Câu chuyện thật đẹp. Kể từ đây, nó trở thành thần thoại, nhưng vẫn đầy ý nghĩa.
Câu chuyện tiếp tục như sau: Indra (Đế Thích), người đứng đầu tất cả các vị thần, cảm thấy lo lắng vì một người có khả năng chứng ngộ lại đang bị rối trí. Phải làm một điều gì đó, hiện hữu không được phép bỏ lỡ một bản thể chứng ngộ. Vì vậy, người ta nói rằng Indra đã đem theo vài vị thần xuống trần thế.
Đường phố luôn luôn thông thoáng khi Siddhartha đi qua. Không có bất cứ người nào được phép bước vào. Chỉ có những vị thần mới có thể bước vào. Đó là lý do họ tạo ra thần thoại, bởi vì các vị thần thì vô hình song họ có thể thị hiện bất cứ lúc nào.
Đầu tiên, một vị thần, trong tình trạng ốm đau và bị sốt, đi ngang qua cỗ xe ngựa. Nếu con phố đông đúc người qua lại, có lẽ Siddhartha đã không trông thấy ông ta. Nhưng con phố trống trải, những ngôi nhà trống rỗng, chẳng có phương tiện nào khác, chỉ có cỗ xe bằng vàng của anh. Siddhartha nhìn thấy người này đang run rẩy và hỏi người đánh xe: “Người này bị sao vậy?”
QUAN SÁT MẶT TRỜI LẶN
Đức Phật chọn cho các sannyasin của mình chiếc áo thụng màu vàng. Màu vàng tượng trưng cho cái chết, chiếc lá vàng. Màu vàng tượng trưng cho mặt trời lặn, buổi tối. Đức Phật nhấn mạnh cái chết và theo một cách nào đó thì nó có ích. Trong sự tương phản với cái chết, con người càng nhận biết rõ về sự sống. Khi bạn nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại cái chết, bạn sẽ giúp con người thức tỉnh; họ phải thức dậy bởi vì cái chết đang tới. Mỗi khi Đức Phật khai tâm cho một sannyasin mới, ông nói với anh ta: “Hãy tới nghĩa địa: Ở đó và quan sát những cuộc hỏa táng, những xác chết được đem đến và thiêu... liên tục quan sát. Và nhớ rằng điều này cũng sẽ xảy đến cho anh.” Ba tháng thiền về cái chết, rồi quay trở lại. Đó là khởi đầu của sannyas1.
1 Có thể tạm hiểu là sự từ bỏ và đi theo cuộc sống tâm linh.
Bấy giờ, người lái cỗ xe ngựa lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan bởi vì mệnh lệnh của nhà vua là không để chàng trai trẻ này biết được việc con người bị ốm. Người này thì bệnh nặng tới mức dường như sắp ngã ngay ra đó mà chết. Nhưng Indra đã định đoạt. Ông ta buộc người đánh xe kể sự thật, “bởi vì rốt cục bổn phận của ngươi không phải là hướng tới vị vua già đó, bổn phận của ngươi là hướng tới chân lý. Đừng bỏ lỡ thời điểm này, bởi vì người này sẽ trở thành một người chứng ngộ, và ngươi sẽ được ban phước lớn vì ngươi sẽ trở thành nguyên nhân kích hoạt tiến trình. Đừng bỏ lỡ, ngươi có thể không bao giờ tìm thấy cơ hội như thế này trong hàng triệu kiếp đâu.”
Tất nhiên chuyện đó thật rõ ràng. Người đánh xe nói: “Tôi không được phép nói điều này, nhưng làm sao tôi có thể dối gạt ngài? Sự thực là trước đây, tất cả mọi người đều bị di dời khỏi những đường phố mà ngài du hành qua. Tôi tự hỏi người này từ đâu tới, bởi vì nơi nào cũng có lính gác và quân đội. Không ai được phép bước vào con đường mà cỗ xe đang chạy. Người này bị bệnh.”
Siddhartha hỏi: “Bệnh là gì?”
Người đánh xe giải thích: “Bệnh là thứ sinh ra cùng chúng ta, chúng ta mang theo tất cả các loại bệnh trong thân thể. Thỉnh thoảng, trong hoàn cảnh nào đó, một điểm yếu mà ngài đem theo bên trong mình nhận được trợ giúp từ bên ngoài và ngài bị nhiễm bệnh, ngài trở nên đau ốm.”
Thế rồi một người già xuất hiện, một vị thần khác, gần như bị gù, già đến nỗi Siddhartha không thể tin vào mắt mình: “Chuyện gì xảy ra với người này vậy?” Người đánh xe nói: “Điều này xảy ra sau nhiều bệnh tật... người này đã già đi.”
Và sau đó, một xác chết, một vị thần khác đóng giả một xác chết, được khiêng qua. Bốn vị thần khác khiêng ông ta trên một chiếc cáng. Siddhartha hỏi: “Cái gì đang diễn ra thế?”
Người đánh xe nói: “Người này là giai đoạn cuối cùng. Sau người già kia, đây là điều xảy đến.”
Siddhartha nói: “Dừng xe lại ngay và trả lời ta thành thật: Tất cả những điều này cũng sẽ xảy đến với ta ư?”
Đúng lúc đó anh nhìn thấy một thầy tu, một vị thần nữa giả dạng một thầy tu. Siddhartha nói: “Và giai đoạn này là gì? Đầu cạo trọc, một tay cầm trượng, một tay cầm bát ăn xin...”
Người đánh xe trả lời: “Đây không phải là một giai đoạn giống như những giai đoạn kia, đây là một kiểu người đã nhận biết được đau buồn, khổ não, bệnh tật, tuổi già, cái chết. Ông ta đã từ bỏ cuộc đời để tìm kiếm chân lý, một điều trường tồn, bất diệt.”
