái chết của ta đang cận kề. Cho nên ta phải chạy. Con của bệ hạ đâu? Ta phải tới để thấy ngài ấy.”
Đức Phật mới chỉ một ngày tuổi. Khoảnh khắc ông vừa chào đời thì vị hiền nhân này bắt đầu chạy, mất 24 tiếng để ông ta tới đồng bằng. Nhà vua không thể tin nổi bởi vị hiền nhân này rất nổi tiếng, một bậc thầy của các bậc thầy. Sao ông ta lại hứng thú với hoàng tử bé đến vậy?
Đứa trẻ ngay lập tức được mang đến và vị hiền nhân 120 tuổi chạm chân cậu bé rồi bắt đầu khóc. Người cha bối rối, người mẹ thì bị sốc. “Sao ông ấy lại khóc? Có gì không ổn sao?” Họ hỏi ông ta: “Tại sao ngài khóc? Đứa trẻ sẽ không sống được ư? Hay sắp có tai họa xảy ra? Xin ngài nói rõ, sao ngài lại khóc?”
Ông ta đáp: “Không, ta không khóc vì tai họa nào hết. Ta đang khóc vì vui sướng. Ta đã thấy. Và ta cũng đang khóc bởi vì ta sẽ không sống tới lúc nhìn thấy con người này nở hoa hoàn toàn. Ta chỉ được thấy khi ngài ấy còn trong nụ hoa, nhưng ngay cả thế thì cũng đã quá nhiều, được nhìn vị Phật trong nụ hoa đã là quá nhiều. Ta khóc vì vui, bởi một vị thần đã chào đời. Ta cũng khóc vì buồn, bởi ta sẽ không thể thấy ngài ấy lớn lên, ngày tháng còn lại của ta rất ít. Ta sẽ sớm rời bỏ thể xác. Ta sẽ không thể thấy sự nở hoa ngài ấy mang cho thế giới, hương thơm ngài ấy mang cho thế giới. Hàng triệu triệu người sẽ chứng ngộ nhờ ngài. Ngài đã đem tới một ánh sáng, ngài đã đem vào thế giới một cuộc cách mạng... Nhưng xin đừng lo lắng; hãy hạnh phúc, hân hoan!”
Đây là những truyện ngụ ngôn. Những sự kiện này có lẽ không xảy ra trong lịch sử, nhưng lịch sử hoàn toàn không phải thứ chúng ta bận tâm. Chúng ta bận tâm đến một điều quan trọng hơn, thiết yếu hơn, bất diệt hơn. Lịch sử là một đoàn diễu hành các sự kiện theo thời gian. Ngay cả khi nó không xảy ra trong lịch sử thì cũng chẳng sao cả; truyện ngụ ngôn này thật đẹp: Một vị thánh 120 tuổi quỳ xuống dưới chân Đức Phật một ngày tuổi. Tuổi tác không thành vấn đề, sự nhận thức không có tuổi. Những hình tướng thông thường phải bị bỏ đi. Một ông lão chạm chân một đứa trẻ mới một ngày tuổi và khóc vì vui sướng – những ai có thể thấu hiểu được sẽ luôn luôn khóc vì vui sướng mỗi khi họ thấy điều gì đó có giá trị bao la xảy ra trên thế giới.
Nhưng chỉ ít người thấy được, thậm chí người cha đã không thấy, người mẹ đã không thấy. Chỉ những người có mắt mới thấy được. Ba nhà thông thái từ phương Đông đã du hành hàng ngàn dặm để thấy, nhưng những người trong cùng đất nước với Jesus thì không1. Cha mẹ Jesus đã trốn chạy khỏi Jerusalem, họ đã trốn chạy tới Ai Cập. Và Jesus không thể xuất hiện trở lại ở Jerusalem. Sau 30 năm, chúng ta mới lại nghe nói tới ông ấy, và khi đó ông chỉ sống thêm ba năm nữa. Đồng bào của ông ấy đã giết ông. Những người mù lòa giết người có mắt, những kẻ điên khùng giết những người tỉnh táo nhất.
1 Theo Kinh Thánh, khi Chúa Jesus ra đời, có vài nhà chiêm tinh đã từ phương Đông tới Jerusalem để thờ lạy ngài, nhưng vua ở đó lại muốn giết ngài, khiến ngài phải trốn chạy.
