Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, bốn mùa trong năm, hay cơn gió, nhưng bạn có thể thay đổi bản thân mình.
Jim Rohn
"N
gày tàn của tài khoản tiết kiệm.”
Đó là tiêu đề của một bài viết trên tờ báo sáng hôm nay. Có vẻ như phần lớn các ngân hàng đang cho ra mắt các tài khoản vãng lai với một mức lãi suất cao hơn đáng kể so với tài khoản tiết kiệm. Nhưng đối với nhiều người, chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản vãng lai lại bị coi như một lựa chọn khá miễn cưỡng bởi họ đã tiết kiệm trong tài khoản hiện tại được rất nhiều năm. Chúng tạo cho họ cảm giác quen thuộc và thoải mái.
Chúng tôi mở một tài khoản vãng lai dạng cơ bản và một tài khoản tiết kiệm khi chúng tôi chuyển đến sinh sống tại California vào năm 1990. Hồi ấy mọi người đều làm như thế, vì thế chúng tôi cũng làm theo. Ý tưởng ở đây là bạn cần có một tài khoản vãng lai như một nơi để cất giữ số tiền được sử dụng cho việc chi tiêu hằng ngày, và bạn cần một tài khoản tiết kiệm để tích cóp cho tương lai.
Tất cả những gì bạn phải làm là không đụng đến số tiền tiết kiệm, và số tiền đó sẽ lớn dần theo thời gian.
Một vài năm sau, chúng tôi nói chuyện với một nhân viên của ngân hàng trong lúc anh ta kiểm tra tài khoản của chúng tôi trên màn hình máy tính. “Anh chị biết đấy,” anh ta bảo, “chúng tôi nghĩ nên đổi cho anh chị sang loại tài khoản vãng lai đặc biệt này. Anh chị vẫn có lãi và lại không mất chi phí nào cả.” Điều đó nghe có vẻ hợp lý, vì vậy chúng tôi đồng ý.
Hiện chúng tôi vẫn còn giữ cái tài khoản vãng lai đấy, Lãi suất trung bình chúng tôi nhận được là 2 cent mỗi tháng. Tôi nghi rằng sau khi tiết kiệm nhiều năm trời, số tiền lãi mà chúng tôi nhận được vẫn không đủ để mua một li cà phê Moccachino cỡ lớn ở Starbucks. Tôi chỉ có thể mua được một ly sirô vanila và sau đó xin thêm mocha.
Một ngày nọ, vợ tôi bảo: “Có thể chúng ta nên đóng tài khoản tiết kiệm và gửi tiền ở đâu đó khác.” Tôi không nhớ tôi đã trả lời ra sao, nhưng có những giọng nói nhỏ trong đầu tôi: “Không! Không thể bỏ tài khoản tiết kiệm! Còn phải lo cho tương lai nữa chứ?”
Thật khó để thay đổi các quan niệm cũ. Những gì có tác dụng nhiều năm trước bây giờ có thể không còn phù hợp nữa. Nhưng vì đã quá quen thuộc với chúng nên chúng ta ngần ngại làm bất cứ điều gì khác.
THỜI ĐIỂM ĐỂ THAY ĐỔI
Điều đó có thể cũng đúng trong các mối quan hệ. Những kiểu giao tiếp mà chúng ta dùng vào giai đoạn đầu của một mối quan hệ có thể hoạt động tốt trong quá khứ nhưng lại thiếu hiệu quả vào giai đoạn hiện tại.
Gần đây, tôi có tới dự tiệc sinh nhật 90 tuổi của một cụ ông mà tôi từng làm việc cùng hồi những năm 1970. Đó là một bữa tiệc tuyệt vời vì nó đã cho tôi cơ hội được giao lưu với những người bạn tốt mà tôi đã không gặp từ thời đó.
Bởi vì đã không gặp nhau suốt nhiều thập kỉ, chúng tôi bắt đầu nói về những chuyện trong quá khứ, thậm chí còn sử dụng kiểu nói chuyện mà chúng tôi đã dùng hồi đó. Nhưng càng nói nhiều, cuộc trò chuyện càng trở nên khác biệt hơn. Chúng tôi không còn là chúng tôi của ngày xưa và trao đổi với nhau như những con người của hiện tại – chứ không phải như con người của chúng tôi trong quá khứ. Càng nói, cuộc đối thoại giữa chúng tôi càng trở nên phong phú hơn.
