“Lòng kiên trì và tình yêu thương có thể giúp con người vượt qua mọi thử thách.”
- Khuyết danh
Khi mới lên bốn, tôi đã mắc bệnh bại liệt. Sau nhiều tuần nằm viện, tôi được trở về nhà nhưng vẫn phải nằm trên chiếc giường có chấn song được mẹ thuê từ bệnh viện. Cha đi làm, còn mẹ ở nhà nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc tôi.
Mỗi ngày hai lần, mẹ bế tôi đi tắm rửa và tập cho tôi các bài tập trị liệu mà bác sĩ chỉ định. Với tôi, những ngày tháng đó thật kinh khủng. Tôi không thể ra sân chơi đùa cùng lũ bạn hay làm bất cứ điều gì mình muốn. Thứ duy nhất tôi có là quả bóng dùng để luyện tập cử động các ngón tay. Không ít lần chán nản vì đôi tay nhỏ bé yếu ớt của mình không thể nắm chặt quả bóng, tôi bực bội đẩy nó rơi xuống đất. Những lúc như thế, mẹ lại nhặt quả bóng lên và dịu dàng nói, “Cố gắng tập thêm đi con, rồi con sẽ khỏe mạnh và được đi chơi như các bạn”.
Trong bài tập cơ hàng ngày, mẹ thường đặt hai ngón tay vào lòng bàn tay tôi rồi nói tôi cố nắm chặt tay khoảng mười lần. Mẹ hy vọng mỗi ngày có thể cảm nhận tay tôi nắm chặt hơn một chút, nhưng thường thì tôi chỉ đủ sức nắm chặt ngón tay mẹ trong những lần nỗ lực đầu tiên.
Một hôm, cha mang về cho tôi một chú khỉ đồ chơi. Chú khỉ mặc bộ quần áo len đỏ xinh xắn, trước ngực mang cái trống nhỏ. Hai bàn tay chú đang trong tư thế sắp gõ trống, và sau lưng chú khỉ có một ống cao su nối với quả bóng nhỏ. Cha hướng dẫn tôi cách điều khiển nó. Nếu bóp mạnh quả bóng, hai tay chú khỉ sẽ vỗ vào mặt trống, tạo ra tiếng bùm bùm, chách chách rất vui tai.
“Nào, con làm thử đi”, cha ân cần đặt quả bóng vào bàn tay thẳng đờ của tôi.
Tôi cố bóp quả bóng nhưng chú khỉ không hề nhúc nhích. Tôi dồn hết sức vào bàn tay và cố bóp thêm lần nữa. Một tay chú khỉ hơi hạ xuống nhưng vẫn chưa đủ mạnh để cái trống phát ra âm thanh.
Nhưng như vậy cũng đủ làm mẹ tôi reo lên vui sướng, “Con làm tốt lắm, cố thêm chút nữa đi con”. Nói xong, mẹ đặt bàn tay ôm trọn lấy tay tôi rồi bóp mạnh. Bùm bùm.
“Lần nữa đi mẹ”, tôi ngước mắt nhìn mẹ.
Mẹ lại dịu dàng bóp bàn tay tôi. Bùm bùm. Thêm một lần nữa. Chách chách.
“Bây giờ con thử tự làm xem.”
Tôi cố sức một lần. Bùm bùm. Được rồi! Tiếng trống đã vang lên.
“Con làm được rồi mẹ ơi”, tôi mừng rỡ bóp tiếp. Bùm bùm. Chách chách. “Con làm được rồi”, tôi phấn khích la lớn.
Từ đó, tôi say sưa tập luyện cơ tay bằng cách này. Tiếng trống vang lên đều đặn và nhịp nhàng như một bản nhạc. Tôi tập thuần thục tay phải rồi chuyển sang tay trái. Đôi lúc tôi cảm thấy nản nhưng gương mặt rạng rỡ và tràn đầy hy vọng của cha mẹ mỗi khi tiếng trống vang lên đã tiếp thêm cho tôi động lực cố gắng.
Buổi tối nọ, cha tôi vừa chợp mắt sau ngày dài làm việc vất vả thì tiếng trống vang lên làm cha chợt tỉnh giấc. Cha ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười.
Tôi áy náy xin lỗi, “Con làm cha thức giấc phải không? Xin lỗi cha, con sẽ không bóp quả bóng trong lúc cha ngủ nữa đâu”.
Cha xoa đầu tôi và giọng cha bỗng ấm áp hơn bao giờ hết, “Không sao đâu con, con cứ tập bất cứ khi nào con muốn. Tiếng trống đó chính là kết quả của lòng kiên trì. Đừng vì bất cứ điều gì mà từ bỏ lòng kiên trì, con nhé”.
Nhờ chăm chỉ tập luyện, tôi từng bước phục hồi và cơ tay cũng khỏe hơn. Bốn mươi năm đã trôi qua nhưng âm thanh của những ngày đó vẫn vang mãi trong tôi, nhất là trong những lúc khó khăn như lời nhắc nhở rằng bằng nỗ lực và cố gắng, tôi có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào.