Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy.
Kinh Châm ngôn – Kinh Thánh mở rộng
M
ột hôm, trong khi đang đi dạo quanh khu phố, vợ tôi đã vô tình gặp một người phụ nữ vừa mới dọn đến sống tại ngôi nhà cách chúng tôi vài căn. Họ đã tán gẫu một chút trước cửa nhà cô ấy. Đó là cơ hội giúp người hàng xóm mới cảm thấy thoải mái.
Trong lúc họ đang nói chuyện, một người hàng xóm khác sống ở căn nhà bên cạnh, sang trọng hơn, đi ra phía ngoài hàng rào và hét lên: “Cây của nhà chị cao quá,” ông ta nói. “Nó chắn hết tầm nhìn của nhà tôi rồi. Chị không biết khu chúng ta có quy định về việc này hay sao. Tôi sẽ báo lên hiệp hội dân cư về chuyện này.” Rồi ông ta tiếp tục buông lời nhiếc móc thậm tệ, tới tận khi bị bà vợ ra kéo vào trong nhà.
Tôi dám chắc lúc đó, người hàng xóm mới của chúng tôi đã phải tự nhủ rằng: Ôi, tự nhiên mình lại vướng vào cái quyện quái quỷ gì thế này? Vài tuần sau, họ đã phải đốn bỏ cái cây đó.
Tôi đoán chị hàng xóm đó đã có một cuộc bàn bạc khá lâu và bực dọc với chồng mình về chuyện này. Họ đã bị công kích và dĩ nhiên là sẽ có cái nhìn không mấy tốt đẹp về ông hàng xóm xấu bụng kia.
Trước đây, tôi thỉnh thoảng có trò chuyện với ông hàng xóm vừa kể. Ông ta lúc nào cũng có vẻ hơi lập dị nhưng chưa bao giờ tỏ ra ác ý. Nhưng vài tháng trước, ông từng chặn tôi lại ngay trước cửa nhà và phàn nàn: “Tôi đã mấy lần thấy anh vừa dạy học vừa bật nhạc inh ỏi vào khoảng ba giờ sáng ở trước cửa nhà rồi đấy. Tiếng xếp bàn xếp ghế ầm ĩ làm tôi không tài nào ngủ được. Tôi ra xem có chuyện gì thì thấy ánh đèn ở chỗ của anh. Tôi đang thắc mắc chuyện này là như thế nào.”
Tôi chưa bao giờ dạy học trên lối chạy xe vào nhà tôi vào lúc ba giờ sáng. Thậm chí tôi còn chẳng biết là mình đã khi nào thức dậy vào lúc ba giờ sáng hay chưa nữa.
Đó là manh mối đầu tiên chỉ ra rằng có gì đó không ổn. Sau đó, chúng tôi được tin rằng ông ấy bị hội chứng mất trí đột ngột. Ông ấy đâm ra nóng nảy hơn, và chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều thành viên khác trong gia đình ghé qua để chăm sóc ông.
Nhưng những người hàng xóm mới của chúng tôi không nhìn nhận vấn đề theo hướng đó. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi họ có ấn tượng xấu và coi ông ta như kẻ thù. Nhưng một góc nhìn khác sẽ có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta trải nghiệm cùng một sự việc.
Có người từng nói: “Khi bị thiếu thông tin, chúng ta thường có xu hướng dựng chuyện.” Vì thế trò chuyện về các vấn đề khó khăn là một việc vô cùng quan trọng. Nếu không giao tiếp, chúng ta sẽ không thể hiểu được suy nghĩ của đối phương. Do đó, chúng ta bắt đầu tự biên tự diễn, tưởng tượng ra đủ điều và cho rằng chúng là sự thực.
Chúng ta thường cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với người khác về khúc mắc giữa mình và người đó. Vì thế chúng ta chọn con đường dễ hơn, tức là nói với tất cả những người khác thay vì trò chuyện trực tiếp với đối phương. Tuy nhiên, mỗi lần nói về những người khác mà không nói trực tiếp với họ cũng đồng nghĩa với một lần chúng ta đang mạo hiểm phá hỏng mối quan hệ giữa chúng ta và họ. Cách duy nhất để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh là trao đổi trực tiếp với người còn lại trong mối quan hệ, Dù việc đó có khó khăn đến đâu.
