Một mối quan hệ không có niềm tin cũng giống như chiếc điện thoại di động không bắt được sóng.
Và bạn sẽ làm gì với một chiếc điện thoại không bắt được sóng?
Bạn chơi game.
Khuyết danh
K
hi còn nhỏ, tôi thường nhảy lên chiếc xe đạp của mình vào khoảng chín giờ sáng và bắt đầu những cuộc dạo chơi lang thang vô định. Tôi chỉ muốn khám phá đó đây. Mẹ tôi thường hỏi: “Con đi đâu đấy?” Và tôi sẽ trả lời rằng: “Con không biết.” – “Thôi được, nhớ về ăn trưa đúng giờ con nhé.”
Và tôi sẽ đạp xe rong ruổi suốt khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ sau đó. Đôi lúc, tôi đạp một mình. Đôi lúc, tôi lại cùng các bạn đạp xe về phía đông đến Scottsdale hay về phía tây đến Glendale. Chúng tôi sẽ đạp quanh khu dân cư, đi đường tắt qua sa mạc, hay tìm bờ kênh và phóng vun vút trên chúng như đang vi vu trên những con đường cao tốc thu nhỏ. Tôi không bao giờ lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra, và mẹ tôi luôn tin chắc rằng tôi sẽ ổn.
Ngày nay, mọi thứ đã đổi khác rất nhiều. Khi con cái của tôi còn nhỏ, tôi nói: “Được rồi, nhưng con không được rời nhà quá lối đi trước cửa, và phải đảm bảo là lúc nào con cũng có thể nhìn thấy cha.” Rồi tôi sẽ đứng bên ngoài cửa để trông chừng chúng. Tôi tin chúng, nhưng không tin những người mà chúng có thể sẽ gặp – rất có thể họ sẽ làm hại những đứa con bé bỏng của tôi.
Điều gì đã thay đổi? Tại sao bố mẹ tôi dám tin, còn tôi lại không?
Tôi nghĩ thay đổi đó đã diễn ra trong suốt những thập kỉ vừa qua, khi chúng ta phải chứng kiến ngày càng nhiều câu chuyện về những vụ xâm hại trẻ em. Có thể tình hình thực tế trước đây cũng chẳng kém nghiêm trọng hơn là bao, nhưng mạng lưới truyền thông ngày nay đã vạch trần thực tế xấu xí đó ra trước mắt công chúng. Vì thế, chúng ta có cảm giác rằng chúng đang xảy ra thường xuyên hơn. Từng chút một, các bậc phụ huynh âm ra hoảng sợ và không cho phép con cái họ rời quá xa khỏi nhà.
Chúng ta đã từng sống trong một nền văn hóa tin tưởng lẫn nhau, chỉ thỉnh thoảng bị đứt đoạn bởi một vài vụ xâm hại trẻ em lẻ tẻ. Bây giờ chúng ta sống trong văn hóa nghi ngờ nhau thỉnh thoảng được xen kẽ bởi những nghĩa cử hiếm hoi.
Sẽ chẳng ai buồn xem những kênh tin tức đưa tin về những sự kiện cả tốt cả xấu theo đúng như tỷ lệ mà chúng diễn ra trên thực tế. Khi có vụ tai nạn máy bay xảy ra, tất cả mọi người đều dán mắt vào màn hình. Nhưng sẽ chẳng ai xem một phóng sự về hàng ngàn chuyến bay thương mại tẻ nhạt vẫn diễn ra yên ổn hàng ngày.
Những tin tức tồi tệ làm chúng ta cảm thấy dường như thế giới chẳng an toàn chút nào và ta không thể tin tưởng bất kì ai. Thái độ hồ nghi đó tác động đáng kể đến tất cả mối quan hệ xung quanh. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận tất cả mọi việc bằng con mắt ngờ vực. Chúng ta nghi ngờ người khác thay vì tin tưởng họ.
Kết quả của việc đó là gì? Người ta lắp đặt máy quay giấu kín ở trong nhà để bắt quả tang những cô giữ trẻ có hành vi sai trái, lắp đặt hệ thống báo động để phòng ngừa kẻ trộm, và trả tiền để được bảo mật thông tin cá nhân của bản thân. Chúng ta cho rằng những người bán hàng quan tâm đến tiền hơn là đến chúng ta, các luật sư đều vô đạo đức, và rằng các chính trị gia đều có động cơ không trong sạch.
