“Đừng đau khổ vì những gì bạn không có, hãy biết vui với những gì bạn đang có trong tay.”
- Epictetus
Năm tôi học lớp Mười Hai cũng là năm đầu tiên nhà trường thử nghiệm chương trình dã ngoại kết hợp với học tập. Mở đầu là chuyến đi bộ bốn mươi ba ki-lô-mét xuyên đèo Columbia. Khi được thông báo về chuyến đi, lớp tôi nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi. Viễn cảnh về chuyến “phiêu lưu mạo hiểm” hứa hẹn nhiều điều mới lạ khiến tất cả chúng tôi nôn nao và hào hứng. Bỗng mọi người ngạc nhiên trước một cánh tay đưa lên xin không tham gia chuyến đi.
Đó là Martha và cô bạn giải thích, “Thưa thầy, em rất sợ phải leo những vách núi cheo leo, phải mang ba lô đồ đạc lỉnh kỉnh băng qua cánh rừng lạnh buốt dưới mưa hay thức giấc lúc nửa đêm để bắt bọ ra khỏi túi ngủ”.
Đột nhiên cả lớp im bặt. Mặc dù đang giả vờ nhìn thẳng lên bảng, tôi vẫn cảm nhận được mọi cặp mắt trong lớp đang đổ dồn về phía mình một cách ái ngại pha lẫn tò mò. Tôi đỏ bừng cả mặt nhưng vẫn cố phớt lờ những ánh nhìn đó. Cả lớp đang chờ xem tôi có giơ tay xin được miễn tham gia chuyến đi hay không, bởi một lẽ đơn giản rằng tôi là người khuyết tật duy nhất trong lớp. Tôi, chứ không phải Martha, là người được dự đoán sẽ từ chối chuyến đi này. Nhưng họ đâu biết rằng hơn ai hết, tôi khát khao chinh phục thử thách bằng quyết tâm của mình.
Tiết học vừa kết thúc, tôi khập khiễng bước xuống thư viện để tranh thủ mượn thêm mấy quyển sách. Lúc đi ngang qua phòng hội đồng, tôi sững người khi thoáng nghe tên mình được nhắc đến.
“Cô bé Janet đã không giơ tay”, thầy Sam – người đã thông báo về chuyến đi cho lớp tôi sáng nay – nói với các thầy cô trong phòng.
“Làm sao cô bé đủ sức đi chừng ấy chặng đường? Chưa kể Janet có một chân giả và còn phải mang trên lưng cái ba lô nặng gần hai mươi ký”, thầy dạy môn khoa học nói kèm theo cái thở dài. “Mà chắc gì cha mẹ Janet ký giấy đồng ý cho con gái mình đi.”
Tôi buồn bã khập khễnh nhón chân bước đi, cố để không ai nghe tiếng lộp cộp của cái chân giả chạm xuống sàn. Dường như không ai tin tôi có thể chinh phục chuyến đi này.
Tối hôm đó, đợi cha ăn tối xong và ngồi vào bàn làm việc như thường lệ, tôi mới cầm tờ giấy đăng ký tham gia chuyến đi dã ngoại và rón rén lại gần cha thủ thỉ, “Cha ơi, cha ký vào đây giùm con đi”.
“Gì vậy con?”, cha tôi hỏi, tay vẫn không ngừng viết.
“Chỉ là giấy đăng ký tham gia chuyến dã ngoại bình thường thôi ạ. Cha chỉ cần ký vào chỗ này là được”, tôi nói mà trống ngực đập liên hồi. Tôi chưa từng nói dối cha mẹ, nhưng lần này tôi đành phải làm vậy vì cha sẽ không đời nào để tôi đi nếu biết đây không phải là chuyến dã ngoại bình thường.
Thời tiết ngày khởi hành không đẹp như mọi người mong đợi. Trời không mưa nhưng mây đen giăng ngang trời ủ rũ. Chuyến hành trình của chúng tôi bắt đầu trên con đường mòn thoai thoải xuyên qua cánh rừng. Càng đi, đường càng dốc và hoang vu nhưng bù lại là phong cảnh tuyệt đẹp. Bùn đất như muốn níu chân tôi lại và mỗi bước chân của tôi là cả một nỗ lực lớn. Các bạn trong lớp phải liên tục dạt những cành cây lòa xòa sang một bên để tôi dễ đi hơn.
Mặc dù đã rất cẩn thận, chúng tôi vẫn không tránh khỏi việc bị trượt ngã trên con đường trơn trượt, và tất nhiên tôi là người ngã nhiều nhất. Quần áo tôi lấm lem bùn đất, và cả người tôi ướt mem vì té xuống cỏ đẫm nước sau trận mưa đêm qua. Nhưng lạ thay, tôi không hề lạnh mà lại cảm thấy ấm áp trong lòng vì những bàn tay luôn sẵn sàng đỡ tôi dậy. Chúng tôi dường như quên hết mệt mỏi khi cùng cười đùa và trêu chọc nhau về những cú ngã “ngoạn mục” ấy. Trong khoảnh khắc đó, mọi khoảng cách giữa chúng tôi như được xóa mờ và các bạn cũng không còn xem tôi là người tật nguyền nữa. Chúng tôi thật sự đã có những giây phút chia sẻ và nồng ấm tình bạn bên nhau.
Nhưng thật không may, khi chúng tôi đi được hơn nửa quãng đường thì thời tiết đột nhiên trở lạnh và tuyết bắt đầu rơi. Vì lý do an toàn, các thầy cô quyết định dừng chuyến đi tại đó. Lũ học trò chúng tôi tiếc rẻ quay về, nhưng trong lòng vẫn được an ủi đôi chút vì các thầy cô hứa tổ chức một chuyến đi khác khi thời tiết đẹp hơn.
Tuy không được trọn vẹn như mong đợi, nhưng chuyến đi này cũng giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về bản thân. Tôi hiểu rằng giới hạn thể chất không ngăn được ý chí quyết tâm của con người và bạn không nhất thiết phải sống theo những gì người khác nghĩ về mình. Tôi cũng nghiệm ra rằng khi đứng trước trở ngại thách thức, niềm tin vào bản thân sẽ dẫn lối ta đi đến cuối con đường. Và tôi đang rất trông chờ chuyến dã ngoại tiếp theo, chắc chắn lúc đó tôi sẽ tiếp tục tham gia.