Siddhartha nói: “Trở về nhà thôi. Ta đã mắc bệnh rồi, bệnh đến mức muốn chết luôn. Ta đã già rồi, già cỗi mặc dù bề ngoài ta vẫn trẻ. Dù cho một vài năm nữa ta mới già thì sao chứ? Sớm muộn nó cũng sẽ bước đến bên ta! Ta không muốn giống như người chết đó. Mặc dù theo tất cả những nghĩa thông thường thì ta đang sống nhưng ta đã chết cùng người đó rồi. Cái chết sẽ tới, chỉ là vấn đề thời gian, vấn đề sớm muộn. Nó có thể tới ngày mai hay nhiều năm sau nữa, nhưng dù thế nào thì nó vẫn sẽ xảy đến.”
Anh nói: “Đêm nay hãy chuẩn bị xe ngựa sẵn sàng, ta sẽ trở thành kiểu người cuối cùng đó. Ta sẽ từ bỏ mọi thứ ta có. Ta đã không thấy hạnh phúc ở đây. Ta sẽ tìm kiếm nó, ta sẽ truy đuổi nó. Ta sẽ làm mọi thứ cần thiết để tìm ra hạnh phúc.”
Cái mà các chiêm tinh gia gợi ý cho cha của Đức Phật chỉ là lẽ thường... mà lẽ thường thì nông cạn. Họ không thể tính được một điều đơn giản: Bạn không thể giữ cho một người cả đời không nhận biết được hiện thực. Tốt hơn là cho anh ta biết ngay từ đầu, còn không thì nó sẽ dẫn đến một sự bùng nổ trong cuộc đời anh ta.
Và điều đó đã xảy ra.
Tất cả các lời bình giải đều nói Đức Phật từ bỏ thế giới. Điều đó không đúng. Đơn giản là thế giới đã rơi rụng, nó chẳng còn ý nghĩa gì đối với ông.
Vào đêm ông rời khỏi cung điện của mình để tới những ngọn núi, khi đi qua biên giới vương quốc, người đánh xe cố thuyết phục ông quay trở lại cung điện. Người đánh xe là một ông lão. Ông đã biết Đức Phật từ khi người còn nhỏ, ông ta cũng khoảng độ tuổi của cha Đức Phật. Ông ta nói: “Ngài đang làm gì vậy? Đúng là điên rồ. Ngài mất trí rồi hay sao? Xin hãy nhìn lại!”
Đó là đêm trăng tròn và lâu đài cẩm thạch của Đức Phật trông tráng lệ xiết bao. Thật là một niềm hân hoan khi được chiêm ngưỡng tòa lâu đài cẩm thạch trắng dưới ánh trăng. Người dân từ những nơi xa xôi từng đến đây chỉ để được ngắm nhìn tòa lâu đài của Đức Phật vào đêm trăng tròn trong giây lát, giống như ngày nay người ta đi xem lăng mộ Taj Mahal. Cẩm thạch trắng đẹp đến không thể tin nổi khi trăng tròn. Có một sự đồng điệu giữa trăng tròn với cẩm thạch trắng, một sự hài hòa nào đó, một nhịp điệu, một sự đồng cảm. Người đánh xe nói: “Xin ngài hãy nhìn lại phía sau ít nhất một lần. Không ai có một tòa lâu đài đẹp như thế này.”
Đức Phật nhìn lại và bảo ông lão: “Ta chẳng nhìn thấy tòa lâu đài nào ở đó mà chỉ thấy một đám cháy lớn. Tòa lâu đài đang cháy, chỉ có những ngọn lửa. Để ta lại đây và về đi; nếu ông nhìn thấy tòa lâu đài, hãy trở lại đó. Còn ta chẳng thấy tòa lâu đài nào ở đó, bởi vì mỗi khoảnh khắc cái chết đều đang đến gần. Và ta chẳng thấy tòa lâu đài nào ở đó bởi vì tất cả lâu đài sớm muộn cũng tiêu tan. Trong thế giới này, mọi thứ đều là tạm thời và ta tìm kiếm điều vĩnh hằng. Nhìn những thứ tạm thời của thế giới này ư, ta không thể lừa dối bản thân mình thêm nữa.”
Đây đích xác là những lời của ông ấy: “Ta không thể lừa dối bản thân mình thêm nữa.”
Không phải ông ấy rời bỏ thế giới! Ông ấy có thể làm gì? Nếu bạn thấy một thứ là rác rưởi, nếu bạn thấy những hòn đá mà bạn đã luôn đem theo không phải kim cương đích thực, bạn sẽ làm gì với chúng? Chẳng cần có lòng can đảm to lớn để vứt bỏ chúng, để ném chúng đi. Chẳng cần trí tuệ vĩ đại để tống khứ chúng, chúng sẽ ngay lập tức rơi khỏi tay bạn. Bạn không níu bám vào những hòn đá đó, mà vào ý tưởng chúng là kim cương. Bạn đã níu bám vào sự ngụy biện của bạn, ảo ảnh của bạn.
Đức Phật không từ bỏ thế giới, ông ấy từ bỏ ảo ảnh của mình về nó. Và đó cũng là một hiện tượng chứ không phải một hành động. Khi từ bỏ là một hiện tượng, nó mang một vẻ đẹp khác thường, bởi vì không có động cơ bên trong. Nó không phải là biện pháp để đạt được thứ gì đó khác. Nó là toàn bộ. Bạn đã chấm dứt với khao khát, bạn đã chấm dứt với tương lai, bạn đã chấm dứt với quyền lực, tiền bạc và danh vọng, bởi vì bạn đã nhìn thấy sự phù phiếm của tất cả những thứ đó.