Có lẽ đó chính là lý do vì sao cần rất nhiều thời gian để xây dựng lòng tin, nhưng để phá hủy nó thì rất dễ. Chúng ta cho rằng những người khác không đáng tin cậy cho đến khi họ chứng minh được điều ngược lại. Thái độ mặc định của chúng ta đã chuyển biến từ “tin tưởng” thành “không tin tưởng”. Điều đó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cách chúng ta giao tiếp.
Bất kì cha mẹ nào cũng phải đối mặt với cái ngày khi họ lần đầu tiên để đứa con mới lớn của mình ở nhà một mình. Việc đó rất đáng sợ vì họ phải đặt trọn niềm tin của mình vào chúng. Nếu chúng tuân thủ theo đúng các quy định đã được đặt ra, cha mẹ sẽ dễ dàng tin con cái hơn một chút vào lần sau. Nhưng nếu chúng phạm lỗi, mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Con người càng tin tưởng thì lại càng dễ trò chuyện với nhau hơn. Ngược lại với đó, càng thiếu tin tưởng thì chúng ta lại càng khó giao tiếp. Cách tốt nhất để mở đường cho một cuộc trò chuyện chính là xây dựng lòng tin trong mối quan hệ.
CHÚNG TA TIN TƯỞNG NHƯ THẾ NÀO
Đa phần mọi người đều nằm đâu đó trên thang đo mức độ tin tưởng. Ở một đầu, chúng ta tin tưởng tất cả mọi người trong khi ở đầu còn lại, chúng ta không tin ai cả. Chính kinh nghiệm sống của mỗi người sẽ quyết định vị trí của họ trên thang đo ấy.
Có thể ban đầu, chúng ta có một niềm tin mãnh liệt dành cho thế giới. Nhưng đột nhiên, niềm tin đó lại bị phản bội hoặc xâm hại. Tại thời điểm đó, chúng ta sẽ dịch chuyển về phía bên trái của thang tin tưởng. Cũng có khả năng rằng chúng ta bắt đầu với niềm tin ở mức thấp, nhưng khi được tin cậy và đối xử một cách chân thành, chúng ta lại dịch chuyển về đầu bên phải của thang tin tưởng.
Niềm tin đến từ đâu?
Một người bạn tốt của chúng tôi lấy chồng năm ngoái. Vài tháng trước lễ cưới, cô ấy đã mời chúng tôi đến dùng bữa tối để giới thiệu vị hôn phu của mình. Do đã được nghe kể nhiều điều tốt đẹp về anh ta, chúng tôi chắc mẩm rằng đó ắt phải là một anh chàng tuyệt vời.
Anh ta đã (và vẫn đang) là người như vậy, nhưng ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh ta thực khó mà rũ bỏ. Anh chàng này có lẽ là một người anh em song sinh thất lạc của vị bác sĩ gia đình của chúng tôi. Anh ta có ngoại hình và cách trò chuyện giống hệt như anh chàng bác sĩ kia. Họ có điệu bộ tương tự, và thậm chí còn để cùng một kiểu tóc.
May mắn thay, chúng tôi rất quý và tin tưởng vị bác sĩ của mình. Nếu không, chắc hẳn chúng tôi khó mà thích và tin tưởng một người nhìn y chang như anh. Nguyên nhân của việc đó là do, xét trên một khía cạnh nào đó, chúng ta thường “phân loại” người khác. Thật khó để thay đổi cái nhìn về một con người – cho dù theo cách tốt hay xấu – khi họ gợi cho ta nhớ đến một ai đó mà mình từng biết.
Mức độ tin tưởng của chúng ta về một ai đó vừa gặp lần đầu nằm ở giữa vùng tin tưởng. Chúng ta không nghi ngờ, nhưng cũng không hoàn toàn tin tưởng họ. Nhưng khi đó, chúng ta sẽ ngay lập tức cân nhắc để quyết định xem họ đáng tin cậy hay không. Nếu họ nhắc chúng ta nhớ đến ai đó mà chúng ta tin tưởng, chúng ta có thể cảm thấy tin tưởng họ hơn một chút. Nếu họ làm chúng ta nhớ đến ai đó mà chúng ta thiếu tin cậy, chúng ta có thể cảm thấy ít tin tưởng họ hơn một chút.