NHỮNG KẺ GHÉT THẦM
Thường thì các tác giả viết sách sẽ chẳng phải tốn quá nhiều thời gian để phát hiện ra điều này. Mọi người đọc sách của họ, hình thành ý kiến, rồi viết chúng thành những bài bình duyệt sách, bài viết trên mạng, hay trên các phương tiện truyền thông khác. Nếu không đồng tình với tác giả, họ thường phê phán cuốn sách một cách vô cùng kịch liệt. Nhưng bên cạnh đó, họ còn thường xuyên chỉ trích cả tư cách cá nhân của người tác giả.
Tôi vẫn luôn cho là thú vị khi những nhà phê bình này thể hiện quan điểm của họ một cách vô cùng mạnh mẽ và tự tin, nhưng họ lại không bao giờ đối thoại trực diện với tác giả. Từ trong bóng tối, họ đã nói ra những điều mà họ có lẽ không bao giờ nói khi gặp mặt trực tiếp.
Nhiều năm trước, sau khi cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản, tôi có đọc được một bài bình duyệt của một giáo sư đại học, được đăng trên tạp chí dành cho các cựu sinh viên của ngôi trường mà ông giảng dạy. Theo ông, tuy cuốn sách của tôi là một trong những cuốn sách hay nhất mà ông từng đọc về chủ đề đó nhưng ông lại không ưa gì nó vì trong đó, tôi đã trích dẫn lời của những người mà theo ông là những kẻ đả phá mạnh nhất với những kiến thức mà ông vẫn luôn tin tưởng và giảng dạy. Thế là tôi đã phải chịu vạ lây. Do tôi trích dẫn lời của những nhân vật đó, vị giáo sư kia đã cho rằng tôi đồng tình với toàn bộ quan điểm của họ, hay nói cách khác là hùa theo kẻ thù của ông. Chính vì lý do này, ông đã không khuyến khích mọi người đọc sách của tôi.
Khi đọc được bài viết đó, tôi cảm thấy thất vọng nhiều hơn là giận dữ. Vị giáo sư đó hoàn toàn có quyền không đồng ý với tôi, nhưng ông ấy lại không chỉ dừng lại ở đó mà còn nói với người khác rằng tôi ủng hộ một quan điểm mà tôi vốn chẳng hề đồng thuận. Tôi cảm thấy thoải mái khi trích dẫn một phát biểu thực sự thông minh dù nó có đến từ bất kì ai, bất kể tôi có ủng hộ quan điểm của họ hay không. Rõ ràng, vị giáo sư nói trên không đồng ý với lối suy nghĩ đó, và ông ấy đã dùng nó làm cơ sở cho bài phê bình của mình. Ông ấy không chỉ phê phán nội dung cuốn sách của tôi; ông ấy còn công kích cả cá nhân tôi.
Giá như ông ấy và tôi có cơ hội để cùng ngồi uống một ly cà phê. Có lẽ khi đó, chúng tôi sẽ nói chuyện về vấn đề này. Ông ấy đã có thể nói: “Tôi cảm thấy khá quan ngại về những điều anh viết. Và sau đây là ý kiến của tôi về nó. Nhưng trước đó, tôi cũng rất muốn được lắng nghe vấn đề từ góc nhìn của anh.”
Nếu như cuộc gặp gỡ giả tưởng đó đã diễn ra, có thể tôi đã chẳng có bất cứ vấn đề gì với lời đánh giá tiêu cực từ ông. Nếu dành đủ sự tôn trọng để liên lạc với tôi ngay từ đầu thì có lẽ ông ấy đã không phải nép mình trong bóng tối mà nói vọng ra như vậy.
KHIÊU VŨ MỘT MÌNH
Khi cuộc đối thoại bắt đầu trở nên căng thẳng, nhiều người đã chọn cách đơn giản là biến mất. Họ không thích xung đột. Vì lẽ đó, họ né tránh người kia để không phải trực diện với mâu thuẫn. Nhưng cùng lúc đó, họ lại đưa cảm xúc của mình vào trong những bài viết đăng tải ở nơi mà họ có thể tấn công mà không cần phải đối phó với sự đáp trả. Có thể họ còn sẽ bắt đầu kể lể với những với người khác về những điều tồi tệ mà đối phương đã làm.
Giao tiếp cũng giống như khiêu vũ, và chúng ta luôn cố gắng khiêu vũ cùng với nhau. Khiêu vũ không phải là một môn khoa học với các số liệu chính xác tuyệt đối, và sự thành công của nó phụ thuộc vào việc chú ý và phản ứng theo những gì bạn nhảy đang làm. Chúng ta không thể khiêu vũ trong khi phớt lờ lẫn nhau.
Chỉ trích một ai đó sau lưng cũng giống như khi chúng ta đang phớt lờ bạn nhảy của mình trên sàn khiêu vũ. Thay vì cố gắng hợp tác, chúng ta chỉ tập trung vào việc phê bình từng động tác của đối phương. Chúng ta luôn miệng chê bai rằng họ thiếu kỹ năng và kém cỏi hơn chúng ta như thế nào. Chúng ta đang nhảy một mình thay vì cùng nhau khiêu vũ.
Một người bạn thân của tôi sở hữu một công ty thầu khoán. Đó là một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, nơi mà các đơn kiện thường được viết ra ngay từ trước khi bắt đầu dự án. Phần lớn việc liên lạc diễn ra qua email. Anh ấy kể với tôi rằng mâu thuẫn trong những cuộc đối thoại bằng email đó thường leo thang rất nhanh, và mỗi bức thư trả lời đều mang lời lẽ căng thẳng và đanh thép hơn so với bức thư trước đó. Họ phát cáu và tuôn ra những lời buộc tội nhau chỉ sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện qua lại. “Mọi người dần quen với việc giao tiếp kiểu đó,” anh ấy kể. “Tất cả đều được thể hiện qua những dòng chữ, và người ta sẵn sàng cư xử thô lỗ hơn khi họ không ngồi đối mặt nhau.”
Anh ấy nói rằng ngay khi nhận ra dấu hiệu cảm xúc thái quá trong bức email đầu tiên, anh ấy sẽ không trả lời nó. Anh chỉ nhấc điện thoại lên gọi và nói rằng: “Này, tôi nhận được email của bạn rồi. Có chuyện gì thế? Chúng ta hãy cùng trao đổi về nó nhé.” Đôi khi anh ấy sẵn sàng dành thời gian để lái xe qua phía bên kia thành phố để ăn trưa với người nào đó chỉ để họ có thể nhìn thẳng vào mắt nhau và chia sẻ quan điểm của mỗi người. “Không quan trọng họ cứng rắn như thế nào, họ nóng nảy ra sao khi viết,” anh ấy kể, “Hầu hết mọi người đều mềm lòng khi cậu ngồi xuống nói chuyện với họ.”
Đó là nguyên tắc chủ chốt: Một cuộc đối thoại thẳng thắn không thể diễn ra qua tin nhắn. Tình hình càng khó xử, chúng ta lại càng cần phải tìm kiếm sự kết nối trực diện và cố gắng nhìn nhận góc nhìn của đối phương.
NHỮNG GÓC NHÌN KHÁC NHAU
Vậy bằng cách nào mà những con người khác nhau đến thế lại có thể cùng hợp tác giải quyết vấn đề khi cuộc đối thoại trở nên căng thẳng? Chúng ta cần phải nhìn vào mắt đối phương và đọc được trong mắt họ những gì họ thấy – không phải để đồng ý mà để thấu hiểu họ.
Một bức tượng nằm trước một tòa nhà văn phòng mà tôi và vợ tôi từng nhìn thấy có thể minh họa rất rõ cho khái niệm này. Chúng tôi đứng ở hai bên của bức tượng, đối diện nhau, và biết rằng chúng tôi đang ngắm nhìn cùng một bức tượng. Nhìn từ phía của vợ tôi, bức tượng rõ ràng là một cô gái đẹp, với thân hình thon thả, khoác trên mình một bộ váy. Nhưng theo góc nhìn từ phía tôi, đó là một cái mũi khổng lồ với một lỗ mũi to tướng bên dưới.
Chúng tôi đã mô tả cho nhau nghe những gì mình thấy, và đều nghĩ rằng người còn lại đang kể ra những thứ hoàn toàn điên rồ. Vợ tôi thắc mắc vì sao tôi lại cười vào sự phi lý của bức tượng, trong khi tôi không hiểu hà cớ gì cô ấy lại nghĩ rằng nó đẹp. Chúng tôi đã tranh cãi cả ngày về những gì mình đã thấy vì cả hai đều cho rằng đó là một sự thật hiển nhiên. Sau đó, chúng tôi lái xe về nhà trong im lặng, và cảm thấy rằng người kia chỉ đang cố tỏ ra bướng bỉnh.
Chúng tôi đã có thể làm gì khác? Tôi đã có thể đi đến nơi vợ tôi đứng và nhìn những gì cô ấy đã thấy. Sau đó chúng tôi có thể bước qua bên của tôi và nhìn vào những gì tôi đã thấy. Và rồi, chúng tôi có thể nắm tay và cùng nhau khám phá bức tượng bởi chúng tôi đã hiểu được góc nhìn của nhau.
NỖI SỢ PHẢI ĐỘNG CHÂN
Khi hai người cùng khiêu vũ với nhau, họ có cùng một mục tiêu. Họ muốn có một trải nghiệm vui vẻ và tận hưởng sự có mặt của người còn lại. Khi diễn ra một cách suôn sẻ, các vũ điệu trở nên kỳ diệu. Có những thứ xảy ra trên sàn khiêu vũ sẽ không bao giờ có thể xảy ra khi chúng ta ở một mình hay chỉ đứng yên.
Trước lễ cưới của con gái, vợ tôi và tôi tham gia một vài giờ học khiêu vũ. Tôi biết rằng sẽ có một điệu nhảy bắt buộc giữa cha và con gái, và tôi không muốn bị bẽ mặt. Nhưng còn hơn thế. Không chỉ lo lắng cho bản thân và cái nhìn của những người xung quanh, tôi còn lo lắng cho mối quan hệ giữa tôi và con gái mình. Con bé là người phụ nữ quan trọng nhất trong thế giới của tôi, chỉ sau vợ tôi. Đó là ngày đặc biệt của con bé, và tôi muốn trao cho con bé những gì nó xứng đáng được hưởng. Tôi muốn nhảy thật đẹp vì con bé chứ không phải vì bản thân mình. Tôi đã không biết rằng mình chỉ thành công trên phương diện lý thuyết, và con bé có lẽ đã có thêm vài vết bầm tím cho trải nghiệm này. Nhưng điệu nhảy đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Mối quan hệ của với con bé đủ quan trọng để khiến tôi phải dốc sức tập luyện.
Khiêu vũ không phải là một bài thể dục đã được lên kế hoạch chi li từ trước. Có những động tác và chuyển động căn bản mà bạn phải học, nhưng một cặp đôi nhảy thường ngẫu hứng thay đổi chúng tùy vào cảm xúc của riêng của từng người. Họ không biết chính xác người bạn nhảy của mình sẽ làm gì và mình phải phản ứng theo bước nhảy của người kia như thế nào. Đôi lúc, có thể điệu nhảy sẽ bị xáo trộn, và người này có thể vô tình giẫm lên ngón chân người kia. Không ai kiểm soát được, và điều đó có thể khiến ta cảm thấy không mấy thoải mái.
Đó cũng là cách mà các cuộc đối thoại diễn ra. Khi chúng trở nên gay gắt, chúng ta có thể sẽ nản lòng khi người đối diện không phản ứng như chúng ta mong đợi. Các cuộc đối thoại có thể trở nên lộn xộn và rất khó chịu. Nhưng để giữ cho cuộc đối thoại được lành mạnh, chúng ta phải nhớ một điều: Chúng ta phải tiếp tục khiêu vũ.
NHỮNG BÀI HỌC KHIÊU VŨ
Làm thế nào chúng ta học được cách khiêu vũ với nhau? Chúng ta tham gia các lớp học nhảy. Chúng ta luyện tập, bắt đầu từ những bước nhảy cơ bản và sau đó học cách biến hóa chúng. Khi thành thục hơn, chúng ta sẽ thử những kỹ thuật mới. Chúng ta học cách lường trước những điều bất ngờ từ bạn nhảy của mình và cách phản ứng sao cho phù hợp với từng tình huống.
Quá trình học cách khiêu vũ có rất nhiều điểm tương đồng với học cách giao tiếp hiệu quả:
• Tốn nhiều năng lượng.
• Phải luyện tập.
• Phải biết cho đi – nhận lại và hợp tác (một người di chuyển chân của họ hướng về trước trong khi người kia di chuyển chân về phía sau).
• Có sự can thiệp của cảm xúc (đó là vì sao khiêu vũ luôn đi kèm âm nhạc).
• Có sự đa dạng (các điệu nhảy chậm, nhảy mãnh liệt, nhảy sôi động).
• Có sẵn một hệ thống quy tắc cố định để giữ cuộc chơi luôn thú vị.
• Có những cú xoay người có thể khiến chúng ta choáng váng nếu không tập trung chú ý.
• Có những động tác ngả người đòi hỏi chúng ta phải tin tưởng bạn nhảy của mình.
“Nhưng họ đang rất vô lý,” bạn nói. “Họ mới chính là vấn đề. Họ cần phải thay đổi, hoặc vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết!”
Những câu nói như thế có thể là đúng trong cả khiêu vũ lẫn giao tiếp. Nhưng nếu cả hai bên đều cảm thấy đối phương là người cần phải thay đổi trước khi bất cứ chuyện gì xảy ra thì chúng ta đã đi vào ngõ cụt. Luôn có hai cách nhìn nhận vấn đề, và chính điều đó có thể giúp chúng ta tìm ra những giải pháp tiềm năng. Ngoài ra, sự khiêm tốn cũng là một yếu tố thiết yếu để có thể thừa nhận rằng có thể chính bản thân chúng ta cũng cần phải thay đổi.
Tập trung bới móc sai lầm của người khác thì rất dễ, nhưng cũng giống như khi khiêu vũ, nếu muốn một cuộc đối thoại phong phú, điều mà chúng ta cần làm là nỗ lực để làm chủ các bước nhảy. Có thể người học nhanh hơn sẽ đâm bực bội khi bị đối phương giẫm lên chân. Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ vẫn tiếp tục luyện tập cho đến khi học được cách cảm nhận chuyển động của người đối diện. Từng chút một, họ tìm thấy thành công.
Chúng ta hiểu được giá trị của các cuộc đối thoại sôi nổi, và dĩ nhiên, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm chúng. Nhưng khi vấn đề nảy sinh, chúng ta rất có thể sẽ “giẫm phải chân” nhau. Khi đó, năng lượng của chúng ta được chuyển sang hướng công kích lẫn nhau thay vì giải quyết vấn đề. Do vậy, dù cuộc đối thoại có trở nên căng thẳng đến đâu, chúng ta cũng phải liên tục nhắc nhở bản thân mình – và nhắc nhở lẫn nhau – về quan điểm chính yếu: Nếu một mối quan hệ có giá trị, nó đáng để chúng ta phải nỗ lực.
Chúng ta có thể sẽ phải nói với nhau rằng: “Bây giờ tôi giận bạn đến mức khó mà bình tĩnh suy nghĩ cho được. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ, và tôi sẽ không đi đâu cả. Bạn xứng đáng với điều đó. Chúng ta xứng đáng với điều đó.” Chúng ta có thể sẽ phải bước ra khỏi sàn nhảy để lấy lại bình tĩnh. Nhưng việc rời đi chỉ là tạm thời và luôn luôn đi kèm với lời cam kết sẽ quay trở lại và tiếp tục bản khiêu vũ.