Ngay cả cha mẹ... cha mẹ Jesus không nhận thức được chuyện xảy ra. Cần ba nhà thông thái từ phương Đông để nhận ra ông ấy. Chỉ những ai đã học đôi chút về thiền mới có thể nhận ra một vị Phật. Khi bạn đi ngang qua một vị Phật, không dễ để nhận ra ông ấy. Thật dễ dàng để ngăn cản, dễ dàng để giận dữ, dễ dàng để khó chịu với sự hiện diện của ông ấy bởi sự hiện diện của ông ấy làm bạn cảm thấy nhỏ bé tới mức bị tổn thương. Sự hiện diện của ông ấy khiến bạn cảm thấy trống rỗng tới mức bị bẽ mặt – không phải ông ấy có ý làm bẽ mặt bạn mà cái tôi của bạn bắt đầu cảm thấy bị bẽ mặt. Tâm trí bạn muốn trả thù. Đó là lý do Socrates1 bị đầu độc, Mansur2 bị giết, Jesus bị đóng đinh, và vẫn luôn luôn như vậy. Mỗi khi có một vị Phật, xã hội sẽ thù nghịch với ông ấy.
1 Triết gia vĩ đại của Hy Lạp cổ đại.
2 Nhà huyền môn vĩ đại của Sufi giáo, một nhánh của Hồi giáo.
Khi bạn đi ngang qua một vị Phật, không dễ để nhận ra ông ấy.
Ngay cả ở Ấn Độ, ngay cả ở phương Đông, điều này cũng xảy ra. Đức Phật sống ở Ấn Độ, thuyết giáo tại đó, chuyển hóa hàng ngàn người vào thế giới của ánh sáng, nhưng Phật giáo đã biến mất ở Ấn Độ. Nó đã bị phá hủy. Sau khi Đức Phật qua đời, trong 500 năm, tôn giáo này bị nhổ rễ khỏi đây. Những người Brahmin3 không thích nó; các chuyên gia, học giả không thích nó. Nó nguy hiểm cho nghề nghiệp của họ. Nếu Đức Phật đúng thì tất cả các thầy tu đều sai.
3 Đẳng cấp cao nhất ở Ấn Độ, gồm tu sĩ, triết gia, học giả v.v.
Nhưng hãy nhớ, những ẩn dụ đẹp đẽ này phải được thấu hiểu với sự đồng cảm bao la, với trực giác lớn lao, với tình yêu, thi ca. Không phải với logic; nếu không bạn sẽ phá hủy chúng; bạn sẽ giết chết chúng. Đôi khi những ẩn dụ đẹp đẽ được dùng... và những tôn giáo, những cái gọi là tôn giáo, những môn đồ, đã tự tay giết chết các ẩn dụ này.
Người ta nói rằng mỗi khi Mohammed di chuyển trên sa mạc, một đám mây sẽ di chuyển ngay trên đầu để che chở cho ông. Này nhé, đứng giữa các sa mạc Ả Rập thì khác nào đứng trong lò lửa! Nó không phải một thực tế lịch sử. Không có đám mây nào làm việc này cả. Ngay cả loài người còn không hiểu Mohammed thì làm sao đám mây tội nghiệp kia lại hiểu? Người ta đuổi bắt Mohammed, cả đời ông ấy trốn chạy từ thành phố này qua thành phố khác. Cả đời ông ấy luôn sống trong hiểm nguy, sự sống còn luôn là vấn đề. Khi con người không thể hiểu ông ấy thì làm sao một đám mây tội nghiệp lại hiểu được? Cho nên nó không thể là lịch sử. Nhưng tôi vẫn thích nó, ẩn dụ này thật đẹp đẽ. Ẩn dụ này chỉ đơn giản nói rằng những đám mây còn thông minh hơn con người; nó nói rằng ngay cả những đám mây còn hiểu được vẻ đẹp của con người này và bảo vệ ông ấy, thậm chí đi ngược lại quy luật tự nhiên. Mỗi khi Mohammed đi thì chúng cũng đi; ngay cả khi không có gió, đám mây vẫn tiếp tục che chở cho ông. Nó cho thấy sự dốt nát của loài người to lớn đến mức ngay cả những đám mây còn thông minh hơn nhiều.