Vào thời kì Kinh Thánh, người ta dùng túi da dê để ủ rượu mới. Rượu trong túi sẽ lên men một thời gian, và lớp da đủ mềm dẻo để ứng phó với trường hợp túi phình to ra khi rượu lên men. Đó là cách phù hợp để đựng rượu mới được sản xuất.
Dần dần, túi da sẽ mất đi tính co giãn và trở nên dễ rách. Mặc dù vẫn còn tốt để đựng rượu cũ nhưng nếu đổ rượu mới vào trong túi, lớp vỏ da của nó sẽ bị rách do phải phình to ra trong quá trình lên men. Rượu trong túi bị chảy ra ngoài. Rượu mới cần phải được đựng trong túi mới.
Vào thời kì đầu của bất kì mối quan hệ nào, việc giao tiếp khá đơn giản. Việc tương tác rất cơ bản, an toàn và sẽ mở rộng ra khi mối quan hệ trưởng thành. Chúng ta sẽ khám phá ra những khuôn mẫu đối thoại hiệu quả, và chúng sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta trong một thời gian dài.
Qua thời gian, sự phát triển của các mối quan hệ thường dừng lại. Chúng rơi vào trạng thái đình trệ. Những chiếc túi da (kiểu giao tiếp) vẫn dùng được bởi vì không có gì thay đổi cả. Nhưng khi những động thái trong mối quan hệ bắt đầu thay đổi và những điều mới xảy ra, những kiểu giao tiếp cũ sẽ không tồn tại được lâu hơn nữa. Khi mối quan hệ phát triển, sự giao tiếp cũng cần phải phát triển theo.
Nếu các phong cách giao tiếp cũ cản trở sự phát triển đó, họ thường hay quay ra đổ lỗi cho lẫn nhau. “Bạn không bao giờ chịu lắng nghe,” hay “Bạn chỉ nghĩ về bản thân bạn,” hay “Bạn sẽ không bao giờ thay đổi, do đó mối quan hệ này không còn hy vọng nào cả” là những cách nghĩ thông thường. Chúng ta cảm thấy muốn bỏ cuộc, bởi vì người còn lại đang tỏ ra bất hợp tác. Chúng ta trở thành nạn nhân của những lựa chọn của họ, và sự hạnh phúc cũng như sự an toàn của chúng ta đều phụ thuộc vào những gì họ làm hay nói.
Chúng ta cảm thấy bất lực. Nếu người khác không thay đổi hay hợp tác thì chúng ta phải làm gì?
THÌ THẦM VỚI CON NGƯỜI
Lời thì thầm với ngựa là tên một bộ phim của thập niên 1990, trong đó diễn viên Robert Redford đã bình tĩnh và kiên nhẫn giành được lòng tin của một con ngựa bị thương và biến nó thành một con vật mạnh mẽ nhưng biết phục tùng. Ông bắt đầu bằng việc chỉ ngồi cạnh con ngựa và quan sát nó trong nhiều ngày, im lặng kết nối với nó cho đến khi ông chiếm được lòng tin tưởng của nó.
Tôi nhớ lại chuyện đó và suy nghĩ: Làm thế nào mà một người có thể chỉ ngồi và ngắm một con ngựa liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ? Vợ tôi cho rằng đó cũng là lý do vì sao cô ấy có thể ngồi xem hết một bộ phim và ngắm Robert Redford liên tục trong nhiều giờ.
Nhưng có thứ gì đó sâu xa hơn đang xảy ra. Không có gì đảm bảo rằng nhân vật của Redford có thể thuần hóa con ngựa ấy hay không. Nhưng ông ấy biết rằng sẽ không đạt được mong muốn nếu ông cố ép con ngựa phải thay đổi. Ông không cảm thấy buồn khi con ngựa không hợp tác. Ông không la hét hay mắng mỏ con ngựa vì hành vi của nó. Ông ấy không để cảm xúc của mình bị sai khiến bởi những gì con ngựa làm hay không làm.
