Trong sáu năm, Đức Phật đã làm mọi thứ mà một người có thể làm. Ông đi gặp tất cả những thầy giáo, những bậc thầy, những học giả, những nhà thông thái, những vị hiền nhân, những vị thánh. Và Ấn Độ thì đầy những người như thế nên bạn chẳng cần phải tìm kiếm, bạn đi đâu cũng gặp họ. Họ ở khắp mọi nơi; nếu bạn không tìm họ, họ sẽ tìm bạn! Và đặc biệt, chuyện này lên đến đỉnh điểm vào thời của Đức Phật. Cả đất nước sôi sục một điều duy nhất: làm sao tìm ra thứ vượt qua cái chết.
Nhưng sau sáu năm nỗ lực đến cùng cực – hành xác, nhịn ăn và các tư thế Yoga – chẳng có gì xảy ra. Thế rồi một ngày... Ngay cả các Phật tử cũng chưa thể hiểu ý nghĩa của câu chuyện này. Đây là câu chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật. Không gì so sánh được với nó.
Hãy nghĩ về Đức Phật. Ông là chính mình, đó là vẻ đẹp của ông và sự vĩ đại của ông. Ông không phải một Phật tử, ông chỉ là chính mình. Ông đã cố gắng trong sáu năm liên tục, học các bậc thầy khác nhau để tìm chân lý, nhưng chẳng có gì xảy ra ngoại trừ thất vọng và thất bại. Ông tuyệt vọng ghê gớm vì ông đã ở cùng tất cả những thầy giáo vĩ đại nhất. Bởi vì sự chân thành và trung thực của ông, những thầy giáo đó phải tự nói với ông rằng: “Chúng ta đã dạy con tất cả những gì chúng ta biết. Nếu con muốn nhiều hơn thì con sẽ phải tự tìm lấy cho mình. Đây là tất cả những điều chúng ta biết. Và chúng ta hoàn toàn hiểu được rằng con chưa thỏa mãn; chúng ta cũng chưa thỏa mãn, nhưng chúng ta không đủ can đảm để tiếp tục tìm kiếm. Cho dù phải mất nhiều kiếp, hãy tiếp tục tìm kiếm nó.”
Cuối cùng, Đức Phật đã bỏ tất cả các thầy giáo và bậc thầy để tự mình bắt đầu. Ông vô cùng chăm chỉ. Một trong những điều ý nghĩa nhất đã xảy ra và tất cả những người tìm kiếm phải ghi nhớ nó dù họ ở đâu trên thế giới, nó sẽ luôn là một mốc quan trọng cho nhân loại tương lai.
Một ngày kia, ông đang ngồi bên bờ sông Niranjana. Tôi đã tới nơi đó. Một dòng sông nhỏ, có lẽ vào mùa mưa con sông sẽ lớn hơn, nhưng khi tôi đến đó vào mùa hè, nó chỉ là một dòng nước nhỏ.
Ông đi xuống sông để tắm, nhưng ông đã nhịn ăn quá lâu. Ông quá yếu và dòng nước thì nhanh và mạnh tới mức ông ấy suýt bị cuốn đi. Bằng cách nào đó, ông nắm được rễ của một cái cây, và vào khoảnh khắc đó, một ý tưởng lóe lên: “Do nhịn ăn, ta đã trở nên quá yếu ớt. Tất cả thầy giáo, tất cả kinh sách liên tục nhấn mạnh rằng bạn không thể đạt tới chứng ngộ trừ khi bạn tẩy uế bằng cách nhịn ăn. Ta đã khiến mình quá yếu ớt nhưng chứng ngộ vẫn chưa xảy ra. Ta thậm chí không thể thoát khỏi dòng sông Niranjana nhỏ bé này thì làm sao ta có thể thoát khỏi đại dương của cả thế giới?”
Trong thần thoại Ấn Độ, thế giới được so sánh với đại dương – bhavsagar. “Làm sao ta vượt qua bhavsagar, đại dương của thế giới khi mà ta thậm chí không thể vượt qua sông Niranjana?”