TẬP KHIÊU VŨ
“Vũ điệu” này diễn ra bất kì lúc nào chúng ta tương tác với người khác. Việc cho-đi-và-nhận-lại khi đàm phán một giao dịch thương mại, lúc giải quyết các khiếu nại của khách hàng, hay khi tương tác với một người bạn ở nhà thờ chính là những cuộc khiêu vũ mà chúng ta vẫn tham gia mỗi ngày. Chúng ta có vô vàn cơ hội để luyện tập trong trong những mối quan hệ bình thường để chuẩn bị sẵn sàng cho những mối quan hệ quan trọng nhất.
Hãy thử hình dung, bạn đang ngồi với một người bán hàng trong phòng trưng bày xe hơi để cố thương lượng một mức giá phù hợp nhất cho chiếc xe mà mình muốn mua. Người bán hàng có thể mang một vẻ ngoài dễ gần và thân thiện, hoặc trầm tính và có vẻ thành thật. Nếu từng có trải nghiệm không tốt với những người bán xe hơi trong quá khứ, bạn sẽ quan sát những “bước nhảy” của họ để xem bạn có thể tin tưởng họ hay không. Những lời nói của họ sẽ quyết định những gì bạn nói. Lời nói của bạn lại quyết định cách họ phản ứng, từ đó quyết định những hành động kế tiếp của bạn. Giống như khi bạn đang khiêu vũ với một người lạ và phải cố đoán xem họ sẽ làm gì tiếp theo. Thay vì coi họ như kẻ thù phải đánh bại, bạn tập trung vào vấn đề hiện tại: mua được chiếc xe bạn muốn theo một phương thức có thể mang lại kết quả hợp ý cả bạn lẫn người bán hàng kia.
Sáng nay, trong lúc xếp hàng chờ lên một chuyến bay nội địa, tôi đã được chứng kiến một “vũ điệu” nhỏ. Một nam hành khách chợt nhận ra cô nhân viên soát vé là người quen cũ của mình. Anh chàng bước tới gần, choàng tay ôm lấy cô và hỏi. “Cậu khỏe không? Trời ơi! Lâu lắm rồi mới gặp. Dạo này cậu thế nào rồi?”
“Tớ ổn,” cô ấy bảo. “Ổn lắm. Vậy còn cậu?”
“Tớ ổn. Rất, rất ổn.”
“Thế thì tốt rồi,” cô ấy bảo. “Thế gia đình cậu khỏe không?”
“À, mọi người đều ổn,” anh ấy nói. “Vậy còn con cái của cậu thì sao?”
“Ồ, ừ, chúng cũng ổn. Bọn chúng đều ổn cả.”
“Tốt, tốt. Rất tốt,” anh ta trả lời.
Sự việc xem ra rất buồn cười, bởi vì họ đang cố gắng “khiêu vũ”. Họ muốn kết nối với nhau, nhưng lại chỉ dám tiến từng bước dè dặt. Không ai trong hai người biết phải nói gì, do đó, họ chỉ biết nói rằng mọi thứ đều ổn. Cuối cùng, sau khi cuộc đối thoại khó xử đó kết thúc, anh chàng bước thẳng lên máy và cô nhân viên trở về vị trí soát vé của mình ở cổng (có lẽ đến tận lúc ấy, cô nàng đang thắc mắc anh ta là ai).
Tôi không trách họ, bởi vì tất cả chúng ta đều từng trải qua trường hợp đó. Đôi khi chúng ta không biết phải nói gì, vì thế chúng ta chỉ trao đổi với nhau một vài từ “tốt” và tiếp tục đường ai nấy đi khi cuộc trò chuyện trở nên không thoải mái. Nhưng nếu một mối quan hệ là thứ mà cả hai người coi trọng, họ sẽ tiếp tục khiêu vũ. Nói cách khác, họ sẽ tiếp tục khám phá những điểm chung và quan điểm của lẫn nhau để có thể kết nối một cách trọn vẹn hơn.
Giá trị của mối quan hệ là nguồn động lực chính thúc đẩy chúng ta tiếp tục”khiêu vũ”. Việc tập trung vào giá trị của mối quan hệ cho chúng ta lý do để tiếp tục “nhảy” khi mọi thứ trở nên căng thẳng.