Robert Redford biết rằng chỉ có một thứ mà ông có thể kiểm soát: chính bản thân ông. Điều đó giúp ông không trở thành nạn nhân của hành vi của con ngựa. Ông đơn giản chỉ ngồi trước mặt con ngựa và để yên cho nó. Ông không dùng vũ lực; ông dùng sự ảnh hưởng. Chỉ bằng việc ngồi ở đó và chấp nhận con ngựa ông, đã dần dần xây dựng lòng tin, và cuối cùng con ngựa bắt đầu hồi đáp lại ông ấy.
Dĩ nhiên, con người không phải là loài ngựa. Công việc của chúng ta không phải là khiến người khác phục tùng ý nguyện của chúng ta. Chúng ta muốn tìm một đi hướng đi chung cho hai người khác nhau với hai cách nhìn nhận khác nhau để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
Có một nguyên tắc ở đây. Cố ép buộc người khác thay đổi hay cư xử theo cách nào đó chỉ có thể đặt chúng ta vào thế thất bại. Chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến họ bằng việc đi cùng với họ, tồn tại trong đời sống của họ, theo dõi, nghiên cứu họ và chấp nhận họ. Nhưng không có gì chắc chắn rằng họ sẽ thay đổi.
Việc chúng ta không trở thành nạn nhân của những lựa chọn của họ là cực kì quan trọng. Chúng ta tự chịu trách nhiệm về bản thân, chứ không chịu trách nhiệm về họ. Nếu hạnh phúc và danh tính của chúng ta đều dựa vào những gì người khác làm, vô hình trung chúng ta đã cho họ quyền quyết định cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải tự làm chủ bản thân, và xin đừng trao cái quyền ấy vào tay bất kì ai khác.
Việc này cũng giống như trò chơi cờ đam vậy. Chúng ta di chuyển quân cờ ngang dọc bàn cờ, và đối thủ của chúng ta cũng làm điều tương tự với các quân cờ của họ. Công việc của chúng ta chính là điều khiển nước đi của mình, đồng thời ứng phó với nước đi của đối thủ. Chúng ta không thể kiểm soát cách chơi của đối phương; điều duy nhất mà chúng ta có thể kiểm soát là cách ứng đối của bản thân. Thực thô lỗ nếu chúng ta chạy qua phía bên kia bàn cờ và điều khiển quân cờ của họ nếu họ không chơi theo cách mà chúng ta cho là đúng.
Trong các cuộc đối thoại căng thẳng, chúng ta thường cảm thấy bực bội nếu người kia không phản hồi theo cách mà chúng ta muốn. Có thể chúng ta cảm thấy bực bội với những lời mà họ nói ra. Vào thời điểm đó, chúng ta có thể chọn cách buông xuôi theo cơn giận dữ, hoặc ta có thể chọn cách xử lý nó một cách thích hợp. Nếu đầu hàng, chúng ta sẽ mất quyền kiểm soát. Chúng ta sẽ để những lựa chọn của họ quyết định cảm nhận của chúng ta.
Việc giao tiếp hiệu quả có thể xảy ra chỉ khi chúng ta ở bên bàn cờ của mình. Chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác nói hay làm, ngay cả nếu chúng ta cảm thấy bực bội với hành xử của họ. Chúng ta chỉ có thể điều khiển bước đi của bản thân cũng như cách chúng ta đáp lại những bước đi của họ.
Nó giống như khi cảm giác nản lòng nảy sinh khi chúng ta phải dạy ai đó cách làm một việc gì đó nhưng họ lại tiếp thu quá chậm. Chúng ta muốn nhảy vào làm thay cho họ bởi vì làm vậy xem ra dễ dàng hơn là nhìn họ loay hoay mất thời gian.
Khi vợ tôi mua một chiếc máy tính để làm việc, cô ấy đăng ký khóa học hướng dẫn trong 1 năm, theo lối một-kèm-một. Mỗi tuần một lần cô ấy có thể ghé cửa hàng máy tính và một hướng dẫn viên sẽ dạy cô ấy một kĩ năng mới.