Đây là khoảnh khắc sáng trí vĩ đại: “Ta không cần tra tấn thân thể mình. Đó không phải là tẩy uế, đó là khiến mình trở nên yếu ớt. Nó không làm ta thần thánh hơn, nó làm ta ốm yếu.”
Trong lúc đó, một người phụ nữ trong thị trấn đã lập một lời hứa với cái cây mà Đức Phật đang ngồi. Cô hứa nếu con cô khỏi ốm thì cô sẽ đến vào đêm trăng tròn và đem theo một bát bánh kẹo để tạ ơn thần cây.
Đó là đêm trăng tròn và trùng hợp là Đức Phật đang ngồi dưới tán cây. Người phụ nữ nghĩ: “Thượng Đế ơi, thần cây đang ngồi dưới tán cây để đợi con!” Cô ấy vui mừng khôn xiết. Cô đặt bánh kẹo dưới chân ông và nói: “Con chưa bao giờ nghe nói rằng thần linh lại bước ra khỏi cây để nhận lễ vật từ những người nghèo khổ chúng con, nhưng ngài thật vĩ đại và ơn ngài với con như trời biển. Xin tha thứ cho con đã đem đến cho ngài quá nhiều rắc rối và nhận lấy lễ vật nhỏ bé này.”
Sau nhiều năm, lần đầu tiên Đức Phật ăn mà không cảm thấy tội lỗi.
Tất cả các tôn giáo đã tạo ra tội lỗi về mọi thứ. Bạn ăn cái gì ngon là tội lỗi. Bạn mặc cái gì đẹp là tội lỗi. Nếu bạn hạnh phúc, hẳn là có gì đó sai. Bạn nên nghiêm trang, bạn nên buồn bã, chỉ thế người ta mới nghĩ là bạn sùng đạo. Một người sùng đạo không được phép cười.
Lần đầu tiên, Đức Phật bước ra khỏi sự kìm kẹp của truyền thống. Chưa ai phân tích trạng thái tâm trí ông vào khoảnh khắc đó, nó rất có ý nghĩa về mặt tâm lý học của việc chứng ngộ tâm linh. Đức Phật vứt bỏ toàn bộ truyền thống, chính thống, tất cả những gì ông đã được dạy, tất cả những gì ông đã bị áp đặt. Ông ấy đơn giản là bỏ đi mọi thứ.
Ông ấy thậm chí không hỏi người phụ nữ: “Cô thuộc về đẳng cấp nào?” Theo như tôi hiểu thì cô ấy hẳn thuộc về đẳng cấp Sudra. Nó chẳng được chép lại ở đâu hết, nhưng kết luận của tôi có cơ sở bởi vì tên của cô ấy là Sujata. Sujata nghĩa là “được sinh vào một gia đình thuộc đẳng cấp cao”. Chỉ những người không sinh vào một gia đình thuộc đẳng cấp cao mới có cái tên này. Người sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp cao không cần cái tên như vậy. Bạn hãy tìm người nghèo nhất thị trấn và tên anh ta sẽ là Dhanidas, “người giàu có”... hoặc người đàn bà xấu xí nhất thị trấn và tên cô ta sẽ là Sunderbai, “người phụ nữ xinh đẹp”. Người ta dùng tên để nâng cao hiện thực của họ. Tên của cô gái là Sujata.
Tối hôm đó, Đức Phật vứt bỏ cấu trúc đã bao vây ông. Ông không hỏi đẳng cấp hay tín ngưỡng. Ông nhận lễ vật, ông ăn bánh kẹo, và sau nhiều ngày thì đây là lần đầu tiên ông ngủ mà không cảm thấy tội lỗi vì ngủ. Những người mà bạn gọi là tâm linh thì sợ ngủ. Ngay cả ngủ cũng là tội ác phải bị loại trừ. Bạn càng ngủ ít thì càng là một người tâm linh.