Người ta nói rằng Đức Phật đi đến đâu thì ở đó, cây cối sẽ nở hoa trái mùa, những cây đã chết từ lâu lại bắt đầu mọc ra những chiếc lá xanh. Đó là thơ ca đẹp đẽ, thơ ca đầy ý nghĩa, thơ ca đáng yêu và ta phải thiền về chúng. Tôi không nghĩ nó là lịch sử, nhưng nó vẫn có ý nghĩa. Nó có lẽ không phải thực tế, nhưng là chân lý.
Thực tế thuộc về những sự kiện thông thường. Thực tế là người anh em họ của Đức Phật, Devadatta, đã cố gắng giết ông bằng nhiều cách. Một lần, khi Đức Phật đang tọa thiền thì từ trên đỉnh đồi, Devadatta đẩy một tảng đá lớn xuống chỗ ông và tảng đá bắt đầu lăn xuống. Đây là thực tế, Devadatta cố gắng giết Đức Phật bởi vì ông ta không thể tin nổi: “Sao Đức Phật có thể chứng ngộ? Bọn ta đã chơi cùng nhau, bọn ta đã luôn bên nhau suốt thời thơ ấu, bọn ta đã được dạy dỗ cùng nhau. Nếu ta không chứng ngộ, sao hắn lại chứng ngộ?”
Devadatta tự tuyên bố mình đã chứng ngộ, mặc dù ông ta chưa chứng ngộ. Và ông ta có lẽ đã được chấp nhận là chứng ngộ nếu Đức Phật không ở đó. Nhưng làm sao bạn có thể tuyên bố rằng bản thể chưa chứng ngộ của mình đã chứng ngộ trước sự hiện diện của một Đức Phật? Không thể nào. Ông ta phải tiêu diệt Đức Phật. Ông ta đã đẩy một tảng đá. Câu chuyện sau đó là tảng đá tới gần Đức Phật thì đổi hướng. Chuyện đó không thể là thực tế, nhưng nó là chân lý. Chân lý là một hiện tượng cao hơn nhiều.
Devadatta thả một con voi điên để giết Đức Phật. Con voi điên lao đến hung tợn, nhưng khi tới chỗ Đức Phật, nó nhìn ông và quỳ xuống chạm chân ông. Việc Devadatta thả một con voi điên là một thực tế, nhưng việc nó quỳ xuống trước Đức Phật thì không. Đó là thi ca, tuyệt đối thi ca, nhưng là về chân lý mênh mông.
Hãy nhớ, các kinh sách nói về chân lý, chúng không phải sách lịch sử. Sách lịch sử nói về thực tế. Cho nên trong sách lịch sử bạn sẽ tìm thấy Alexander Đại Đế, Ivan Bạo Chúa, Adolf Hitler, và tất cả các loại người thần kinh khác. Còn Đức Phật, Mahavira, Jesus... họ không phải một phần của sách lịch sử. Đối với họ, chúng ta cần một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Thật tốt khi họ không phải một phần của sách lịch sử, bởi vì họ không phải một phần của lịch sử; họ tới từ cái cao hơn, họ thuộc về cái cao hơn. Họ chỉ dành cho những ai sẵn sàng vươn tới và bay tới cái cao hơn.
Ngày Đức Phật chào đời – ông là con trai của một vị vua vĩ đại, đứa con trai duy nhất, và ông ra đời khi nhà vua đã già, rất già – cả vương quốc hân hoan vui sướng. Người dân đã chờ đợi từ lâu. Nhà vua rất được yêu mến. Ông ấy đã phụng sự họ, ông là người tử tế và có lòng trắc ẩn, ông sống yêu thương và chia sẻ. Ông đã làm cho vương quốc của mình trở thành một trong những vương quốc giàu có nhất, thịnh vượng nhất lúc bấy giờ.
Dân chúng đã cầu nguyện cho nhà vua của họ có một đứa con trai bởi vì ông chưa có ai nối dõi. Thế rồi Đức Phật chào đời khi nhà vua đã già, một việc ngoài mong đợi. Ai nấy đều chúc tụng, hân hoan tưng bừng! Tất cả những nhà chiêm tinh của vương quốc tụ họp nhau lại để dự đoán về Đức Phật. Cậu bé được đặt tên là Siddhartha, bởi vì nó có nghĩa là sự thỏa nguyện. Nhà vua đã được thỏa nguyện, khao khát của ông đã được thỏa nguyện, ham muốn mãnh liệt nhất của ông đã được thỏa nguyện. Ông đã mong đợi đứa con này cả đời, cho nên tên cậu bé là Siddhartha. Nó đơn giản nghĩa là “sự thỏa nguyện khao khát sâu thẳm nhất.”