Chúng ta phân loại họ trước khi họ nói bất kì lời nào. Việc đó giúp ta thanh lọc cuộc đối thoại đầu tiên với họ. Nếu chúng ta có một chút thiếu tin tưởng, chúng ta sẽ lắng nghe thật kỹ từng lời họ nói để tìm kiếm những bằng chứng có thể củng cố cảm giác đó. Nhưng cuộc gặp đầu tiên có thể làm thay đổi suy nghĩ và phát triển lòng tin ở chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy hơi tin tưởng người đối diện, chúng ta sẽ cảm thấy mọi lời mà họ nói ra đều phù hợp với nhận định của bản thân. Nhưng, niềm tin đó sẽ ngay lập tức sụt giảm nếu họ có lỡ phát ngôn ra một điều gì đó quá không thích hợp.
Sau một thời gian, niềm tin của chúng ta vào họ sẽ phát triển hoặc tiêu giảm tùy theo hành động cũng như lời nói của họ. Điều này không xảy ra trong chỉ một sớm một chiều. Niềm tin cần được xây dựng từng chút một. Nếu trải nghiệm tiếp xúc với họ duy trì ở mức tích cực, ở chúng ta sẽ nảy sinh xu hướng nhận định rằng đối phương là một người đáng tin cậy. Đó chính là lúc chúng ta bắt đầu thư giãn. Chúng ta không còn phải phân tích từng sự kiện mỗi khi ở bên người đó. Chúng ta xếp họ vào nhóm những người đáng tin cậy và cuối cùng cho phép bản thân tận hưởng mối quan hệ giữa ta và họ. Chúng ta thích họ. Chúng ta mong chờ từng cuộc gặp gỡ với họ. Chúng ta cảm thấy an toàn khi ở bên họ.
Đó là cách những mối quan hệ gần gũi hình thành, và đáng lẽ mọi thứ nên diễn ra theo cách này. Vậy tại sao mọi thứ lại thay đổi? Sự tin tưởng biến mất như thế nào?
Chúng ta mất đi sự tin tưởng ra sao?
Đôi khi một người mà chúng ta tin tưởng có thể phá vỡ hoàn toàn niềm tin đó chỉ trong giây lát, giả sử như khi chúng ta bắt quả tang họ nói dối hay phát hiện ra rằng họ đang có một cuộc sống riêng bí mật sau lưng ta. Chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng đến phát sốc. Chúng ta đã từng tin tưởng họ, nhưng lúc này, niềm tin đó đã hoàn toàn biến mất. Chúng ta đã từng tin họ, và bây giờ chúng ta bị tổn thương. Tại sao lại như vậy? Bởi vì họ không còn là một đối tượng an toàn. Chúng ta cho phép bản thân buông lỏng cảnh giác, và chúng ta bị tổn thương. Và giờ thì chúng ta lại quay về với trạng thái phòng ngự.
Nhưng trong đa số trường hợp, việc mất niềm tin diễn ra từ từ. Chúng ta mơ hồ cảm nhận được nét mâu thuẫn trong lời nói, giọng điệu, cũng như ánh mắt của họ. Có một điều gì đó đang ngấm ngầm diễn ra sau lưng chúng ta, nhưng ban đầu, chúng ta gạt phăng suy đoán đó đi vì niềm tin mà ta dành cho họ. Chúng ta tự nhủ rằng mình chỉ đang hiểu lầm. Xét cho cùng thì họ là những người đáng tin cậy, và chúng ta đã học được cách thả lỏng khi ở bên họ. Chúng ta tin họ, do đó sự mâu thuẫn kia chỉ là một cú “báo động giả” không đáng nhắc đến. Chúng ta tự nhủ rằng tất cả chỉ do mình tự tưởng tượng ra.
Nhưng nếu những tín hiệu báo động đó tiếp tục xuất hiện, chúng ta sẽ dần chú ý hơn đến chúng. Có thể chúng ta sẽ chất vấn người kia về điều chúng ta nghi ngờ, và họ chối bỏ – hoặc bảo rằng chỉ là do chúng ta không hiểu. Thậm chí họ có thể phản bác rằng: “Gì thế? Bạn không tin tôi ư?” Phản ứng đó của họ khiến chúng ta cảm thấy có lỗi và nhượng bộ. Nhưng niềm tin đã bắt đầu lung lay.