NHỮNG BƯỚC HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ TRONG VIỆC TIẾP NHẬN QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC
Vậy là chúng đã đã quyết định tiếp tục “khiêu vũ”. Nhưng chúng ta phải làm gì để có thể sở hữu những bước chân nhịp nhàng và mượt mà hỗ trợ cho cuộc đối thoại lành mạnh? Sau đây là một vài phương án cụ thể:
• Kiên trì kết nối mặt-đối-mặt với nhau. Dù các cuộc đối thoại thẳng thắn có khó chịu đến chừng nào đi chăng nữa, thì chúng cần được diễn ra trong trạng thái trực diện. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không bao giờ nói chuyện trên điện thoại, gọi video, nhắn tin, hay gửi email cho nhau. Nhưng chúng chỉ nên được coi như những công cụ bổ sung cho đối thoại trực diện chứ không phải để thay thế hoàn toàn. Những cuộc trò chuyện trực tiếp có thể giúp chúng ta nắm bắt quan điểm của người khác một cách dễ dàng hơn.
• Quen với việc không cảm thấy thoải mái. Sự thoải mái rất tuyệt vời, nhưng nó không được phép làm tổn hại mối quan hệ. Mọi việc trở nên khó chịu do chúng ta không chịu nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của nhau. Sự khó chịu, bực bội nên được coi là dấu hiệu cảnh báo để đối mặt giải quyết với vấn đề thay vì nguyên nhân cho việc rút lui hay trốn chạy.
• Đừng cố sửa lỗi của những người khác. Không có gì đảm bảo rằng những người khác sẽ thay đổi. Điều đó rất tuyệt vời, nhưng lại không thực tế. Trong mối quan hệ nào cũng vậy, người duy nhất chúng ta có thể làm chủ là bản thân mình. Đó mới là nơi chúng ta cần phải tập trung năng lượng của mình. Nếu chúng ta chưa làm chủ được bản thân, thì việc kiểm soát được người khác cũng chỉ là vô ích. Tiên trách kỷ hậu trách nhân.
• Không ngừng tạo đà. Giống như một vũ công cần dành thời gian tập luyện để trở nên thành thạo, việc giao tiếp hiệu quả với người khác cũng đòi hỏi thời gian và sự tập luyện. Đối thoại thuộc nhóm bài tập động bởi chúng ta không thể dự đoán nó sẽ diễn ra như thế nào. Nếu bị giới hạn bởi quan điểm cá nhân của bản thân, chúng ta sẽ không thể hiểu được quan điểm của người đối diện. Sẽ rất tốt nếu bạn biết sử dụng “vũ điệu giao tiếp” của mình trong xung đột – nhưng tốt hơn nữa là khi bạn chịu khó luyện tập nó từ trước khi xung đột xảy ra – khi mọi chuyện vẫn còn đang ổn thỏa và sợi dây kết nối trong các mối quan hệ quanh ta vẫn còn bền chặt. Sẽ rất bất tiện khi chúng ta phải đối thoại thẳng thắn với một đồng nghiệp đang trong cơn bực bội nếu chưa từng có một vài cuộc trò chuyện bình thường với họ trước đó.
• Tìm điểm chung. Có người bảo: “Không cần đến tận hai người hoàn toàn chung quan điểm.” Mỗi người lại nhìn nhận sự việc từ một góc độ khác nhau. Và vì lẽ đó, sẽ luôn có những bất đồng nảy sinh giữa họ. Tập trung vào sự khác biệt sẽ chia rẽ chúng ta, và ngược lại, việc tìm kiếm những điểm mà chúng ta có thể đồng ý với nhau sẽ kéo chúng ta lại gần nhau hơn.
• Đấu tranh để bảo vệ mối quan hệ. Quá nhiều người chọn cách bỏ qua các cuộc đối thoại căng thẳng do cảm thấy đã quá mệt mỏi để tiếp tục cố gắng. Tuy nhiên, những mối quan hệ giá trị thực sự đáng để chúng ta phải đấu tranh và bảo vệ. Một điệu nhảy, dù tệ đến đâu, cũng tốt đẹp hơn nhiều so với việc phải ngồi chơi bài một mình suốt hàng tiếng đồng hồ.