Đứa con này làm cho cuộc sống của nhà vua trở nên có ý nghĩa, có giá trị. Những chiêm tinh gia vĩ đại đưa ra dự đoán, và họ đều đồng thuận với nhau ngoại trừ một nhà chiêm tinh trẻ. Tên anh ta là Kondanna. Nhà vua hỏi: “Điều gì sẽ xảy đến trong cuộc đời con trai ta?” Và tất cả chiêm tinh gia giơ hai ngón tay, ngoại trừ Kondanna chỉ giơ một ngón.
Nhà vua nói: “Xin đừng nói với ta bằng những biểu tượng. Ta là một người đơn giản. Ta không biết gì về chiêm tinh. Nói cho ta biết, các vị ngụ ý gì với hai ngón tay?”
Và tất cả bọn họ nói: “Hoặc ngài ấy sẽ trở thành một chakravartin – người thống trị thế giới – hoặc ngài ấy sẽ từ bỏ thế giới và trở thành một vị Phật, một người chứng ngộ. Có hai khả năng cho nên chúng thần giơ hai ngón tay.”
Nhà vua lo lắng về khả năng thứ hai, rằng con trai ông sẽ rời bỏ thế giới, thế là một lần nữa rắc rối lại xuất hiện. “Ai sẽ thừa kế vương quốc của ta nếu nó rời bỏ thế giới?” Ông hỏi Kondanna: “Tại sao anh lại giơ một ngón tay?”
Kondanna trả lời: “Thần tuyệt đối chắc chắn rằng ngài ấy sẽ từ bỏ thế giới, ngài ấy sẽ trở thành một vị Phật, một người chứng ngộ, một người tỉnh thức.”
Nhà vua không hài lòng với Kondanna. Chân lý là điều rất khó chấp nhận. Ông ấy tảng lờ Kondanna và không ban thưởng cho anh ta. Trong thế giới này, chân lý không được tưởng thưởng. Trái lại, chân lý bị trừng phạt theo một ngàn lẻ một cách. Trên thực tế, Kondanna đánh mất thanh danh từ ngày đó. Bởi vì nhà vua không ban thưởng cho anh ta, tin đồn rằng anh ta là một tên ngốc lan truyền đi khắp nơi. Trong khi tất cả các nhà chiêm tinh khác đều đồng thuận, anh ta là người duy nhất không tán thành.
Nhà vua hỏi các chiêm tinh gia: “Các ông có gợi ý gì không? Ta nên làm gì để nó không từ bỏ thế giới? Ta không muốn nó trở thành một kẻ ăn mày, ta không muốn nó là một thầy tu, một sannyasin. Ta muốn nó trở thành một chakravartin, người thống trị cả sáu lục địa.” Đây là tham vọng của tất cả các bậc cha mẹ. Ai lại muốn con con cái mình từ bỏ thế giới và đi vào núi, đi vào thế giới bên trong để tìm kiếm cái tôi? Chúng ta khao khát những thứ bên ngoài. Nhà vua là một người bình thường, như bất cứ ai khác, với cùng những khao khát và tham vọng như thế.
Các nhà chiêm tinh nói: “Có thể dàn xếp được. Hãy cho ngài ấy nhiều lạc thú nhất có thể, giữ ngài ấy trong sự sung túc và xa hoa nhất có thể đối với con người. Đừng cho phép ngài ấy biết đến bệnh tật, tuổi già và đặc biệt là cái chết. Đừng để ngài ấy biết được cái chết và ngài ấy sẽ không bao giờ từ bỏ thế tục.”