“Vậy tôi nên làm gì khi không còn sự tin tưởng trong một mối quan hệ, và đối phương lại không thể đưa ra bất cứ lý do để khiến tôi tin tưởng họ? Liệu có còn chút hy vọng nào không?”
Trong phần đầu cuốn sách này, chúng ta phát hiện ra rằng ta không thể tiếp tục hy vọng người khác sẽ thay đổi. Con người có thể thay đổi, nhưng nếu dựa vào điều đó để duy trì hạnh phúc, chúng ta chắc chắn sẽ phải thất vọng. Người duy nhất mà ta có thể thay đổi chính là bản thân mình. Vì thế nếu đối phương là người không đáng tin cậy, chúng ta có thể chủ động xác định các ranh giới để tránh khỏi những tác động tiêu cực có thể sản sinh từ mối quan hệ đó. Thay vì băn khoăn rằng liệu người khác có đáng tin hay không, hãy tập trung vào một việc mà ta có khả năng giải quyết: Biến bản thân trở thành những người đáng tin cậy.
Tầm quan trọn của các giác quan trong việc xây dựng lòng tin
Những giác quan quan trọng mà chúng ta dùng trong giao tiếp bao gồm thị giác, thính giác, và xúc giác (đây chính là lý do tại sao giao tiếp bằng thiết bị điện tử lại đặt chúng ta vào vị trí bất lợi). Càng nhận được ít thông tin từ các giác quan bao nhiêu thì chúng ta càng có ít việc phải làm bấy nhiêu – và việc xây dựng lòng tin cũng càng trở nên khó khăn hơn.
Trực diện
Khi chúng ta gặp mặt người khác, chúng ta “nghe” được nhiều hơn những gì họ nói; thông qua giọng điệu hay những điểm nhấn nhá tinh tế, chúng ta sẽ có thể nắm bắt được ý định thực sự của họ. Chúng ta cũng sử dụng thị giác để tìm kiếm manh mối về ý nghĩ hay mục đích của họ. Một số manh mối rất mong manh khiến ý thức của chúng ta khó phát hiện ra được, ví dụ như một ánh mắt hơi lảng tránh hay một cử chỉ lo lắng nhỏ. Nhưng chúng vẫn được ghi nhận.
Ví dụ, khi đang trong một cuộc hội thoại căng thẳng, việc đối phương có đang thành thật hay không có thể được thể hiện thông qua một số dấu hiệu vô thức, cụ thể như sau:
• Cử chỉ của họ trở nên gượng gạo so với bình thường do họ đang cố kiểm soát những phản ứng của mình.
• Họ vẫn thường ngẫu nhiên chạm tay lên mũi hoặc cổ họng.
• Họ cười chỉ bằng miệng thay vì bằng cả khuôn mặt của mình.
• Họ trì hoãn khi phản hồi lại với các cử chỉ, hành động của người khác, ví dụ như nói lời cảm ơn vì được tặng quà nhưng vài giây sau mới mỉm cười.
• Họ nhìn chúng ta không chớp mắt trong một nỗ lực vô thức nhằm tỏ ra bình tĩnh.
Việc ai đó thể hiện một trong những phản ứng này không đồng nghĩa rằng họ đang nói dối. Nhưng sự xuất hiện đồng thời của chúng (hay những hành động khác thường) có thể khiến chúng ta nghi ngờ động cơ của họ.
Chúng ta cũng dùng thị giác để quan sát nhiều chi tiết bổ trợ cho từng tình huống. Chúng ta để ý xem họ có đang nhìn thẳng vào mắt ta hay chỉ liếc qua rồi lại nhìn đi nơi khác; chúng ta theo dõi những chuyển động nhỏ của cơ môi vốn thường cho thấy sự thành thật; chúng ta quan sát những nếp nhăn lông mày, ngôn ngữ cơ thể, và những cách mím môi. Những cử chỉ này cho phép chúng ta nhìn thấu suốt động cơ bên trong của họ.
Chúng ta có thể không để ý đến những chi tiết này, nhưng theo bản năng não của chúng ta vẫn tự động xử lý những thông tin đó.
Thể hiện qua lời nói
Khi nói chuyện qua điện thoại, chúng ta nghe được giọng nói. Dù nhiều tín hiệu được thể hiện bằng lời nói nhưng khó mà đánh giá đầy đủ ý nghĩa của những tín hiệu đó nếu bỏ qua thị giác. Nếu trong cuộc đối thoại xuất hiện một khoảng dừng gượng gạo thì rất khó đánh giá được ý nghĩa đằng sau sự im lặng đó nếu chúng ta không trực tiếp nhìn thấy người đối thoại với mình.
Nếu đang cố né tránh nói ra sự thật, họ thường để lộ ra những dấu hiệu nhỏ bằng lời:
• Họ lặp lại lời nói của chúng ta: “Không, tôi không để cửa không khóa.”
• Họ ngừng sử dụng lối nói tắt: “Tôi nói rồi, tôi không hề làm việc đó” thay vì nói: “Tôi không làm việc đó.”
• Họ nói ra quá nhiều thông tin, cố làm ra vẻ đang không che giấu gì cả.
• Nếu chúng ta thay đổi chủ đề, họ sẽ cũng sẽ làm theo để thoát khỏi những lời cáo buộc. (Nếu họ đang nói sự thật, họ sẽ không muốn thay đổi chủ đề cho đến khi vấn đề được sáng tỏ.)
• Họ nói nhanh hoặc nhiều hơn thường lệ.
• Họ thêm những lối diễn đạt kiểu như: “Thật sự là...” hay “Tôi thề có cuốn Kinh Thánh này chứng giám...”
Một lần nữa, một dấu hiệu đơn lẻ không đồng nghĩa với việc họ đang nói dối. Nhưng khi có nhiều dấu hiệu, cờ hiệu cảnh báo sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta.
Đó chính là lý do tại sao chúng ta rất khó trò chuyện một cách nghiêm túc về những vấn đề căng thẳng nếu không trực tiếp gặp mặt nhau; làm vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ những dấu hiệu tinh vi kể trên. Nếu có thể và trong những tình huống thích hợp, tôi vẫn thường liên lạc với mọi người qua tin nhắn video. Việc đó tuy chưa hoàn hảo, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với với tin nhắn văn bản. Ít nhất chúng tôi có thể thấy được biểu cảm gương mặt của nhau, ngay cả khi không thể tiếp nhận những dấu hiệu nhỏ mà chỉ có thể nhận thấy khi gặp mặt trực tiếp.
Thể hiện qua chữ viết
Thật tuyệt khi nhận được thư của người khác. Nếu nhận được email từ một người bạn tốt, tôi sẽ mở nó ra trước tiên. Tôi rất nóng lòng được biết những điều mà họ muốn nói.
Nhưng khi tôi đọc ngôn từ của họ, tôi phải hình dung ra cảnh họ đang nói những lời đó. Không chỉ thế, tôi còn gắn thêm vào khung cảnh ấy cả tông giọng, biểu cảm khuôn mặt, và ngôn ngữ cơ thể. Dựa theo mối quan hệ giữa mình với họ, tôi giả định về những gì họ đang nghĩ. Việc đó rất nguy hiểm. Tôi không biết họ đang thực sự nghĩ gì bởi vì có thể họ đã không thể tìm được những từ ngữ thể hiện được chính xác cảm nhận của bản thân. Có thể những kết luận mà tôi đưa ra về họ chẳng chính xác chút nào, nhưng tôi vẫn đinh ninh rằng đó là sự thật.
Nếu bạn muốn kết nối với bất cứ đối tượng nào, văn bản luôn luôn là phương kế cuối cùng.
GẶP MẶT ĐỂ TẠO NIỀM TIN
Không có gì thay thế được cho việc gặp mặt trực tiếp. Lòng tin được xây dựng khi chúng ta ở bên nhau.
Khi đang đi du lịch, tôi không có mặt bên cạnh vợ tôi. Vì thế, mỗi tối tôi đều gọi điện thoại về nhà để được nghe giọng của cô ấy, và chúng tôi thường nhắn tin qua lại cho nhau trong ngày. Không quá lý tưởng, nhưng có chủ đích. Chúng tôi luôn cố gắng giữ liên lạc mỗi khi xa nhau.
Đôi khi chúng ta sẽ phải rơi vào những tình huống buộc ta phải chia cách khỏi những người xung quanh trong suốt nhiều tháng. Khi đó, sự có mặt trực tiếp là một điều bất khả thi. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần phải giữ kết nối với nhau bằng mọi cách có thể.