Một số hướng dẫn viên giải thích trình tự, làm mẫu, và rồi để cô ấy tự thực hiện vài lần cho đến khi trở nên quen thuộc. Nhưng một số người khác lại chỉ giải thích, thực hiện mẫu cho cô ấy xem và nghiễm nhiên cho rằng cô ấy đã hiểu rồi. Nhưng cô ấy sẽ nói: “Không, tôi cần thử tự làm để hiểu nó.” Cô có thể cảm nhận thấy rõ sự khó chịu của họ trong lúc nhìn cô thực hiện các thao tác đó.
THÓI QUEN ĐIÊN RỒ
Định nghĩa phổ biến của từ “điên rồ” là: “Lặp đi lặp lại nhiều lần một hành động trong một khoảng thời gian dài với hy vọng rằng kết quả sẽ khác đi.” Đó là một khái niệm đơn giản đến độ chúng ta thường bỏ qua tác động của nó, đặc biệt trong những mối quan hệ. Trong nhiều năm, chúng ta đã học được những kiểu giao tiếp bằng việc quan sát xem đâu mới là cách làm hiệu quả. Chúng ta đã khám phá ra cách để khiến những người xung quanh mất bình tĩnh, và họ cũng đã nhìn ra điều tương tự ở chúng ta.
Chúng ta quyết định hao tâm tổn trí cho một mối quan hệ vì muốn thấy nó phát triển. Tuy nhiên, khi vấp phải mâu thuẫn trong giao tiếp, chúng ta lại trở về với những kiểu giao tiếp cũ của mình. Thay vì chủ động lựa chọn phương thức phản ứng thích hợp, chúng ta lại để não của mình ở chế độ lái tự động. Chúng ta nói mà không nghĩ, và chúng ta cho phép người khác nhấn những lên những chiếc nút cũ có khả năng quyết định phản ứng của chúng ta. Chúng ta quên rằng mình có thể chọn cách mình phản ứng. Chúng ta không được trở thành nạn nhân của cảm xúc của mình; chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn.
Thật điên rồ khi cho rằng những những kiểu giao tiếp cũ sẽ có hiệu quả trong một tình huống mới. Nếu chúng ta muốn có những kết quả khác biệt, chúng ta cần phải có những lựa chọn khác biệt. Cách nhìn nhận không hiệu quả đang cản trở những cách nhìn nhận có hiệu quả. Túi da của chúng ta đã quá cũ rồi. Chúng rất dễ rách và cần phải được thay thế.
Vậy chúng ta cần phải thay thế chúng bằng cái gì? Dưới đây là một vài cách nhìn nhận đáng cân nhắc nếu chúng ta muốn giao tiếp một cách hiệu quả hơn.
Hãy thay thế việc đổ lỗi cho người khác bằng việc làm chủ bản thân. Chúng ta cần chịu trách nhiệm về những gì mình làm trong bất cứ mối quan hệ hay cuộc đối thoại nào. Khi cho rằng người khác là vấn đề, chúng ta đã vô tình cắt đứt quá trình giao tiếp. Đổ lỗi cho người khác không mang lại hiệu quả nào cả bởi chúng ta từ bỏ quyền kiểm soát chính bản thân mình trong mối quan hệ. Cho rằng người khác cần phải thay đổi để mọi thứ trở nên khác đi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã để cho họ nắm quyền kiểm soát mối quan hệ và từ bỏ sức ảnh hưởng của bản thân.
Hãy thay thế những kỳ vọng bằng hy vọng. Khi đặt quá nhiều kỳ vọng về một điều gì đó sẽ xảy ra, chúng ta thường sẽ bị thất vọng. Chúng ta xếp đặt kịch bản cho cuộc đối thoại, trăn trở suy nghĩ về việc mình sẽ phải nói gì, đối phương sẽ phản ứng ra sao cũng như nếu họ làm như vậy, mình sẽ phải đáp trả như thế nào. Nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ có bất kì ai chịu đọc kịch bản mà chúng ta viết sẵn cho họ, và điều đó khiến chúng ta cảm thấy bực bội. Họ không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta, và chúng ta thì không biết nên phản ứng như thế nào.