Theo một cách nào đó, họ nói không sai bởi vì cái chết là câu hỏi trọng yếu. Khi nó xuất hiện trong tim bạn, lối sống của bạn chắc chắn thay đổi. Bạn không thể tiếp tục sống ngu ngốc như cũ. Nếu cuộc sống này đi tới kết thúc ở cái chết thì nó không thể là cuộc sống thực, cuộc sống này phải là một ảo ảnh. Chân lý phải là vĩnh hằng nếu như nó là thật, chỉ có dối trá mới là nhất thời. Nếu cuộc sống là nhất thời thì nó phải là ảo ảnh, một lời nói dối, một sự hiểu sai, một sự hiểu nhầm, thế thì quan niệm của chúng ta về cuộc sống hẳn đã bắt rễ đâu đó trong sự dốt nát. Chúng ta hẳn đã sống theo cách nào đó khiến cuộc sống đi đến hồi kết. Chúng ta có thể sống theo một cách khác để có thể trở thành một phần trong dòng chảy vĩnh hằng của hiện hữu... Chỉ cái chết mới có thể mang cho bạn sự thay đổi triệt để đó. Cho nên các nhà chiêm tinh nói: “Xin đừng để ngài ấy biết gì về cái chết.”
Nhà vua dàn xếp tất cả. Ông xây cho Siddhartha ba cung điện cho các mùa khác nhau, ở những nơi khác nhau, như thế, cậu sẽ không bao giờ biết đến sự khó chịu của các mùa. Khi trời nóng, cậu có một cung điện trên những ngọn đồi luôn mát mẻ. Khi trời lạnh, cậu có một cung điện khác luôn ấm áp bên cạnh một dòng sông. Nhà vua dàn xếp tất cả những điều này để Siddhartha không bao giờ cảm thấy khó chịu.
Không ông già hay bà già nào được phép vào trong các cung điện nơi cậu sống, chỉ có những người trẻ trung. Nhà vua tập hợp tất cả những phụ nữ trẻ đẹp nhất vương quốc xung quanh Siddhartha để cậu luôn bị cám dỗ, mê hoặc, luôn ở trong những giấc mơ, khao khát. Một thế giới mộng mơ ngọt ngào được tạo ra cho cậu. Những người làm vườn được yêu cầu dọn hết lá úa rụng trong đêm, những bông hoa tàn héo cũng phải được dọn đi trong đêm, bởi vì ai mà biết được, nhìn thấy một chiếc lá úa, cậu bé có thể bắt đầu hỏi xem chuyện gì xảy ra với chiếc lá này, và câu hỏi về cái chết có thể xuất hiện. Nhìn thấy một bông hồng héo úa, những cánh hoa rụng, cậu có thể hỏi: “Cái gì đã xảy ra với bông hồng này?” và cậu có thể bắt đầu nghiền ngẫm, suy tư về cái chết.
Siddhartha được giữ cho tuyệt đối không nhận biết về cái chết trong 29 năm. Nhưng bạn lảng tránh nó được bao lâu? Cái chết là một hiện tượng quan trọng như thế. Bạn có thể đánh lừa một người trong bao lâu? Sớm hay muộn anh ta cũng phải bước vào thế giới. Giờ đây nhà vua đã già hơn và người con phải biết cách thế giới vận hành. Dần dần anh được phép ra ngoài, nhưng mỗi khi anh đi vào bất kỳ con phố nào của thủ đô, người già phải lánh mặt. Ăn mày phải rời đi. Không có sannyasin nào được phép xuất hiện khi anh đi qua, bởi vì nhìn thấy một sannyasin, anh có thể hỏi: “Đây là kiểu người gì vậy? Sao ông ấy lại mặc áo thụng màu vàng đất? Chuyện gì xảy ra với ông ấy? Sao ông ấy trông khác biệt, tách rời, xa cách thế? Đôi mắt của ông ấy thật khác biệt, hương thơm của ông ấy thật khác biệt, sự hiện diện của ông ấy có một phẩm chất khác biệt. Chuyện gì đã xảy ra cho con người này?” Và thế thì câu hỏi về sự từ bỏ thế tục sẽ xuất hiện, và cơ bản nhất, là câu hỏi về cái chết...
Nhưng một ngày kia, chuyện gì phải đến đã đến. Điều này không thể tránh được. Một ngày nào đó, Siddhartha phải trở nên có nhận thức và anh đã nhận thức được. Hiển nhiên, hoàng tử là người khai mạc lễ hội thanh niên thường niên. Đó là một buổi tối đẹp đẽ; những người trẻ khắp vương quốc tụ tập lại nhảy múa và ca hát, hoan hỉ suốt cả đêm. Ngày đầu tiên của năm, một đêm dài chúc tụng và Siddhartha đến để mở màn.
Trên đường đi, anh đã nhìn thấy những thứ mà cha anh đã lo sợ anh sẽ nhìn thấy – anh đã bắt gặp những thứ đó...