• Khi không thể gặp mặt trực tiếp, chúng ta chuyển sang gọi điện thoại video (để chúng ta có thể vừa lắng nghe vừa nhìn thấy người khác).
• Khi không thể thực hiện các cuộc gọi video, chúng ta chuyển sang những cuộc gọi điện thoại thông thường (để chúng ta ít nhất có thể lắng nghe giọng nói của họ).
• Khi không thể gọi điện, chúng ta chuyển sang kết nối với nhau bằng chữ viết (tin nhắn, thư điện tử… ). Nhưng tần suất nhắn tin nên được gia tăng để duy trì mối quan hệ. Nếu tất cả việc tôi có thể làm là nhắn tin trong vòng vài ngày, tôi sẽ gửi đi những tin nhắn ngắn gọn, hài hước nhiều lần trong ngày để đối phương biết rằng tôi đang nghĩ về họ. Việc đó không thật sự lý tưởng, nhưng nó cho họ biết rằng tôi chú ý đến họ và có ý định duy trì mối quan hệ.
Công nghệ nên đóng vai trò là một phương tiện để tăng cường sự giao tiếp giữa chúng ta chứ không phải để thay thế.
NHỮNG BƯỚC HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ ĐỂ XÂY DỰNG LÒNG TIN
Nhà tỉ phú Warren Buffet từng nói: “Mất hai mươi năm để xây dựng nên danh tiếng và chỉ cần năm phút để hủy hoại nó.” Đánh mất niềm tin của ai đó, chúng ta không thể chỉ nói “Tôi xin lỗi” và cứ thế mà cho rằng lòng tin của họ vào ta đã được phục hồi hoàn toàn. Hành động xin lỗi rất quan trọng và nó cho phép mối quan hệ tiến về phía trước. Nhưng cần có những hành động lặp đi lặp lại để biểu lộ rằng chúng ta đáng được tin tưởng lần nữa. Lời nói cần được hỗ trợ bởi sự kiên trì.
Đây là một số chiến lược thực tiễn để xây dựng lòng tin, qua đó, chúng ta sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc để có thể giải quyết những cuộc đối thoại căng thẳng một cách dễ dàng hơn:
• Giữ lời hứa. Đôi khi, chúng ta thường cho rằng người khác sẽ quên đi những lời hứa của chúng ta. Lối suy nghĩ đó rất tiện lợi nhưng lại không hề thực tế. Họ sẽ không quên, và việc thất hứa sẽ đặt bản thân chúng ta vào sổ đen dành cho những người không đáng tin cậy. Nếu gặp khó khăn đột xuất và biết rằng mình không thể đúng hẹn, chúng ta cần phải ngay lập tức chủ động tìm cách thông báo cho họ. Họ hẳn đang trông cậy vào chúng ta, vì thế chúng ta cần phải biết coi trọng lời hứa của mình.
• Thừa nhận sai lầm. Khi bị bắt gặp thực hiện hành vi thiếu đạo đức, các chính trị gia thường xin lỗi ngay lập tức. Nhưng bằng một cách nào đó, lời xin lỗi của họ lúc nào cũng sặc mùi giả tạo và rống tuếch. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng họ đang xin lỗi vì hành vi của mình hay xin lỗi vì họ đã bị bắt quả tang. Lòng tin sẽ được xây dựng khi chúng ta thừa nhận sai lầm của bản thân trước khi bị phát hiện bởi những người khác. Đa số mọi người có thể tha thứ cho một sai lầm khi họ được thông báo trước thay vì phải tự mình phát hiện ra nó.
• Lắng nghe. Không có thứ gì xây dựng niềm tin hiệu quả bằng việc lắng nghe một cách thực sự chân thành. Khả năng nhìn thẳng vào mắt người đang trò chuyện cùng mình và để cho họ hoàn thành câu chuyện mà không bị ngắt lời là một năng khiếu hiếm có. Chúng ta cần lắng nghe để thấu hiểu đối phương thay vì chỉ để có thể đối đáp lại những gì mình nghe được. Sự lắng nghe một cách chân thành có thể gắn kết con người lại với nhau nhanh chóng hơn bất kì phương pháp nào.