Vậy nên sẽ tốt hơn khi chúng ta chỉ đơn giản là hy vọng. Chúng ta không biết mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào và chỉ đơn giản là lường trước kết quả có thể xảy đến. Chúng ta lựa chọn những gì mình nói và cách mình phản ứng trong cuộc trò chuyện, nhưng chúng ta không lên kế hoạch trước cho nó. Chúng ta không chuẩn bị trước những gì đối phương sẽ nói trong cuộc đối thoại. Chúng ta chỉ đơn giản lắng nghe những gì họ nói và sau đó đáp những bước đi của họ.
Các cuộc đối thoại không phải là những kịch bản viết sẵn để đọc thuộc lòng; chúng là sự trao đổi thực tế ngoài đời giữa hai con người. Mục tiêu chính là sự kết nối, không phải sự chuyển đổi một chiều.
Hãy thay thế các giả định bằng sự thật. Khi nhìn nhận bản thân dựa trên ý kiến của người khác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tự chọn trước cho mình kết cục thất bại và bực dọc, chán nản. Lòng tự trọng và danh tính của chúng ta trở thành sản phẩm của cách nhìn từ những người xung quanh. Điều đó thật nguy hiểm, bởi vì chúng ta đã từ bỏ quyền làm chủ những cảm xúc của mình trong khi cố gắng làm người khác hài lòng.
Càng khó hơn khi chúng ta tạo ra những giả định về cách người khác nhìn nhận mình. Họ chưa nói rằng chúng ta nhạt nhẽo, phiền phức hay thấp kém; chúng ta tự cho rằng đó là những gì mà họ cảm thấy. Những điều này thường phản ánh lối suy nghĩ của chúng ta về chính bản thân mình. Sự việc vẫn tiếp tục luẩn quẩn trong một vòng xoắn ốc, ngày một phát triển theo hướng tệ hơn bởi chúng ta tin vào những giả định không chính xác đó và để chúng định hình cách nhìn nhận của chúng ta về bản thân.
Sự thật là nền tảng cho lòng tự trọng lành mạnh. Việc tạo ra những giả định về cách người khác nhìn nhận chúng ta biến chúng ta thành những kẻ chỉ biết chăm chăm làm người khác hài lòng. Quan điểm của chúng ta về bản thân đều phụ thuộc vào việc liệu người khác có thích chúng ta hay không, do đó, chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể để chiếm được cảm tình của họ. Trong quá trình đó, chúng ta đã vô tình từ bỏ con người thực sự của mình.
Hãy thay thế sự ích kỉ bằng sự đồng tâm hiệp lực. Hiệp lực là một hỗn hợp của sự quyết tâm và lòng trắc ẩn. Quyết tâm nghĩa là chúng ta đủ mạnh mẽ để đấu tranh cho quyền lợi và nhu cầu của bản thân, trong khi lòng trắc ẩn đại diện cho sự tận tâm trong việc tìm kiếm lợi ích tối đa cho người còn lại.
Trong các cuộc đối thoại căng thẳng, những người chỉ có quyết tâm thường tập trung vào việc tìm kiếm một kết quả thỏa mãn bản thân và không quan tâm tới nhu cầu của người còn lại. Họ không nhất thiết phải cứng nhắc với quan điểm của mình hay khăng khăng rằng mình đúng, nhưng ưu tiên hàng đầu của họ là đạt được một giải pháp có thể khiến họ hứng thú thay vì buộc họ phải chấp nhận. Đây là một cách nhìn nhận ích kỉ và sẽ không thể giúp chúng ta hóa giải sự căng thẳng trong các cuộc đối thoại.
Một người chỉ có lòng trắc ẩn lại thường chỉ quan tâm đến tìm kiếm các giải pháp có thể khiến đối phương cảm thấy thỏa mãn. Họ làm mọi thứ có thể để đảm bảo điều đó xảy ra, và thường trả giá bằng chính những ước muốn của bản thân. Những người này thường chọn cách nhượng bộ để lảng tránh xung đột. Đây là một cách nhìn nhận yếu đuối và luôn luôn khiến cho mối quan hệ trở nên không bình đẳng.
Mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến là cả hai người trong một mối quan hệ đều phải có cả lòng trắc ẩn lẫn sự quyết tâm để tìm ra một giải pháp có thể thỏa mãn được nhu cầu của cả bản thân họ lẫn đối phương. Đó là một cách tiếp cận lành mạnh bởi vì cả hai người đều cùng làm việc như một đội để đạt được một kết quả tốt. Đó là sự hiệp lực.
Hãy thay thế lòng kiêu hãnh bằng sự khiêm tốn. Khi tin tưởng chắc chắn rằng cách nhìn nhận của mình là thứ chính xác duy nhất, chúng ta sẽ phớt lờ quan điểm của người khác. Sự kiêu hãnh đó có thể cản trở việc giao tiếp hiệu quả. Khiêm tốn là khi chúng ta không quá gay gắt trong việc bảo vệ quan điểm của bản thân, đồng thời sẵn sàng khám phá góc nhìn của người đối diện.
Khi quá gay gắt bảo vệ một ý kiến trái với quan điểm của người khác, chúng ta thường tập trung sức lực của mình vào đối phương thay vì vào vấn đề đang thảo luận, ôm khư khư suy nghĩ rằng nghĩ rằng họ đã sai và chúng ta mới đúng. Dù có nhận thấy một vài sự hợp lý từ quan điểm của họ, chúng ta cũng không muốn thừa nhận do cho rằng làm như vậy đồng nghĩa với việc tỏ thái độ yếu thế.
Khiêm tốn không đồng nghĩa với việc họ đúng hay chúng ta sai. Nó có nghĩa rằng mối quan hệ quan trọng hơn vấn đề. Niềm kiêu hãnh ngăn cản chúng ta nói chuyện thật lòng vì khi đó, chúng ta không muốn khám phá bất cứ điều gì nằm ngoài quan điểm của mình. Khi điều đó xảy ra, sợi dây liên kết giữa song phương sẽ bị gián đoạn. Sự khiêm tốn là cơ sở của tất cả cuộc trò chuyện hiệu quả – đặc biệt là những cuộc đối thoại căng thẳng.
XẾP HẠNG ƯU TIÊN CÁC MỐI QUAN HỆ
Khi xây dựng danh tính dựa trên cái nhìn của những người xung quanh, chúng ta sẽ không muốn ai nghĩ xấu về mình. Lối suy nghĩ này khiến chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức để đảm bảo rằng bản thân được yêu quý bởi tất cả mọi người. Chúng ta đưa ra những lựa chọn dựa trên lợi ích của họ thay vì của chính bản thân mình. Điều đó có thể rút cạn sức lực của chúng ta.
Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn trước đây do các công cụ để kết nối giữa người với người đang nhiều hơn bao giờ hết. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải kết nối và gây ấn tượng với nhiều người hơn.
Khi mở tài khoản Facebook, bỗng nhiên, tôi lại được cập nhật thông tin về những người quen cũ đã không gặp mặt suốt hàng chục năm. Nhiều người trong số đó là bạn bè từ hồi còn học cấp ba hay đại học, và họ gửi yêu cầu kết bạn. Tôi chấp nhận rất nhiều trong số yêu cầu đó bởi vì chúng tôi từng là những người bạn và tôi thực sự muốn kết nối lại với họ. (Trên thực tế, tôi nghĩ nhiều người kết nối với nhau chỉ để biết dạo này họ trông như thế nào sau từng ấy năm.)
Mạng xã hội đã đưa nhiều người vào cuộc đời chúng ta. Nếu không cẩn thận, rất có thể ta sẽ vô tình cho phép quá nhiều người được xuất hiện trong cuộc sống của mình so với mức chúng ta đủ khả năng xử lý. Do từng là bạn bè trong quá khứ, chúng ta cảm thấy mình cần phải duy trì tình bạn ở mức độ như ngày xưa. Chúng ta đã nhường quyền điều khiển các quân cờ của bản thân cho họ. Nhưng mỗi người chỉ đủ sức để duy trì một lượng mối quan hệ nhất định. Cố duy trì kết nối với tất cả mọi người cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình làm nhạt đi từng mối quan hệ.