Đêm đó Đức Phật ngủ như một đứa trẻ, không có khái niệm cái gì đúng và cái gì sai, ngây thơ, không bị đè nặng bởi hoàn cảnh, truyền thống, tiêu chuẩn, tôn giáo. Đêm đó ông thậm chí không lo nghĩ về chân lý hay chứng ngộ. Ông ngủ một giấc sâu không mộng mị, bởi vì những giấc mơ chỉ đến khi bạn có khao khát. Đêm đó tuyệt đối không có khao khát. Ông ấy không có khao khát cho nên không có bất cứ giấc mơ nào. Vào buổi sáng khi ông mở mắt ra, ông hoàn toàn tĩnh lặng. Mọi thứ bên ngoài cũng tuyệt đối tĩnh lặng. Rồi mặt trời bắt đầu mọc, và khi mặt trời hé rạng, một điều gì đó bên trong ông cũng bắt đầu hé rạng.
Ông ấy không tìm nó, ông ấy không kiếm nó. Lần đầu tiên ông ấy không khao khát nó và nó xảy ra. Ông ấy ngập tràn ánh sáng.
Người đàn ông Siddhartha trở thành Đức Phật.
Trong sự soi sáng đó, trong khoảnh khắc của chứng ngộ, niết bàn, ông ấy không tìm kiếm bất cứ Thượng Đế nào. Toàn thể hiện hữu là thiêng liêng, không có đấng sáng tạo tách rời. Toàn thể hiện hữu ngập tràn ánh sáng và ngập tràn ý thức, cho nên không có Thượng Đế nhưng lại đầy thần tính.
Đó là một cuộc cách mạng trong thế giới của các tôn giáo. Đức Phật tạo ra một tôn giáo không có Thượng Đế. Lần đầu tiên Thượng Đế không còn ở trung tâm của một tôn giáo. Bản thể con người trở thành trung tâm của tôn giáo, tận cùng bên trong ngập tràn thần tính, nên bạn không phải đi đâu, chỉ đơn giản là ngừng đi ra ngoài. Bạn phải ở nguyên bên trong, từ từ, chậm rãi an định ở trung tâm của bạn. Ngày mà bạn an định ở trung tâm, sự bùng nổ xảy ra.
CỬ CHỈ NHỎ NHẤT
Một ngày nọ, Đức Phật đang đi dạo cùng đệ tử, điều này hẳn là xảy ra trước khi ông chứng ngộ. Ông ấy thu thập một vài đệ tử ngay từ trước khi ông ấy chứng ngộ, bởi vì một ánh sáng đã bắt đầu lan tỏa, giống như ánh sớm của buổi bình minh, khi mặt trời vẫn chưa mọc nhưng bầu trời đã chuyển sang màu đỏ và mặt đất tràn ngập ánh sáng; mặt trời vừa mới hé rạng trên đường chân trời. Trước khi Đức Phật chứng ngộ, ông ấy có năm đệ tử. Ông đang đi dạo cùng năm đệ tử đó thì một con ruồi đậu lên đầu ông. Ông đang nói với các đệ tử và, không chú ý nhiều, một cách máy móc, ông gạt tay khiến con ruồi bay mất. Thế rồi ông dừng lại, nhắm mắt. Các đệ tử không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra, nhưng họ cũng im lặng, một điều vô cùng quý giá đang xảy ra.
Gương mặt ông sáng bừng lên, và ông giơ tay thật chậm rãi, một lần nữa gạt nó qua trán như thể con ruồi vẫn còn đậu ở đó. Nó đã bay đi rồi. Các đệ tử hỏi: “Thầy đang làm gì vậy ạ? Con ruồi đâu còn đó nữa.”
Ông ấy nói: “Nhưng bây giờ ta gạt tay một cách ý thức, khi nãy ta đã không ý thức. Ta đã bỏ lỡ một cơ hội để có ý thức. Ta đã quá chú ý vào việc nói chuyện với các vị và cánh tay đã cử động một cách máy móc. Nó nên cử động có ý thức. Bây giờ ta đang cử động nó theo cách lẽ ra nên như thế.”
Đây là điều Đức Phật ngụ ý khi ông ấy nói về con đường của đức hạnh: trở nên tỉnh giác đến mức ngay cả những hành động nhỏ, những cử chỉ nhỏ, tất cả đều ngập tràn sự nhận biết.