• Không “đâm lén” sau lưng. Nếu chúng ta nói xấu một ai đó khi họ vắng mặt, thì chính người đang nghe chúng ta kể xấu ấy sẽ suy đoán rằng ta chắc chắn cũng sẽ nói xấu sau lưng họ. Nếu xây dựng được uy tín như một người chỉ luôn nói ra những sự thật mang tính động viên về người khác, mọi người sẽ tin tưởng vào lời nói của chúng ta.
• Tin tưởng để chia sẻ cảm xúc của bản thân. Khi chúng ta cho phép một người bước vào những lãnh vực thầm kín trong trái tim, người đó sẽ cảm thấy chúng ta tin tưởng họ. Việc này khiến họ cũng muốn cũng làm điều tương tự, và từ đó, niềm sẽ dần phát triển.
• Cập nhật tình hình của người khác. Nếu cảm nhận thấy sự tồn tại của một hàng rào ngăn cách giữa bản thân và ai đó khác, chúng ta nên dũng cảm lên tiếng, “Bọn mình vẫn ổn chứ? Có khúc mắc gì còn tồn đọng giữa chúng ta chưa được đề cập tới không? Bạn có đang phải kìm nén lại điều gì muốn nói với tôi không?” Tiếp theo chúng ta cần phải lắng nghe và tránh thái độ cố chấp, bảo thủ.
• Lắng nghe từ cả hai phía. Kinh Châm ngôn nói rằng: “Trả lời trước khi nghe, Ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy.” (Kinh thánh mở rộng). Chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với ai đó để tỏ ra tôn trọng họ; chúng ta chỉ cần lắng nghe và tôn trọng quan điểm của họ. Điều đó giúp hướng sự tập trung của cuộc hội thoại vào việc giải quyết vấn đề hơn là công kích lẫn nhau.
• Đúng giờ. Thoạt nghe có vẻ không quan trọng nhưng đó là một hình thức khác của việc giữ lời hứa. Khi mọi người biết họ có thể tin rằng chúng ta sẽ có mặt đúng như chúng ta đã hứa, họ sẽ ngày một tin tưởng chúng ta hơn. Việc trễ giờ hẹn cũng chẳng khác gì tuyên bố thẳng thừng rằng: “Những gì tôi đang làm quan trọng hơn những gì bạn đang làm.”
• Quan tâm. Chúng ta cần chân thành tìm hiểu cuộc sống của những người xung quanh mà không vì bất cứ động cơ nào khác ngoài việc muốn biết rõ về họ. Hành động đó nói với họ rằng chúng ta trân trọng họ vì con người của họ. Khi được chấp nhận vô điều kiện, họ được tự do mắc sai lầm và là chính mình – điều này chỉ có thể xảy ra khi họ cảm thấy an toàn và được ở bên những người họ tin tưởng.
• Hãy là người có thể đoán trước được. Điều này không có nghĩa là chúng ta không được phép sáng tạo. ”Có thể đoán trước” trong tình huống này có nghĩa là các hành vi của chúng ta nên có tính nhất quán. Sự nhất quán này sẽ dần mờ nhạt trong con mắt của mọi người theo thời gian do khi đó, việc mong chờ những điều như vậy ở chúng ta đã trở thành một điều nghiễm nhiên. Những người khác thường chú ý đến ta mỗi khi ta làm hỏng việc bởi nó đi ngược lại với những gì những mà họ mong đợi. Đó là một điều tốt. Bất ngờ thì cũng tốt thôi, nhưng chính sự kiên định mới là thứ xây dựng nên lòng tin.
• Cùng đối mặt với khó khăn. Lòng tin không thể được xây dựng từ một phía. Chúng ta cần phải chung tay hợp sức mỗi khi phải đương đầu với khó khăn. Độc lập rất quý báu, nhưng sự phụ thuộc đến từ hai phía lại có thể giúp gắn kết con người.
Trong một mối quan hệ, khi cả hai bên đều thực sự tin tưởng lẫn nhau, mọi việc đều sẽ diễn ra một cách tốt đẹp hơn. Khi thiếu lòng tin, mọi thứ trở nên phức tạp. Đó là vì sao lòng tin là một trong những thành phần thiết yếu trong việc tăng tính hiệu quả trong giao tiếp và tạo được tác động mạnh lên đối phương thông qua các cuộc trò chuyện.