Vậy chúng ta nên làm gì? Phớt lờ những người bạn đó sao? Không, chúng ta cần phân hạng ưu tiên họ. Chúng ta phải quyết định ai sẽ nhận được nhiều sự chú ý nhất và ai nhận được ít hơn. Họ càng gần gũi với chúng ta, thì họ càng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Người bạn đời của chúng ta và những người thân trong gia đình là nên được gắn bó nhất, vì thế, mối quan hệ với họ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Chúng ta dành nhiều thời gian với họ nhất, và những mâu thuẫn hay căng thẳng với họ cũng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới chúng ta. Nếu trải quá rộng cảm xúc của mình, ta sẽ không có đủ năng lượng để duy trì những mối quan hệ quan trọng. Làm chủ nghĩa là quyết định những người mà mình sẽ trò chuyện cùng cũng như tình trạng của các mối quan hệ đó.
Chính chúng ta là người phải quyết định ai sẽ nhận được sự chú ý của chúng ta và họ sẽ nhận được nhiều hay ít (chúng ta phải xác định ưu tiên và thứ tự):
• bạn bè gần gũi
• họ hàng đại gia đình
• đồng nghiệp hàng xóm
• những người quen trong nhà thờ và cộng đồng
• khách hàng và đối tác
• bạn bè trên mạng xã hội
• bạn cũ
Tôi tìm thấy và kết nối lại với một vài người bạn cũ từ thời cấp ba trên Facebook vì trước đây, chúng tôi từng vô cùng thân thiết. Chúng tôi chỉ theo dõi nhau thay vì dành ra cả nhiều tiếng đồng hồ trò chuyện trên mạng xã hội. Chúng tôi thỉnh thoảng bình luận vừa đủ về cuộc sống của nhau.
Những người khác thường xuyên đăng tin tức và cố gắng xây dựng lại những mối quan hệ trong quá khứ. Có vẻ họ cảm thấy tổn thương vì tôi không có phản ứng tương tự. Họ không phải là vô giá trị với tôi, chỉ là tôi đã xếp họ vào danh sách mức độ ưu tiên thấp của tôi. Tôi không muốn hi sinh những mối quan hệ hiện tại của mình cho những mối quan hệ trong quá khứ. Tôi có trách nhiệm làm chủ lựa chọn của mình, không phải họ.
Tôi từng cảm thấy có lỗi khi tôi không giữ liên lạc với những người mà tôi gần gũi trong quá khứ. Nhưng có một vài người chỉ xuất hiện trong đời ta chỉ một thời gian ngắn, và sau đó chúng ta lại tiếp tục sống cuộc sống của mình. Cũng tốt thôi. Chúng ta trở thành con người mới tại những nơi mới.
NHỮNG BƯỚC HÀNH ĐỘNG THỰC TIỄN ĐỂ LÀM CHỦ BẢN THÂN
Vậy chúng ta phải làm gì để duy trì sự kiểm soát với các quân cờ của bản thân trong các tình huống đối thoại căng thẳng?
• Nhận thức rõ ràng rằng phương thức giao tiếp của chúng ta cần phải thay đổi khi các mối quan hệ thay đổi.
• Chấp nhận rằng chúng ta không thể thay đổi được người khác, nhưng chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến họ.
• Quyết định không để giá trị của bản thân phụ thuộc vào cái nhìn của người khác.
• Nhớ rằng các mối quan hệ lành mạnh cần những người lành mạnh, độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau.
• Cương quyết không trở thành nạn nhân.
• Hiểu rõ rằng chúng ta chịu trách nhiệm về bản thân mình. Những người khác chịu trách nhiệm về bản thân họ.
Học cách làm chủ bản thân sẽ đặt chúng ta vào một vị trí hoàn hảo để trò chuyện một cách thẳng thắn khi cần thiết.